24/04/2008 12:00 GMT+7

Tấm lòng, chỉ có tấm lòng

TRẦN BẠCH ĐẰNG
TRẦN BẠCH ĐẰNG

TTO - Những ý kiến sau đây không nói ra tại một buổi chiêu đãi hay tại một cuộc họp chính thức nào đó. Nó cũng không phải là điều riêng rẽ, công việc của khoa hùng biện hay là cách khéo léo lấy lòng nhau ngoài miệng đôi khi ta gặp phải.

DvgUY6Pg.jpgPhóng to
TTO - Những ý kiến sau đây không nói ra tại một buổi chiêu đãi hay tại một cuộc họp chính thức nào đó. Nó cũng không phải là điều riêng rẽ, công việc của khoa hùng biện hay là cách khéo léo lấy lòng nhau ngoài miệng đôi khi ta gặp phải.

Chúng tôi nghe hầu như ở mọi người Hungaria mà chúng tôi tiếp xúc, ở mọi nơi trên đất nước Hungaria mà chúng tôi đi qua và do đó, tôi tự rút ra kết luận. Chúng ta có thêm một tri kỷ “nghĩ sao nói vậy” – đáng lẽ không phải là của hiếm nhưng hiện nay thì quả chưa nhiều…

Anh – một công nhân cắt cỏ bình thường – rời chiếc máy, lững thững bước theo tôi, men theo con đường rải sỏi ven hồ Balaton nổi tiếng này. Ánh nắng – của quý đối với các xứ lạnh – tráng cả vùng óng ả và khiến nước hồ thêm biếc. Những thuyền buồm no gió lượn ngang dọc. Mặt đất quanh hồ lay động bởi hàng nghìn, hàng vạn người phơi nắng. Từ bờ nam, nhìn sang bờ bắc, nhìn ngược về đông, nhìn xuôi về tây, Balaton được viền bằng những thị trấn, những ngôi nhà đẹp, có những ngôi nhà cheo leo sườn núi.

- Về đêm, ánh điện cộng với sao trời và trăng, Balaton huyền hoặc lạ thường. Không phải sự va chạm giữa thiên nhiên và cuộc sống mới, mà là sự hài hòa. Tôi nhận xét. Anh đồng ý nói thêm:

- Tôi chưa đến, nhưng nhiều người Hungaria sang Việt Nam về nói lại, vịnh Hạ Long của các bạn còn đẹp hơn Balaton gấp mấy.

Tôi không muốn mất thời giờ vì anh chỉ nghỉ xả hơi có mười phút.

- Nhân dân Việt Nam cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Hungaria đã chí tình ủng hộ chúng tôi trong cuộc đấu tranh cách mạng và sự ủng hộ, giúp đỡ đó của các bạn và của cả loài người là một trong những nguyên nhân đưa chúng tôi đến toàn thắng.

Anh đứng sựng lại. Thân hình to lớn lắc lư và tôi hiểu anh không bằng lòng câu nói của tôi – có thể anh từng nghe ở bất kỳ người Việt Nam nào mà anh gặp.

- Sao, anh cảm ơn chúng tôi à?

Anh gặng hỏi và tất nhiên tôi gật đầu.

Anh dang tay rộng, chỉ cả bốn phía:

- Ở quê hương anh, mỗi mét vuông đất bị Mỹ ném bốn quả bom. Còn ở Hungaria, mỗi mét vuông đất thi đua sinh nở: nào nhà cửa, nào cây ăn quả, nào xí nghiệp, nào cung văn hóa… Quanh hồ Balaton, anh thấy đấy mỗi mét vuông ít nhất cũng có một người tắm nắng thoải mái. Vì sao chúng tôi đạt được những kết quả ấy? Dĩ nhiên, trước hết là do nỗ lực của chúng tôi, sự lãnh đạo của Đảng chúng tôi, sự giúp đỡ của phe ta. Nhưng, nếu chỉ ngừng ngang đó là không đủ. Chính mét vuông đất Việt Nam hy sinh cho mét vuông đất Hungaria. Tôi không trừu tượng hóa sự nghiệp của các bạn, ở Hungaria, nó được đo lường cụ thể…

Giọng anh thành thật và tha thiết nữa, dù anh nói tiếng Pháp chưa phải đã thạo. Anh ngừng giây lát, ngó thẳng vào mắt tôi:

- Phải đảo lộn lại và là sự đảo lộn phù hợp với logic và lịch sử: Người Hungaria cảm ơn các bạn!

Tôi không ngạc nhiên chút nào, bởi người quản lý khu nghỉ mát, các cô phục vụ, các bạn Hungaria bên cạnh đã từng nói như vậy – rõ ràng họ nói theo ý nghĩ. Lời lẽ không giống nhau, nhưng tất cả đều cùng một chiều hướng “Cảm ơn Việt Nam” có vẻ như dùng để thay cho “chào các bạn Việt Nam” – tôi có cảm giác đó.

Tỉnh Veszprém – ở phía bắc Balaton – đón chúng tôi trong một gian phòng đơn sơ mà ấm cúng. Đồng chí đại diện tỉnh ủy và mặt trận tỉnh nâng cốc:

- Xin cảm ơn nhân dân Việt Nam, những người đã cho nước Hungaria và các nước xã hội chủ nghĩa được lao động hòa bình. Đây là rượu nho đặc sản của Veszprém, các đồng chí hãy cạn chén và xin xem như mình nhấm loại rượu được cất từ lò chiến đấu Việt Nam!

Đồng chí đưa chúng tôi đến hợp tác xã Hữu Nghị, thăm các công trình của tỉnh và xuống cả hầm rượu của nông dân. Dưới hầm rượu, xã viên quây quần với chúng tôi và tôi đọc được niềm tự hào trong mắt mỗi người: tự hào vì Hungaria chọn được bạn hiền!

Có lẽ cũng cần nhắc lại câu nói của đồng chí sĩ quan chính trị một đơn vị biên phòng, câu nói được hoan hô như sấm:

- Quân đội nhân dân Việt Nam vĩnh viễn là tấm gương rực rỡ, là những người từ đầu đến chân tẩm phong độ anh hùng, là những người anh mà chúng tôi tự cho mình cái hạnh phúc được noi theo và học tập.

Đồng chí nhấn mạnh câu đó trong bài diễn văn đọc tại một cuộc mít-tinh mừng Quốc khánh Việt Nam 2.9.1976 tại doanh trại trung đoàn biên phòng mà mọi người khách Việt Nam đều được mời lên ghế đoàn chủ tịch. Từ ngoài cổng, chúng tôi đã đọc hàng chữ Việt Nam – tất nhiên sai trật ít nhiều về chính tả: chân thành chào mừng các bạn Việt Nam.

Bài diễn văn của đồng chí bị ngắt quãng từng chập. Tôi hết sức bồi hồi vì sự am hiểu tường tận của bạn về cuộc chiến đấu của chúng ta, những khó khăn của chúng ta trong xây dựng, Bác được trìu mến nhắc đến như nhắc một lãnh tụ chung và đồng chí sĩ quan chính trị trích nhiều đoạn trong tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn.

Hôm đó, chúng tôi ở lại rất muộn với đơn vị. Trong một phòng họp, ban chỉ huy trung đoàn tiếp chúng tôi như tiếp những người thân thiết.

Tại một cuộc họp khác – cuộc họp của Đoàn chủ tịch Hội đồng hòa bình Hungaria – nữ đồng chí Tổng thư ký Hội đồng, người bạn gần gũi của Việt Nam, đã mở đầu bản báo cáo của mình, xúc động:

- Chúng ta sung sướng chào các bạn Việt Nam đến với chúng ta hôm nay, những đại diện của một dân tộc có một lãnh tụ mà chúng ta tự hào được cùng gọi là Bác Hồ, đại diện của một nhân dân mà chúng ta phấn khởi gọi là những người anh, người chị lớn.

Chúng tôi chẳng thể nào quên câu nói gần như nghẹn ngào của chính đồng chí Tổng thư ký đáng kính ấy, trong khi làm việc với chúng tôi:

- Điều mà các bạn, các đồng chí Việt Nam có thể tin được là nhân dân Hungaria, dưới sự lãnh đạo và giáo dục của Đảng chúng tôi, xem công việc hàn gắn các vết thương của Việt Nam – những vết thương cao quý vì tình người cũng như công việc đưa Việt Nam càng nhanh càng tốt lên một nước phát triển là nghĩa vụ của chúng tôi. Nói là nghĩa vụ quốc tế cũng được, mà nói là nghĩa vụ đối với sự nghiệp của bản thân chúng tôi cũng được. Nhân dân Việt Nam – những người anh chị, em cháu của chúng tôi – có quyền có một cuộc sống hạnh phúc. Cho nên, tôi không muốn nói bóng bẩy đâu, nếu có thể chia cho Hà Nội phân nửa Budapest, chúng tôi không từ chối!

Tôi nhìn lên tường: ảnh Bác và bản đồ Việt Nam được treo nơi trang trọng.

Tôi nghe thuật lại một chuyện cảm động sau đây: Tại một Đại hội Đoàn thanh niên, vị lãnh đạo kính mến của nước Hungaria đã phát biểu, đại thể:

- Tôi nghĩ rằng chúng ta, người Hungaria và luôn cả bạn bè khắp thế giới – chớ nên bao giờ kể những gì chúng ta đã giúp Việt Nam. Nhân loại đời nay và đời sau mắc Việt Nam một món nợ không tài nào trả nổi. Việt Nam đổ máu hằng ba chục năm dài vì nền văn minh hiện đại, vì tương lai của trái đất, vì hạnh phúc của mọi người, vì công lý, chính nghĩa, vì đạo đức. Máu thì vô giá. Không phải chúng ta chỉ sát cánh với Việt Nam trong chiến tranh và Việt Nam không chỉ vĩ đại trong chiến tranh. Người ta không thể quên cách mạng tháng Mười thì người ta không thể quên Việt Nam, hai sự kiện khái quát cả thế kỷ cách mạng của chúng ta…

Người Tổng thư ký Hội liên hiệp văn học toàn quốc Hungaria siết chặt tay tôi, lặp lại ý trên, dưới một dạng khác:

- Chúng tôi mặc cảm có lỗi với các bạn. Văn học – sự tích kỳ diệu được chọn lọc trong sức sống gần như cộng gộp của trái đất tích tụ ở nước các bạn – chưa được giới thiệu nhiều ở Hungaria. Nền luân lý vô sản đến mức tinh anh và cảm hóa không gì sánh nổi ấy phải vào từng nhà chúng tôi. Bọn phản động nói đến một sự bế tắc nào đó trong chúng ta: không đâu, hơn cả thời kỳ Phục Hưng, Việt Nam cho nhân loại một trận cuồng phong văn học. Không phải một trận. Một cái gì đó, tôi chưa tìm ra chữ…

Một đồng chí Hungaria – người gần như lúc nào cũng ở bên cạnh chúng tôi suốt thời gian chúng tôi thăm nước Hungaria – luôn luôn vui tính và có ý nghĩ rất ngộ nghĩnh:

- Phải bứng được nước Hungaria, ta đem để gần Việt Nam.

Tôi hỏi lý do, đồng chí trả lời rất gọn:

- Cho đỡ nhớ!

Đồng chí đã sang Việt Nam lúc chiến tranh và khi tôi đến nhà riêng của đồng chí – ở ngay khúc quanh của một nhánh sông – thì hiểu thêm rằng đó cũng là tình cảm của vợ đồng chí – một người thoát ra từ trại tập trung của phát xít Đức. Cả hai vợ chồng khao khát được đến miền Nam Việt Nam. Tôi muốn nói thêm về hai vợ chồng này: Họ từng cầm vũ khí xông xáo trên đường phố Budapest trong lúc chính quyền vô sản Hung trải qua cơn thử thách nghiêm trọng nhất hồi năm 1956. Riêng người chồng, anh là một chiến sĩ trong đoàn quân từng giải phóng Hungaria khỏi ách phát xít Hitler.

Đi với anh, chúng tôi được giới thiệu những nơi mà hai lần anh mặc quân phục: một ổ phục kích – một trận tao ngộ, một sở chỉ huy, những cành cây mà bọn Hitler rồi bọn phản cách mạng treo cổ những người yêu nước.

Tôi cho không phải ngẫu nhiên mà sợi dây liên hệ Việt Nam – Hungaria mang màu đỏ của máu như vậy.

Tôi có dịp trao đổi với một đồng chí lãnh đạo công đoàn Hungaria và một nhà thơ – hai người đồng thời cũng là những người nghiên cứu sử. Họ say sưa lịch sử Việt Nam, còn tôi, tôi muốn có một khái niệm về cuộc đời của nước Hungaria. Tất nhiên, thoạt đầu, cuộc trao đổi ít nhiều mang tính chất học thuật nhưng dần dần nó khôi phục cái cốt lõi: sự san sẻ niềm tự hào, nỗi căm giận của hai dân tộc vốn tương ứng trên khá nhiều mặt. Tôi không phản đối một ý kiến:

- Trong thế giới hiện đại nói rộng và trong thế giới xã hội chủ nghĩa của chúng ta, chỉ ra điều khác nhau giữa nước này nước nọ thì thật là dễ, nhưng tìm chỗ giống nhau lại rất khó. Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lênin cho chúng ta mẫu số chung ấy? Rốt lại, cái ranh phân chia con người có văn hóa với kẻ đần độn chính là ở chỗ xử lý chủ nghĩa quốc tế vô sản trong mỗi điều kiện cụ thể như thế nào…

Nước Hungaria định hình một quốc gia trong biên giới đại thể như hiện nay gần cùng thời kỳ với Đinh-Lê, khi vương triều Việt Nam xác lập. Cũng như Việt Nam, Hungaria đếm bước đi lên từ thuở vị thành niên đến lúc cứng cáp trên yên ngựa, bằng lưỡi kiếm, thông qua cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và khởi nghĩa nông dân có thể nói là bất tận.

Hungaria có những trang sử đen tối mà nỗi đau lòng còn in tận ngày nay, như trận thảm bại Mohacs, nhưng lịch sử thì đầy dẫy chiến công, là thiên sử ca hào hùng với các bậc kiếm sĩ, tướng quân lẫy lừng, không ít minh quân và lương tể. Cuộc khởi nghĩa Đốc-sa lớn nhất của thời đại lúc đó đã tạo ra một hình tượng bi phẫn, trở thành niềm kích động quật cường bất tử: Đốc-sa lãnh tụ của nông dân, bị bọn phản động tròng vào người những vòng sắt nóng đỏ đến khi chỉ còn trơ một bộ xương. Một công trình nghệ thuật xuất sắc về tư thế chết của Đốc-sa đang được trưng bày ở một viện bảo tàng Budapest mà bất kỳ ai cũng phải dừng lại khá lâu để chiêm nghiệm điều này: muốn không bị giết chết như Đốc-sa, nhân dân lao động phải làm một cái gì thật ghê gớm…

Nhiều phen, vua chúa Hungaria đầu hàng giặc ngoài, nhưng nhân dân Hungaria không hạ vũ khí. Thành Ê-ge nổi lên như hòn ngọc trước cơn lũ Thổ Nhĩ Kỳ cuốn phăng tất cả, trừ vài nghìn người trong một thành cổ. Hơn nữa, ngọn lửa chiến thắng lại bùng dậy từ chốn này.

Như ở Việt Nam, cách mạng Hungaria chuyển hướng cơ bản từ khi giai cấp công nhân chiếm vũ đài và nhất là từ khi Đảng vô sản ra đời. Hungaria có Xô viết 1919.

Cuộc trao đổi chen tiếng cười, thêm một điểm giống nhau nữa: cả hai dân tộc đều lạc quan, hóm hỉnh, bộc trực.

Tất nhiên, tôi không cần phải kể làm gì việc Hungaria và Việt Nam là hai nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Tôi không giấu giếm ý nghĩ riêng sau đây: Thời kỳ mà những Vasco de Gama, những Christophe Colomb đem đến cho lục địa cũ cái kinh ngạc về một chân trời xa lạ nào đó, về một kiến trúc bề bộn nào đó, thời kỳ ấy đã qua rồi. Thế hệ chúng ta tìm nguồn hứng thú ở hướng khác – ở các phát hiện bên trong của một dân tộc, ở cái đẹp có chiều sâu, cái đẹp của tâm hồn con người.

Bạn Hungaria đồng tình với tôi và thêm:

- Sự chênh lệch về vật chất, bên ngoài dù đến đâu cũng chỉ là tạm thời. Chẳng cần là nhà tiên tri, ai cũng biết trong vài thập niên nữa, nước Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng lạc hậu về kinh tế hiện nay. Nhưng làm sao người ta đuổi kịp các bạn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng?

Tôi cảm ơn bạn về lời nói đẹp đẽ ấy và thưa rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng tự nó, nó cũng không dẫm chân tại chỗ trong thế giới mà sự áp bức xã hội còn nặng trĩu trên nhiều khu vực và yêu cầu làm chủ thiên nhiên một cách triệt để vẫn đặt ra cho con người rất nghiêm túc, cấp bách.

Dù sao, nhận định của người bạn kia cũng không phải không có căn cứ.

Tôi đã gặp nhiều kỳ quan, không phải là nhà Quốc hội, cao điểm Var, hồ Balaton bát ngát… Tôi đã gặp những tấm lòng.

Ai thăm viện bảo tàng công nhân Hungaria đều thấy ngay từ cửa vào chiếc xe bọc thép, quà của Lênin tặng Bela Kun, vị lãnh tụ vô sản Hungaria trong thời kỳ Xô viết.

Bên trong, giữa vô số hiện vật, có một tờ quảng cáo: “Xin mời mọi người đến phòng nhạc thủ đô dự buổi hòa nhạc của công nhân”.

Đó là buổi hòa nhạc năm 1919, vào lúc cuộc cách mạng vô sản thứ hai của thế giới đang ở vào phút gay go. Trên tờ quảng cáo, ảnh Lênin và Bela Kun đứng sát nhau, tại Hồng trường Moscow.

Nước Hungaria và nước Nga. Nước Hungaria xô viết và nước Nga xô viết.

Tấm lòng, đúng rồi. Nhưng phải nói thêm. Tấm lòng của những người công nhân của nhân dân lao động, của những ai yêu công lý, tự do, độc lập, của những người cộng sản. Nhưng cái đó cho tấm lòng thêm đậm, thêm sâu, thêm rộng.

Tôi sảng khoái dù thời gian tới nước Hungaria quá ngắn: Hai dân tộc biết yêu – yêu tha thiết – và cũng biết ghét – ghét đến độ đào đất bỏ đi!

Bạn nhất định không nhận lời cám ơn của ta. Chúng ta biết rằng lời cám ơn đó là chính đáng. Chúng ta phải cám ơn bởi chúng ta không thắng mọi thứ kẻ thù – trước đây và sau này – nếu không có bạn bè. Những người Việt Nam đang sống nghĩ như vậy và các thế hệ mai sau của Việt Nam mãi mãi nghĩ như vậy. Nhưng chúng ta còn cám ơn vì nhân dân Hungaria đang làm cho chủ nghĩa xã hội hiện ra với một bên trong, một bên ngoài khỏe khoắn, mỹ lệ, hấp dẫn dù các bạn luôn nói thẳng về những khó khăn và thiếu sót của mình.

Vừa mới giải phóng xong, công việc đa đoan, chúng ta vẫn áy náy vì sự đền đáp chưa đều khắp. Hẳn là bạn bè thông cảm và bỏ lỗi cho chúng ta.

Với bạn Hungaria trong ngày Quốc khánh năm nay của bạn, chúng ta nhắc lại:

- Cảm ơn các bạn!

Các bạn, bao giờ chúng tôi nói lời cám ơn ấy cũng rơm rớm nước mắt!

Tháng 4.1977

TRẦN BẠCH ĐẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên