Xung quanh vấn đề này, TS.BS Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết:
Phóng to |
Chọc dò tủy sống để xét nghiệm dịch tủy tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng thần kinh trung ương trên bệnh nhân AIDS tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: L.TH.H. |
- Khoảng thời gian đầu của người mới nhiễm HIV được gọi là thời kỳ sơ nhiễm. Trong giai đoạn này, người nhiễm có thể không có biểu hiện bất thường hoặc có triệu chứng giống như cảm cúm, sau đó tự hết trong vòng 1-2 tuần. Giai đoạn hai của nhiễm HIV là thời kỳ không có triệu chứng, người nhiễm vẫn có thể hoạt động bình thường. Giai đoạn này dài hay ngắn phụ thuộc vào thể chất và hành vi người nhiễm, có thể diễn tiến theo ba hướng:
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, năm tháng đầu năm 2013 tiếp nhận và điều trị ngoại trú 3.165 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có 2.895 trường hợp đến trị thuốc ARV. Cùng thời gian này, có 234 lượt người nhiễm HIV và AIDS nhập viện điều trị nội trú. Hầu hết bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn AIDS, mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội nặng. |
1/ Diễn tiến chậm: HIV hiện diện rất lâu trong cơ thể nhưng không gây triệu chứng bệnh lý gì nên chính người nhiễm cũng không biết nếu không đi xét nghiệm máu. Do vậy, có người nhiễm HIV trên 10 năm nhưng không có triệu chứng gì bên ngoài.
2/ Diễn tiến trung bình: HIV xâm nhập và ở trong cơ thể 5-7 năm bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng - biểu hiện sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm (thời kỳ có triệu chứng). Nhờ những triệu chứng đó, người bệnh mới đi khám và biết nhiễm HIV.
3/ Diễn tiến nhanh: bệnh nhân mới nhiễm HIV 2-3 năm đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng cơ hội, bệnh nhanh chóng chuyển qua giai đoạn AIDS. Tại VN, rất tiếc là nhiều người nhiễm HIV có diễn tiến bệnh theo hướng thứ ba!
* Vì sao người có HIV rơi vào diễn tiến bệnh nhanh chóng, thưa TS?
- Với những người nhiễm có thể chất tốt, dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt điều độ thì bệnh diễn tiến theo hướng thứ nhất, thứ hai. Với người nhiễm HIV thể chất yếu, dinh dưỡng kém, sinh hoạt dễ dãi, chán nản, bất cần đời, tiếp tục có hành vi nguy cơ nên có thể bị nhiễm thêm chủng HIV có độc lực cao, kháng thuốc, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, mồng gà...) kích hoạt HIV phát triển nhanh, sức đề kháng ngày càng suy sụp, dễ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội... nên bệnh nhanh chóng chuyển sang giai đoạn cuối. Vì vậy, có người nhiễm HIV mới vài năm đã chuyển sang AIDS, trong khi có những người nhiễm HIV hàng chục năm nhưng chưa phải dùng thuốc điều trị và vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường.
* Có những người đã chuyển sang AIDS nhưng vẫn có thể sống hàng chục năm khỏe mạnh...
- AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Khi đó sức đề kháng cơ thể, được đánh giá qua lượng tế bào lympho T CD4 (gọi tắt là CD4) - tế bào giữ vị trí quan trọng bảo vệ miễn dịch của cơ thể người, giảm sút nhiều. Bình thường máu người có trên 600 tế bào CD4/mm3 máu. Ở người nhiễm HIV, khi bệnh diễn tiến số lượng CD4 sẽ giảm nên dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Nếu CD4 giảm dưới 200 tế bào/mm3 máu thì bệnh đã qua giai đoạn AIDS, khi đó các bệnh nhiễm trùng nặng có cơ hội bùng lên mạnh mẽ. Như vậy khi ở giai đoạn AIDS, người bệnh thường dễ bị bệnh nhiễm trùng nặng, ăn uống kém nên suy sụp thể chất.
Tuy nhiên, có những trường hợp biểu hiện bên ngoài và thể lực bệnh nhân AIDS không song hành với tình trạng suy giảm miễn dịch của chính họ. Đó có thể là do người bệnh may mắn chưa bị nhiễm trùng cơ hội, hoặc người bệnh đã được điều trị thuốc kháng HIV (ARV) giúp họ có sự đảo ngược về lâm sàng. Tức là khi thuốc ARV vào cơ thể sẽ ức chế sự “sinh sản” của HIV, làm số lượng HIV trong cơ thể giảm đi, lượng tế bào miễn dịch CD4 của bệnh nhân sẽ tăng trở lại, thậm chí có thể như người bình thường. Những điều này giải thích vì sao có bệnh nhân đã qua giai đoạn AIDS nhưng vẫn khỏe mạnh, có thể lao động bình thường.
* TS có lời khuyên gì đối với người có HIV và bệnh nhân AIDS?
- Nhiễm HIV rồi không phải chỉ sống được vài tháng, vài năm. Nếu người nhiễm được dinh dưỡng tốt, biết tự chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tập thể dục, có lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, dùng thuốc ARV (khi có chỉ định dùng thuốc) thì sức khỏe sẽ được duy trì ở mức độ khá tốt.
Tính đến hết năm 2012 tại VN có 210.703 người nhiễm HIV, trong đó 61.669 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Riêng TP.HCM, tính đến năm 2012 vẫn là địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất nước với hơn 50.000 người, trong đó 19.816 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận