Phóng to |
Nguyên nhân gây stress ở trẻ
Những áp lực đối với trẻ thường đến từ các nguồn gốc bên ngoài: gia đình, bè bạn hay ở lớp học, nhưng chúng cũng có thể đến từ chính bản thân trẻ.
Stress có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai cảm thấy bị áp lực, cho dù đó là một đứa trẻ. Chẳng hạn khi trẻ được 2 tuổi, trẻ có thể lo lắng vì những người mà trẻ cần, những người mà trẻ cảm thấy an toàn khi ở cạnh - như cha mẹ trẻ chẳng hạn - không đáp ứng được mong mỏi của trẻ. Ở trẻ chưa đến tuổi đi học, tình trạng ngăn cách từ cha mẹ là nguyên nhân lớn nhất gây lo lắng.
Khi trẻ đã đủ khôn lớn, áp lực học hành, thi cử là nguyên nhân gây stress. Thêm vào đó, các bậc cha mẹ đôi khi lại vô tình gia tăng căng thẳng lên đời sống con mình. Những bậc cha mẹ thành đạt thường đặt niềm kỳ vọng lớn lao vào con mà không nghĩ đến chuyện con họ không có được những khả năng hay động cơ như họ. Việc các bậc cha mẹ muốn con đạt thành tích xuất sắc trong các môn thể thao hay cho trẻ tham gia vào quá nhiều hoạt động cũng có thể gây căng thẳng và thất vọng nếu trẻ không đạt được mục tiêu.
Hiện nhiều nhà chuyên môn nhận thấy ngày càng có nhiều trẻ quá bận rộn và không có đủ thời gian để tham gia vào các hoạt động sáng tạo hay thư giãn sau giờ học. Nhiều trẻ phàn nàn về số hoạt động mà trẻ phải tham gia và từ chối các hoạt động bổ ích khác.
Nhận dạng các triệu chứng của stress ở trẻ
Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận ra con mình bị stress, nhất là khi có quá nhiều việc bạn phải lo toan. Những thay đổi hành vi trong giai đoạn ngắn, chẳng hạn tính tình, hành động, kiểu ngủ, hay thậm chí là tè dầm, đều có thể là dấu hiệu của stress.
Một số trẻ lại chịu những ảnh hưởng về thể chất, như đau bao tử và nhức đầu, hoặc khó tập trung hay gặp rắc rối trong hoàn thành bài tập ở lớp, ở nhà. Một số trẻ trở nên lãnh đạm hay thích ở một mình.
Ở trẻ nhỏ hơn, các dấu hiệu của stress có thể là xuất hiện các thói xấu mới như mút tay, xoắn tóc, ngoáy mũi; Ở trẻ lớn tuổi hơn, các dấu hiệu có thể bắt đầu bằng việc trẻ nói dối, bắt nạt bạn bè hoặc không làm theo các quy định. Trẻ cũng có thể gặp ác mộng, không chịu rời cha mẹ, phản ứng mạnh với các vấn đề nhỏ nhặt, thay đổi mạnh trong thành tích học tập…
Cư xử của các bậc cha mẹ
Trò chuyện với con những cảm nhận của nó về những hoạt động sau giờ học là một ý tưởng hay dành cho các bậc làm cha mẹ. Nếu con phàn nàn, hãy trao đổi về mặt được và không được của việc từ bỏ một trong các hoạt động đó. Nếu hoạt động đó là bắt buộc, hãy nói về những việc mà bạn có thể giúp để con xoay sở thời gian và trách nhiệm.
Có một thực tế bạn cần biết là nguyên nhân stress của trẻ có thể rất nhiều Liệu có phải trẻ đã nghe bạn phàn nàn về các rắc rối ở chỗ làm, mối bận tâm về một người họ hàng nào đó đang bệnh, hay cuộc tranh cãi giữa bạn và chồng/vợ về vấn đề tài chính? Bạn và chồng/vợ cần bàn bạc cẩn thận các vấn đề như thế, bởi trẻ sẽ thu nhận các lo lắng của cha mẹ và chính bản thân trẻ sẽ bắt đầu lo lắng về chúng.
Ngoài ra những hình ảnh trên truyền hình về máy bay rơi, chiến tranh, khủng bố sinh học… cũng có thể khiến trẻ lo lắng về tính an toàn của mình và của những người mà trẻ thương yêu. Bạn hãy trò chuyện với trẻ về những gì trẻ nghe và thấy và kiểm soát những điều ấy.
Tương tự như thế, hãy xem xét đến các vấn đề phức tạp khác, chẳng hạn như một căn bệnh hay cái chết của một người thân, hay việc ly dị giữa vợ chồng bạn - những điều này đều có thể khiến trẻ bị stress. Nhất là với vấn đề ly dị, bạn đừng bao giờ đặt trẻ vào một thế phải chọn lựa bên này hay bên kia hoặc bắt trẻ nghe những lời lẽ không hay về cha hoặc mẹ mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận