![]() |
Tác giả trích số liệu của tập đoàn nghiên cứu hàng đầu thế giới Goldman, Sachs & Co, theo đó tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc (TQ) vẫn ở mức 9,6%; trong khi đó theo Cục Thống kê TQ đưa ra hôm thứ tư, tỉ lệ tăng trưởng trong quí 1 vừa qua là 9,5% so với năm ngoái. Tại sao TQ vẫn tăng trưởng cao đến thế trong khi TQ nói là “hạ hỏa tăng trưởng”?
1. Theo tác giả, vấn đề đáng quan sát không phải là TQ có “hạ hỏa tăng trưởng” hay không, mà là TQ đã làm gì để giữ được tỉ lệ tăng trưởng cao đó khi mà giá dầu hỏa đang và còn là một mối đe dọa khôn lường. Không phải là vốn đầu tư mà chìa khóa tăng trưởng cao của TQ chính là nguồn nhân lực trên thị trường lao động. Đã qua rồi thời kỳ người ta hay ca tụng “nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ”... Giờ đây, đó chỉ có thể và phải là năng suất lao động cao.
![]() |
Năng suất lao động tăng là khi người sản xuất được hưởng lợi nhuận từ sản xuất, khi các xí nghiệp ngày càng được giải phóng khỏi những can thiệp của nhà nước. Lợi nhuận cho người sản xuất là động lực cơ bản khiến họ ngày càng xả thân hơn vì thành quả của xí nghiệp mình. Tác giả kết luận: “Các nước đang phát triển vẫn có thể rút ra một số bài học tổng quát.
Bài học quan trọng nhất là: vốn đầu tư là tối cần thiết, song vốn đầu tư chỉ trở thành sức mạnh khi được kèm theo các cải cách hướng đến thị trường cho phép kích thích lợi ích của các cơ sở ở nông thôn và kinh doanh, sản xuất nhỏ. Đối với các nước có nhiều nhóm dân số nông nghiệp lớn bị thất nghiệp hay trong tình trạng “nông nhàn”, thì kinh nghiệm này của TQ rất đáng học hỏi. Bằng cách khuyến khích đầu tư vào các xí nghiệp ở nông thôn chứ không chỉ tập trung vào khu vực công nghiệp ở các thành phố, TQ đã thành công trong việc đưa hàng triệu nông dân thất nghiệp rời ruộng đồng bước vào các nhà máy ở nông thôn”.
2. John Mauldin trên một website tài chính của Mỹ, Safe Haven 17-4-2004, cũng đã viết về “Phép lạ năng suất của TQ”.
Theo John Mauldin, trong giai đoạn 1995-2002 năng suất hằng năm của TQ tăng bình quân 15%, so với 4%/năm ở Hoa Kỳ. Đó chính là giai đoạn tăng tốc của TQ. Tác giả tổng kết có đến 27/38 lĩnh vực công nghiệp ở TQ có tỉ lệ tăng năng suất trên 10% và giải thích: cũng như ở các nước công nghiệp phát triển, kết quả này là do ứng dụng kỹ thuật ngày càng hiện đại và tái phân phối tài nguyên vốn từ các lĩnh vực đem lại giá trị thấp đến các lĩnh vực đem lại giá trị cao.
Một trong những nguyên nhân khác của “phép lạ” này còn là việc “Chính phủ TQ bán đi các ngành công nghiệp đầy công nhân song cũng đầy lỗ lã, các chủ nhân mới của các nhà máy giảm biên chế nhưng năng suất lại cứ tăng. Ngành luyện thép đã mất 557.000 chỗ làm, song sản lượng cứ tăng”. Sau khi tính toán các số liệu tác giả kết luận: “Các nhà máy mới của tư nhân cung cấp 19 triệu chỗ làm mới, bù lại số chỗ làm đã mất”. Tất nhiên, không thể bù lại tất cả chỗ làm đã mất: trong giai đoạn 1995-2002, đã cắt 22 triệu chỗ làm, song đã tạo được 18 triệu chỗ làm mới, hiện vẫn còn thiếu 4 triệu chỗ làm đã bị sa thải chưa tạo ra được.
Song không thể không chọn lựa giữa “tăng năng suất hay là chết cả lũ”. Kết quả là hiện nay năng suất lao động ở TQ cao gấp ba lần so với cách đây chỉ chín năm. Muốn hay không muốn, năng suất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tăng 77% cho dù số công nhân trong lĩnh vực này có giảm đi 22% kể từ năm 1979. Kết quả là TQ vẫn tiếp tục ngự trị thị trường Mỹ và EU, cho dù cũng trong thời gian đó các nước khác có nguồn nhân công rẻ chen được vào những lĩnh vực mà TQ đã buông. Tác giả kết luận: “Không phải nhờ lương công nhân thấp mà TQ tăng vọt kinh tế trong 10 năm qua. Đó là do người lao động của họ ngày càng có hiệu năng hơn”.
Giải quyết số người mất việc cả trong nông nghiệp lẫn trong công nghiệp ra sao? Theo tác giả, do lẽ năng suất đồng nghĩa với thu nhập, nên thu nhập thu được trong 25 năm qua (nhờ tăng năng suất) cả ở nhà máy lẫn trên ruộng đồng cũng là một cái gì đền bù cho sự mất chỗ làm, tức có thể có sự san sẻ trong một gia đình.
Có một sự san sẻ khác trên bình diện xã hội là do cung hàng hóa và dịch vụ tăng nên giá cả tăng chậm hơn là thu nhập tăng, giúp người tiêu dùng có thêm thu nhập để chi tiêu cho nhiều món khác hay dịch vụ khác mà trước kia chưa từng có.
Tác giả trích các khuyến cáo của nhà kinh tế cao cấp Steve Wieting của Tập đoàn Citigroup Inc.: “Các nghiên cứu của chúng tôi đề xuất rằng hãy để cho xã hội biến thành xã hội của những kẻ đi săn, ai nấy cũng có cùng cơ hội, chỉ cần cung cấp cho kẻ thua thiệt miếng ăn và chỗ ở tối thiểu. Đến đây, thách thức đối với nhà cầm quyền là làm sao cho lợi nhuận chan hòa, bằng chính sách thuế khóa công bằng, dùng tiền thuế thu được san sẻ đầu tư cho các lĩnh vực cần đổi mới, để các lĩnh vực này cùng tiến triển theo. Đó chính là nội dung của “lý thuyết chan hòa” (théorie de la percolation)”.
3. Nhiều nhà quan sát cho rằng Chính phủ TQ đang rà thắng để chậm tăng trưởng lại. John Mauldin cho rằng TQ không hề giảm tốc. Ông viết: “Trong nhiều năm trời, tôi đã từng viết rằng các nhà lãnh đạo TQ phải đối diện một vấn đề khổng lồ: là khi đóng cửa các nhà máy phình nhân công, chính quyền sẽ phải tìm ra việc làm cho những ai thất nghiệp. Quả là một vấn đề to tát! Thế nhưng, nay thì thấy rằng vấn đề lớn nhất đối với TQ không nhất thiết phải là vấn đề nội bộ đó.
TQ có cả núi vấn đề nội bộ: thiếu tài nguyên nước, tài nguyên năng lượng, ô nhiễm báo động... Chúng ta có thể chép ra cả một danh sách các vấn đề TQ cần giải quyết. Vấn đề lớn nhất với TQ là TQ cần tăng xuất khẩu và tăng cung nội địa hầu có thể tạo ra thêm chỗ làm chất lượng cao hơn trước.
Hiện tại, Chính phủ TQ đang làm tất cả những gì họ có thể làm để tạo ra một cỗ máy công nghiệp sao cho sau này sẽ trở thành một cường quốc kinh tế thật sự có thể đứng vững trên đôi chân mình. Thế giới sẽ không bao giờ ngừng tăng năng suất, cả ở TQ lẫn ở Hoa Kỳ hoặc nơi khác. Đó chính là cuộc đời (đời mà!)”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận