![]() |
Một tiết sinh học của học sinh lớp 10A1 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Sự bao cấp như vậy coi như trói buộc giáo viên, biến họ thành cái máy trong giảng dạy. Cần tạo cho họ sự tự do (tất nhiên trong khuôn khổ) như khoán cho họ về thời lượng, về nội dung chương trình (thay cho sách giáo khoa). Giáo viên có toàn quyền chọn thơ để dạy, miễn sao học sinh hiểu được nội dung mà chương trình yêu cầu. Phải thay đổi cách kiểm tra, không nên kiểm tra, đánh giá giáo viên qua giáo án, dự giờ mà chỉ kiểm tra “sản phẩm” họ tạo ra, tức là kiến thức của học sinh sau khi học.
Phải có nhà quản lý giỏi về chuyên môn
Lâu nay nhà quản lý thường làm công tác chỉ đạo, để tránh sai sót họ thường cứng nhắc trong đánh giá tiết dạy, bởi họ là người đã thoát ly với việc soạn giảng. Quan điểm của họ là thường nghĩ đến công việc bao quát chung, vì cái chung mà có lúc họ đã mơ hồ về chuyên môn. Họ vì cái chung mà không còn thời gian để thăm lớp dự giờ, để tìm tòi nghiên cứu cái mới. Vậy ai sẽ là chỗ dựa cho giáo viên để đổi mới phương pháp giảng dạy?
Theo tôi, để đổi mới phương pháp giảng dạy, điều thiết yếu là đổi mới cách nhìn, cách nghĩ của nhà quản lý. Phải nhất thiết có nhà quản lý giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, năng động và tâm huyết với nghề nghiệp. Muốn có được vậy nên mở những cuộc thi, tuyển chọn hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn cho các trường phổ thông. Bởi khi người quản lý thiếu năng lực, yếu về chuyên môn thì không thể nào chỉ đạo hay lãnh đạo giáo dục có hiệu quả, cũng như khó lòng nâng cao chất lượng giáo dục.
Bị buộc “nhắm mắt đưa chân”
Phải mạnh dạn thay đổi cách suy nghĩ quan niệm của các nhà quản lý giáo dục ngại thay đổi, thích an phận, làm cầm chừng... từ những người đánh giá chất lượng giáo dục dựa trên số lượng, tỉ lệ phần trăm mà không thấy được sự chuyển biến bên trong của người học. Bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay không lây truyền qua những kênh thông tin chính thống, ít hiện hữu trong câu từ, văn bản, báo cáo… nhưng nó đang lan nhanh bằng sự tự mãn của những nhà quản lý.
Thậm chí có những nhà quản lý giáo dục lấy đó làm động lực làm việc. Quan niệm này sớm hay muộn cũng sẽ góp phần đẩy người học ra khỏi trường. Minh chứng cho thấy số lượng học sinh yếu, kém ở các trường THPT hằng năm tăng gấp 5-10 lần, lý do “ngồi nhầm lớp”.
Làm giáo dục, hiểu về nguyên lý giáo dục, rất muốn đổi thay chất lượng cho thực chất hơn nhưng những quan niệm, dư luận, cách chỉ đạo của các cấp trên đã khiến những người làm giáo dục như chúng tôi có nhiệt huyết lắm cũng sớm tàn rụi. Và thế là buộc chúng tôi phải “nghĩ khác, làm khác” để những con số cuối năm sau mỗi lần thi được “tròn trịa” hơn, để chiếc áo khoác bên ngoài vững chãi hơn.
Áp lực thi cử quá lớn!
Áp lực của việc thi cử quá lớn, gần như quyết định toàn bộ kết quả giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Lãnh đạo ngành cao nhất trong một tỉnh là Sở GD-ĐT cũng căn cứ vào tỉ lệ tốt nghiệp THPT của một trường mà đánh giá chất lượng giảng dạy. Rồi đến lãnh đạo nhà trường, cha mẹ HS, chính quyền địa phương, tất cả đánh giá chỉ căn cứ vào kết quả học sinh đỗ tốt nghiệp với tỉ lệ cao hay thấp.
Ở nhiều trường, ban giám hiệu cũng tỏ ra quan tâm đến việc đổi mới, cũng triển khai đầy đủ chủ trương, chỉ thị về việc đổi mới. Có ban giám hiệu còn cực đoan đến độ yêu cầu tiết nào giáo viên không cho học sinh thảo luận thì không đánh giá là tiết tốt (không lẽ đổi mới chỉ là thảo luận thôi sao?!). Nhưng liệu lãnh đạo một năm dự được bao nhiêu tiết dạy của một giáo viên trong hàng trăm tiết của chương trình?
Và giáo viên cũng yên tâm là đã làm hết chức trách của mình. Học sinh rớt nhiều thì tai hại không biết đâu mà lường hết được.
---------------------
Phản hồi
Nhờ cô, tôi đã biết yêu thương
Tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi mình từng là học trò được cô dìu dắt, bởi vì một đứa con trai như tôi đã trở nên biết yêu thương, biết quan tâm đến người khác và quan trọng hơn là biết tin yêu vào cuộc sống. Tôi đã biết cười trước những khó khăn, biết đứng dậy sau những vấp ngã của mình. Bản thân môn văn vốn dĩ là thế! Đó là cách dạy những học sinh như chúng tôi làm người, trở nên sống tốt hơn, biết yêu thương cuộc sống hơn. Nhưng điều quan trọng nhất chính là cái tâm của người thầy giáo.
Cô đến với chúng tôi không như tư cách của một người thầy mà là một người bạn, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ. Chính vì lẽ đó mà cô hiểu chúng tôi cần gì, chúng tôi muốn tiếp thu những gì. Chúng tôi không thể thấm được “cái thần, cái hồn” của tác phẩm nếu như đó chỉ là những ý tứ gạch đầu dòng mà bao năm nay người thầy nào cũng dạy như thế, bởi vì “có ý thì có điểm”. Tôi khâm phục cô khi có đôi lúc cô chấp nhận cháy giáo án để chúng tôi có thể giải trình hết tất cả ý tứ mới mà chúng tôi khám phá từ tác phẩm với một cái nhìn mới của lớp trẻ.
Và rồi cô đến, thế giới ấy dần thay đổi...
Tôi thấy mình thật sự may mắn khi là một học trò của cô Dương Thu Trang. Quả thật chính cô là người đã mang niềm yêu thích môn văn trở lại lớp 12A6 chúng tôi. Trong suốt ba năm học cấp 3, chỉ có năm lớp 12 là tôi cảm thấy giờ văn thật sự thú vị, thật sự đáng học. Cô Trang như một cô tiên đã khơi lại nguồn cảm hứng thích học môn văn ngày nào của chúng tôi.
Với cô, học văn không chỉ là chỉ biết đến nội dung trong sách, biết đến các nhân vật trong sách thôi mà còn phải liên tưởng tới thực tế. Với cô, dạy học không chỉ là cứ dạy theo chương trình được giao, phải làm sao dạy cho xong, cho hết mà là dạy sao cho học trò của mình có thể cảm nhận hết nội dung bài học trọn vẹn nhất. Điều tôi yêu thích ở cách dạy của cô chính là những đề tập làm văn nghị luận xã hội, những đề rất lạ và thiết thực như: Em cần gì từ cuộc sống? Lễ chào cờ đặc biệt... Một điều nữa đó chính là cách viết lời phê của cô. Bài tập làm văn đầu tiên của tôi, ngoài những lời nhận xét về nội dung, cô còn nhận xét cả cách trình bày, cô nhận xét thế này: “Lần sau em viết chữ “Lời phê” lên trên nha!”. Từ trước tới giờ chưa có giáo viên nào nhận xét như thế cả.
Tôi vẫn còn nhớ như in ngày cuối cùng được học chung với cô. Ngày đó trời không mưa nhưng tôi cứ ngỡ như mưa vì... cả lớp tôi với 47 thành viên đều khóc do xúc động với những lời nhắn nhủ đầy yêu thương của cô. Tôi nhớ cô đã nói câu này: ”Sau này nếu tụi em có gặp vấn đề gì thì cứ liên lạc với cô nha”.”Dạ, cô ơi, chúng em sẽ nhớ lời cô dặn, sẽ mãi mãi không bao giờ quên đâu, cô ơi!“.
Từ ngày 5-11, diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy” đã nhận được bài viết của rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước, diễn đàn còn tiếp tục nhận bài đến hết ngày 20-11. Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn các tác giả đã gửi bài: Hà Thu, Hân Lê, Nguyễn Phương, Phan Văn Hiệp, Tâm Tư, Nguyen Chung, ThS Hoàng Trí, Hoàng Huân, Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Minh Tuấn Vũ, Lâm Quang Vinh, Thái Lâm, Xuân Quang, Phạm Thị Kim Loan, Long Trieu, Tấn Khôi, Đào Trung Phong, Thảo Nguyên, Minh Lâm, Lê Minh Hoàng, Phạm Kiên Cường, Ngọc Tân, Ngoisaocodon, Nguyễn Hoàng Trung, Trúc Giang, Nguyễn Hữu Tâm, Nguyễn Ngọc Tuyết, Quang Dương, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Niệm, Phạm Tú Uyên, Phan Minh Nghiêm, Nguyễn Thị Phước, Bích Vũ, Nguyễn Thanh Nam, Nguyễn Quốc Thái, Hà Thị Sài Gòn, KTS Lê Công Sĩ, Trần Văn Tám, Nguyễn Như Lê, Đỗ Thu Thảo, Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trương Thị Thúy Phương, Nguyễn Thị Bích Thủy, Lê Minh Hoàng, ThS Phạm Thành Quang, ThS Trần Trung Anh Dũng, Trần Mạnh Trung, Trần Nguyên Nhật, Trang Vo Nguy, Trinhhuynh70, Trần Khanh, Lê Nguyên Trường Giang, Hoàng Tuyết, Nguyễn Thị Vân, TS Nguyễn Văn Việt, Thanh Huyền, Lê Sử, Hoàng Duy, Bạch Lê Quang, Hồ Minh Chính, Chung Niem, Chương_px, Tạ Khắc Chương, Nguyễn Văn Công, Trịnh Thị Minh Hương, ThS Ngô Viết Đức, Đặng Tấn Tín, Lê Thị Nga, Nguyễn Đông Triều, Lê Phương Hướng, Lê Văn Dũng, ThS Nguyễn Tường Dũng, Huỳnh Trí Dũng, Lê Phạm Phương Lan, ThS Phạm Minh Đức, Nguyễn Ngọc Hà… (còn tiếp) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận