30/01/2005 05:24 GMT+7

Tạp bút: Ngoại ơi!

BÍCH NGÂN
BÍCH NGÂN

TTCN - Chỉ mất hai giờ đồng hồ của hai ngày nghỉ trong tuần là tôi và các con tôi có thể được nhìn thấy ngoại, được nghe ngoại nói, được ngoáy trầu cho ngoại ăn và được thấy niềm vui nỗi buồn trong mắt ngoại. Vậy mà có tuần tôi chỉ gặp ngoại qua điện thoại: “Ngoại ăn được, ngủ được, con đừng lo!”.

Ngoại luôn nói “Con đừng lo” nhưng mỗi lần gặp tôi lại thấy ngoại yếu hơn. Những món ăn ngày nào ngoại ăn rất ngon giờ chỉ ăn được chút ít cốt để con cháu vui lòng. Di chuyển trong nhà, ngoại phải nương tựa vào dì Út hay lần theo tường hoặc vịn vào ghế. Vậy mà lần nào mẹ con tôi ra về, ngoại cũng lần ra đến ngạch cửa, ngồi ở đó, đưa mắt nhìn theo mẹ con tôi cho tới khi mất hút. Vừa đến nhà, nghe chuông điện thoại reo, tôi biết là ngoại gọi: “Mẹ con bây về rồi hả, thôi đừng về thăm ngoại thường, đường sá xa xôi, cực khổ lắm!”.

Nghe ngoại nói, tôi thấy cay xè nơi mắt. Cái cực cỏn con mà ngoại lo cho mẹ con tôi có thấm vào đâu so với nỗi vất vả triền miên mà ngoại đã dưỡng nuôi anh chị em chúng tôi, một lũ cháu lít nhít vắng cha thiếu mẹ.

Rứt núm ruột mình gửi lại cho mẹ, cha mẹ tôi và cha mẹ của các anh chị em con cậu con dì lần lượt đi kháng chiến. Lớn nhỏ, chị em tôi đều quấn lấy ngoại. Ngoại dắt díu đứa lớn, tay ẵm tay bồng đứa bé. Đứa nóng đứa lạnh, đứa khóc đứa la nhưng chị em tôi chưa bao giờ nghe ngoại nặng lời nhiếc mắng hay bị phạt bị đòn. Mỗi vết muỗi cắn làm mẩn đỏ trên da thịt lũ cháu cũng làm ngoại xốn xang. Khi có đứa cháu ấm đầu sổ mũi là ngoại gần như không dám chợp mắt. Tiếng võng ru kẽo cà kẽo kẹt thâu đêm.

Ngoại vỗ về lũ cháu bằng sự dịu dàng và bằng lời ru buồn, thật buồn. Tiếng ru não nuột của ngoại khiến chị em tôi không đứa nào dám cục cựa, cứ nằm im thin thít và sợ ngoại... cũng khóc, sợ luống cải xanh nuột trước sân bay hết về trời, sợ cánh cò trắng phau chấp chới chỗ lùm cây bình bát té xuống ao sâu... Rồi mỗi khi nghe tiếng máy bay quần đảo, tiếng bom xa tiếng súng gần, ông bà vội đưa lũ cháu xuống hầm tránh bom rơi đạn lạc. Lạ là ở dưới hầm sâu, có lúc ngọn đèn hột vịt phụt tắt vì tiếng bom dội, trong bóng tối và trong âm thanh rền rú, chị em tôi ôm chặt lấy nhau mà không gào khóc. Chúng tôi tin phép mầu của ông Bụt cô tiên và chúng tôi tin vào sự chở che của ngoại.

Tôi nhớ, vào những ngày giáp tết như thế này, khi hít thở được mùi hương của lúa của nếp từ ngoài đồng theo ngọn gió chướng lượn lờ, thoang thoảng là chị em tôi háo hức, chờ đợi. Trời tắt nắng, ông ngoại mới xô xuồng, chống một hơi ra vạt nếp oằn bông được cấy gần nhà, hì hụi cắt những bụi nếp vừa chín tới rồi cột lại thành từng bó chất lên xuồng. Chiếc xuồng nếp quay về cũng là lúc màu đỏ ửng của ráng chiều nhạt dần sau lưng ông, hắt ánh sáng cuối ngày lên cánh đồng lao xao gió.

Vào nhà, từng bó nếp được đặt lên giữa chiếc đệm, hai bàn chân ông ngoại vừa xoay tròn bó nếp vừa đạp liên tục. Khi giũ rơm bỏ qua một bên, trên tấm đệm là những hột nếp nâu sẫm. Nếp được bà ngoại lần lượt cho một ít vào cái chảo nóng, rang đều. Khi mùi thơm bốc lên, bà nhấc chảo khỏi bếp, nhanh tay đổ nếp vừa được rang chín lên chiếc bao bố tời, để chị em tôi lần lượt hai đứa một nắm chắc bốn góc bao, sẵn sàng vùng lắc ngay sau khi ông ngoại cầm chày giã nếp đang bốc khói. Chỉ chừng mươi nhịp chày là nếp chín biến thành cốm dẹp, mùi thơm sực nức.

Ông bà ngoại để chị em tôi mặc sức nhai nhóp nhép mớ cốm dẹp thơm phức, ngọt dẻo và thanh khiết hương vị đất trời. Thường đến mẻ cốm dẹp thứ ba, thứ tư ngoại mới lấy nước dừa xiêm và cơm dừa đã nạo thành sợi trộn vào. Trong lúc bà cháu lúi húi nói cười bên mẻ cốm dẹp đầu mùa thì ông ngoại đã nướng chín mấy con cá lóc trên lửa đỏ và chai rượu sẵn sàng bên cạnh. Vừa nhâm nhi ly rượu ông vừa bỏ thêm rơm rạ vào bếp lửa. Ngọn lửa bập bùng, tí tách. Trên trời cao, những vì sao mọc sớm nhấp nháy như mỉm cười...

Ngoại ơi! Ngoại ráng khỏe để tết này còn về thăm quê. “Ngoại cũng muốn lắm nhưng... không biết có còn đi nổi...”. Như để lượng sức, ngoại cố gượng đứng lên. Tôi nâng ngoại đứng dậy. Ngoại dựa vào tôi, lắc đầu, mắt mờ nước. Tôi cố giữ thật lâu trong vòng tay mình cái thân thể gầy gò thân thiết, cái thân thể đã sinh ra một đàn con và cưu mang một lũ cháu, cái thân thể đã vắt kiệt mình cho bao tình thương yêu...

BÍCH NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên