Tái bản bộ sách quý: Kỹ thuật của người An Nam
Phóng to |
Bộ sách được tái bản thành ba tập, bìa cứng, đóng hộp quy mô -Ảnh: LĐiền |
Tập sách là công trình nghiên cứu về kỹ thuật của người An Nam trong đời sống người dân Hà Nội và Bắc kỳ lúc bấy giờ, với khoảng 4.200 tranh vẽ và tranh khắc gỗ, cùng các bài viết nghiên cứu của tác giả.
Các nhóm nội dung kỹ thuật An Nam được đề cập trong tập sách bao gồm: nghề lấy nguyên liệu từ thiên nhiên (nghề nông, đánh cá, săn bắn, hái lượm), nghề chế biến nguyên liệu lấy từ thiên nhiên (giấy, kim loại quý, gốm, sắt tây và thiếc, gỗ, vũ khí, tre, mây, chế biến cây quả, vải sợi, tơ lụa, lông, da, sắt, đồng), nghề dùng nguyên liệu đã qua chế biến (buôn bán, đá, mẫu và đồ trang trí, tô vẽ và tranh sơn mài, điêu khắc và tạc tượng, đồ thờ, nấu ăn, may mặc, xây dựng, đồ nội thất, công cụ, dụng cụ, máy, mứt và bánh ngọt), đời sống riêng và đời sống cộng đồng của người dân An Nam (đời sống cộng đồng, đời sống tình cảm, nhạc dụ, phép thuật và bói toán, các phép trị liệu dân gian, tết và lễ, trò chơi và đồ chơi, cử chỉ, đời sống ngoài phố, nghề bán rong, tranh dân gian).
Công trình này có ý nghĩa quan trọng, bởi nghiên cứu về kỹ thuật, nghề nghiệp của người An Nam thời đầu thế kỷ 20 như vậy là rất hiếm hoi. Ðây cũng là nội dung nghiên cứu để tìm hiểu bối cảnh sống của người Việt thời bấy giờ của các chuyên ngành xã hội học, dân tộc học, và ngay cả các ngành nghệ thuật ngày nay cũng rất cần các hình ảnh này trong một số ứng dụng tạo hình hoặc trình diễn cần thiết.
Phóng to |
Bức tranh mang tên Du xuân đồ, với những chữ Nôm:
|
Henri Oger thực hiện công trình này vào độ tuổi hai mươi, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của nước Pháp lúc bấy giờ. Với quan niệm "Nghiên cứu nghề của một dân tộc cũng chính là nghiên cứu nền văn minh vật chất của dân tộc đó", ông đã cùng một họa sĩ làm việc tích cực và khoa học: Oger lập dàn ý ghi chép trên cơ sở trao đổi với người An Nam, sau đó trao cho họa sĩ, khi bức vẽ hoàn thành lại được đưa cho những người An Nam "có đầu óc phê phán tốt" để thẩm định bình luận. Mỗi bức tranh đều kèm một số chữ Hán, Nôm ghi tiêu đề hoặc chú thích ngắn gọn nội dung.
Ðiều thú vị là chính Henri Oger lập xưởng khắc gỗ, in ấn ở phố Hàng Gai để xuất bản công trình của mình.
Lần xuất bản đầu tiên ấy có số lượng ấn bản quá ít, chỉ không quá 60 bản, theo ghi nhận của Philippe Le Failler và Olivier Tessier - Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp. Cho nên trước lần tái bản vào tháng 6-2009, bộ sách quan trọng này cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam, chỉ có hai bản được biết đến: một ở Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM và một ở Thư viện Quốc gia Hà Nội.
Lần tái bản này sách được bổ sung tiểu sử của Henri Oger, bài nghiên cứu về dạng các chữ được sử dụng trong sách, và điểm quan trọng là cung cấp cho độc giả bản dịch sang quốc ngữ của toàn bộ tiêu đề và ghi chú bằng chữ Hán Nôm trong bản gốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận