29/05/2006 14:46 GMT+7

Sự kiện 5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử: Trách nhiệm ở ai?

TTO
TTO

TTO - Sau bài báo 5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử: Nỗi đau để lại... chúng tôi đã nhận được nhiều email phản ảnh của độc giả. Nguyên nhân những cái chết thương tâm này có phải do người lớn vô tâm? Hay do các em nông nổi vì những lý do "không đâu"?...

JnDhhz9h.jpgPhóng to
Các bạn HS lớp 7B đến thắp hương cho những người bạn xấu số - Ảnh: Tuấn Phùng
TTO - Sau bài báo 5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử: Nỗi đau để lại... chúng tôi đã nhận được nhiều email phản ảnh của độc giả. Nguyên nhân những cái chết thương tâm này có phải do người lớn vô tâm? Hay do các em nông nổi vì những lý do "không đâu"?...

5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử: Nỗi đau để lại...Những cái chết, thư tuyệt mệnh và bài học để lại

* Sự kiện 5 nữ sinh ở Hải Dương tự tử được báo chí, cũng như công luận đánh giá nhìn nhận dưới nhiều góc cạnh khác nhau, nhưng tựu trung đều kết luận: vì những "lý do không đâu". Hay hiểu một cách nào đó, dưới góc nhìn của những "người lớn" là không đáng phải chết vì những lý do "bình thường" trong ứng xử gia đình, cha mẹ và con cái.

Không thể cứ bị cha mẹ mắng, rầy là... rủ nhau đi tự tử được! Hiểu như thế là chúng ta-những người lớn - đã không hiểu được con trẻ, hoặc quá vô tâm trước những nhận thức của lứa tuổi thiếu niên. Nghĩ xa hơn, là không nhận thức được vấn đề.

Lỗi hoàn toàn không nằm ở những đứa trẻ, mà là chính ở mỗi người lớn chúng ta. Có khi nào bạn tự nhận vấn đề nó xảy ra ở chính bản thân mình, chính con mình? Liệu còn một sự thể hiện thái độ nào ngoài "không ngờ và đau xót". Thậm chí là không tin nổi con trẻ lại hành động như thế. Rồi vấn đề dừng ở sự mất mát mà không ai ngoài người trong cuộc nhận thấy nỗi đau từ chính cái "lý do không đâu" để tự huyền hoặc bản thân.

Cuộc sống với rất nhiều áp lực từ cuộc sống, tạo ra những xung đột xã hội lẫn gia đình, không ai có thể tự "đối phó" hoàn toàn được mọi vấn đề. Ở đây tôi muốn đề cập đến vấn đề ứng xử giữa cha mẹ - con cái, thầy cô- học trò. Dù có vẻ thất vọng, nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế sự "xuống cấp" nghiêm trọng vấn đề trên trong xã hội ngày nay.

Một bộ phận không nhỏ cha mẹ chỉ biết lo toan cuộc sống, sự quan tâm đến con cái rất ít, thậm chí giao phó cho nhà trường, xã hội. Rất nhiều ngôi trường chỉ quan tâm đến thành tích học tập mà quên mất nguyên tắc tối thượng của trường học chính là "tiên học lễ, hậu học văn", là giáo dục nhân cách sống trước tiên.

Làm được điều đó, thầy cô cần phải có thời gian gần gũi, quan tâm học trò. Thực tế thì thời gian cho thầy cô lo chuyện "chuyên môn" thôi, cũng không xuể, thời gian đâu mà có thể hiệu được sự "bất thường" đang ồn ào ngoài cái vỏ bọc "bình thường, ngoan hiền"?

NGỌC LỮ

* Tôi cảm thấy thật sự các nhà giáo dục ngoài vấn đề giảng dạy ra, rất cần sự gần gũi để chia sẻ những nỗi niềm với các em học sinh. Thực tế, không ít thầy cô ngoài giờ lên lớp, có rất ít thời gian gần gũi học trò. Rất mong giữa nhà trường và gia đình hãy luôn có những trao đổi thông tin để cùng giải quyết khi phát hiện được những bức xúc trong lòng con trẻ...

PHAN VAN CUONG

* Có phải do cuộc sống gia đình của các em đó quá khuôn khổ, không thích hợp với lứa tuổi còn "ham chơi" này chăng! Chưa kể là các em còn đối diện với sự ganh tỵ của bạn bè, sự đau khổ buồn chán khi bị tổn thương... Các em lại có sự đồng cảm với nhau, tạo nên sự đau khổ, chúng lớn dần rồi dẫn đến cái chết bi thương. Những dòng chữ tuyệt mệnh là sự tuyệt vọng mà người lớn cần thấu hiểu... Nhưng các em đã không tìm ra người đồng cảm, có em vì bạn nên muốn "đi" cùng - đó cũng là "lẽ thường" khi chơi nhóm. Đã đến lúc chúng ta rất cần sự có mặt một cách căn cơ của bộ môn tâm lý trong môi trường học đường.

HUYNH VAN XUAN

* Nhân đọc bài báo về sự việc thương tâm này, tôi muốn có đôi lời tâm sự cùng các bậc phụ huynh với tư cách một người đã từng trải qua "nỗi nhục" tương tự các em vừa tự vẫn, hy vọng rằng sẽ giúp cải thiện quan hệ cha mẹ và con cái.

Tôi sinh ra ở Thái Bình nhưng lớn lên ở miền Nam. Gia đình nghèo, mẹ tôi phải làm đủ nghề để cho tôi có được đồng phục đến trường (sách học và vở thì mẹ tôi không phải lo vì năm nào tôi cũng được lĩnh thưởng). Khi còn bé học tiểu học tôi đã lắm lần cảm thấy nhục nhã vì bị mẹ mắng mỏ với những lời thô tục. Tôi cũng đã bao lần ao ước mẹ tôi dịu dàng như mẹ của bạn học tôi.

Nhưng tôi đã may mắn hơn 5 em ở xã Phượng Hoàng vì tôi đã có được cân bằng cho cảm nhận nhục nhã và đau khổ đó: tôi thấy được tình yêu và sự hy sinh của mẹ dành cho tôi. Vì anh duy nhất của tôi hơn tôi 15 tuổi nên lúc bé tôi như con một trong gia đình và tôi đã thấy mẹ chỉ ăn cơm với rau để dành miếng thịt (dẫu bé) cho tôi. Mẹ làm lụng không ngơi tay để ưu tiên thời gian cho việc học của tôi.

Bây giờ tôi đang là nghiên cứu sinh ở Mỹ và nhiều khi rất buồn vì không được gần mẹ và chăm sóc cho mẹ, người phụ nữ đã cả một đời tận tụy với chồng con. Nỗi nhục nhã bị mắng ngày xưa đã gần như tan biến cho đến hôm nay được gợi lại qua bài báo này. Viết những dòng phản hồi này, tôi hy vọng các bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn nữa đến những lời nói và cách cư xử đối với con cái vì gia đình là nền tảng giúp nhà trường hun đúc nên những công dân tương lai của quốc gia.

Người lớn vẫn thường nói: "trẻ con mà biết gì." Đúng là trẻ con chưa đủ trí khôn nhưng đã có cảm xúc nên cần phải được chăm sóc và hướng dẫn đúng đắn để tránh những hành động nông nổi.

TRẦN THỊ THÁI

TTO

Những vụ "rủ nhau" tự tử trong thời gian gần đây

Chiều 24-5-2006, 5 HS nữ sinh năm 1993, học lớp 7 trường THCS Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương rủ nhau trầm mình tập thể tại đoạn sông Hương chảy qua địa phận xã. Các em dùng khăn buộc tay nhau nhảy xuống sông, để lại 5 bức thư gửi cho gia đình và nhà trường cùng một nội dung xin vĩnh biệt thầy giáo, bạn bè vì bị gia đình mắng mỏ và bị phân biệt đối xử nam nữ. Trước đó, các em đã từng "ăn thề", kết nghĩa chị em và từng định bỏ nhà đi nhưng không thành.

Ngày 24-5-2006: Bị gia đình ngăn cản vì yêu đương quá sớm, chểnh mảng việc học hành, “cặp tình nhân” là HS cấp 2 đã rủ nhau uống thuốc ngủ tự tử ngay tại nhà cô bé. Khoảng 20g, bố của Đ.T.T.T. (sinh năm 1990) ở quận Long Biên - Hà Nội đi làm về, phát hiện con gái cùng bạn trai là Đ.X.T. (sinh năm 1991) đã uống thuốc ngủ tự tử tại gia đình. Được phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời, 2 em đã được các bác sĩ cứu.

Ngày 16-2-2006, 9 HS nữ đều 14 tuổi và đang học tại Trường THCS Cổ Nhuế A - Từ Liêm - Hà Nội, sau khi pha 100 viên thuốc ngủ vào cà phê đã uống và hậu quả là 5 em phải nhập viện do hôn mê sâu. Ở trong lớp các em là nhóm bạn chơi rất thân với nhau. Học kỳ I, một số bạn trong nhóm có kết quả học tập kém, bị gia đình trách móc, làm các em rất chán nản.

Ngày 7-10-2005: Sợ bị mắng, 3 HS 12 tuổi, trường Trường THCS thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre) uống thuốc ngủ, được nhà trường cùng gia đình lập tức đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Ba HS được giáo viên chủ nhiệm yêu cầu làm bản tự kiểm điểm về kết quả học tập không tốt và buộc phải đưa cho phụ huynh ký tên vào. Các em không dám mang về cho bố mẹ xem nên rủ nhau uống thuốc tự tử.

Những vụ tự tử cá nhân

- Ngày 13-3-2005, Phạm Văn Quang, sinh năm 1984 (quê Nam Định), SV năm thứ 3 Học viện Tài chính, khoa Tài chính - Kế toán đã treo cổ tự vẫn. Những dòng chữ cuối cùng ở 2 bức thư tuyệt mệnh, Quang viết: "Chuyện nợ nần, xe máy, gia đình mình không có trách nhiệm phải trả". Quang là một SV có học lực trung bình khá, không có gì nổi trội trong lớp học, hoạt động chung của trường, nhưng cũng không nằm trong "sổ đen" (cờ bạc, nghiện hút) của trường.

- Ngày 25-3-2005, Nguyễn Ngọc Hà (lớp 7A); ngày 25/4/2005, Lê Mạnh Tuấn (lớp 8A) Trường THCS Cao Xanh, TP Hạ Long. 2 HS này lại ngồi cùng một chỗ trong phòng học (em sáng, em chiều). Trước hôm tự tử vài ngày, Hà là một trong 4 học sinh bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu mời ngay bố mẹ đến gặp cô giáo, vì khuyết điểm gây mất trật tự trong giờ học để lớp chỉ được 9 điểm trong sổ đầu bài. Ngay sau đó, 3 bạn kia có bố hoặc mẹ đến gặp cô giáo chủ nhiệm, còn mẹ Hà không đến".

- Ngày 27-4-2005, Nguyễn Phương Nam, sinh năm 1989, HS lớp 10A4, Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long đã thắt cổ trên một cành cây ven đường. Khi tự tử, Nam có để lại một lá thư trong người viết cho gia đình tự nhận là "đứa con hư hỏng" và yêu cầu gia đình "báo cho người yêu"!

- Ngày 2-7-2005, Lê Thu Thủy, sinh năm 1984 (Hà Tĩnh), thí sinh ôn thi ĐH đã ra cầu Bến Thủy nhảy xuống sông tự tử. Thủy thi rớt ĐH 2 năm liền. Gần đây, Thủy đã ra ở nhờ ôn thi tại nhà một người chú ở phường Bến Thủy - thành phố Vinh - Nghệ An. Trước đó, ngày 27/6 Thủy đến nhà trọ Thu Nguyệt dùng thuốc ngủ để kết thúc đời nhưng có người phát hiện ra và kịp can ngăn.

- Chiều 2-8-2005, khi biết tin mình được 20 điểm, chưa đủ để vào trường đăng ký là ĐH Kinh tế quốc dân, Trần Duy Hùng, sinh năm 1987, HS lớp Toán 2, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã thắt cổ tự tử. Theo nhận xét của bạn bè, Hùng khá hiền lành, rất tử tế. Tuy nhiên Hùng trầm tính, hơi khác thường một chút. Cậu cũng không có nhiều bạn, không hay tham gia các hoạt động tập thể.

Theo VietNamNet

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên