![]() |
Ảnh: Minh Tự |
Cái “ngọn núi ảo ảnh” (như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi về Bạch Mã) ấy đã cuốn hút tôi từ những ngày bắt đầu thành niên với những giấc mơ chinh phục, đã lưu lại biết bao kỷ niệm lãng mạn thời sinh viên.
Thế rồi một đêm mùa xuân lạnh giá ở xứ sương mù Đà Lạt, tôi vùi mình trong chăn nằm đọc thiên bút ký Ngọn núi ảo ảnh của Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc nó vẫn còn lặng lẽ trên trang bản thảo, do một người bạn là võ sinh của Nghĩa Dũng đường từng luyện mình trên ngọn kỳ sơn ấy chuyển cho tôi với một niềm đồng vọng Bạch Mã.
Tôi lạnh cả người khi đọc đến câu thơ tiên giáng dưới chân núi Bạch Mã Đào hoa lưu thủy bận tâm làm gì... và vỡ òa hạnh phúc khi đọc đến đoạn ông nhà văn cùng với người bạn đường rừng của mình là võ sư Dương (chính là võ sư Nguyễn Văn Dũng) bất ngờ bắt gặp một cây anh đào Đà Lạt bị vùi lấp trong đám lau lách đang lặng lẽ nở hoa, bên cạnh ngôi biệt thự hoang tàn của một bà đầm tên Roma nào đó mà chỉ người ở vùng sơn cước Khe Sanh - Lao Bảo mới rõ.
Đêm ấy, phía ngoài cửa sổ ngôi biệt thự hoang tàn nơi tôi đang trú ngụ ở Đà Lạt, cây anh đào cũng đang bừng nở một sắc hồng rực rỡ đến nao lòng. Một cây anh đào Đà Lạt trên núi Bạch Mã, điều đó có thể không có gì đặc biệt với ai đó; nhưng với tôi, khi đã có khá nhiều ký ức về hai vùng núi huyền ảo ấy thì cây hoa anh đào trở thành như một kỷ vật nối kết cho một tình yêu. Vì vậy, ngay đêm đó tôi tự dặn lòng sẽ có ngày trở về lại ngọn - núi - ảo - ảnh để tìm cho bằng được cây anh đào đã lặng lẽ khoe sắc hồng rực rỡ bao mùa xuân rồi giữa núi rừng hoang vu.
Và một lần nữa, cái cảm giác sung sướng vỡ òa đã trở lại với tôi, khi cái quầng sáng màu hồng tươi tắn rực rỡ của một cây anh đào hiện ra bên con đường dẫn lên đỉnh Bạch Mã. “Rõ ràng là một cây anh đào Đà Lạt” - tôi lẩm bẩm trong vô thức cái câu mà Hoàng Phủ đã lầm rầm khi phát hiện ra cây anh đào giữa lau lách đìu hiu. Chỉ có điều cây anh đào này không phải là cây anh đào năm đó.
Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi vẫn không thấy ngôi biệt thự của bà đầm tốt bụng tên Roma cùng với cây anh đào mọc giữa lau lách mà chỉ gặp thêm một cây anh đào nữa, trông có vẻ yếu ớt và không trổ hoa, mọc phía trước biệt thự Phong Lan. Sực nhớ lại câu thơ tiên giáng dưới chân núi Bạch Mã năm xưa. Sao lại bận tâm đi tìm một địa chỉ cụ thể giữa chốn bồng lai ảo huyền này nhỉ?
Chúng tôi quay trở lại bày tiệc rượu dưới cây anh đào nằm bên hiên trại bảo an mà bây giờ được đặt tên mới là biệt thự Bạch Mã. Lúc này cái tán hoa màu hồng rực rỡ đã được pha thêm một chút sắc tím dưới ánh nắng chiều đông. Ngồi uống dưới cội hoa đào, thi thoảng một vài cánh hoa phớt hồng rơi xuống ly rượu, và sương mù thì cứ cuồn cuộn bay qua. Thật chẳng khác chi cảnh tiên!
Đêm xuống dần, sương mù đã đọng thành những hạt giá băng trên những cành hoa khẳng khiu và ướt đẫm trên vai áo. Chỉ còn nghe tiếng gió thổi xào xạc trên ngọn anh đào. Không khí như thể ngưng đọng lại cùng với cái mùi hương nồng của hoa được ướp trong giá lạnh.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện ban sáng dưới chân núi, khi võ sư Dũng báo tin cho ông giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã về việc một người Nhật nào đó sau khi lên chơi Bạch Mã đã trở về gửi sang tặng một số cây giống anh đào Nhật Bản để trồng trên ngọn núi có độ cao xấp xỉ 1.500m này.
Ông giám đốc cảm ơn nhưng từ chối, bởi vì Bạch Mã là vườn quốc gia, một bảo tàng thiên nhiên vì vậy không cho phép du nhập những nguồn gen ngoại lai vào đây được. Qui định nghiêm ngặt đó nhằm bảo vệ sự thuần khiết của nguồn gen đặc hữu, cũng như sự chính xác của các thông tin khoa học.
Hôm sau xuống núi, tôi liền tìm gặp người đã trồng những cây anh đào trên núi Bạch Mã. Đó là ông giáo già Tôn Thất Lôi, huynh trưởng hướng đạo một thời, hiện đang sống trong một khu vườn cổ xưa ở làng Lại Thế, ngoại ô Huế. 43 năm trước (1960), ông Lôi đã vào tận Đà Lạt mang về 300 cây anh đào (cùng với 20 cây mimosa và một số hạt giống thông ba lá), chuyên chở bằng tàu lửa xuống Tháp Chàm, sau đó sang tàu ra đến ga xép Cầu Hai, rồi dùng xe chở lên núi Bạch Mã. Những cây anh đào đó được trồng dọc theo hai bên con đường dẫn lên đỉnh núi. Chiến tranh và nhiều sự tàn phá khác đã khiến 300 cây chỉ còn lại hai cây.
Và câu chuyện miên man về hoa đào lại tiếp tục dẫn dắt đến câu hỏi: có nên trồng nhiều hoa đào trên Bạch Mã không? Ông cụ kể: “Tôi đã gặp ông giám đốc vườn quốc gia và đề nghị nên trồng một khu rừng anh đào trên đó. Để tránh sự lai tạp nguồn gen, ta nên khống chế diện tích cũng như số lượng cây bằng một biện pháp kỹ thuật gì đó. Vì Bạch Mã là vườn quốc gia, nhưng lại vừa là một khu du lịch nổi tiếng từ hơn 70 năm trước. Bạch Mã phải đẹp như đã từng...”.
Âu cũng chỉ là cái chuyện “đào hoa lưu thủy”, nhưng sao lòng dạ vẫn cứ bận tâm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận