![]() |
Với Toàn, những tháng ngày chống nạng gỗ vượt hàng chục cây số đường núi gập ghềnh đến lớp, những đêm dài nằm liệt giường vì bệnh tật hành hạ, những ngày vất vả lam lũ giúp bố mẹ mọi việc trong gia đình là những kỷ niệm buồn không thể nào quên trong cuộc đời của chàng trai xứ Nghệ. Trong lúc các bạn cùng trang lứa rủ nhau í ới đi học, Toàn lại phải ngồi nhà vì bệnh tật.
Nhiều khi nghe tiếng trống trường và tiếng bạn bè rủ nhau đi học, những lúc ấy Toàn cứ nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Thấy con mình bảo vậy, bố mẹ Toàn nghĩ con nói đùa cho vui, vì nó bệnh tật không đi lại được thì làm sao mà đến lớp. Nhưng kỳ lạ thay, ngày nào Toàn cũng lặp đi lặp lại một câu nói: "Mẹ ơi con muốn đi học". Vì thương con, thế là bố mẹ cũng đồng ý để Toàn đi học.
Những ngày đầu đi học Toàn còn được bố mẹ, bạn bè bồng bế đến trường. Nhưng mấy năm sau, cậu tự mình chống nạng đi đến trường mà không cần sự giúp đỡ của ai. Những lúc đi học trên con đường dốc núi cheo leo, đôi chân của Toàn bị teo cơ nên té ngã. Nhiều hôm lên lớp mặt mày thâm tím với những vết trầy xước nhưng Toàn không nản chí.
Đôi chân tật nguyền của cậu vẫn bước đi miệt mài trên những con đường gập ghềnh. Đối với một học sinh bình thường, việc đi học ở vùng núi đã là vô cùng khó nhọc thì với Toàn quả là "cực hình". Những ngày mưa to gió lớn, khi nước lũ tràn về vùng núi này, dòng nước chảy xiết có thể cuốn trôi tất cả những gì trên mặt đất. Nhiều hôm đi học Toàn phải chống gậy lần từng bước một. Bùn lầy cộng với đất đỏ trơn trượt, không biết bao nhiêu lần Toàn bị trượt té, quần áo chỉ còn một màu đỏ của đất. Với những nỗ lực không biết mệt mỏi đó, năm năm cấp I Toàn đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Bốn năm học cấp II, kết quả học tập của Toàn đã khiến các bạn trong lớp phải "ngả mũ kính phục". Không chỉ giỏi đều tất cả các môn học, Toàn tỏ ra rất có năng khiếu với các môn thuộc lĩnh vực tự nhiên. Nhiều hôm sau giờ tan học, khi cả lớp đã ra về hết, Toàn vẫn ngồi một mình trong lớp để giải cho xong bài tập. Nhờ sự vượt khó, vượt khổ trong cuộc sống và học tập, bốn năm cấp II Toàn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Với Toàn, kết quả học tập ấy được xem là "kỳ tích" mà rất nhiều bạn bè khỏe mạnh khác cũng phải ao ước.
Lên cấp III, Trường THPT Quỳ Hợp 2, vì đường sá đi lại khó khăn, do địa hình chủ yếu là núi cao, để đến lớp Toàn phải nhờ bố mẹ chở đi học, có hôm cậu tự mình chống nạng đi hàng chục cây số đường dốc đến trường. Trên những con đường dốc ấy nhiều khi Toàn bị kiệt sức, nhưng rồi cậu cố gượng dậy để đi tiếp. Khi bước chân vào giảng đường đại học, chàng sinh viên lớp Tin K31B, khoa công nghệ thông tin phải đương đầu với rất nhiều khó khăn.
Do phòng học nằm tít ở tầng bốn, việc chống nạng vượt cầu thang của Toàn gặp vô vàn khó khăn. Nhiều lần cậu bị trượt chân té ngã, thâm tím mặt mày trên những bậc cầu thang ấy. Những lúc đó, Toàn lại nghĩ đến lời động viên của bố mẹ: "Khi tất cả mất đi thì tương lai vẫn còn" để làm động lực phấn đấu. Thầy Nguyễn Thanh Chương, chủ nhiệm lớp Tin K31B, khi nói về Toàn đã không giấu được sự tự hào: "Em Toàn là một người rất đặc biệt, không chỉ học giỏi, ngoan ngoãn, mà cách vượt khó, vượt khổ của em đáng để nhiều bạn sinh viên khác phải học tập".
Không ai biết rằng những ngày trời miền Trung nóng như thiêu đốt, để đến lớp Toàn phải chật vật trèo lên mấy lượt cầu thang, mồ hôi nhễ nhại và nhiều tai nạn đã xảy ra. Vào mùa mưa, con đường đến lớp của Toàn lại gian nan hơn gấp bội. Nhưng vượt qua tất cả, hằng ngày tôi vẫn thấy Toàn bước đi từng bước khó nhọc để bám trường bám lớp.
Hi vọng với những nỗ lực phi thường của mình, Toàn sẽ tìm được con đường có ánh sáng ở phía trước để vươn tới.
Áo Trắng số 4 (ra ngày 1-3-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận