![]() |
Học sinh Trường trung học Phú Nhuận (TP.HCM) giờ tan học - Ảnh: Đức Trí |
Cách đây một tháng, vào ba ngày từ 29 đến 31-7 tại thành phố biển Nha Trang, trong cuộc Hội thảo Mùa Hè 2008 với chủ đề “Trách nhiệm xã hội - Ổn định và phát triển” quy tụ 40 trí thức Việt kiều và gần 100 trí thức trong nước, nội dung này cũng được mổ xẻ qua nhiều bài tham luận và phát biểu có giá trị thực tiễn. Như vậy mới thấy, giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội.
Ngày nay không ai còn hoài nghi về sự tương tác giữa phát triển kinh tế và phát triển giáo dục. Ngân hàng Thế giới từng đưa ra một báo cáo xếp loại sự giàu có của một quốc gia, theo đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không còn là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá. Qua báo cáo này, Ngân hàng Thế giới dành tầm quan trọng cho các yếu tố tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường, giáo dục và tính cơ động của xã hội. Sự đánh giá này đã làm đảo lộn lối suy nghĩ trước đây cho rằng nguồn vốn và khả năng thu hút đầu tư của một quốc gia là biểu hiện rõ nét của sự phát triển.
Vẫn theo Ngân hàng Thế giới, nguồn nhân lực chiếm đến hai phần ba nguồn tài sản tạo nên sự giàu có của một nước. Về mặt lý thuyết phát triển kinh tế xã hội thì nhân dụng và thất nghiệp là hai mặt của vấn đề sử dụng tài nguyên con người. Ngày nay công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, tài nguyên đất đai ngày càng bị khai thác một cách thô bạo thì tài nguyên con người lại trở thành nhân tố quyết định sự phát triển. Hay nói cách khác nếu tài nguyên con người không được sử dụng đúng mức thì sẽ làm giảm thiểu tốc độ phát triển kinh tế. Và con người chỉ được sử dụng có hiệu quả nếu công tác giáo dục và đào tạo được đầu tư đúng mức.
Thế nhưng, như một thách thức khó vượt qua, ngân sách dành cho giáo dục của chúng ta trong điều kiện phát triển kinh tế hiện nay tuy có tăng dần nhưng vẫn còn hạn chế. Năm 1990, chi cho giáo dục chiếm 8,9% tổng chi ngân sách, năm 1997 tỷ lệ này là 10,56%, năm 1998 hơn 12%. Và mười năm sau - năm 2008 - tỷ lệ này vào khoảng 20%. Nếu so sánh với mức độ phát triển về quy mô trường lớp và số người đến tiếp thu kiến thức từ những nơi này thì khoản chi trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu cần thiết.
Người ta thường ví ngân sách như một chiếc bánh, người này ăn nhiều thì người khác phải ăn ít hơn. Cho nên vấn đề là phải dành ưu tiên cho người nào có khả năng làm ra một cái bánh khác lớn hơn không phải trước mắt mà cả lâu dài. Giáo dục là một trong những công cụ mạnh nhất để nhào nặn cái bánh tương lai ấy. Chính những khoản chi ngân sách chưa tương xứng sẽ làm chúng ta mất đi ưu thế về một lực lượng lao động cần cù và thông minh đáng được hưởng một chế độ đào tạo tốt.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy trình độ học vấn và kiến thức được nâng cao thường đi đôi với năng suất lao động và thu nhập cao hơn. Năng suất lao động của chúng ta kém xa các nước khu vực. Số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố gần đây cho thấy bình quân lao động Việt Nam mỗi năm làm ra một giá trị tương đương 1.610 USD, kém xa các nước trong khu vực như Brunei (60.588 USD), Singapore (52.268 USD), Malaysia (14.789 USD), Thái Lan (5.704 USD), Indonesia (3.430 USD), Philippines (3.407 USD). Còn Trung Quốc thì vào năm 2006 con số này đã là 2.869 USD, cao gần gấp đôi chúng ta hiện nay.
Trong tình hình thu hút đầu tư hiện nay, ưu thế về lao động giá rẻ có thể không còn và khi ấy giáo dục là lĩnh vực cần được đầu tư đúng mức hơn cả để có được lao động năng suất cao. Con người là nguồn nội lực cực kỳ quan trọng mà chúng ta đang tập trung phát huy, vì vậy mọi hoạt động nhằm đào tạo và bồi dưỡng con người cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu không chỉ của Nhà nước mà của toàn xã hội. Trong sâu xa và lâu dài, giáo dục thực chất là vấn đề kinh tế bởi những lợi ích do giáo dục mang lại sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Việc đào tạo con người trong môi trường giáo dục bị chi phối bởi các yếu tố rất quan trọng, đó là nội dung, người dạy, người học, phương pháp và thi cử (bao gồm cả việc tuyển dụng nhân sự cho bộ máy quản lý kinh tế - xã hội). Thực trạng giáo dục của chúng ta cho thấy nhiều điều đáng suy nghĩ.
Nội dung giáo dục là vấn đề lớn mà sau bao nhiêu lần cải cách vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thời kỳ hội nhập.
Nghề dạy học được toàn xã hội trân trọng, nhất là đối với những người dạy học dám thoát ly sự tác động của quy luật thị trường để gắn bó với môi trường giáo dục. Nhưng cũng phải thấy một điều rằng đồng lương như hiện nay là chưa tương xứng với những gì họ đang làm. Chúng ta thường kêu gọi tinh thần cống hiến của nhà giáo nhưng cũng đừng quên sự đối xử công bằng là điểm tựa vững chắc cho một chiến lược phát triển sự nghiệp giáo dục lâu dài.
Người đi học thì lại rất thụ động trong việc tiếp nhận kiến thức. Ngoại trừ bậc tiểu học mà nhận thức về tương lai còn là trang giấy trắng, ở bậc trung học và nhất là đại học - đa số người đến trường lớp vẫn còn xem đó như là một bổn phận. Chưa kể các trường học của chúng ta xem trọng đầu vào hơn đầu ra, hậu quả tất yếu là sẽ khó có được nhiều sản phẩm chất lượng cao vốn rất cần thiết với một đất nước đang thời kỳ phát triển.
Về phương pháp thì nền giáo dục của chúng ta quá chú trọng đến “cái đúng” mà không nhận ra hiệu ứng tích cực của “cái sai”, bởi sai lầm luôn luôn cho con người kinh nghiệm để sửa chữa. Phương pháp của chúng ta lâu nay đã làm cho người học sợ cái sai, giấu cái dốt. Học sinh và cả sinh viên thường không dám trả lời câu hỏi khó vì ngại nếu trả lời sai sẽ bị chê cười, bị điểm xấu. Nỗi sợ nói sai của thời còn ngồi ghế nhà trường ấy sẽ đeo đẳng đến khi vào đời, con người trưởng thành rồi mà vẫn không có được tinh thần phản biện. Giáo dục hiện nay không dạy cách rút ra bài học từ những sai lầm và học sinh thường bị căng thẳng vì ráng sức tỏ ra lúc nào cũng biết được cái đúng - do sợ hãi sai lầm - chứ không do thích thú trong học tập.
Thi cử và tuyển dụng thì lại là câu chuyện dài mà năm nào đến mùa thi cũng là đề tài mang tính thời sự và được cả xã hội quan tâm. Rõ ràng rất khó xây dựng một thang nhân dụng hợp lý khi mà khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng còn quá xa nhau, trong đó tuyển dụng chưa thực sự công bằng, chưa thực sự lấy năng lực làm thước đo mà còn đặt trên cơ sở thân quen.
Nền kinh tế phát triển đang cần những con người có tri thức về mọi lĩnh vực mà nếu tất cả đổ lên vai Nhà nước thì quả thật đó là gánh nặng ngàn cân. Chủ trương xã hội hóa giáo dục nhiều năm qua có thể nói như mở ra một lối thoát cho sự nghiệp giáo dục. Hàng năm, trường bán công và trường dân lập ra đời nhằm huy động nội lực của xã hội. Thế nhưng xã hội hóa giáo dục không chỉ nhằm một mục đích là kiếm tiền cho giáo dục, lại càng không phải là sự trút bỏ trách nhiệm của Nhà nước mà chính là cụ thể hóa một mục đích chung: giáo dục là sự nghiệp của toàn xã hội.
Các trường dân lập do các nhà đầu tư bỏ tiền ra trang bị cơ sở vật chất và trả lương cho giáo viên, tất nhiên đòi hỏi phải có lợi nhuận để tồn tại. Vấn đề là làm sao đừng để cho quy luật lợi nhuận chi phối mục tiêu giáo dục là nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Trong chừng mực nào đó, chủ trương xã hội hóa giáo dục nhiều năm qua đã giải quyết được nhu cầu học của người dân ngày càng nhiều và chia sớt gánh nặng cho ngân sách.
Thế nhưng vẫn có điều để chúng ta lo là chất lượng giáo dục thông qua chủ trương này có đáp ứng được nhu cầu nhân dụng của tương lai phát triển hay không, hay chỉ thỏa mãn một nhu cầu có tính tự phát do chúng ta chưa hình thành một chiến lược con người cụ thể. Tăng dần tỷ trọng người có trình độ đại học và sau đại học trong thị trường lao động là đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế. Tuy nhiên sự gia tăng quá nhanh về quy mô đào tạo trong khi tiền đề vật chất chưa theo kịp đã nảy sinh bao nỗi lo ngại về chất lượng đào tạo con người.
Giáo dục và kinh tế có tác động hỗ tương. Từ nhu cầu thực tế của nền kinh tế, định hướng giáo dục được xây dựng. Sau đó giáo dục có nhiệm vụ phải đào tạo nguồn nhân lực để đưa nền kinh tế phát triển ngày càng cao hơn. Quan niệm này đã được Gary Baker, một nhà kinh tế Mỹ - giải Nobel 1992 - xây dựng thành lý thuyết mới là Vốn con người. Theo ông để tạo được nguồn vốn ấy thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc xác lập định hướng nền giáo dục của một quốc gia và các tổ chức kinh tế khác tham gia vào sự nghiệp này. Lý thuyết ấy không chấp nhận sự giậm chân tại chỗ của giáo dục trong khi nền kinh tế đang chuyển động. Đây cũng là vấn đề căn cơ mà chúng ta cần giải quyết hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận