* Người ta hay nói "Thật thà thẳng thắn thì thua thiệt", cái gian lận, cái ma mãnh dường như ngày càng nhiều hơn cái trung thực thật thà. Nhất là người lớn, người có chức vụ, quyền hành, những người lương rất thấp nhưng đời sống thì giàu sang, những gương tham nhũng, gian lận... Muốn sống tốt phải chăng phải học cách "thích nghi" chứ "sống trung thực thì được gì".
* Có những học sinh phải gian lận điểm, vì sao? Vì ba mẹ bắt ép phải đạt được điểm cao, phải trên 8 điểm, thi đại học thì cũng chọn trường trước và buộc con phải vào trường đó, học sinh phải gian lận để làm hài lòng ba mẹ.
Có rất ít phụ huynh nghĩ rằng "dù điểm số có thấp bao nhiêu thì đó cũng là điểm số của con, bằng chính thực lực của con mình chứ không phải thực lực của tài liệu".
* Trung thực là đức tính vô cùng quý giá và cần thiết. Nhưng làm sao giáo dục thế hệ trẻ đức tính trung thực trong khi ngày nay còn có khá nhiều người lớn tuổi, cha mẹ, thầy cô giáo... là những người sống thiếu trung thực?
* "Thưa cô, em làm bể bình hoa chứ không phải các bạn trực nhật ạ - em xin lỗi cô!", tôi còn nhớ ngày ấy cô đang giận dữ, khuôn mặt bỗng dịu xuống, cô đến bên tôi: "Ai cũng có thể phạm sai lầm cả, nhưng em biết can đảm, trung thực nhận lỗi cô rất vui...". Câu chuyện nhỏ ấy đã theo tôi suốt mấy mươi năm!
Những phẩm chất cao đẹp không phải bỗng dưng mà có. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức và lối sống. Đừng để bài giảng trở thành lời sáo rỗng. Đừng để bên cạnh cách ứng xử của người lớn làm các em nghĩ rằng "trung thực chỉ là lời nói suông".
Ở một trường tiểu học con tôi đang theo học, tiết dự giờ cô giáo trước đó đã cho vài em học thuộc một số câu. Làm bài kiểm tra, các em yếu chép bài làm của những em khá. Tưởng như chẳng nghiêm trọng gì nhưng từng ngày một những điều đó sẽ trở thành thói quen, hình thành nhân cách các em sau này. Không trung thực, thiếu tính tự trong - có thể được cái gì đó, đôi khi rất ít, nhưng chính cái được lại là mầm mống của sự hủy hoại lớn lao.
* Sống trung thực là lý tưởng, là mục đích, là ước mơ, thuộc về "thượng tầng ý thức", trong khi "được gì?" là thực tế, thuộc về "hạ tầng", nhưng cái "hạ tầng" có vẻ thấp kém, trần trụi đó nhiều khi lại khiến chúng ta trăn trở, dằn vặt, thậm chí đánh mất mình. Thế mới biết trong cuộc sống đôi khi cái thực tế lại chi phối lý tưởng đến cay nghiệt.
Xung quanh mỗi chúng ta rất dễ nhận thấy những người sống trung thực phải chịu thua thiệt. Không chỉ đời sống hiện tại mà từ xa xưa trong dân gian chúng ta đã có hình tượng Thạch Sanh, Lục Vân Tiên... - những tấm gương sống tốt, sống trung thực nhưng kết cục lại chịu nhiều thiệt thòi, bất công. Thế nhưng bất chấp thực tế, số đông chúng ta vẫn mong muốn được sống trung thực. Còn sống trung thực được gì? Có lẽ chỉ bản thân mỗi người mới tự trả lời được mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận