24/04/2009 08:19 GMT+7

Tác phẩm mới của ba cây bút trẻ

SONG PHẠM
SONG PHẠM

TT - LTS: Sự phân thân đến chông chênh của con người giữa đời sống đầy những tổn thương, phi lý. Phức cảm của người trẻ đô thị. Nỗi buồn của làng. Tất cả được chạm khắc trong ba tác phẩm mới nhất của ba cây bút trẻ được giới thiệu trên trang Thế giới sách kỳ này.

Trần Thị Hồng Hạnh và Quái vật

MvaEfoVu.jpgPhóng to s07MYFUe.jpg
Ảnh: M.Đức Ảnh: T.G.T.

Một câu chuyện buồn, đôi chỗ nhói xót, nơi những thương tổn tinh thần của nhân vật khiến ta mệt mỏi, nhưng tuổi trẻ với ưu điểm “liền xương, liền sẹo” rất nhanh, với lối hài hước hóa mọi điều diễn ra quanh mình đã giúp con người thoát khỏi những nỗi sợ hãi tuyệt vọng. Đó là Quái vật (Công ty sách Bách Việt và NXB Văn Học) của Trần Thị Hồng Hạnh - tác giả Bài học đầu tiên - giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần III, 2005.

Một con mắt thứ ba bất ngờ mọc lên ngay sau gáy nhân vật nữ chính, khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng khiếp hãi. Nhưng cũng từ đó một mối liên hệ kỳ lạ giữa “tôi” (nhân vật) và “nó” (con mắt thứ ba) đóng vai trò như lương tâm, như sự phân thân trong suy nghĩ, xúc cảm; một người khác, một thứ “quái vật” dịu dàng, đôi lúc nghiêm khắc như vị quan tòa, đôi lúc chỉ đơn giản là tiếng nói bên trong, các câu thoại đôi khi là những tâm sự, lúc là lời nhắc nhở, cảnh báo...

Và “nó” cùng với những giằng xé, giữa tình yêu, đam mê và các giới hạn, giữa quá khứ bị tổn thương với thực tại chông chênh khiến cuộc sống nhân vật trở nên nặng nề, chấp chới giữa đôi bờ thực - ảo, mất - còn, thiện - ác; giữa réo gọi, níu giữ với buông xuôi. Văn phong với lối viết khi... tưng tửng, cay độc, lúc mơ mộng, nhẹ nhàng bên cạnh những câu thoại lộ rõ nét hồn nhiên, bột phát, Trần Thị Hồng Hạnh đã khiến nhân vật của mình... thật hơn giữa những bức bối và khát vọng bình yên, trong một không gian vừa hiện thực vừa hư ảo.

Hư cấu, ma mị, đôi chỗ xa lạ, khó hiểu, Quái vật không phải là một câu chuyện dễ đọc đối với những người không thật nhiều kiên nhẫn. Nhưng chính những điều “khó hiểu” ấy trở nên sáng tỏ, dễ dàng khi ta tra vào nó chìa khóa của một góc nhìn biết tiếp nhận cái khác biệt. Vì bởi văn chương đôi khi không chỉ cứ “kể câu chuyện gì, kể như thế nào...”, mà khi kể xong câu chuyện đó mang lại cho người kể lẫn người nghe cảm giác ra sao...

Từ Bài học đầu tiên - gần giống một quyển tự truyện hiền lành đến Chuyện của nhóc Bill - một câu chuyện ngụ ngôn viết tặng con trai đầu lòng và lần này là tiểu thuyết Quái vật, cho thấy Trần Thị Hồng Hạnh đã có nỗ lực không nhỏ trong ý thức sáng tạo và trách nhiệm của người cầm bút.

Phan Hồn Nhiên và Cánh trái

tAcezbH8.jpgPhóng to depce1M8.jpg
Ảnh tư liệu Ảnh: T.T.D.

Xanh, trắng và đỏ, theo thứ tự là ba bảng màu dùng để chia dẫn các truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên trong tập truyện ngắn Cánh trái (NXB Văn Nghệ), cũng có thể hiểu là ba bảng màu vẽ lên tâm trạng sống của tác giả thông qua các truyện ngắn được chọn lọc thời gian gần đây.

Xanh có Cánh trái, Africa, Vụ mất tích, Giờ xanh, Ván cờ. Trắng có Sa Pa, Yên tĩnh tuyệt đối, Hồ cá, Người chơi gương, Bay về phương Bắc, Thành phố trên cốc. Đỏ có Người đi săn, Cột nước đỏ, Cánh tay đau, Không manh mối, Bưu thiếp từ Stuttgart, Người ăn táo, Khi tôi 64. Dường như có một “cơ chế tự động” nào đó trong mỗi truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên. Tự động khởi đầu, tự động kết thúc. Dấu vết của sự gượng ép (muốn truyền đạt một thông điệp nào đó) hay gài độ (xung đột tính cách nhân vật) hầu như không có trong truyện ngắn của chị. Người đọc tự động bước vào mỗi truyện ngắn như bước vào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm hay có khi là một cuộc nhàn du.

Thế giới trong truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên hầu hết là thế giới những người trẻ. Hay nói đúng hơn là những người trẻ đang phải sắp chia tay với tuổi trẻ. Họ đang đứng giữa một cung đường. Và lúc này họ đang ở thời điểm dễ bị lạc bước nhất. ...Em cần gì chứ? Một nơi chốn mà sau những xâu xé ngoài kia, người ta có thể rúc vào và lãng quên. Một ai đó để trông đợi. Chỉ có vậy thôi. Nhưng có thứ gì đó cứ lôi em đi, khiến em trở nên tàn nhẫn... Đó là lời tự thú của Hoan - một nhân vật trẻ trong truyện ngắn Cánh trái.

“Có một thứ gì đó” dường như luôn ẩn náu đâu đó, mà nếu gọi tên “thứ gì đó” là phức cảm của con người đô thị hiện đại cũng không sai. Một cô gái chuyên chụp ảnh và vẽ tiêu bản cá ở một trung tâm nuôi trồng sinh vật biển đột ngột biến mất mà không rõ nguyên do (Vụ mất tích). Một anh chàng đưa vợ lên Sa Pa nghỉ mát tình cờ gặp người yêu cũ ở đó và sau đó tai họa đã xảy ra (Sa Pa)... Mặc dù không triết lý nhưng đọc các truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên có thể đúc kết một điều: “Trong đời này ai cũng có một bi kịch nho nhỏ”.

Và luôn có một sự thú vị nho nhỏ nhưng xuyên suốt khi đọc truyện ngắn của Phan Hồn Nhiên. Đó là những đường nét của cuộc sống và tâm trạng con người nhiều khi như được vẽ lên bằng màu sắc chứ không phải được viết bằng câu chữ. Cách cảm nhận sắc màu tinh tế của Phan Hồn Nhiên khiến trang văn trở nên lung linh, ấm áp. Sắc màu đã làm nên một hương vị riêng cho trang văn. Và có lẽ dùng màu như Phan Hồn Nhiên cũng là một cách... chống lạm phát chữ.

Đỗ Tiến Thụy với Vết thương thành thị

d2spueEv.jpgPhóng to yvSl97Kb.jpg
Ảnh tư liệu Ảnh: M.Đức

Vết thương thành thị (NXB Trẻ) tập hợp tám truyện ngắn. Là tập truyện ngắn hay khi truyện nào cũng có được cái tứ đặc sắc và chinh phục độc giả ngay từ cái tứ ấy. Lấy tên truyện Vết thương thành thị làm nhan đề chung, nhưng cả tập truyện vẫn là bi kịch của nông thôn.

Họ nhà Vòn, Người trong núi, Gió đồng se sắt, Sóng ao làng, Sang mùa..., mỗi câu chuyện đều cắt một vết dao rất ngọt vào lòng người đọc về những nỗi buồn chưa bao giờ dứt, bởi chiến tranh, bởi đói nghèo, bởi cả sự bần cùng trong ý thức. Những phận người rách tươm, trôi dạt. Những u nhã thanh tao mất dần bởi những xô bồ ô trọc. Những bủa vây chật hẹp của lòng người. Cái tình tìm thấy được, sự bảo bọc nhỏ nhoi có được, vì thế, vẫn mang mùi đắng đót...

Nhưng bi kịch của nông thôn từ lâu không chỉ có ở làng. Cái bi kịch mới hơn trải dài ra phố thị, ra tận xứ người với những thân phận tha hương. Sự đổi đời thì xa vời vợi, chỉ có công việc quần quật, sự tủi hổ và những đổi chác chết người giăng mắc. Tâm thức “làm thuê” được truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhập nhoạng giữa cái đói, cái nghèo. Cái bi kịch mới ấy làm người đọc xót lòng qua chuyển tải của tác giả trong hai truyện ngắn Lênh đênhVết thương thành thị.

Trong khi không ít tác giả trẻ khác loay hoay khai thác cái tôi - nhiều day dứt mà ít trải nghiệm, Đỗ Tiến Thụy lại có ào ạt những câu chuyện kể đầy chất hiện thực, ngồn ngộn chi tiết đời sống. Những câu chuyện dường như đi ra từ chính cánh đồng quê chiêm trũng Bắc bộ - nơi anh sinh ra và từ núi rừng Tây nguyên - nơi anh gắn bó một thời trong quân ngũ. Văn phong vì thế cũng có chất khoáng đạt của núi rừng, cái khí khái của người lính, lẫn cái nồng ấm thao thiết của thôn quê.

Tôi một chú cua đồng vụng dại/ Nguệch càng trên thửa ruộng làng Bùi/ Những con chữ ngoi ra từ bùn đất/ Vương mồ hôi và nước mắt em tôi... Đỗ Tiến Thụy “giới thiệu” về mình trên blog bằng những dòng ngắn ngủi ấy. Sau tập truyện ngắn Gió đồng se sắt (NXB Thanh Niên) và tiểu thuyết Màu rừng ruộng (NXB Trẻ), tập truyện thứ ba này khẳng định thêm sự định vị mà bạn bè trong giới đã gọi “gã cua đồng”: cây bút trẻ của nông thôn. Nhưng không chỉ thế, Đỗ Tiến Thụy còn hứa hẹn anh có thể bứt phá nhiều hơn ở các không gian khác, với những câu chuyện trẻ trung chua cay hóm hỉnh của thời đại ảo, như Nơi không có sóng xì phôn trong tập sách này.

SONG PHẠM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên