15/09/2004 08:53 GMT+7

Sự thật về "khu vườn chữa bệnh"

LÊ THANH HÀ - MINH LUẬN
LÊ THANH HÀ - MINH LUẬN

TT - Thời gian gần đây, thông tin trên một tờ báo cho rằng ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa (Long An) có một "khu vườn lạ" có khả năng chữa hết các loại bệnh, kể cả bệnh nan y, các bệnh nhân đến đây chỉ cần đọc kinh và cầu nguyện.

Gts8M9oA.jpgPhóng to
Các bệnh nhân đang chờ chữa bệnh ở "khu vườn lạ" - Ảnh: MINH LUẬN

Hàng trăm người bệnh từ khắp nơi, nhất là ở khu vực phía Bắc, đã kéo về đây. Đâu là sự thật về "khu vườn lạ" này?

Gặp những bệnh nhân ở “khu vườn lạ”

Chiều 14-9, chúng tôi tìm đến “khu vườn lạ” của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngoan và ông Nguyễn Văn Sống ở 371 ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa (Long An). Một người đàn ông mặc áo thun, quần đùi tên Nguyễn Văn Hữu giới thiệu mình là anh rể của “thiên sứ” Nguyễn Thị Kim Hồng tiếp chúng tôi. Chúng tôi xin được gặp cô Hồng, anh Hữu nói: “Sáng nay cô Hồng đã về Bình Phước sớm vì có hẹn với ông Mai Chí Thọ”.

Sau đó anh Hữu giới thiệu một người đàn ông ngồi kế bên. Ông này liên tục nhận điện thoại từ khắp nơi gọi đến, cuộc gọi nào chúng tôi cũng nghe loáng thoáng ông chỉ đường cho người đầu dây bên kia đến. Người đàn ông này cho biết mình tên là Mai Văn Sên, một bệnh nhân mắc tám chứng bệnh, nay đã khỏi mà tờ báo nọ đã thông tin.

Ông Sên nói ông mắc các bệnh: viêm xoang, viêm mũi, đau khớp, viêm khớp, thấp khớp, sỏi thận phải 7,1mm, thận trái có cặn, tim bị thiếu máu cục bộ, loạn nhịp tim, viêm gan siêu vi C 1+... Từ khoảng tháng 3-2003 ông lên đây và giờ đã hết bệnh. Tôi đề nghị ông cho xem các bệnh án để chứng minh là ông có bệnh thật sự. Ông nói: “Hồ sơ bệnh án bây giờ tôi không còn giữ”.

3GIG9x29.jpgPhóng to
"Bác sĩ" Nguyễn Thị Kim Loan, người tự giới thiệu là đang nghiên cứu hiện tượng khoa học tại "khu vườn lạ" này - Ảnh: L.T.HÀ
Tôi đề nghị ông cho biết những nơi nào đã lập hồ sơ bệnh án của ông. Ông thoái thác và nói rằng bệnh viêm mũi, bệnh viêm khớp, bệnh thận ông chỉ đi khám ở một bác sĩ tư ở Đức Hòa (nhà ông ở phường 2, Q.Tân Bình, TP.HCM); còn bệnh viêm gan siêu vi C 1+ ông khám ngoại trú ở Trung tâm Chẩn đoán y khoa (Medic) nên không có bệnh án(!?); bệnh tim ông cũng khám ở Medic và Bệnh viện 115, hiện hồ sơ đã được một người bạn ở Bộ Công an mượn để... nghiên cứu. Khi chúng tôi hỏi làm cách nào để chứng minh các chứng bệnh của ông đã khỏi, ông giải thích: “Tôi ngồi nói chuyện với anh không còn khạc nhổ, sụt sịt mũi nữa, vậy là bệnh viêm xoang đã hết. Tôi không còn đau lưng, đi tiểu không gắt nữa, vậy bệnh sạn thận đã tiêu; không còn tức ngực, khó thở nữa, vậy bệnh tim tôi cũng hết còn gì”(!?).

Các “bệnh nhân” khác cho biết có một người hỏng mắt phải vào đây hai ngày thì mắt sáng. Một phụ nữ còn quả quyết: “Sáng hôm qua cụ bà đó mở mắt ra và reo mừng là mình đã thấy đường rồi”. Chúng tôi tìm gặp bệnh nhân đặc biệt này, và thực tế là mắt phải của bà vẫn còn nhắm tít và sưng vù. Bà cho biết tên là Nguyễn Thị Hai (63 tuổi), ở Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa (Phú Yên), cách hai ngày trước khi vào đây bà vẫn còn uống thuốc. Nay thấy mắt hơi hết sưng và đau ít hơn trước chứ không phải sáng mắt như lời những bệnh nhân khác nói với chúng tôi.

Theo chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Hồng sinh năm 1972, có hộ khẩu thường trú ở ấp 2, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Năm 1998 theo chồng về Bình Phước sinh sống. Sau đó bà Hồng quay về địa phương hành nghề chữa bệnh, nói với một số người rằng bị bệnh lở loét hai cánh tay, chữa mãi không khỏi nhưng rồi tự nhiên hết bệnh. Đầu 2003, bà Hồng về ấp Tân Hội tự xưng là “thiên sứ”.

Theo giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam Mỹ Phước (Công an Tiền Giang), bà Hồng đã từng bị bắt vào ngày 12-6-2003, bị Tòa án nhân dân tỉnh Long An xử 12 tháng tù với tội danh hành nghề mê tín dị đoan.

Nhiều trường hợp khác mà thông tin trên một tờ báo nọ nêu đều kể về bệnh tình của mình với chúng tôi một cách nhiệt tình. Tất cả họ đều khẳng định bệnh của mình đã hết hẳn hoặc đang thuyên giảm, nhưng khi được hỏi đã đi tái khám ở đâu chưa và đã có kết luận từ cơ quan y tế nào chưa thì tất cả đều... lắc đầu vì “hết bệnh rồi cần gì khám lại”.

Trong khi đó một số bệnh nhân mới đến như anh Nguyễn Nhất Thanh (An Khê, Gia Lai) cho biết tuy chưa thấy bệnh tình của mình chuyển biến nhưng anh có cảm giác ở khu vườn này thật thoải mái, mát mẻ và rất an tâm.

Năng lượng sinh học đặc biệt hay mê tín dị đoan

Về phương pháp chữa bệnh, những người chủ động cung cấp thông tin cho chúng tôi như ông Nguyễn Văn Hữu, Mai Văn Sên khẳng định chỉ có vào đây ngồi chơi và đi vòng vòng là hết bệnh. Nhưng những bệnh nhân khác thì nói rằng cô Hồng dạy họ phải cầu trời phật phù hộ. Thậm chí chúng tôi còn sưu tập được một vài cuốn kinh in roneo, không xuất xứ như “bài phái kỳ diệu”, “thân người khó được” đã được các bệnh nhân chuyền tay nhau đọc ở đây.

Để chứng minh cách chữa bệnh ở đây không phải mê tín dị đoan, một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Kim Loan cho biết mình từng là bác sĩ ở Bệnh viện Việt - Pháp, đến đây không phải để chữa bệnh mà để “nghiên cứu khoa học”. Bà diễn giải rằng đứng ở góc độ khoa học, bà khẳng định ở đây có năng lượng sinh học đặc biệt dựa vào hai yếu tố: “Người đến chữa bệnh không bùa chú, không dùng thuốc và không có hình tượng tôn giáo mà khỏi bệnh thì chỉ có năng lượng đặc biệt mới chữa hết thôi”.

Fiwv0fZ5.jpgPhóng to
Các bệnh nhân đang chờ chữa bệnh ở "khu vườn lạ" - Ảnh: MINH LUẬN
Lần theo những địa chỉ của những bệnh nhân đã từng đến chữa bệnh ở chỗ cô Hồng “thiên sứ”, chúng tôi đến nhà anh Phan Văn Nhựt, ở ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng. Trên bàn thờ di ảnh của cụ bà Phan Thị Bề (mẹ anh Nhựt) vẫn còn mới nguyên. Anh Nhựt cho biết mẹ anh bị tai biến mạch máu não, đưa đi bệnh viện nhưng do bệnh nặng nên cứ tái đi tái lại nhiều lần và cuối cùng cụ Bề bị liệt phải nằm một chỗ. Thấy mẹ mình bệnh nặng, bệnh viện chê nên người anh ruột của anh Nhựt đã lén gia đình chở mẹ lên khu vườn lạ của cô Hồng “thiên sứ” chữa bệnh. Thế nhưng bệnh tình mẹ anh không có chiều hướng thuyên giảm và ngày một nặng thêm, vì thế gia đình phải vội vàng đưa bà cụ về nhà, một thời gian sau thì bà cụ mất.

Rời nhà anh Nhựt, chúng tôi đến nhà bà Phan Thị Út ở khu A, thị trấn Hậu Nghĩa. Bà Út bị bệnh tiểu đường đến điều trị nhưng cô Hồng không cho uống thuốc tây, vì vậy chỉ hai ngày ở đây gia đình đã phải đưa bà về để... an táng.

Vợ anh Ba Đáng ở ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ bị bệnh tim phải uống thuốc mỗi ngày, đưa lên đây cô Hồng nói chỉ cần cầu trời ban phước và không cho uống thuốc trợ tim. Sau ba ngày thiếu thuốc vợ anh Ba Đáng đã tử vong.

Một nhân chứng sống khác là vợ chồng bà Võ Thị Bé (53 tuổi) cùng ngụ ấp Tân Hội. Bà Bé có con trai tên Trương Minh Trí (20 tuổi), năm lên 3 tuổi Trí bị chứng động kinh, sau đó mất trí nhớ như người tâm thần. Bà Bé đã đưa con đi hết các bệnh viện nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm.

Nghe người ta đồn cô Hồng “thiên sứ” có thể chữa hết các chứng bệnh nan y, bà cũng vội vàng đưa con đến đây để nhờ “thiên sứ” chữa bệnh. Theo lời bà Bé, khoảng từ tháng 2 đến 4-2003 bà đã nhiều lần đưa con lên gặp cô Hồng, đầu tiên cô Hồng không cho con bà tiếp tục uống thuốc theo hướng dẫn của bệnh viện. Vì thiếu thuốc nên Trí bị các cơn động kinh hành hạ, làm toàn cơ thể em co giật dữ dội. Cô Hồng phán: “Con bà bị ma nhập nên lên đây mới bị co giật mạnh như vậy”. Sau một thời gian đưa lên chữa bệnh nhưng không thuyên giảm, thậm chí cơn động kinh ngày một nặng, bà Bé đã đưa con về chữa trị ở bệnh viện.

Anh Nguyễn Phạm Quốc, nhà ở cạnh khu vườn, và một số người dân phản ứng gay gắt: “Ở đây bao đời nay có ai tin mấy cái vụ này đâu. Nếu thật sự chữa hết bệnh thì dân ở đây đâu cần phải đi bệnh viện. Vậy mà chỉ sau mấy ngày báo Tiền Phong đăng bài, người ta đã ùn ùn kéo đến. Có người già cả, bệnh rũ rượi từ tuốt ngoài Bắc cũng lặn lội tới đây thấy mà tội nghiệp”. Cũng theo anh Quốc, anh cũng đã chứng kiến không ít cảnh người bệnh nặng đến đây rồi phải khiêng về nhà chuẩn bị hậu sự.

Sự thật về “khu vườn chữa bệnh” là như vậy đó!

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nói gì?

Sáng 14-9-2004, chúng tôi đến Sở Y tế Long An. Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - trưởng phòng nghiệp vụ y - và bác sĩ Bùi Kim Bảng - chuyên viên của sở - cho biết thấy báo chí nói sở mới biết ở ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An có “khu vườn kỳ lạ”.

Theo sở, trước đây cũng tại địa chỉ này, người dân cũng đã tìm đến chữa bệnh tại nhà cô Nguyễn Thị Kim Hồng vì có thông tin rằng cô có khả năng phát sáng trong đêm và chữa bệnh bằng đọc kinh, không cần uống thuốc. Sau đó Sở Khoa học - công nghệ và Sở Y tế đã cử chuyên viên xuống tận địa bàn xác minh và thực hiện một số biện pháp thử để quan sát hiện tượng phát sáng. Đoàn đã kết luận đây là một hiện tượng thuần túy vật lý về tĩnh điện, gọi là hiện tượng nhiễm tĩnh điện của vật chất.

Cùng ngày, khi trao đổi với ông Trương Phúc Thuận, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Long An, ông Thuận cho biết cách đây hơn một tháng khi tiếp xúc với cử tri ông có nghe phản ảnh về việc hành nghề chữa bệnh dị đoan của cô Hồng gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội kéo dài mà địa phương chưa giải quyết được triệt để.

Sau khi tiếp xúc với chúng tôi, ngay chiều 14-9 ông Thuận đã cùng trưởng phòng khoa học công nghệ đến làm việc với địa phương và về tận khu vườn chữa bệnh để xem xét, nắm tình hình. Trao đổi với báo chí và các ban ngành của huyện, xã, ông Quới - trưởng phòng khoa học công nghệ - cho rằng vấn đề chữa bệnh ở khu vườn này có xu hướng thiên về vấn đề xã hội, duy tâm. “Về mặt địa chất, vùng này là những khoáng sét chứ không có gì lạ. Khi chúng tôi nghiên cứu những vấn đề về phóng xạ cũng không thấy phát tán gì về từ trường, chất phóng xạ”.

Ông Phan Văn Liêm - chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - cho biết chiều 14-9 xã đã cho mời gia đình ông Nguyễn Văn Sống và bà Võ Thị Ngoan lên làm việc để trao đổi với gia đình một số thông tin. Nhưng gia đình thông báo là không có nhà. Nếu thật sự gia đình có tài nghệ chữa bệnh gì thì chính quyền sẵn sàng hỗ trợ cho gia đình hành nghề. Nhưng cho đến nay cô Hồng cũng như gia đình bà Ngoan, ông Sống chưa học qua nghề lương y, đông y, bằng cấp chuyên môn và cả giấy phép hành nghề đều không có. Ông Liêm nói: “Chính quyền đã thông qua các đoàn thể để giải thích cho bà con hiểu đây chỉ là tin đồn và chuyện trị bệnh của cô Hồng không có cơ sở khoa học. Bà con chưa hiểu được thì chúng tôi tiếp tục vận động, giải thích”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó Ban dân vận huyện ủy - bức xúc nói: “Nếu vùng đất Đức Hòa có thể chữa được bệnh thì huyện chúng tôi không cần phải có Bệnh viện Đức Hòa với trên 300 bệnh nhân đang điều trị. Tôi xin dẫn chứng: báo nói sau khi đến chữa bệnh tại nhà cô Kim Hồng thì ông Lê Tư - thợ sửa chìa khóa - đã khỏi bệnh, nhưng sự thật ông đã chết vào ngày 16-9-2003. Hay ông Phạm Hữu Tài (ấp Thôi Nôi, xã Hòa Khánh Đông) cũng đã chết ngày 17-6-2003 sau khi đến nhà cô Hồng chữa bệnh một tháng”.

LÊ THANH HÀ - MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên