![]() |
Lợi nhuận thật sự của các công ty sản xuất sữa nước ngoài vẫn còn là ẩn số! - Ảnh: Thanh Đạm |
Từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6-2009, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Tài chính, Cục Thuế, Sở Y tế và Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đã tiến hành kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn TP.HCM. Việc kiểm tra được tiến hành tại bảy đơn vị gồm: Công ty cổ phần Đại Tân Việt (kinh doanh nguyên liệu sữa), Công ty nhập khẩu sữa thành phẩm (Công ty Mead Johnson VN), Công ty xuất nhập khẩu sữa Bình Minh, Công ty TNHH Thông Thịnh, Công ty TNHH TM-DV Hoa Tím, Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến và Công ty cổ phần Quốc Tế (kinh doanh sữa thành phẩm). Thời điểm kiểm tra là quý 4-2008 và quý 1-2009.
Tăng quá cao!
Theo thông tin từ đoàn kiểm tra, tại Công ty cổ phần Đại Tân Việt (chuyên nhập khẩu sữa nguyên liệu từ New Zealand, Hà Lan, Úc, Pháp và bán nguyên liệu sữa không qua chế biến) qua kiểm tra một số mã hàng nguyên liệu sữa bột cho thấy giá vốn bình quân của các mã hàng trong quý 1-2009 giảm so với quý 4-2008 với mức thấp nhất khoảng 13% và cao nhất hơn 36%. Về giá bán, năm 2008 có hai mã hàng giá bán giảm so với giá mua do hàng tồn kho, gần hết hạn sử dụng nhưng có đến chín mã hàng giá bán tăng so với giá vốn nhập khẩu. Mức tăng thấp nhất gần 7,8% và cao nhất trên 37%. Tương tự, quý 1 năm nay có hai mã hàng giảm giá bán so với giá mua, còn lại các mặt hàng khác giá bán đều tăng so với giá vốn nhập khẩu.
Ở những đơn vị kinh doanh sữa thành phẩm (sữa hộp), đoàn đã kiểm tra các đơn vị kinh doanh sữa hộp Jilac, Dumex, sữa bột Meiji, sữa Enfa A+ các loại. Theo đó, quý 1-2009 Công ty TNHH Thông Thịnh kinh doanh 42 mặt hàng sữa Dumex các loại nhưng giữ ổn định giá 36 mặt hàng, sáu mặt hàng còn lại giá tăng bình quân trên 7% do giá vốn hàng tại công ty phân phối tăng vì thay đổi mẫu mã nhãn hàng.
Với mặt hàng sữa bột hiệu Enfa A+ các loại, qua kiểm tra tại Công ty Mead Johnson ở VN, sản phẩm của công ty chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan và Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến là đơn vị phân phối chính thức tại VN. Tuy nhiên qua kiểm tra quý 1 năm nay thì nhiều mặt hàng có giá tăng đến chóng mặt. Cụ thể mã hàng sữa Enfagrow A+ loại 900g giá bán ra cho công ty phân phối tăng hơn 76% so với giá vốn và giá mà công ty nhập khẩu đề nghị bán cho người tiêu dùng tăng trên 143% so với giá vốn.
Tương tự mã hàng sữa Enfamama A+ loại 400g giá bán cho nhà phân phối tăng trên 78% so với giá vốn, còn giá mà đơn vị nhập khẩu đề nghị bán cho người tiêu dùng tăng 146%... Theo đoàn kiểm tra, căn cứ vào các số liệu thì giá sữa do Công ty Mead Johnson VN đề nghị bán cho người tiêu dùng cao hơn hai lần so với giá vốn.
Theo thông tin từ đoàn kiểm tra, qua kiểm tra các chi phí trong quý 4-2008, giá vốn hàng bán chiếm trên 62%, còn lại là chi phí quảng cáo, khuyến mãi... Nhưng đến quý 1-2009, giá vốn hàng bán tăng cao hơn, chiếm hơn 70%, còn lại là chi phí quảng cáo, khuyến mãi... Theo đoàn kiểm tra, đây là một trong những nguyên nhân khiến giá bán cho người tiêu dùng bị đẩy lên quá cao.
Chênh lệch giá 2-3 lần
Vì sao giá sữa ngoại luôn cao ngất ngưởng nhưng người tiêu dùng vẫn đổ xô mua, còn giá sữa nội rẻ hơn rất nhiều mà vẫn bán chậm? Mang thắc mắc này đến hỏi nhà sản xuất sữa lớn nhất VN hiện nay là Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk), chúng tôi được bà Bùi Thị Hương - giám đốc đối ngoại của Vinamilk - cho biết hiện nay sản phẩm sữa bột của Vinamilk chỉ chiếm hơn 10% thị phần trong nước. Gần 80% thị phần còn lại là của các hãng sữa nước ngoài chiếm giữ và các công ty khác trong nước giữ 10% thị phần còn lại. Khi các hãng sữa nước ngoài nắm phần lớn thị phần thì thế mạnh cũng nằm trong tay họ.
Về giá sữa, theo bà Hương, sữa bột Vinamilk được tính đúng tính đủ trên cơ sở gồm có giá nguyên vật liệu nhập khẩu (chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm) để sản xuất sữa, cộng thêm các chi phí khác như bao bì (hộp thiếc, hộp giấy, thùng...), các chi phí sản xuất (nguyên phụ liệu, khấu hao máy móc thiết bị, điện, nước, xăng dầu, nhân công, chi phí quản lý sản xuất, tiền lương...). Lợi nhuận của Vinamilk chiếm 10-15% trên giá thành sữa.
Lợi nhuận khổng lồ
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, doanh thu năm 2007 của nhà phân phối độc quyền cho sản phẩm sữa của Công ty Abbott (Mỹ) là Công ty TNHH dược phẩm 3A đạt hơn 3.012 tỉ đồng, lợi nhuận đạt gần 22,4 tỉ đồng. Năm 2008, doanh thu của Công ty TNHH dược phẩm 3A đạt 2.321 tỉ đồng, lợi nhuận đạt gần 13,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số lợi nhuận mà nhà sản xuất nước ngoài thu được bao nhiêu thì hầu như không ai biết.
Theo số liệu của một công ty nghiên cứu thị trường tại VN, doanh thu của một số doanh nghiệp sữa trong nước và nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn. Đơn cử, thống kê từ tháng 3-2008 đến tháng 3-2009 cho thấy doanh thu (chỉ tính riêng sản phẩm sữa bột) của Công ty Abbott đạt 879 tỉ đồng (lấy số tròn), chiếm 32,8% thị phần; Dutch Lady đạt doanh thu 679 tỉ đồng, chiếm 25,3% thị phần; Mead Johnson đạt doanh thu 312 tỉ đồng, chiếm 11,65% thị phần. Đứng thứ tư mới là Vinamilk với doanh thu 278 tỉ đồng, chiếm 10,3% thị phần. Các hãng sữa khác như Nestle, Dumex, Lypack, Meiji, Nutifood, Arla Foods, Nam Yang... chia nhau gần 20% thị phần còn lại.
Một số mặt hàng của Công ty Mead Johnson VN * Sữa Enfagrow A+ loại 900g: giá vốn hàng bán là 113.349 đồng/hộp, giá bán ra cho Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến là 200.260 đồng/hộp (bằng 176% so với giá vốn, tăng 76%) và giá bán mà Công ty Mead Johnson VN đề nghị bán cho người tiêu dùng là 276.364 đồng/hộp (243,81% so với giá vốn, tăng hơn 143%). * Sữa Enfamama A+ loại 400g: giá vốn bán 46.765 đồng/hộp, giá bán ra cho Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến là 83.860 đồng/hộp (179% so với giá vốn, tăng 79%) và giá mà Công ty Mead Johnson đề nghị bán cho người tiêu dùng là 115.454 đồng/hộp (246,88% so với giá vốn, tăng 146%). * Sữa Enfapro A+ loại 400g: giá vốn hàng bán là 63.399 đồng/hộp, giá bán cho Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến là 102.270 đồng/hộp (161% so với giá vốn, tăng 61%) và giá mà đơn vị nhập khẩu đề nghị bán cho người tiêu dùng là 140.909 đồng/hộp (222% so với giá vốn, tăng 122%). |
___________________
Một hộp sữa lãi bao nhiêu?
Theo các cơ quan chức năng, hộp sữa Dumex Dugro Gold step 3 800g giá về tại cảng VN là 4,4 USD, với thuế 3%, tỉ giá 18.000 đồng/USD, giá hộp sữa là: (4,4+(0,03x4,4)) x 18.000 đồng = 81.500 đồng, cộng thêm 10% thuế VAT, giá thành là 89.650 đồng.
Thế nhưng giá bán sữa này trên thị trường lên đến 265.000 đồng/hộp. Một chuyên gia từng làm trong lĩnh vực sữa cho rằng nếu tính các chi phí phân phối, nhân sự, marketing... cũng không quá 20% giá thành hộp sữa. Tương tự, mức độ chênh lệch giữa sữa tại cảng và đưa ra thị trường của các hãng sữa khác luôn cao gấp 2,3-3,5 lần.
Không khó để nhận biết giá sữa ngoại trên thị trường hiện cao hơn gấp 2-3 lần sữa sản xuất trong nước. Cùng trọng lượng 400g, giá các nhãn hiệu sữa bột dành cho trẻ từ 1-3 tuổi có sự chênh lệch lớn... Chẳng hạn, nhãn hiệu Dielac Alpha (Vinamilk) chỉ có giá 60.000 đồng/hộp, Nuti (Nuti Food) giá 53.000 đồng/hộp, Cô gái Hà Lan (Dutch Lady VN) giá 60.000 đồng/hộp nhưng nhãn hiệu sữa ngoại Enfagrow (Mead Johnson) và Gain Advance (Abbott) có giá đến 135.000-149.000 đồng/hộp.
Ở một vài dòng, người tiêu dùng có thể chấp nhận mua giá cao vì không có nhiều sự lựa chọn, ví dụ như các loại sữa dành cho bé từ 0-6 tháng tuổi, sữa ngoại giành thế áp đảo. Nhưng ở những dòng sữa dành cho trẻ 1-6 tuổi, dù có nhiều sự lựa chọn, người tiêu dùng vẫn đổ dồn mua sữa ngoại.
NHƯ BÌNH
Cần niêm yết công khai giá sữa Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thanh Huệ - phó chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM, trưởng đoàn kiểm tra liên ngành - cho biết: - Do gần đây giá một số loại sữa tăng đột biến nên đợt kiểm tra lần này tập trung tìm hiểu nguyên nhân vì sao giá sữa tăng. Cách nay một năm TP đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề này và đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan liên quan như Sở Công thương, Quản lý thị trường TP... * Thưa bà, trên thị trường TP.HCM hiện nay có rất nhiều loại sữa, vì sao lần này kiểm tra chỉ tập trung một số loại? - Hiện nay có ba sản phẩm sữa chiếm lĩnh thị phần TP.HCM là Abbott (Công ty TNHH dược phẩm 3A phân phối), Dumex (Công ty cổ phần Dinh dưỡng VN - VNC phân phối) và Enfa A+ (Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến phân phối). Nhưng trong ba sản phẩm trên có hai sản phẩm là Abbott và Dumex đã được Tổng cục Thuế có quyết định kiểm tra nên lần này đoàn chỉ kiểm tra sản phẩm sữa Enfa A+, nhằm tránh sự trùng lặp. * Giá nguyên liệu giảm trong khi giá sữa vẫn tăng, rõ ràng có sự bất hợp lý? - Qua kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu của một doanh nghiệp trong năm 2009 có giảm so với giá nguyên liệu năm 2008, trong khi giá bán tương đối cao như vậy là bất hợp lý. Riêng các đơn vị nhập sữa thành phẩm thì giá nhập không cao nhưng chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hội thảo khách hàng... lại chiếm tỉ trọng lớn trong giá sữa, khiến giá đội lên cao. Cũng chính quảng cáo, khuyến mãi... khá nhiều đã tác động đến tâm lý của người tiêu dùng, nhiều người chuộng sữa ngoại hơn các sản phẩm trong nước. Theo quy định, chi phí quảng cáo, khuyến mãi... của các doanh nghiệp không được vượt quá 10% tổng chi phí. Tuy nhiên để tìm hiểu xem các loại chi phí này có vượt quá mức quy định hay không cần phải có thời gian để bóc tách hồ sơ, phân tích các loại chi phí. * Đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng chấn chỉnh ra sao? - Chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo ngành thuế tăng cường kiểm tra các chi phí để đưa vào sản phẩm một cách hợp lý, làm sao các chi phí quảng cáo, khuyến mãi phải hợp lý để giá thành sản phẩm không bị đội lên quá cao. Đối với các đơn vị kinh doanh, đại lý phải kê khai, đăng ký giá vì theo quy định, đây là mặt hàng phải bình ổn giá. Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý. Ngoài ra các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, công bố chất lượng các loại sữa trong nước để người tiêu dùng biết, sử dụng. Phúc Huy thực hiện |
*Tin bài liên quan:
Nhà nước cần vào cuộc để giảm giá sữa Sữa trong nước chỉ đáp ứng được 28% giá sữa thế giới giảm, ta vẫn tăng!Phải mạnh tay bình ổn giá sữa giá sữa cao vô lý nhưng vẫn phải mua! Nghịch lý giá sữaKhông uống đủ sữa làm sao cao và thông minh? Giá bán lẻ sữa tại VN quá cao “Thuốc” trị tăng giá sữa vô lý Một số hãng sữa cam kết không tăng giá đến hết năm Thuế nhập khẩu sữa: Sẽ trình Thủ tướng do các bộ “vênh” nhau Cần mổ xẻ lý do tăng giá sữa Sữa lại tăng giá Nguyên liệu giảm, giá sữa vẫn tăng Lại “sốc” với giá sữa giá sữa cao vô lý: Nên sửa ngay Luật cạnh tranhSẽ điều tra về giá sữaGiá bán sữa cao gần 2,5 lần giá vốn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận