03/12/2006 13:05 GMT+7

Tác động của gia nhập WTO lên đầu tư nước ngoài vào VN

TS PHAN MINH NGỌC (Khoa kinh tế Đại học Kyushu, Nhật Bản)
TS PHAN MINH NGỌC (Khoa kinh tế Đại học Kyushu, Nhật Bản)

TTCT - Năng suất và tính cạnh tranh, chứ không phải là bản thân nguồn vốn hữu hình, mới chính là yếu tố cơ bản cho phát triển bền vững của các nước đang phát triển.

MKjkpisB.jpgPhóng to
TTCT - Năng suất và tính cạnh tranh, chứ không phải là bản thân nguồn vốn hữu hình, mới chính là yếu tố cơ bản cho phát triển bền vững của các nước đang phát triển.

Để kích thích đầu tư, Chính phủ đã đưa ra những ưu đãi trong những năm đầu thập niên 1990. Những biện pháp này đã nhanh chóng mang lại hiệu quả với FDI chảy vào VN tăng nhanh, đạt đỉnh cao vào năm 1996 ở mức 2,4 tỉ USD, nhưng sau đó đã giảm rõ rệt, chỉ còn hơn phân nửa vào năm 2000 mặc dù tăng nhẹ trở lại cho đến 2004.

LTS: Dưới chủ đề chung “Việt Nam - WTO”, TTCT mong nhận được bài cộng tác của các chuyên gia, nhà nghiên cứu liên quan đến các nội dung sau:

- Những vấn đề đặt ra cho VN sau khi gia nhập WTO.- Dự báo những tác động của WTO đến VN (kinh tế, dịch vụ, nguồn nhân lực, văn hóa, xã hội, gia đình, lối sống...).- Kinh nghiệm hội nhập sau khi gia nhập WTO.- Giải pháp, biện pháp cho một sự hội nhập thành công.

Mong được sự cộng tác, chân thành cảm ơn.

Có một số nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm này. Thứ nhất, kỳ vọng của nhà đầu tư về thị trường nội địa của VN đã chậm biến thành hiện thực.

Trong bối cảnh một nền kinh tế còn ít dựa vào các luật lệ, nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở VN.

Thứ hai, các mối quan hệ ngầm và tệ tham nhũng là cản trở cho các giao dịch kinh doanh của các nhà đầu tư. Thứ ba, các doanh nghiệp quốc doanh không hiệu quả tiếp tục kiểm soát các ngành thiết yếu của nền kinh tế.

Quyết tâm gia nhập WTO của VN là một phần trong những nỗ lực lớn để giải quyết những tồn tại cơ bản này, nhằm tiếp tục thu hút mạnh FDI.

Quả vậy, trước và ngay sát thời điểm VN chính thức gia nhập WTO, người ta đã thấy bóng dáng một làn sóng đầu tư thứ hai vào VN, với những dự án đầu tư khổng lồ nhiều trăm triệu USD được đăng ký trong năm 2005 và năm nay.

Tư cách thành viên WTO tác động tích cực lên FDI vì sẽ đem lại một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, tự do hơn, ít phân biệt đối xử hơn... là những điều mà bất cứ một nhà đầu tư nước ngoài nào có ý định làm ăn lâu dài và nghiêm túc tại VN đều đòi hỏi.

Tại sao sau gia nhập WTO thì hầu như chắc chắn rằng FDI vào VN sẽ tăng lên mạnh?

Tác động tích cực đầu tiên mà WTO mang đến là mức độ rủi ro trong quyết định đầu tư vào VN chắc chắn sẽ ngày càng giảm mạnh song song với sự mở cửa ngày càng lớn nền kinh tế VN theo lộ trình cam kết với WTO. Tác động này sẽ chấm dứt khi nền kinh tế VN đã mở cửa hoàn toàn theo cam kết, và quyết định đầu tư của nhà đầu tư lúc đó sẽ bị chi phối hoàn toàn bởi những yếu tố khác. Trong trường hợp các yếu tố khác không được cải thiện/hấp dẫn hơn thì có lẽ làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai này sẽ thoái trào khoảng dăm năm sau này, khi mà VN đã thực hiện tất cả cam kết với WTO.

Tác động tích cực thứ hai có thể thấy qua việc cắt giảm thuế quan nhập khẩu. Một điều cần lưu ý là tác động này diễn ra chủ yếu đối với hàng hóa nhập khẩu đầu vào cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, cũng như để phục vụ tiêu dùng tư nhân và chính phủ (trong nhiều trường hợp, thuế nhập khẩu hàng hóa đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu và hàng hóa tư bản như máy móc và thiết bị để sản xuất hàng xuất khẩu đã được cắt giảm đáng kể trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, bên cạnh việc các doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu còn được hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho hàng xuất khẩu).

Mức thuế nhập khẩu nói chung thấp đi sẽ làm giảm chi phí sản xuất và mặt bằng giá cả nói chung ở VN, và do đó làm tăng mức hấp dẫn của VN như là một cứ điểm cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hướng xuất khẩu.

Tác động thứ ba của WTO lên đầu tư đến thông qua cam kết tự do hóa thị trường dịch vụ của VN. Đây là một trong những cam kết mang tính cải cách lớn nhất từ trước đến nay đối với VN. WTO phân loại các cam kết về dịch vụ thành bốn loại: (i) cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia (trao đổi thương mại trực tiếp về dịch vụ); (ii) tiêu dùng các dịch vụ ở nước ngoài (ví dụ như du lịch); (iii) hiện diện thương mại (ví dụ như FDI vào ngành dịch vụ ở VN); (iv) hiện diện của thể nhân (người nước ngoài đến và cung cấp dịch vụ ở VN).

Tự do hóa ngành dịch vụ, đặc biệt phân loại (i) và (iii) nói trên, sẽ có tác động mạnh đến FDI. Trước hết, nhiều trong số các phân ngành dịch vụ bị đóng cửa/hạn chế chặt chẽ từ trước đến nay với đầu tư nước ngoài (như phân phối, vận tải, viễn thông, tài chính...) nay đã được mở rộng (mặc dù còn một số điều kiện hạn chế và một thời gian chuyển đổi, thường là năm năm), sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác.

Thứ hai, tự do hóa ngành dịch vụ và kết quả là tính cạnh tranh được nâng cao sẽ dẫn đến năng suất trong các ngành này được cải thiện mạnh mẽ. Vì ngành dịch vụ liên quan đến toàn bộ các ngành kinh tế khác nên cải thiện năng suất trong ngành này sẽ góp phần nâng cao năng suất của cả nền kinh tế, góp phần đáng kể cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, giảm chi phí và thời gian sản xuất tại VN. Điều này cũng tác động tích cực đến thu hút FDI hướng xuất khẩu như tác dụng giảm thuế nhập khẩu nói trên.

WTO sẽ còn nhiều tác động trực tiếp và tích cực khác lên FDI vào VN thông qua việc xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế về lượng (quota) của Mỹ và EU hay các nước thành viên khác áp đặt lên các sản phẩm xuất khẩu giàu hàm lượng lao động như dệt may, thủy sản, da giày, đồ gỗ... chừng nào VN không vi phạm các qui định về gian lận thương mại và bán phá giá.

Với một lực lượng lao động dồi dào, tương đối có trình độ và chi phí rất cạnh tranh, lại ít rủi ro về chính trị, sức thu hút của VN trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài như là một công trường để sản xuất cho thị trường thế giới càng được tái khẳng định khi chế độ quota được bãi bỏ, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư quá tập trung và quá nhiều vào Trung Quốc (như trong trường hợp của FDI từ Nhật) tỏ ra rất rủi ro.

Gia nhập WTO là một cú hích mạnh cho FDI vào VN, có ý nghĩa không chỉ ở khía cạnh sẽ đem lại một nguồn vốn bổ sung khổng lồ bên cạnh nguồn vốn đầu tư huy động từ trong nước, mà thậm chí còn quan trọng hơn thế, có tác dụng tích cực đến cải thiện năng suất và tính cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nhờ tự do hóa các ngành từ trước đến nay đóng cửa với đầu tư nước ngoài (như ngành dịch vụ, đặc biệt những ngành có hàm lượng trí thức cao - tiếp thị, quảng cáo, tư vấn, quản lý, tài chính, bảo hiểm, tin học, thương mại điện tử, cung ứng, phân phối - là cấu thành thiết yếu của một nền kinh tế tri thức mà VN đang theo đuổi).

“VN đã là một thí dụ ngoạn mục của con đường tự do hóa thương mại phải có”... Lời khen của ông Supachai - nguyên tổng giám đốc WTO và đương kim tổng thư ký UNCTAD (Cơ quan LHQ đặc trách thương mại và phát triển) - tại CEO Summit vừa qua ở Hà Nội không dừng lại nơi một VN chung chung mà còn được “gửi đến người dân VN đầy tinh thần tự mình dấn thân làm ăn và đang tự mình chí thú làm ăn” (tạm dịch các từ “enterprising” và “entrepreneurial” của ông - my congratulations to Viet Nam and its enterprising, entrepreneurial people).

Theo ông, những việc cần làm trước hết là: “Tăng năng lực sản xuất để cạnh tranh. Muốn thế, phải cần đến tri thức để xây dựng một nền tảng rộng rãi cho công nghiệp, các cơ sở hạ tầng cho thương mại và truyền thông. Năng lực (của một nhà nước) còn bao gồm các phương tiện tài chính cho phép duy trì phúc lợi y tế và giáo dục cho dân chúng, để điều hành một chính phủ, kể cả các chính sách kinh tế vĩ mô tốt cho phép tăng mạnh công ăn việc làm, tinh thần tự mình dấn thân làm ăn (entrepreneurship) và cạnh tranh”.

Tại sao ba lần trong bài diễn văn, ông Supachai đều nhắc đến “tinh thần tự mình dấn thân làm ăn” của người dân (enterprising, entrepreneurial, entrepreneurship)? Thông điệp của ông rất rõ: chính người dân đã và sẽ tạo thành sức mạnh kinh tế của VN chứ không phải ai khác.

Thế cho nên, càng cần suy nghĩ và hành động sao để cho người dân được thỏa chí làm ăn. Khi người dân làm ăn được, họ nuôi sống bản thân, gia đình họ, một số người khác (bằng công ăn việc làm) và cả chính phủ (bằng tiền thuế).

TS PHAN MINH NGỌC (Khoa kinh tế Đại học Kyushu, Nhật Bản)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên