08/04/2004 23:08 GMT+7

Tại sao quán Cây Dừa bị kiện?

Hoài An ghi
Hoài An ghi

TT - Dư luận đang chú ý đến vụ quán Cây Dừa (số 1 Trần Phú, Q.5, TP.HCM) bị Nhà máy Bia VN kiện. Vì sao quán Cây Dừa bị kiện? Và có thể thấy được điều gì từ vụ kiện này?

EihyvwLX.jpgPhóng to
Quán Cây Dừa, số 1 Trần Phú, Q.5 - Ảnh: L.N.
TT - Dư luận đang chú ý đến vụ quán Cây Dừa (số 1 Trần Phú, Q.5, TP.HCM) bị Nhà máy Bia VN kiện. Vì sao quán Cây Dừa bị kiện? Và có thể thấy được điều gì từ vụ kiện này?

Đầu tháng 2-2004, khi Công ty Tân Hiệp Phát tung ra chương trình khuyến mãi “Tuần lễ bia Laser”, quán Cây Dừa - do ông Nguyễn Văn Hoàng làm chủ - bắt đầu vắng khách, công việc kinh doanh khó khăn. “Khách nào đến cũng hỏi tại sao nhiều quán người ta có chương trình cho khách hàng uống một chai Laser miễn phí, còn quán Cây Dừa lại không có” - ông Hoàng nói.

Tòa kinh tế Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết vụ kiện tranh chấp hợp đồng giữa Nhà máy Bia VN và quán Cây Dừa đã được tòa thụ lý.

Quá trình tố tụng đã tiến hành hòa giải giữa hai bên nhưng hòa giải không thành. Dự kiến vụ kiện sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 16-4 tới.

Thấy công việc làm ăn không được thuận lợi, nên khi nhân viên tiếp thị bia Laser đến đặt vấn đề treo băngrôn khuyến mãi, ông Hoàng đồng ý. Theo lời ông Hoàng, mục đích của việc tham gia chương trình là tạo không khí “xôm tụ” để quán lôi kéo được nhiều khách hơn. “Nếu họ đến đông thì có người chọn uống Laser kèm một chai miễn phí, số khác lại uống các loại bia khác tùy theo khẩu vị” - ông Hoàng giải thích.

Sau hai ngày tham gia chương trình này, quán Cây Dừa bắt đầu đông khách trở lại, nhưng cũng là lúc nhân viên Nhà máy Bia VN (NMBVN) - đơn vị có hợp đồng “độc quyền” bán các loại bia Tiger, Heineken và Bivina tại quán Cây Dừa - đến yêu cầu ông Hoàng hạ băngrôn và ngưng bán bia Laser.

Ông Hoàng đã từ chối yêu cầu này với lý do là “lỡ” treo bảng thông báo chương trình “Tuần lễ bia Laser”, nhiều khách hàng đã biết. Nếu ngưng chương trình chỉ sau hai ngày, quán Cây Dừa chắc chắn sẽ mất uy tín, khách hàng sẽ từ bỏ quán. “Tôi phải chọn việc phục vụ người tiêu dùng để đảm bảo công việc làm ăn lâu dài. Tôi chấp nhận hoàn trả tiền tài trợ của NMBVN theo như thỏa thuận tại hợp đồng nhưng đơn vị này đã không chấp nhận...” - ông Hoàng cho biết.

Vì sao ông lại ký hợp đồng “độc quyền” với NMBVN? Ông Hoàng trả lời: “Tôi nghĩ là dù không ký hợp đồng, quán Cây Dừa cũng bán các loại bia Tiger và Heineken như trước đây, nên ký hợp đồng để có thêm một khoản tiền phục vụ việc nâng cấp quán”. Cũng theo lời ông Hoàng, từ năm 1996 đến trước thời điểm ký hợp đồng với NMBVN (vào năm 2003), quán Cây Dừa đã từng ký hợp đồng tài trợ với một số nhãn hiệu bia khác nhưng “vẫn bán bia Tiger”.

Trong khoảng thời gian này, quán Cây Dừa cũng luôn cho phép nhân viên tiếp thị bia Tiger tổ chức các chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng... “Tôi cũng tưởng rằng mọi chuyện như trước, dù ký hợp đồng nhưng lâu lâu quán phải có chương trình khuyến mãi của bất cứ nhãn hiệu bia nào khác như trước đây, với mục đích làm cho không khí “sung” lên, lôi kéo được nhiều khách chứ đâu có ngờ...” - ông Hoàng than.

Do hai bên không thỏa thuận được, trong tháng 2-2004 NMBVN đã khởi kiện quán Cây Dừa ra tòa án kinh tế. “Bên NMBVN yêu cầu quán Cây Dừa tiếp tục thực hiện hợp đồng, đồng nghĩa với việc ngưng bán bia Laser. Nhưng tôi thấy bất tiện quá, mình làm ăn phải phụ thuộc khách hàng, trong khi mỗi người có khẩu vị riêng, đòi những loại bia khác nhau, còn mình chỉ bán một loại bia thì đâu có được...” - ông Hoàng nói.

* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Ảnh hưởng quyền lựa chọn của người tiêu dùng

Phải bắt đầu từ nội dung của bản hợp đồng giữa Nhà máy Bia VN (bên A) và quán Cây dừa (bên B). Đây là một hợp đồng kinh tế. Thỏa thuận trong hợp đồng này luật hiện hành (Bộ luật dân sự, Luật thương mại…) không cấm. Như vậy khi bên B đã chấp nhận ký vào bản hợp đồng mà bán hoặc quảng cáo cho nhãn hiệu bia khác là đã vi phạm hợp đồng.

Song nhân vụ việc này, điều mà tôi muốn nói đây là một “lỗ hổng” của pháp luật VN, vì nó ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cụ thể là ở quyền được lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng. Trong tương lai nên có những qui định điều chỉnh những thỏa thuận độc quyền này trong Luật cạnh tranh hoặc trong những luật khác.

Chẳng hạn, theo tôi, để bảo vệ người tiêu dùng thì luật nên không cho phép có những thỏa thuận độc quyền tương tự như trên ở hệ thống phân phối bán lẻ. Nên giới hạn chủ thể, như chỉ cho phép hợp đồng độc quyền giữa nhà sản xuất với nhà phân phối sỉ (tổng đại lý, đại lý cấp 1…). Hoặc giới hạn loại hàng hóa, như không được hợp đồng độc quyền ở những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hằng ngày…

* Luật sư Lê Thành Kính (trưởng văn phòng luật sư Lê Nguyễn):

Đó là cạnh tranh không lành mạnh

Nhìn ở góc độ hợp đồng theo luật hiện hành thì quán Cây Dừa đã vi phạm. Nhưng nhìn bản chất bên trong hợp đồng này thì lại là sự cạnh tranh không lành mạnh. Theo luật các nước, hợp đồng là đối khoản các quyền và nghĩa vụ, nghĩa là bình đẳng về các quyền và nghĩa vụ của hai bên. Hợp đồng sẽ vô hiệu khi người ký hợp đồng bị lừa dối, bị nhầm lẫn, bị đe dọa, hoặc người ký hợp đồng không có đủ điều kiện nhận thức đầy đủ mục đích của hợp đồng...

Còn trong các luật lệ hiện hành của VN, qui định về hợp đồng thì có nhiều nhưng hầu hết không có qui định một cách rõ ràng. Qui định tương đối rõ nhất về hợp đồng là ở Bộ luật dân sự. Theo đó, nguyên tắc giao kết hợp đồng là “hai bên tự do giao kết nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”.

Vì thế, trong việc vi phạm hợp đồng của ông chủ quán Cây dừa, theo tôi, ông ta có thể đưa ra các lý lẽ là bị nhầm lẫn, rằng bên kia đã sử dụng ông ta để tiêu diệt các đối thủ khác...Cho nên trong tương lai, theo tôi, khi sửa đổi Luật thương mại, Luật dân sự... cần phải qui định rõ ràng về hợp đồng và các loại hợp đồng. Còn về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì rất cần có Luật cạnh tranh!

Hoài An ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên