19/01/2005 17:06 GMT+7

Tăng học phí bán công: phụ huynh lắc đầu, nhà trường than vãn!

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Từ tháng 1-2005, học sinh hệ bán công ở TP.HCM phải đóng học phí với mức mới, cao hơn hẳn so với trước đây. Tất nhiên hầu hết phụ huynh, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, đều tỏ ý không đồng tình với việc tăng học phí.

TX1FCXY8.jpgPhóng to
Năm học này HS Trường THCS Thông Tây Hội (Q.Gò Vấp) chưa phải đóng học phí theo mức tăng mới - Ảnh: Hoàng Hương
TT - Từ tháng 1-2005, học sinh hệ bán công ở TP.HCM phải đóng học phí với mức mới, cao hơn hẳn so với trước đây. Tất nhiên hầu hết phụ huynh, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp, đều tỏ ý không đồng tình với việc tăng học phí.

Nhưng ngay cả một số trường bán công, những nơi được “hưởng lợi” từ việc tăng học phí, cũng tỏ ra dè dặt với mức học phí mới này. Thậm chí hiệu trưởng một số trường còn bày tỏ quan điểm thẳng thừng: không nên tăng học phí!

Nhiều HS sẽ phải bỏ học!

Với mức lương tạp vụ vài trăm ngàn đồng/tháng, nuôi hai đứa con ăn học đã là một cố gắng lớn đối với chị H. - một phụ huynh có con đang theo học một trường THCS bán công ở quận 3. “Tôi phải tính toán các khoản chi tiêu trong tháng rất kỹ càng. Tháng nào con bị bệnh là các khoản tiền dành cho việc đóng học phí lại bị hụt, thế là phải “khất nợ” học phí nhà trường, tháng sau chúng tôi phải chi tiêu dè sẻn hơn nữa để bù vào. Vài chục ngàn với nhiều người không là gì nhưng với chúng tôi nó rất cần thiết”.

Một phụ huynh ở quận 10 nghi ngại: “Tôi không biết mục đích chính của việc tăng học phí là gì, có thể là để tăng nguồn thu nhập cho giáo viên hay đầu tư cơ sở vật chất gì đó, điều ấy sau này sẽ rõ. Còn trước mắt, tăng học phí chắc chắn sẽ có nhiều gia đình khó khăn không cáng đáng nổi, nhiều HS có thể sẽ phải nghỉ học. Đừng nghĩ đơn giản mấy chục ngàn chỉ là mấy chục ngàn, lúc ngặt nghèo thì mấy chục ngàn là một món tiền lớn”.

Tiếp xúc với nhiều phụ huynh, chúng tôi ghi nhận hầu hết ý kiến đều tỏ ra lo lắng với mức học phí mới. Nhưng không chỉ phụ huynh không đồng tình với việc tăng học phí, ngay cả các trường, dù chưa chính thức thu học phí theo mức mới nhưng một số trường vẫn tỏ ra khá dè dặt. Hiệu trưởng một trường THPT có hệ bán công ở quận 12 cho biết: “Ở đây hầu hết HS là con nông dân, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Với mức học phí hiện nay, việc thu học phí cũng đã rất khó khăn. Nhiều em đã nợ học phí nhiều tháng liền, nhà công nhân viên chức, có đến 86,9% là con của lao động nghèo, gia đình thuộc diện giải tỏa, trong đó có 62 em mồ côi. “Nhiều phụ huynh đóng học phí mà như trả góp vậy, đóng năm lần bảy lượt mới đủ để trường xé cho cái biên lai thu học phí. Làm sao có thể tăng học phí đối với những thành phần như thế!”, bà Huệ bức xúc cho biết.

Trong khi đó, một thành viên ban giám hiệu Trường THCS bán công Cù Chính Lan (Q.Bình Thạnh) cũng băn khoăn: “Trên 50% HS của chúng tôi không thể kê khai nghề nghiệp của ba mẹ các em vì hầu hết làm thuê, làm mướn, buôn gánh bán bưng. Trong thâm tâm, chúng tôi không muốn tăng học phí chút nào”!

Càng tăng thêm sự bất công?

Với cơ chế tự thu, tự chi, các hoạt động của nhà trường bán công phải dựa chủ yếu vào học phí của HS. Thu học phí tăng, đồng nghĩa với việc ngân sách của các trường sẽ tăng theo, thế nhưng nhiều trường lại không muốn tăng học phí! Điều tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại là thực tế ở không ít trường.

Tăng học phí cào bằng (trong khi mỗi trường lại có đối tượng HS khác nhau) như vậy có vô tình đẩy nhiều trường vào tình thế khó khăn hơn? Hiệu trưởng Trường Cù Chính Lan cho biết: “Với thực tế của trường thì tăng học phí đồng nghĩa với HS bỏ học. Lọt sàng thì xuống nia, HS bỏ học thì phổ cập phải gánh, Nhà nước lại phải chi tiền cho việc phổ cập các em, trong khi chất lượng giáo dục mà các em được thụ hưởng lại không bằng ở bậc phổ thông”.

Mức học phí mới dành cho các trường bán công theo quyết định của UBND TP.HCM được áp dụng từ tháng 1-2005. Cụ thể, trường bán công tiểu học ở nội thành tăng từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/HS/tháng, ngoại thành từ 50.000 đồng lên 70.000 đồng. THCS nội thành từ 75.000 đồng lên 90.000 đồng, ngoại thành từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng. THPT nội thành từ 90.000 đồng lên 110.000 đồng, ngoại thành từ 75.000 đồng lên 90.000 đồng.

Đó là một nghịch lý: đem tiền đầu tư vào chỗ mà mình biết trước là kém hiệu quả hơn. Bà hiệu trưởng đặt câu hỏi: sao lại không lấy tiền lẽ ra đầu tư phổ cập để hỗ trợ học phí cho các em để các em khỏi phải bỏ học?

Với mức học phí mới, HS trường bán công đã phải đóng học phí nhiều gấp sáu lần HS trường công! “Đó là sự không công bằng trong giáo dục. Hầu hết HS trường bán công đều có học lực yếu và thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc tăng học phí càng tăng thêm sự không công bằng đó” - ông Chu Xuân Thành, nhà giáo ưu tú, hiệu trưởng Trường tiểu học tư thục Ngô Thời Nhiệm, bức xúc.

Để giải quyết, ông đề xuất bằng một bài toán học phí: TP.HCM hiện có khoảng 300.000 HS THCS (số tròn), trong đó có khoảng 20% học bán công (khoảng 60.000 HS). Học phí thu được trong một tháng của trường công là 240.000HSx15.000đ = 3,6 tỉ đồng; bán công là 60.000HSx75.000đ = 4,5 tỉ đồng. Tổng số học phí thu được là 8,1 tỉ đồng.

Lấy tổng số tiền này chia cho tổng số HS thì mỗi HS phải đóng 27.000đ. Như vậy, mỗi tháng HS trường công đóng thêm 12.000đ, trong khi trường bán công lại giảm được 48.000đ! “Vẫn đảm bảo nguồn thu trong khi mức tăng mới không phải là sự thay đổi lớn đối với gia đình các em trường công bởi hầu hết họ đều khá giả, và tôi nghĩ họ sẽ sẵn sàng san sẻ với những người nghèo khổ hơn mình”, ông Thành cho biết.

Trong khi đó, mặc dù đồng ý với chủ trương tăng học phí nhưng bà Hoàng Thị Hồng Hải, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, lại nhấn mạnh đến các chính sách cần thiết đối với HS nghèo. Bà cho biết: “Địa bàn Tân Phú chủ yếu là dân nhập cư, đời sống còn nhiều khó khăn. Cũng có những gia đình khá giả nhưng với những gia đình kiếm cơm từng ngày thì tăng học phí là nỗi lo thật sự. Các trường cần nắm rõ hoàn cảnh gia đình của HS để có các biện pháp hỗ trợ cần thiết, không để các em vì nghèo mà không được đi học”.

Cũng theo bà Hải, việc thu học phí theo mức mới cần được cân nhắc, thực hiện có kế hoạch, có định hướng cụ thể. Hơn nữa cũng không nên thu học phí vào lúc này vì như thế sẽ đánh động vào tâm lý của phụ huynh và HS bởi nhiều phụ huynh đã có kế hoạch cho cả năm rồi. Có lẽ vì vậy mà cùng với Q.Gò Vấp, Q.Tân Phú cũng quyết định tạm thời không thu học phí bán công theo mức mới trong năm học này.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên