Nhà bạn ở sát nhà tôi, người đi ăn cưới đông vui, dãy xe hoa đi trong hạnh phúc trước cổng nhà tôi.
Mẹ cũng đi đám cưới về, vui vẻ kể đủ chuyện về đám cưới. Mẹ tỏ ra bình thường, nhưng tôi biết ánh mắt mẹ nhìn tôi thật buồn…
Ở tuổi 26, 27, bạn gái tôi đã đem niềm vui và sự an tâm (khi con gái tìm được hạnh phúc) cho cha mẹ. Cũng ở tuổi đó, lẽ ra tôi đã trưởng thành và báo hiếu được phần nào cho mẹ. Vậy mà tôi vẫn ngồi đây, trên chiếc xe lăn bất động, tất cả sinh hoạt vẫn phải phụ thuộc vào mẹ… Những người cha, người mẹ bồng bế, chăm sóc những em bé, nhưng chúng cũng cho cha mẹ một niềm hi vọng ngày mai trưởng thành. Còn tôi, bất lực với thời gian đem tuổi già đến bên mẹ và căn bệnh của tôi ngày càng nặng hơn…
Tôi là con của một mình mẹ, chỉ của mình mẹ mà thôi. Những ngày mang thai tôi, mẹ đã tủi cực trong cuộc sống đói khổ và bao lời đàm tiếu, soi mói của người đời. Có những lúc tuyệt vọng, mẹ đã có ý định quyên sinh nhưng lúc đó ba anh chị của tôi còn quá nhỏ, mẹ không thể để các con bơ vơ như gà con lạc mẹ.
Kể sao hết những vất vả của người phụ nữ một mình nuôi bốn con thơ trong thời buổi đói khổ mà cả làng đều ăn cơm độn khoai, sắn. Nhưng dù đói người ta cũng còn có người đàn ông làm trụ cột vững vàng, còn có con trâu làm đầu cơ nghiệp. Còn mẹ chỉ có một mình, vừa là cha vừa là mẹ, không có trâu nên mẹ còn phải làm những việc nặng mà đáng lẽ là của con trâu.
Tôi sớm hiểu sự vất vả của mẹ, mới 6 tuổi tôi đã hiểu mình khác các bạn, tôi biết mình là nỗi sầu riêng của mẹ. Tôi luôn cố gắng chăm học, chăm làm, ngoan ngoãn để không làm mẹ thêm buồn. Tuy tôi bé tí hon nhất lớp nhưng năm nào tôi cũng có giấy khen và còn được cô giáo khen vở sạch chữ đẹp
Những lần đi làm ngoài đồng cùng mẹ, nghe mẹ và các cô, dì nói chuyện học của con cái, tôi rất vui khi hiểu mẹ cũng tự hào về tôi…
Vậy mà bao ước mơ đành dang dở khi tôi học hết lớp 7 thì bị viêm đa khớp. Tôi đi bệnh viện huyện, tỉnh và vào cả Sài Gòn. Bao nhiêu mũi kim tiêm, bao nhiêu là thuốc tây. Bác sĩ đã thử nhiều cách nhưng không có kết quả. Cơ thể tôi phù nước như sắp nứt da ra vậy!
Từ bệnh viện ở Sài Gòn trở về quê Nghệ An đúng vào tháng 12, rất lạnh, tôi phải ngừng uống thuốc tây thì không thể bước đi được nữa! Được điều trị thuốc nam nhưng tôi đã quen với thuốc tây, lúc đó không có thuốc tây giảm đau nữa nên các khớp khắp người tôi sưng viêm, đau dữ dội. Gặp thời tiết giá lạnh, tôi ho liên hồi như không thể dứt. Mẹ làm đủ thứ thuốc ho nhưng mãi cả tháng không đỡ.
Hằng ngày, nhìn các bạn vui vẻ đi học ngay trước cửa nhà mình, nước mắt tôi cứ lặng lẽ rơi… Mẹ suốt ngày ở nhà chăm tôi, vào ra sắc thuốc, động viên tôi. Tôi tuyệt vọng và “sốc” thật sự khi mình không thể bước đi được nữa! Tay chân đau đớn như không phải của mình, tôi bức bối và khó chịu, gắt gỏng với mẹ, với mọi người…
Mẹ vẫn kiên nhẫn chăm sóc tôi từng li từng tí. Hằng đêm, các khớp đau đớn hành hạ, tôi không ngủ được, mẹ thức xoa dầu nóng cho tôi. Tôi đau không trở mình được, mẹ trở cho tôi. Mẹ thức đêm sao nóng lá thuốc rồi buộc vào các khớp cho tôi. Lá nguội thì mẹ lại sao tiếp đến khuya…
Có bài thuốc củ gừng và củ hành chăm đâm nhỏ sao cho nóng rồi đặt vào các khớp, khiến mẹ cũng vất vả không kém để rửa cho sạch mùi hành mỗi lần đặt thuốc xong. Mẹ động viên tôi gắng chịu nóng cho nhanh bớt đau. Tôi không sợ nóng! Gừng sao nóng khiến các khớp của tôi phồng rộp thành nhiều vết sẹo đè lên nhau. Tôi vẫn chịu được! Thuốc đắng mấy tôi cũng gắng uống. Chỉ thương mẹ chịu khó vậy mà bệnh tôi không đỡ…
Mẹ còn treo ròng rọc vào xà nhà cho tôi ngồi đạp để luyện chân. Mẹ thường xoa bóp chân cho tôi rồi hai mẹ con vất vả tập cho tôi đứng dậy. Hai mẹ con cố gắng hết sức nhưng các khớp của tôi vẫn lì lợm, chúng dần cứng lại, không theo sự điều khiển của tôi…
Gần chục thầy thuốc nam, thuốc bắc là bấy nhiêu bài thuốc mẹ làm theo cho tôi.
Rồi anh Cả làm ăn thua lỗ, có bán cả nhà và đất của gia đình cũng không đủ để anh trả nợ. Mẹ tôi quá lo lắng mà bị hoảng loạn một thời gian.
Lương tâm tôi luôn cắn rứt và dằn vặt vô cùng. Các khớp đau đớn hành hạ cũng không bằng nỗi đau tâm hồn trong lòng tôi. Thương mẹ và anh vất vả chạy thuốc thang và chăm sóc tôi. Đời mẹ gian khổ đã nhiều, nay lại thêm gánh nặng là tôi… Rất nhiều lần ý định muốn được “ngủ luôn mãi mãi” luôn ẩn hiện trong đầu tôi. Nhưng tôi được an ủi phần nào khi người thân, bạn bè, mọi người luôn động viên, ủng hộ và giúp đỡ mọi việc tôi làm. Mẹ thường bảo “có nhiều người còn bệnh tật, khổ cực hơn mình. Sống tốt mới khó, chứ kết thúc cuộc sống thì thật dễ!”.
Tôi xem tivi và đọc sách, báo, thấy những tấm gương vượt lên số phận rất đáng nể phục! Tôi dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Tôi muốn được như họ: sống tốt và làm được việc có ích!
Thời gian đầu, những ngón tay sưng tròn, long cong của tôi cứ bị rung lên theo từng nét bút. Tôi chịu đau rèn luyện hằng ngày để có lại nét chữ mềm mại dễ nhìn như xưa, để được tự do viết những gì tôi suy nghĩ. Có người nói những gì mà tôi đang cố gắng học hỏi rằng: “Bệnh tật thế thì học để làm gì?!”. Thấy chạnh lòng, nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng!
Tôi vẽ tranh minh họa cho các cô giáo mầm non dạy học. Tôi bán hàng cho mẹ và quản lý một thư viện nhỏ. Những ước mơ nho nhỏ phù hợp với sức khỏe hiện tại, tôi vẫn đang thực hiện.
Mẹ đã ở tuổi xấp xỉ 60, nếu tôi khỏe mạnh chắc là mẹ đã được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu. Vậy mà ngày ngày mẹ vẫn lóc cóc xe đạp đi chợ lấy hàng về bán. Nhìn mẹ vất vả nhưng tôi phải cố tin rằng đó cũng là niềm vui với công việc của mẹ, cũng như tôi luôn cố tin “mẹ đang còn trẻ” khi mỗi mùa xuân sang.
“Mẹ tuổi con rắn, con tuổi con trâu. Rắn và trâu hay khắc khẩu, nhưng không có nghĩa là con không biết ơn mẹ, mà điều đó đã in sâu trong tim con rồi mẹ ạ. Chỉ mình mẹ tủi cực, đau khổ trong những ngày mang thai con và vất vả chăm sóc con được như hôm nay. Con cảm ơn mẹ! Và con muốn đem những niềm vui của sự trưởng thành và thành đạt cho mẹ (như các bạn cùng học, cùng chơi với con từ nhỏ đã dành cho cha mẹ các bạn)… nhưng không được rồi. Mong mẹ hãy gắng vui với những gì mà con luôn cố gắng để có được!
Mẹ ơi, để sống tốt mới khó, khó nên mới cần ý chí và sự kiên trì, mẹ nhỉ!
Con luôn thầm nghĩ “được sinh ra đã là hạnh phúc!".
Con cảm ơn mẹ đã dũng cảm sinh con, cho con được biết đến cuộc sống này, mẹ nhé!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận