26/11/2010 10:44 GMT+7

Tán gia bại sản (tt)

MALCOLM GLADWELL
MALCOLM GLADWELL

TTO - Nassim Taleb đã trạc tứ tuần, cao và cuồn cuộn cơ bắp với bộ râu muối tiêu và mái đầu hói. Cặp lông mày của anh rất đậm còn mũi thì dài.

ULO368QO.jpgPhóng to

Làn da Nassim có sắc ô-liu vùng Cận Đông. Anh là một người tính khí ẩm ương và khi thế giới của anh bất chợt nhuốm màu đen tối, cặp lông mày ríu với nhau, đôi mắt co lại, cứ như thể là anh vừa bị tắt mất bộ xạc điện vậy.

Đôi ba người bạn của anh có nói, rằng anh trông giống như văn hào Salman Rushdie vậy, mặc dù ở văn phòng, nhân viên của anh đã đính lên bảng tin một bức ảnh giáo sĩ đạo Hồi mà họ thề thốt chính là người anh em sinh đôi thất lạc từ lâu của Taleb, trong khi bản thân Taleb lại cứ khăng khăng, đầy khôi hài, rằng anh từa tựa như tài tử Sean Connery vậy. Anh sống trong một căn hộ kiểu Tudor bốn phòng ngủ với hai mươi sáu biểu tượng Giáo hội chính thống Nga, mười chín tượng đầu La Mã và bốn nghìn cuốn sách.

Anh thức dậy sớm mỗi buổi sáng để dành riêng một tiếng đồng hồ cho việc viết lách. Anh là tác giả của hai cuốn sách, cuốn đầu tiên là một tác phẩm về kỹ thuật và được đánh giá rất cao, bàn về các công cụ phái sinh, cuốn thứ hai là một luận thuyết với tựa đề Fooled by Randomness (Lẫn bởi tình cờ), một tác phẩm xét theo trí tuệ đám đông của Phố Wall, áng chừng cũng hệt như 95 Luận đề phản chứng của Martin Luther đối với giáo hội Công giáo vậy.

Có những buổi chiều, anh lái xe vào thành phố và tham dự một buổi giảng triết tại Đại học City. Vào các buổi tối, anh lên lớp học một khóa sau đại học về tài chính ở Đại học New York, sau đó, người ta thường có thể tìm thấy Nassim trong quán bar của Odeon Café, khu Tribeca, đang thao thao bất tuyệt, tỉ dụ như về những nét tinh túy của tính hay thay đổi ngẫu nhiên hay niềm sùng kính của anh dành cho thi hào Hy Lạp C. P. Cavafy.

Taleb điều hành Quỹ đầu tư Empirica trong một công viên văn phòng bằng bê tông vô danh tiểu tốt ở loăng quăng đâu đó giữa các cánh rừng ngoại vi Greenwich, bang Connecticut. Khu văn phòng của anh chủ yếu gồm một sàn giao dịch rộng bằng chừng một căn hộ một sàn loại nhỏ kiểu Manhattan. Taleb ngồi trong một góc, trước mặt là chiếc laptop, và xung quanh là toàn bộ các thành viên còn lại của nhóm - Mark Spitznagel, trưởng phòng giao dịch; một nhà giao dịch khác, tên là Danny Tosto; một lập trình viên tên gọi Winn Martin; và một sinh viên vừa tốt nghiệp có tên Pallop Angsupun.

Mark Spitznagel khoảng chừng ba mươi. Còn Winn, Danny và Pallop trông cứ như thể mới đang học cấp 3 vậy. Trong phòng có một giá sách đã được nhồi nhét chật cứng đứng ở một góc, chiếc ti vi bấm tắt tiếng và chỉ mở kênh CNBC. Có hai bức tượng đầu Hy Lạp, một chiếc ở ngay cạnh máy tính của Taleb, còn cái kia, hỏng hóc thế nào, mà lăn lóc trên sàn, ngay sát cửa, cơ hồ bị bỏ ra để quẳng vào sọt rác đến nơi.

Gần như không có thứ gì giăng trên tường, ngoại trừ một tấm bích chương giới thiệu triển lãm đồ tạo tác Hy Lạp đã hơi sờn màu, tấm ảnh vị giáo sĩ đạo Hồi và một bức họa bằng bút mực chân dung vị thánh bảo hộ của Empirica Capital - triết gia Karl Popper.

Một buổi sáng mùa xuân gần đây, tất cả nhân viên Empirica đã phải xông xáo bàn thảo về việc giải quyết một vấn đề gai góc dính dáng tới căn bậc hai của n, ở đây n là số lượng của một bộ quan sát bất kỳ, và toán tử quan hệ n rất có thể là bí mật của riêng nhà đầu cơ nào đó trong những tính toán cá nhân. Taleb đứng cạnh một bảng trắng kê sát cửa, chiếc bút của anh lia ken két khi anh viết vội vã những phương án khả thi.

Spitznagel tóc vàng, đến từ vùng Trung Tây và luyện yoga; trái ngược với Taleb, Spitznagel chỉ thốt ra đôi ba lời điềm đạm ít ỏi nào đó. Trong một quán bar, Taleb sẽ gây sự đánh lộn còn Spitznagel sẽ đứng ra can ngăn. Pallop vốn người gốc Thái và đang theo học Tiến sĩ về toán tài chính tại trường Princeton. Cậu có mái tóc đen hơi dài và đượm chút hơi hướm giễu cợt. “Pallop cực kỳ biếng nhác”, Taleb nhận xét, và chẳng hướng đến một ai cụ thể, cứ như vậy vài lần suốt cả ngày, mặc dù câu đó được nói ra với hàm ý rằng cái gọi là biếng nhác ấy, trong thuật ngữ của riêng Taleb, chính là từ đồng nghĩa với thiên tài.

Pallop chẳng hề động chạm mấy vào máy tính, cậu thường xoay tròn chiếc ghế sao cho quay hẳn lưng lại với cái bàn. Cậu đang đọc một cuốn sách của hai nhà tâm lý học nhận thức Amos Tversky và Daniel Kahneman với những lập luận mà, như Pallop nhận xét nhuốm chút vẻ thất vọng, là “không thực sự định lượng được”. Cả ba người trao qua đổi lại về phương án đưa ra. Có vẻ như Taleb mắc sai lầm, nhưng trước khi vấn đề kịp giải quyết xong thì thị trường đã mở cửa.

Taleb quay trở lại bàn của mình và bắt đầu chí chóe tranh cãi với Spitznagel xem đích xác nên đưa cái gì lên bảng thông báo của công ty. Spitznagel chơi đàn piano và kèn co, anh đã tự phong mình là DJ của Empirica. Anh muốn chơi nhạc của Mahler nhưng Taleb lại chẳng ưa Mahler cho lắm. “Mahler chẳng có tác dụng gì với tính hay thay đổi cả”, Taleb phàn nàn.

“Bach được đấy. St. Mathew's Passion đi!”, Taleb ra hiệu cho Spitznagel, người đang vận một chiếc áo len cao cổ màu xám. “Nhìn anh ta kìa. Anh ta muốn mình trông giống von Karajan , giống ai đó ưa tận hưởng cuộc sống trong một tòa lâu đài. Xét về kỹ thuật thì siêu việt hơn hết thảy bọn tôi. Không tếu táo chuyện phiếm. Vận động viên trượt ván tuyết cự phách. Đó chính là Mark ta!”.

Đúng lúc Sptiznagel trợn mắt lên, thì một người mà Taleb từng nhắc đến có phần kỳ bí với tên gọi Tiến sĩ Wu cũng bước vào. Tiến sĩ Wu làm việc cho một quỹ phòng vệ khác ngay ở dưới tầng và nghe nói là cực kỳ sắc sảo. Ông ta gầy còm, liếc nhìn thoăn thoắt qua cặp kính gọng đen. Ông được hỏi ý kiến về căn bậc hai của n nhưng đã từ chối trả lời. “Tiến sĩ Wu lên đây để kiếm mấy trò vui trí óc, để mượn sách và bàn chuyện nhạc nhẽo với Mark thôi”, Taleb giải thích sau khi vị khách đã mất hút. Anh thì thào bổ sung: “Tiến sĩ Wu là dân nghiền Mahler đấy”.

Emprica tuân thủ một chiến lược đầu tư rất đặc thù. Nó giao dịch quyền mua, tức là không thực hiện thỏa thuận trực tiếp trên cổ phiếu, trái phiếu mà thực hiện giao dịch trên những đặt cược về cổ phiếu, trái phiếu. Thí dụ, hãy tưởng tượng, cổ phiếu của General Motors được giao dịch với giá 50 đô-la, và tưởng tượng rằng bạn là một nhà đầu tư đình đám trên Phố Wall. Một nhà giao dịch quyền mua sẽ đến gặp bạn với một đề nghị. Nếu, trong vòng ba tháng sắp tới, anh ta quyết định bán cho bạn một cổ phiếu GM với giá 45 đô-la thì thế nào? Bạn sẽ trả bao nhiêu để đồng ý mua lại cổ phiếu với giá đó?

Bạn sẽ soi vào lịch sử của GM và nhận thấy rằng trong khoảng thời gian ba tháng nó khó lòng rớt giá khoảng 10%, và hiển nhiên là nhà giao dịch kia sẽ chỉ nài ép bạn mua cổ phiếu GM của anh ta với giá 45 đô-la trong trường hợp cổ phiếu rớt xuống dưới mức đó. Thế nên bạn nói rằng bạn sẽ giao kết lời hứa ấy, hoặc nói cách khác, là bán quyền chọn ấy với mức phí khá rẻ mạt thôi, một đồng chẳng hạn. Bạn đang đặt cược vào một khả năng rất lớn là cổ phiếu GM sẽ duy trì tương đối ổn định trong suốt ba tháng kế tiếp, và nếu bạn đúng, bạn sẽ bỏ túi một đồng ấy như là lãi ròng.

Còn lại, phía nhà giao dịch kia sẽ đặt cược lên khả năng chẳng mấy chắc chắn xảy ra là cổ phiếu GM sẽ rớt giá thê thảm, và nếu điều đó xảy ra, lợi nhuận của anh ta có tiềm năng rất kếch sù. Nếu như nhà giao dịch kia mua lại một triệu quyền chọn từ phía bạn với mức giá một đồng mỗi quyền và cổ phiếu GM giảm xuống chỉ còn 35 đô-la, anh ta sẽ mua vào một triệu cổ phiếu với giá 35 đô-la và quay ngược lại, bắt ép bạn phải mua chúng ở mức 45 đô-la, biến anh ta bỗng chốc trở nên cực kỳ giàu có còn bạn thì về thực chất là nghèo đi.

Loại giao dịch đặc biệt như thế được gọi theo tiếng lóng trên Phố Wall là quyền chọn bị lỗ. Nhưng một quyền chọn có thể được định hình bằng muôn phương nghìn cách khác nhau. Bạn có thể bán cho nhà giao dịch một quyền chọn GM ở mức giá 30 đô-la, hoặc, nếu bạn muốn đánh cược chống lại khả năng cổ phiếu GM tăng giá, bạn có thể bán một quyền chọn GM với mức 60 đô-la.

Bạn có thể mua bán quyền chọn trái phiếu, chỉ số S&P, các loại ngoại tệ, thế chấp hay quyền chọn mối quan hệ giữa một số lượng nào đó các công cụ tài chính tùy bạn lựa chọn; bạn có thể đánh cược rằng thị trường bung nở thịnh vượng hay thị trường đổ vỡ lụn bại, hoặc thị trường vẫn y nguyên như cũ. Các quyền chọn cho phép nhà đầu tư được đổ những canh bạc nặng đô và biến một đồng trở thành mười đồng.

Chúng còn cho phép các nhà đầu tư tự bảo đảm những đánh cược mạo hiểm của họ. Lý do để quỹ hưu trí của bạn không bị xóa sổ sạch sẽ trong cuộc suy thoái thị trường tiếp theo là nó đã bảo vệ chính mình bằng cách mua lại các quyền chọn. Yếu tố thúc đẩy cuộc chơi quyền chọn này chính là thứ nhận thức rằng những mạo hiểm được đại diện bởi tất cả những cú cá cược này có thể được lượng hóa; rằng thông qua việc nhìn vào lối hành xử trong quá khứ của GM, bạn có thể tìm ra chính xác cơ may cổ phiếu GM đạt ngưỡng 45 trong vòng ba tháng tới, và quyết định xem liệu rằng bỏ ra 1 đô-la vào quyền chọn ấy là phi vụ đầu tư khôn ngoan hay ngu ngốc.

Quy trình ấy rất giống với cách thức các công ty bảo hiểm phân tích các thông số thống kê nhằm tìm ra nên tính mức bao nhiêu cho gói bảo hiểm trọn đời. Và để thực hiện những tính toán ấy, mỗi ngân hàng đầu tư có hẳn một nhóm toàn những tiến sĩ, nằm trong biên chế nhân sự hẳn hoi, gồm những nhà vật lý tới từ nước Nga, các nhà toán học ứng dụng từ Trung Quốc và những nhà khoa học máy tính tới từ Ấn Độ. Ở Phố Wall, những vị tiến sĩ ấy được gọi là các nhà phân tích.

Nassim Taleb và nhóm của anh ở Empirica cũng là các nhà phân tích. Nhưng họ khước từ lối phân tích chính thống, bởi họ không tin rằng những thứ kiểu như thị trường chứng khoán lại chịu hành xử theo cách mà các hiện tượng tự nhiên như tỉ lệ tử vong vốn vẫn tuân thủ. Các sự việc tự nhiên, bất kể là tỉ lệ người chết hay cuộc chơi xì phé, đều là những hàm có thể dự đoán gồm một bộ các nhân tố hữu hạn và ổn định, thường có xu hướng tuân theo cái mà các nhà thống kê vẫn gọi là phân bố chuẩn tắc - một biểu đồ hình chuông.

Nhưng liệu những trồi sụt lên xuống của thị trường có tuân theo một biểu đồ hình chuông? Nhà kinh tế học Eugene Fama có lần đã nghiên cứu về giá cổ phiếu và chỉ ra rằng nếu chúng tuân theo lối phân bố chuẩn tắc, thì bạn sẽ dự kiến được một bước nhảy vọt, thứ mà ông xác định là một biến động chệch khỏi giá trị trung bình gấp năm lần bình thường, sẽ chỉ xảy ra đúng một lần trong suốt bảy nghìn năm.

Trên tthực tế, những bước nhảy vọt ở biên độ lớn như thế xảy ra trên thị trường chứng khoán cứ mỗi ba hay bốn năm một lần, bởi các nhà đầu tư không hành xử theo bất cứ trật tự thống kê nào. Họ đổi ý. Họ gây sự ngu dại. Họ sao chép lẫn nhau. Họ hoảng loạn. Fama kết luận rằng nếu anh lập biểu đồ những biến động lên xuống của thị trường chứng khoán, thì đồ thị ấy sẽ có hình “cái đuôi béo ị”, nghĩa là ở đầu mút trên và dưới của sự phân bố này sẽ tồn tại nhiều sự kiện ngoại vi hơn những gì các nhà thống kê vốn quen với việc mô hình hóa thế giới tự nhiên có thể tưởng tượng được.

Hồi mùa hè năm 1997, Taleb tiên đoán rằng các quỹ phòng vệ như Long Term Capital Management (LTCM) phải đương đầu với rắc rối bởi họ không hề hiểu khái niệm cái đuôi béo ị này. Chỉ một năm sau, LTCM đã bán ra một khối lượng quyền chọn kỷ lục, bởi những mô hình máy tính của quỹ báo rằng các thị trường có khả năng đang lắng dịu dần. Và điều gì đã xảy ra kia chứ?

Chính phủ Nga mất khả năng chi trả trái phiếu; các thị trường phát cơn cuồng dại; và chỉ trong vài tuần LTCM đã toi mạng. Spitznagel, trưởng giao dịch của Taleb, nói rằng vừa mới gần đây anh đã được nghe một trong những cựu lãnh đạo LTCM giảng bài, trong đó ông bảo vệ vụ đánh cược mà quỹ đã thực hiện khi xưa. “Ông ta nói là: ‘Thử nhìn mà xem, khi tôi đánh xe về nhà mỗi đêm, tôi trông thấy những chiếc lá kia lả tả rơi quanh gốc cây’”, Spitznagel thuật lại.

“Có một lối phân bố theo thống kê quyết định cách thức chúng rụng xuống, và tôi có thể tìm ra khá chính xác lối phân bố ấy là gì. Nhưng một ngày kia, tôi trở về nhà và những chiếc lá nằm thành từng đống nhỏ. Liệu điều ấy có bác bỏ học thuyết của tôi rằng có các quy luật thống kê quyết định những chiếc lá rơi rụng ra sao không? Đừng hòng. Đó là một sự kiện nhân tạo mà thôi”.

Nói cách khác, những người Nga kia, bằng việc mất khả năng chi trả trái phiếu, đã thực hiện điều gì đó mà họ không chủ định làm, một sự kiện chỉ-xảy-ra-lần-duy-nhất-trong-đời và phá-vỡ-mọi-quy-luật. Nhưng điều này, đối với Taleb mà nói, chỉ khẳng định một điều: Trên thị trường, không giống như trong thế giới tự nhiên, quy tắc của trò chơi có thể bị thay đổi. Các ngân hàng trung ương có thể quyết định không chi trả chứng khoán do chính phủ chống lưng.

Một trong những vị cố vấn lão luyện đầu tiên của Taleb ở Phố Wall là một người đàn ông Pháp tính tình bẳn gắt tên là Jean-Patrice, ăn vận chim cò hoa lá và sở hữu nỗi ám ảnh gần như mất trí về mạo hiểm. Jean-Patricee sẽ gọi cho Taleb từ Regine's vào lúc ba giờ sáng hay tổ chức cuộc họp ngay tại một hộp đêm ở Paris, nhấm nháp sâm panh và được bao quanh bởi những cô em áo xống bó khít rịt, và hỏi Taleb rằng điều gì sẽ xảy ra với những vị thế của anh nếu như một chiếc máy bay bất ngờ lao thẳng vào tòa cao ốc văn phòng anh.

Khi ấy Taleb còn trẻ và đã phủi ông già qua một bên. Nó dường như nực cười quá thể. Nhưng chẳng mấy chốc Taleb đã nhận ra chẳng có thứ gì là lố bịch hết. Taleb rất ưa trích dẫn lời của David Hume: “Dù có quan sát thiên nga trắng nhiều đến đâu cũng không được phép suy luận rằng tất thảy thiên nga đều màu trắng, nhưng chỉ duy nhất một quan sát về một con thiên nga đen thôi cũng đã đủ để bác bỏ kết luận nói trên rồi.” Bởi vì LTCM chưa từng nhìn thấy một con thiên nga đen ở nước Nga, nó ngỡ rằng chẳng hề tồn tại loài thiên nga đen nước Nga.

Ngược lại, Taleb đã xây dựng một triết lý giao dịch hoàn toàn dựa trên sự tồn tại của loài thiên nga đen, dựa trên khả năng của một sự kiện ngẫu nhiên, khôn lường nào đó tràn vào thị trường. Và anh không bao giờ bán quyền chọn. Anh chỉ mua chúng. Anh không đời nào trở thành người có thể đánh mất một khoản bự chảng nếu như cổ phiếu của GM đột ngột tuột dốc. Anh cũng không bao giờ đánh cược vào việc thị trường chỉ xoay chuyển theo một hướng này hay hướng khác.

Điều đó sẽ đòi hỏi Taleb giả định rằng anh thấu hiểu thị trường, anh đâu có vậy. Anh không có được bí quyết của Warren Buffett. Vậy nên anh mua quyền chọn ở cả hai phía, ở cả hai khả năng thị trường biến động lên và xuống. Và anh cũng không đặt cược vào những biến động bất thường nhỏ lẻ trên thị trường. Sao phải quan tâm? Nếu tất cả mọi người cơ bản đều đánh giá thấp khả năng xảy ra những sự kiện hiếm hoi, vậy thì, một quyền chọn cổ phiếu GM ở mức giá 40 đô-la sẽ bị đánh giá thấp.

Vậy nên Taleb thu mua khối lượng lớn những quyền chọn bị lỗ. Anh mua quyền chọn ở hàng trăm loại cổ phiếu khác nhau, và nếu chúng đáo hạn trước khi anh phải sử dụng chúng, anh đơn giản là chỉ mua thêm vào. Taleb thậm chí còn không đầu tư vào cổ phiếu, không đầu tư với Empirica và cũng không giao dịch với tài khoản cá nhân của anh nữa. Mua một cổ phiếu, không giống với mua một quyền chọn, chỉ là một canh bạc mà tương lai sẽ là hiện thân của phiên bản quá khứ được nâng cấp. Và có trời mới biết liệu nó có thành hiện thực hay không?

Vậy nên hết thảy gia tài cá nhân Taleb và hàng trăm triệu tích lũy của Empirica đều nằm trong trái phiếu chính phủ ngắn hạn (T bill). Chẳng mấy người trên Phố Wall lại thực hành mua lại quyền chọn tới mức cực đoan rốt ráo như vậy. Nhưng nếu như có điều gì đó hoàn toàn bất thường xảy ra với thị trường chứng khoán, nếu như một sự kiện ngẫu nhiên nào đó đem tới một cú sốc choáng váng cho toàn bộ Phố Wall và nhấn cổ phiếu GM xuống chỉ còn 20 đô-la, thì Nassim Taleb cũng không phải chịu kết cục trong một căn hộ tồi tàn nào đó ở Athens. Anh sẽ giàu to.

Không lâu trước đây, Taleb tới dự bữa tối ở một nhà hàng Pháp ngay phía bắc Phố Wall. Những người tham gia đều là các chuyên gia phân tích: những con người với ví tiền dày cộm, áo sơ mi phanh ngực cùng vẻ sáng sủa và tách biệt đặc trưng cho những con người vốn mơ mộng ngụp lặn trong các con số. Taleb ngồi phía đầu bàn, nhấm nháp loại rượu pha hạt anit, bàn luận về văn chương Pháp.

Có một đại kiện tướng cờ vua góp mặt trong bàn với mớ tóc trắng bù xù, ông từng là một trong những thầy giáo của vua cờ Anatoly Karpov, có cả một người khác nữa, trong suốt sự nghiệp của mình, đã lần lượt làm việc tại Đại học Stanford, Exxon, Phòng thí nghiệm quốc gia Los Angeles, Morgan Stanley và một ngân hàng đầu tư nhỏ của Pháp. Họ trò chuyện về toán học, cờ vua và băn khoăn về một nhân vật vẫn chưa tới, người vẫn có tiếng - như lời một nhà phân tích lo âu bày tỏ, rằng: “không có khả năng tìm ra nhà vệ sinh.”

Khi hóa đơn thanh toán xuất tới, nó được đưa vào tay một người đàn ông làm trong lĩnh vực quản lý rủi ro ở một ngân hàng tầm cỡ Phố Wall, ông ta chăm chú nhìn nó hồi lâu, với chút pha trộn giữa vẻ lúng túng cùng khôi hài, như thể ông không tài nào nhớ nổi phải xử trí ra sao với một đề toán tầm thường đến nhường này. Những người có mặt ở bàn ăn đều đang bàn thảo về một lĩnh vực xét về mặt chính thống thì liên quan đến toán học nhưng thực chất lại là liên quan đến nhận thức luận, bởi bán hay mua một quyền chọn đòi hỏi mỗi bên phải đối mặt với câu hỏi xem liệu anh ta có thực sự biết nó là gì không.

Taleb mua các quyền chọn bởi anh chắc chắn rằng anh không biết gì cả, hay nói chính xác hơn, những người khác tin rằng họ biết nhiều hơn thực tế. Nhưng lại có rất nhiều người ngồi quanh chiếc bàn ấy lại bán quyền chọn, những người nghĩ rằng nếu bạn đủ thông minh để định mức giá quyền chọn cho hợp lý, bạn có thể thắng được rất nhiều pha cược 1 đô-la vào cổ phiếu General Motors, đến nỗi kể cả thị trường có thoáng rớt xuống dưới mức 45 đô-la, bạn vẫn cứ vượt xa ở phía trước. Họ tin rằng thế giới là nơi mà, đến cuối ngày, những chiếc lá rớt xuống nhiều hay ít tùy thuộc vào một hình mẫu có thể tiên lượng được.

Sự khác biệt giữa hai phía này chính là ranh giới nổi lên ngăn cách Taleb và Niederhoffer hồi những năm về trước ở Connecticut. Người hùng của Niederhoffer chính là nhà khoa học thế kỷ XIX Francis Galton. Niederhoffer gọi con gái út của mình là Galt và còn có hẳn một bức chân dung kích cỡ người thật vẽ Galton trong phòng làm việc của ông nữa.

Galton là nhà thống kê, nhà khoa học xã hội (một nhà di truyền học, nhà khí tượng học nữa), và nếu ông là thần tượng của bạn nữa, bạn ắt hẳn đã tin rằng nhờ vào việc sắp xếp đúng thứ tự các thực chứng theo kinh nghiệm, nhờ vào việc tập hợp các điểm dữ liệu, bạn có thể hiểu được bất cứ thứ gì bạn cần phải biết.

Ngược lại, người hùng của Taleb lại là triết gia Karl Popper, người từng nói rằng bạn không thể biết chắc chắn một đề nghị nào đó có xác thực hay không; bạn chỉ biết được rằng nó không hề chân thực. Taleb làm theo hầu hết những gì anh đã học được từ Niederhoffer, nhưng Niederhoffer lại khăng khăng rằng tấm gương của ông chỉ là hoài phí với Taleb mà thôi. “Trong một phiên tòa của mình, thẩm phán Rumpole vùng Bailey đã nói về việc ông bị xét xử dưới tay một vị giám mục chẳng hề tin vào Chúa”, Niederhoffer bảo. “Nassim chỉ là kẻ theo chủ nghĩa kinh nghiệm không hề tin tưởng vào chủ nghĩa kinh nghiệm”.

Có nghĩa lý gì đâu nếu bạn đòi học từ kinh nghiệm trong khi lại cứ một mực rằng kinh nghiệm chẳng hề đáng tin cậy? Giờ đây, Niederhoffer kiếm tiền chủ yếu nhờ vào việc bán quyền chọn, và không một đối tác nào mua lại những quyền chọn ấy thường xuyên hơn Nassim Taleb. Nói cách khác, nếu một trong hai người họ kiếm thêm được một đô-la một ngày thì đồng tiền ấy có nhiều khả năng xuất phát từ chính người còn lại. Sư phụ và học trò đã trở thành kẻ săn mồi và con mồi.

MALCOLM GLADWELL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên