25/11/2010 09:37 GMT+7

Tán gia bại sản

MALCOLM GLADWELL
MALCOLM GLADWELL

TTO - Ngày nọ, hồi năm 1996, một thương gia Phố Wall tên gọi Nassim Nicholas Taleb đã đến gặp Victor Niederhoffer. Victor Niederhoffer là một trong những người quản lý tiền bạc thành công nhất cả nước.

sOu1z6jd.jpgPhóng to

Ông sinh sống và làm việc trên một khu biệt lập rộng 13 hecta ở hạt Fairfield, bang Connecticut, và khi Taleb dong xe từ nhà mình ở Larchomont lên, anh đã phải xưng tên tuổi ở cổng vào, rồi phải lái thêm cả một chặng đường vào gara chạy dài uốn lượn.

Niederhoffer có hẳn một phòng bóng quần (squash), một sân tennis, một bể bơi cùng cả một dinh thự ốp gỗ thông nguy nga, trong đó mỗi phân mỗi thước không gian đều được bài trí bằng các tác phẩm nghệ thuật dân gian Hoa Kỳ thế kỷ 18, 19.

Thời bấy giờ, Niederhoffer đã thường xuyên giao lưu tennis với tỉ phú tài chính George Soros. Ông vừa mới cho ra một cuốn sách xếp vào hàng bestseller, có tên The Education of a Speculator (Sở học của một nhà đầu cơ), dành tặng riêng cho cha ông, Artie Niederhoffer, một sĩ quan cảnh sát xuất thân từ Coney Island.

Ông sở hữu cả một thư viện đồ sộ và cơ hồ có nỗi khao khát tri thức không khi nào vơi cạn. Khi Niederhoffer chỉ là một anh học trò mới chân ướt chân ráo tới Harvard, cậu chàng xuất hiện lần đầu tiên trong buổi tập môn bóng quần và tuyên bố rằng một ngày nào đó cậu sẽ trở thành tay cự phách nhất trong môn thể thao ấy. Và, đúng thật, chẳng bao lâu sau cậu đã đánh bại tay vợt huyền thoại Shariff Khan để giành chức vô địch bóng quần giải Mỹ mở rộng (US Open). Đó chính là kiểu của Niederhoffer. Ông đã nghe thấy tiếng tăm ngày một lan rộng của Taleb trong ngành kinh doanh quyền chọn bí truyền và triệu anh tới Connecticut. Taleb sửng sốt vô cùng.

“Ông ấy không trò chuyện mấy, vậy nên tôi đã quan sát ông”, Taleb hồi tưởng. “Tôi đã bỏ ra bảy tiếng chăm chú xem ông giao dịch. Tất cả những người khác trong văn phòng của ông đều đang độ hai mươi, riêng ông ngũ tuần, vậy mà ông hừng hực sức sống nhất trong nhóm. Rồi, sau khi thị trường đã đóng cửa, ông bước ra ngoài và thực hiện cả ngàn cú ve bóng trên sân tennis”. Taleb là một người Libăng theo Giáo hội Hi Lạp chính thống, ngôn ngữ mẹ đẻ của anh là tiếng Pháp, theo lối phát âm của anh thì từ Niederhoffer nói ra hơi lơ lớ ngoại lai Niederhoffer.

“Đây là một người đàn ông sống giữa tòa dinh thự với cả ngàn cuốn sách, chính là ước mơ của tôi từ tấm bé - Taleb nói tiếp - Ông nửa là kẻ gian hùng, nửa như vị học giả. Niềm kính nể tôi dành cho ông cực kỳ mãnh liệt”.

Tuy vậy, có một vấn đề ở đây, nó chính là chìa khóa để thấu hiểu con đường lạ đời mà Nassim Taleb đã lựa chọn, và cả vị trí kẻ bất đồng chính kiến chủ yếu ở Phố Wall mà giờ đây anh nắm giữ. Bất chấp nỗi ganh tị và niềm cảm phục của mình, anh vẫn không muốn trở thành một Victor Niederhoffer - cả khi ấy, cả bây giờ, không một giây phút nào từ bấy đến nay. Bởi khi anh nhìn quanh ông, dõi mắt vào những cuốn sách, sân tennis và những tác phẩm nghệ thuật dân gian trưng trên tường - khi anh trầm ngâm suy ngẫm hằng hà sa số những triệu đôla ông làm ra suốt bao năm - anh không tài nào thoát khỏi suy nghĩ rằng tất thảy có thể chỉ là kết quả của thứ vận may ngớ ngẩn mong manh.

Taleb biết rõ suy nghĩ ấy kỳ quặc tới mức nào. Phố Wall vốn được tạo riêng cho một nguyên tắc rằng: khi bàn đến chuyện tung hứng thị trường thì có một thứ gọi là sự tinh thông, rằng tài khéo và sáng suốt có vai trò tiên quyết với đầu tư hệt như chúng hết sức quan trọng trong lĩnh vực phẫu thuật, đánh golf hay lái máy bay chiến đấu vậy. Những người nhìn thấy trước tương lai để thấu hiểu vai trò của phần mềm trong thời hiện đại đã thu mua cổ phiếu Microsoft từ năm 1985 và kiếm được cả gia tài. Những người thấu hiểu tâm lý của bong bóng đầu tư đã bán tháo các cổ phiếu công nghệ của mình từ hồi cuối năm 1999 và tránh được cú sụp đổ Nasdaq.

Warren Buffett được biết tới như “nhà hiền triết của Omaha” bởi cơ hồ không cần bàn cãi rằng nếu ông khởi đầu tay trắng và cuối cùng thu về cả tỉ đôla, vậy ắt hẳn là ông phải thông minh hơn tất cả mọi người. Buffett thành công bởi một nguyên cớ xác đáng. Nhưng làm sao bạn biết được, Taleb nghi hoặc, liệu nguyên cớ ấy cũng có thể dùng để lý giải cho thành công của người khác hay không, hay đơn thuần chỉ là một cách hợp lý hóa được phát kiến sau hiện thực ấy?

George Soros có vẻ cũng thành công bởi một nguyên cớ hẳn hoi nào đó. Ông vẫn thường nói rằng ông tuân theo một thứ gọi là lý thuyết phản xạ. Nhưng về sau, Soros đã viết trong hầu hết các tình huống, lý thuyết của ông “lờ mờ quá đến nỗi có thể mặc kệ nó mà chẳng hề hấn gì”. Một đối tác giao dịch lâu năm của Taleb - người đàn ông có tên Jean-Manuel Rozan, có lần đã dành hẳn một buổi chiều để tranh cãi về thị trường chứng khoán với Soros.

Soros bẳn gắt vô cùng và ông có hẳn một lý thuyết tinh vi giải thích nguyên nhân, thứ cuối cùng hóa ra lại sai lầm toàn bộ. Thị trường chứng khoán phất như diều gặp gió. Hai năm sau, Rozan tình cờ đụng độ Soros trong một giải đấu tennis. “Ông còn nhớ cuộc trò chuyện của chúng ta không?” Rozan hỏi. “Tôi nhớ rất rõ là đằng khác”, Soros đáp lời. “Tôi đã đổi ý và kiếm được cả đống kếch sù”. Ông ta đã đổi ý!

Điều chân thực nhất về Soros có lẽ chính là những gì người con trai Robert của ông từng nói: "Ba tôi sẽ ngồi xuống và đưa ra cho anh cả mớ luận thuyết lý giải tại sao ông lại làm thế này, thế kia. Nhưng tôi vẫn còn nhớ hồi nhỏ lúc chứng kiến những lần đó, tôi đã nghĩ bụng ôi Chúa ơi, chí ít một nửa mớ ấy là láo toét hết cả. Ý tôi là anh thừa biết nguyên nhân ba tôi thay đổi vị thế trên thị trường hay gì gì đi chăng nữa thì cũng chỉ vì cái lưng bắt đầu hành hạ ông cụ. Chẳng có lý do lý trấu gì sất. Ông bị một cơn đau thắt theo đúng nghĩa đen và đây chính là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên".

Đối với Taleb, câu hỏi vì đâu một người nào đó lại thành công trong lĩnh vực tài chính thực sự khuấy động dữ dội. Taleb có thể thực hiện các tính toán số học trong đầu. Cứ cho là có khoảng chừng 10.000 giám đốc đầu tư ngoài đó, không phải một con số lạ lùng gì mấy, và rằng cứ mỗi năm một nửa số họ hoàn toàn tình cờ kiếm được tiền, còn nửa còn lại cũng hoàn toàn tình cờ bị thua lỗ. Và cứ cho là hằng năm những kẻ thất bại bị hất cẳng và trò chơi lại tái diễn với những kẻ còn bám trụ.

Tính đến cuối năm thứ năm, sẽ có 330 người có lời mỗi năm, còn sau mười năm thì chỉ có 9 người kiếm được tiền suốt chừng ấy năm liên tục, hết thảy chỉ là nhờ may mắn đơn thuần. Niederhoffer, hệt như Buffett và Soros, cũng là một người đàn ông sắc sảo. Ông giành được học vị tiến sĩ kinh tế ở Trường đại học Chicago. Ông đi tiên phong trong sáng kiến thông qua phân tích toán học chặt chẽ về những hình mẫu trên thị trường, một nhà đầu tư có thể xác định mức độ dị thường sinh lợi. Nhưng ai dám nói ông ta cũng chỉ là một trong những kẻ may mắn tài tình? Và ai dám nói đến năm thứ 11, Niederhoffer lại không rơi vào một trong số những kẻ bất hạnh, bất ngờ mất sạch sành sanh, kẻ đột nhiên, theo ngôn ngữ của Phố Wall, là “tán gia bại sản”?

Taleb vẫn còn nhớ những năm tháng ấu thơ ở Libăng, chứng kiến bước chuyển ngoặt của đất nước mình, như lời của anh là từ “thiên đường hóa thành địa ngục” chỉ trong vòng sáu tháng. Gia đình anh có thời đã sở hữu cả một dải đất mênh mông ở miền Bắc Libăng. Tất cả đã tan thành mây khói. Anh vẫn còn nhớ ông nội mình, nguyên phó thủ tướng Libăng, con trai của một vị phó thủ tướng khác của Libăng, một người đàn ông với phẩm cách tuyệt vời, đã sống qua ngày đoạn tháng trong một căn hộ tồi tàn ở Athens. Đó chính là vấn đề với một thế giới trong đó tồn tại quá nhiều thắc thỏm về việc tại sao mọi thứ lại kết thúc theo cách như thế: bạn không bao giờ biết được một ngày nào đó vận may của bạn sẽ đổi màu và hết thảy sẽ bị xóa đi sạch sẽ.

Tiếp sau đây chính là những gì Taleb thu nhặt được từ Niederhoffer. Anh nhận ra Niederhoffer là một vận động viên nghiêm túc và anh quyết định mình cũng sẽ phải như thế. Anh đạp xe đi làm và tập tành trong phòng thể hình. Niederhoffer là một người theo chủ nghĩa kinh nghiệm đầy chắc chắn, người mà vào ngày ấy đã quay sang Taleb ở Connecticut và nói với anh đầy vẻ nghiêm trang: “Tất cả những thứ gì cần thử nghiệm đều phải được thử nghiệm”, và vì vậy khi Taleb khởi sự quỹ phòng vệ đầu tiên của riêng anh vài năm sau đó, anh đã gọi nó là Empirica (chủ nghĩa kinh nghiệm).

Nhưng chỉ dừng ở đó mà thôi. Nassim Taleb đã quyết định anh không thể theo đuổi một chiến lược đầu tư tiềm ẩn nguy cơ mất sạch sành sanh bất cứ khi nào.

MALCOLM GLADWELL
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên