06/11/2017 12:39 GMT+7

Tân Tổng thanh tra: 'Một bộ phận cán bộ hành động vô cảm'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Tân Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận "một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm".

Tân Tổng thanh tra: Một bộ phận cán bộ hành động vô cảm - Ảnh 1.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái lần đầu trình bày báo cáo về công tác PCTN trước Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm túc nhưng chỉ coi đó là thiếu sót, khi phát hiện ra thì xin lỗi. Xin lỗi không được thì thành thật xin lỗi

Đại biểu BÙI VĂN PHƯƠNG (Ninh Bình)


Trình bày báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng năm 2017, tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế dẫn đến kết quả phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận "ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra".

"Nhiều địa phương chưa chuyển biến mạnh mẽ"

Khẳng định công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2017 đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt và dự báo trong thời gian tới thì sự quyết tâm, quyết liệt sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, nhưng tân Tổng Thanh tra vẫn thừa nhận "một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm".

Một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống tham nhũng năm vẫn chưa đạt yêu cầu, theo báo cáo của Chính phủ, là một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng năm chậm được ban hành. Việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm.

"Việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm, tham nhũng. Việc đánh giá trách nhiệm của của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể" - ông Khái nói.

Để xảy ra tham nhũng, 39 người đứng đầu bị xử lý Để xảy ra tham nhũng, 39 người đứng đầu bị xử lý Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời Che giấu tài sản tham nhũng: không để lấy tay che mặt trời Công khai tài sản cán bộ, thu hồi tài sản tham nhũng Công khai tài sản cán bộ, thu hồi tài sản tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đến "việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế".

Công tác phát hiện, điều tra tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chưa đạt được tiến độ đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt.

"Xin lỗi không được thì thành thật xin lỗi"

Phát biểu về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng biện pháp công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng và pháp luật đã quy định rất rõ ràng, nhưng thực hiện lại không nghiêm.

Tân Tổng thanh tra: Một bộ phận cán bộ hành động vô cảm - Ảnh 4.

Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng nhiều cơ quan, đơn vị vi phạm quy định về công khai, minh bạch nhưng chế tài xử lý không nghiêm - Ảnh: Quochoi.vn

"Nhiều cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm túc nhưng chỉ coi đó là thiếu sót, khi phát hiện ra thì xin lỗi, mà xin lỗi không được thì thành thật xin lỗi" - đại biểu Phương bình luận.  

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng công khai, minh bạch là biện pháp vô cùng quan trọng để phòng chống tham nhũng, nhưng thực tế vẫn diễn ra tình trạng lạm dụng quy định bảo mật để không công khai các nội dung hoặc động và quản lý của các cơ quan, đơn vị. 

Đại biểu Phương cũng bày tỏ quan tâm đến báo cáo công tác phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với vấn đề nổi lên được Bộ trưởng Tô Lâm đề cập là có loại tội phạm hình sự núp bóng doanh nghiệp.

Ông cho biết theo dõi gần đây, các hình thức kinh doanh cầm đồ, công ty tài chính, hỗ trợ cho vay sinh viên mọc lên như nấm, nhưng việc kiểm soát hoạt động của họ rất lỏng lẻo. Các công ty này không cần tài sản bảo đảm, chỉ cần giấy tờ tùy thân là cho vay, mà vay với lãi suất rất cao.

"Người ta cho vay 10 triệu (đồng) nhưng ghi giấy nợ là 15 triệu, đến hạn mà không trả được nợ là họ đến tận nhà với dao kéo, gậy gộc. Đây là nguồn gốc làm phát sinh vi phạm, tội phạm trong sinh viên, học sinh" - đại biểu Phương lên tiếng.

Phá rừng trước mắt chính quyền, khởi tố không có bị can 

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc trước một số loại tội phạm ngang nhiên tồn tại, với các hành vi vi phạm và tội phạm diễn ra trước mắt chính quyền, trước mắt các cơ quan chức năng. Một trong số đó là hoạt động của lâm tặc. 

"Thời gian qua Thủ tướng và Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt, nhưng tình trạng phá rừng vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Đặc biệt, các cơ quan tư pháp dường như bất lực trước tình trạng phá rừng. Có nơi khởi tố được 25 vụ nhưng dường như không tìm ra được bị can" - đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nêu vấn đề.

Ông Hùng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt người đứng đầu những địa phương để xảy ra nạn phá rừng. 

Ông cho rằng việc phá rừng, chặt cây trong rừng sâu, nhưng nó gắn với địa bàn quản lý rất cụ thể, không thể nói lãnh đạo địa phương không biết. 

"Cử tri đặt vấn đề liệu có sự bảo kê, bao che cho lâm tặc hay không?" - ông Hùng bức xúc.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng bày tỏ: "Nhiều vụ phá rừng giữa thanh thiên bạch nhật xảy ra trong thời gian dài, xin hỏi cứ sự bảo kê, bao che không? Thật ngạc nhiên, có địa phương khởi tố 25 vụ phá rừng nhưng lại không khởi tố được bị can nào".

Trình bày trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ hứa trong năm 2018 sẽ "tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật".

Các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, tội phạm và vi phạm pháp luật, báo cáo của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao vào chiều nay và sáng mai (7-11).

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên