Bà Huyền Chi chép bài thơ Thuyền viễn xứ theo yêu cầu của bạn đọc hâm mộ - Ảnh: L.Điền
Nay bạn đọc được chứng kiến một sự trở lại đầy thú vị của chính Huyền Chi nhưng trong một phiên bản khác.
Cách nay hơn 50 năm, khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Thuyền viễn xứ, công chúng miền Nam khi ấy thường bắt gặp trên tờ nhạc phát hành có in kèm lời nhắn "Huyền Chi, cô ở đâu".
Nhưng tuyệt nhiên không có phản hồi. Nay, nữ nhà thơ 18 tuổi năm nào giờ đã là cụ bà 85 tuổi, bất ngờ xuất hiện trở lại bằng tập sách Huyền Chi & Thuyền viễn xứ.
Trong tập sách mới này, Huyền Chi bộc bạch về Phạm Duy trong Lời tựa: "Dù sao tôi cũng nợ ông một lời cám ơn vì nếu không có nhạc ông, bài thơ của tôi cũng không còn được lưu giữ trong lòng nhiều người Việt Nam đến ngày hôm nay".
Thuyền Viễn Xứ - Guitarist Kim Chung (chuyển soạn và biểu diễn)
Huyền Chi & Thuyền viễn xứ chứa đựng không chỉ toàn văn tập thơ Cởi mở (tập thơ đầu tay của Huyền Chi in tại nhà in Sống Chung năm 1952), mà còn bao câu chuyện dù chỉ xoay quanh một đại gia đình nhưng không gian trải dài cả hai miền Nam - Bắc, hải ngoại và thời gian thì tràn suốt cả cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến thời bao cấp và đến tận bây giờ.
Dù ở tuổi tám mươi, nhà thơ Huyền Chi vẫn là một facebooker năng động với nhiều bài viết hay (nick name Khánh Ngọc).
Bà cho biết chính mạng xã hội này đã giúp bà kết nối với người thân trong họ từng bị thất lạc do gia đình ly tán sang hải ngoại từ trong chiến tranh.
Chuyện này, bà kể thành một bài ký "Chuyện lạ khó tin nhưng có thật" in trong tập sách mới ra.
Đọc Huyền Chi, bỗng rưng rưng trước hình ảnh một người cha trí thức Tây học, lại ngạc nhiên khâm phục về tinh thần hiếu học của người Phù Lưu - Bắc Ninh - một truyền thống mà chính cha bà đã thụ hưởng như một cơ duyên của cuộc đời và tiếp tục duy trì tinh thần ấy mãi về sau.
Rồi những câu chuyện tình thời thập niên 1950 với hình dáng người thiếu nữ trong đó nhiều phần chính là tác giả.
Đọc bút ký của một cá nhân lão thành mà như lần lại những đoạn trường của đất nước, thấy lại cuộc chia ly đằng đẵng mười năm của cha mẹ và mấy anh em, nghe được nỗi đau của người trắng tay do thời cuộc, nghẹt thở trước tai nạn của người thân và con cháu bị thất lạc...
Đặc biệt ba thiên ký sự "Những bà mẹ thời bao cấp" với từng câu chuyện thật của chính gia đình Huyền Chi, độc giả ngày nay sẽ có thêm cái nhìn về sự chuyển mình "đổi mới" của nước nhà từ trong những phận người, những miếng ăn tần tảo để tồn tại qua chặng đường khốn khó...
Điều đáng quý hơn tất cả là tinh thần lạc quan, nét duyên dáng và dung dị toát ra từ câu chữ của tác giả.
Có lẽ ngần ấy tháng năm chìm nổi của cuộc đời đã mang lại cho bà một sức mạnh nội tâm lớn lao ẩn sâu trong vẻ ngoài bình dị.
Trong đoạn văn của bài ký Tản mạn về ẩm thực, có cụm từ "hành hương về kỷ niệm" thật hay.
Và việc ra sách ở tuổi 85 như thế này, tác giả Huyền Chi - Hồ Thị Ngọc Bút cũng đã tự làm một chuyến hành hương về kỷ niệm và còn chia sẻ đến đông đảo bạn đọc, cũng là chuyện hay hiếm có.
Tập sách ấn hành khi tác giả Huyền Chi bước vào tuổi 85 - Ảnh: L.Điền
Khi bản nhạc Thuyền viễn xứ được công bố, Huyền Chi đang sống ở Phan Thiết.
Mặc dù vẫn đọc được lời nhắn Huyền Chi, cô ở đâu trên các tờ nhạc, nhưng Huyền Chi đã "chọn sự im lặng".
Ngay cả tên tuổi Huyền Chi cũng bặt dấu từ năm 1954, theo ý nguyện "khi lập gia đình, tôi gác bút" của tác giả.
Từ những năm 1950 đến nay, công chúng yêu thích bài Thuyền viễn xứ của Phạm Duy, có thể thuộc nằm lòng ca từ và nhạc điệu ấn tượng: Chiều nay sương khói lên khơi/ Thùy dương rũ bến tơi bời/ Làn mây hồng pha ráng trời/ Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người..., nhưng vẫn không biết tác giả Huyền Chi là ai.
Thế rồi trong hành trình tìm kiếm tư liệu cho các bài viết Sài Gòn - Chuyện đời của phố, nhà báo Phạm Công Luận gặp được tác giả Huyền Chi.
Ấy là vào năm 2016, lúc này Huyền Chi đã là bà giáo già tuổi tám mươi, nhưng vẫn minh mẫn và sống vui khỏe tại quận 2, TP.HCM.
Từ cuộc gặp này, biết được Huyền Chi không còn giữ được tập thơ Cởi mở chứa "mối duyên thơ nhạc với Phạm Duy", nhà báo Phạm Công Luận đã tìm trong số các nhà sưu tập thân quen của anh có người còn giữ được tập Cởi mở, và một người bạn khác - nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ - đã kỳ công phục chế, in lại một bản thơ Cởi mở với chất lượng mỹ thuật giống như bản gốc thời xưa, và đem tặng cho tác giả Huyền Chi, đến nay mọi người mới biết tên thật của bà là Hồ Thị Ngọc Bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận