Đối với người bình thường, huyết áp tối đa (còn gọi là huyết áp tâm thu) từ 90 - 139 mmHg và huyết áp tối thiểu (còn gọi là huyết áp tâm trương) từ 60 – 89 mmHg. Khi thấp hơn hoặc cao hơn con số này nghĩa là bạn đang có vấn đề về huyết áp, có thể huyết áp cao hoặc huyết áp thấp.
Các thai phụ thường hay bị chứng tăng huyết áp nhiều hơn. Đối với người bình thường, huyết áp cao là nguyên nhân của nhiều bệnh như: đái tháo đường, bệnh thận và các chứng tim mạch... Đối với phụ nữ đang trong thời gian thai kỳ lại càng nguy hiểm hơn bởi vì khi xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp sẽ kèm theo các biến chứng như phù thũng, đẻ non...
Ảnh hưởng của tăng huyết áp trong thai kỳ
Khi mang thai, các thay đổi sinh lí về tim mạch như nhịp tim nhanh, tăng lượng máu, một số bộ phận của cơ thể tăng sinh mạch máu, nên cần lượng máu đi qua nhiều hơn như vú, tử cung, nhau thai… Do đó, người phụ nữ mang thai phải được theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi thai từ 20 tuần tuổi, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
- Đối với thai phụ: Bị tăng huyết áp kèm với bệnh tim sẽ dẫn đến suy tim, cản trở chức năng cầm máu, chức năng của thận cũng bị suy giảm dẫn đến hiện tượng chảy máu não, gan tạng bị tổn thương, tiểu cầu cạn kiệt, máu không đông... Ảnh hưởng lớn nhất là việc tác động của nó lên hệ tim mạch dẫn đến hiện tượng tiền sản giật và tăng nguy cơ tử vong.
- Đối với thai nhi: Khi người mẹ bị tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thai có thể bị chết lưu trong tử cung, bị ngạt thở và chết do thiếu máu cục bộ hoặc đẻ thiếu tháng...
Các biểu hiện của chứng tăng huyết áp
Muốn biết chính xác số đo huyết áp phải sử dụng máy đo huyết áp, tuy nhiên nếu thai phụ chú ý quan sát sức khoẻ của bản thân có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: cảm giác căng thẳng, khó chịu, nhức đầu, thấy ù trong tai, hoa mắt, chóng mặt, nếu nhìn thấy mờ đi thì bệnh đã nặng. Khi xuất hiện triệu chứng trên thì phải nghĩ ngay đến cao huyết áp do nhiễm độc thai nghén. Bệnh này thường xảy ra sau tuần mang thai thứ 24.
Điều trị và phòng ngừa
Khi mang thai người phụ nữ cần phải khám thai thường kỳ và đo huyết áp mỗi lần khám thai. Nếu phát hiện bị tăng huyết áp trước khi mang thai (tăng huyết áp mạn tính) phải điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây tăng huyết áp.
Tăng huyết áp đơn thuần không có các biểu hiện của tiền sản giật cần theo dõi huyết áp thường xuyên khi khám thai, tuân thủ chế độ vận động, luyện tập đều đặn hàng ngày.
Tăng huyết áp trong tiền sản giật (tăng huyết áp + protein niệu + phù) phải được điều trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nhiều trường hợp điều trị nội khoa không có kết quả phải mổ lấy thai sớm vì quyền lợi và sức khỏe của mẹ.
Phòng bệnh tăng huyết áp tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm, thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp của mình trước khi có thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị cao huyết áp việc duy trì một chế độ ăn thích hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh ăn theo chế độ riêng thì bà bầu cần tuân thủ chế độ như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích…
Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai là tình trạng báo động một thai kỳ nguy cơ. Việc quan trọng cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai. Nếu có tình trạng tăng huyết áp xảy ra phải được sự can thiệp tốt nhất của bác sĩ chuyên khoa nhằm mang lại sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận