![]() |
Nhà văn U-80 Sơn Nam nói với nhà thơ Thảo Phương tại Đại hội Hội Nhà văn TP.HCM lần 5: "Hãy cứ viết cho đến khi sức tàn lực kiệt". Ông vừa hoàn tất cuốn Bình an - tập 4 và là tập cuối bộ Hồi ký của mình (NXB Trẻ) - Ảnh: T.N.V |
Trước tình hình đời sống văn học chung khá tẻ nhạt như mấy năm qua, người đọc một lần nữa tiếp tục chờ đợi xem đại hội này có... gì mới, có đưa ra những giải pháp nào để cải thiện được tình thế!
Sau đây là ý kiến của một số người trong cuộc.
* Có ý kiến cho rằng những tác phẩm được tài trợ in ấn đã chìm lỉm không tiếng động trong dòng dư luận. Là tổng thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, ông có chứng cớ nào thuyết phục để phản bác, để chứng minh rằng tiền tài trợ đã được trao đúng người đúng của và góp phần nâng cao đời sống văn học của TP?
Nhà văn Lê Văn Thảo: Chưa tìm ra chủ trương nào hay hơn
Quả là khó: 300 triệu đồng cho khoảng 300 nhà văn hội viên, chẳng lẽ chia đều mỗi người 1 triệu? Bình quân là điều tối kỵ trong nghệ thuật. Nhưng tập trung vào người nhiều tài, người đang có sức viết thì ai là người nhiều tài, đang có sức viết? Nhiều người mười năm không viết thật ra là đang ấp ủ một thiên truyện thì sao?
Văn chương vốn ở cái “tinh”, ai cũng biết, không phải ở số lượng, nhưng tập trung vào một tác giả, tác phẩm, nếu không thành công thì sao? Văn chương là của thời gian, nhiều cuốn ồn ào hiện tại chưa chắc có giá trị nhiều năm về sau, huống chi cái chưa viết ra.
Hội Nhà văn TP.HCM trong thời gian qua chủ trương tài trợ trên bản thảo, gọi là hỗ trợ tác giả trong thời buổi in sách khó khăn, bồi dưỡng tác giả hoàn thiện bản thảo, ít ra sau đó cũng nhìn thấy được cuốn sách in ra, chưa hẳn là chủ trương hay nhất, nhưng tạm thời trong lúc chưa tìm ra chủ trương nào hay hơn.
Hơn nữa, trong ba tác phẩm có chất lượng, hội vừa chính thức đề cử vào giải thưởng của UBND TP.HCM (hai năm/lần), ngoài Tấm ván phóng dao của Mạc Can thì có hai tập truyện ngắn (Những người lãng mạn - Nguyễn Thúy Ái và Có con chim lạ trong thành phố - Nguyễn Tiến Đạt) là do hội bỏ tiền in ấn và phát hành. Tiền đó cũng là từ tiền tài trợ...
* Là người đã lâu năm làm quản lý, cũng đã lâu năm sống bằng sức đi sức viết của chính mình, ông có nhận định như thế nào về việc tài trợ cho văn học của chúng ta hiện nay?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tài trợ là bất công
Tài trợ là một biện pháp dở. Nhà văn trước hết là người lao động, phải sống bằng lao động của chính mình. Qui luật chung, nếu anh không sống được bằng chính sản phẩm lao động của mình thì hoặc phải bỏ nghề, hoặc phải làm thêm một công việc khác và đồng thời viết văn. Các nhà văn trên thế giới đều thế, là nhà báo, kỹ sư, bác sĩ... và họ viết văn. Cho đến khi tác phẩm có uy tín, được mua giá cao mới có thể bỏ nghề để chỉ chuyên việc viết. Điều đó lành mạnh cho đời sống văn học.
Người mới cầm bút, những năm đầu vừa làm nghề chuyên môn vừa viết văn sẽ có sự gắn bó với đời sống. Còn như tạo ra một thói quen sống bằng tài trợ thì sẽ làm nhà văn tách ra khỏi đời sống rất sớm, đánh đồng người có tài với người không có tài. Không tôn trọng qui luật loại trừ trong văn học, văn học sẽ như một cái ao tù, ai cũng như ai.
Và một khi bất tài cũng như có tài đều được hưởng như nhau thì tài trợ lại là một thứ bất công. Đã tài trợ thì không cách gì để cho công bằng được cả! Còn bảo căn cứ trên đề cương sáng tác để tài trợ thì từ đề cương đến tác phẩm là một con đường mênh mông vô tận, ai cũng thấy rồi.
Hồi tôi ở trong ban chấp hành Hội Nhà văn, tôi cũng tham gia guồng máy tài trợ, tôi chưa bao giờ thấy nhờ tài trợ mà có tác phẩm hay. Còn những tác phẩm hay nhất mà văn học chúng ta đã từng có trong bao nhiêu năm qua thì lại chưa bao giờ là kết quả của sự tài trợ, ít nhất là từ 1975 đến giờ.
Cái cần lúc này là cải tiến chế độ nhuận bút, nâng cao đời sống xã hội và khôi phục văn hóa đọc. Mà không chỉ Hội Nhà văn, theo tôi, muốn lành mạnh hóa các hội thì nên chấm dứt sự tài trợ cho các hội. Cứ để các hội tự sống, không sống được thì chết. Đời sống lành mạnh là phải biết đào thải. Hơn nữa, tiền tài trợ là tiền của dân, phải cân nhắc khi tiêu xài…
* Là nhà lý luận phê bình văn học, đã đọc rất nhiều, đi rất nhiều, lại biết nhiều người nhiều chuyện, theo như ông thấy, ở xứ người văn học thường được tài trợ như thế nào?
Nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên: Chưa thấy một nhà nước nào rộng rãi và dễ tính như thế
Trước hết phải nói chuyện lạ xứ mình, nơi các hội đoàn nghề nghiệp lập ra toàn tiêu tiền nhà nước. Tổ chức hội đoàn y như một cơ quan hành chính, các chức vụ cũng khung bậc lương như ngạch bậc viên chức nhà nước. Mà viết văn là chuyện cá nhân. Đã thế, hằng năm Nhà nước lại còn rót tiền tài trợ bao cấp cho hội để hội rải ra chia đều cho hội viên gọi là trợ cấp sáng tác. Chưa thấy một nhà nước nào rộng rãi và dễ tính như thế!
Thời kinh tế thị trường, nếu Nhà nước cần những sáng tác cho một mục đích công việc nào đấy tầm cỡ quốc gia thì nên đấu thầu và đặt hàng. Còn thì để các nhà văn, cũng như văn nghệ sĩ nói chung, tự họ viết theo cảm quan nghệ sĩ của họ.
Bảo đảm một luật xuất bản tự do và dân chủ thì các nhà sách sẽ không để lọt một tác phẩm hay, và khi đó nhà văn sẽ sống được bằng ngòi bút của mình.
Có dịp đi ra nước ngoài, tôi thấy nhà văn ở các nước chẳng dựa gì vào nhà nước cả. Họ quan hệ chính là với nhà xuất bản. Một tác giả mới mà nhà xuất bản thấy có triển vọng, họ sẽ mạnh dạn đầu tư in sách. Không ở đâu nhà nước lại bỏ tiền tài trợ cho nhà văn cả.
* Từ nhiều năm nay ông là người sống được bằng nghề văn của mình, thậm chí sống dư dả - nhiều người nói vậy, dựa trên số lượng bản in và số lần tái bản của Kính vạn hoa, Thằng quỉ nhỏ, Mắt biếc, Chuyện xứ Lang Biang... Nhưng nếu may mắn được tài trợ, ông muốn được nhận sự ưu ái ấy dưới hình thức nào, để có lợi nhất cho người đọc?
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:Chỉ nên biểu dương những tác phẩm văn học đã được kiểm định
Theo tôi, như những người lao động ở các ngành nghề khác, nhà văn phải cố sống được bằng nghề, bằng sản phẩm tự mình làm ra chứ không nên từ sự giúp đỡ, nhất là bằng tiền ngân sách - tức là tiền đóng thuế của nhân dân. Hội Nhà văn trung ương lẫn thành phố xưa nay vẫn có thói quen dùng tiền ngân sách để tài trợ cho một số hội viên (danh sách này thường khá bí mật) nhưng tôi tin rằng chưa hề có một tác phẩm xuất sắc nào ra đời từ số tiền tài trợ đó.
Tôi không tin nhà văn sống sung túc thì viết hay hơn nhà văn sống nghèo khó, cũng như là ngược lại. Những kiệt tác văn chương xưa nay đều bắt nguồn từ phẩm chất sáng tạo của nhà văn chứ không nhất thiết tùy thuộc hoàn cảnh nhà văn đó sinh sống. Nhà quí tộc L. Tolstoi với trang trại mênh mông vẫn viết được Chiến tranh và hòa bình vĩ đại. Và H. de Balzac quanh năm viết để trả nợ vẫn làm nên một Tấn trò đời kiệt xuất. Đứng ở góc độ sáng tác, cảnh giàu hay cảnh nghèo đều là chất liệu quí giá đối với những văn tài thật sự.
Còn nếu Nhà nước vẫn quyết ưu ái với những người viết văn thì theo tôi, nên tài trợ dưới hình thức những giải thưởng văn chương danh giá - có giá trị cao về tinh thần lẫn vật chất. Tức là biểu dương những thành phẩm văn học đã được kiểm định chứ không phải đầu tư cho những đề cương mơ hồ. Khi đó, những người cầm bút sẽ cố viết sao cho thật hay để được thừa nhận. Nhưng để làm được như vậy, ban giám khảo của những giải thưởng này phải là những người có trình độ thẩm định cao, thật công minh và thật độc lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận