18/05/2006 16:38 GMT+7

Sống lại vẻ đẹp sâu xa của Hà Nội

Theo An ninh thủ đô
Theo An ninh thủ đô

Thư Hà Nội, tác phẩm tuyệt vời của anh lính binh nhì Pháp, Jean Tardieu, hồi những năm 30 của thế kỷ trước, đã được tái bản phần hai do chính tay con gái của nhà văn - Alix Tardieu - mang sang VN.

Kqbwo1sX.jpgPhóng to

* Hà Nội trong cuốn sách của Tardieu khác với Hà Nội hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Hà Nội ngày xưa, đặc biệt là ở sông Hồng rất vắng, chỉ có những người lái đò và những người nông dân sinh sống, không xô bồ và phức tạp như bây giờ. Sông ngày xưa cũng sâu hơn bây giờ.

Còn phố cổ, qua con mắt quan sát của nhà văn Jean Tardieu, cũng là những bức tranh đơn mầu hoàn hảo. Thí dụ như phố Hàng Chén, là nơi sản xuất và buôn bán những chiếc bát sứ men xanh, được ông miêu tả với một mầu xanh mát đặc biệt.

Bây giờ thì những con phố cổ không còn giữ được thuần chất phong vị riêng biệt như vậy nữa. Cho nên khi đọc tác phẩm, tôi cảm nhận được sự trong suốt và tinh khiết đến hoàn hảo của không khí Hà Nội ngày xưa.

* Bà ấn tượng điều gì nhất ở tác phẩm này, thưa bà?

- Tôi sinh ra ở Huế, về Hà Nội từ năm 1954. Tôi còn nhớ, hồi đó cả Hà Nội tôi chỉ biết một con phố Hàng Đào do hay được mẹ tôi dẫn đi mua quần áo. Đọc tác phẩm của ông mới thấy rằng ông quan sát Hà Nội kỹ càng lắm, ông hiểu biết hết mọi ngõ ngách Hà Nội, và đặc biệt là có cái nhìn rất rộng lượng, bao quát về Hà Nội, mặc dù chỉ trong một năm ông làm nghĩa vụ quân sự ở đây.

Ông miêu tả sông Hồng như một cô gái mặc áo nâu sồng. Đọc những đoạn văn ông miêu tả về con sông này, tôi thấy nó mênh mông lắm, đẹp lắm và mang một cái gì đó tĩnh lặng.

Đối tượng miêu tả của ông còn là những người dân lao động, những người thợ rèn, những người bán hàng rong... tất cả đều trong sáng và nhẹ nhàng như trong một bức tranh tĩnh vật.

Đặc biệt ấn tượng là cảm nhận tinh tế của ông khi miêu tả tiếng những đôi guốc mộc gõ xuống vỉa hè của người dân Hà Nội, hay tiếng rao của những người bán hàng rong...

Tất cả những điều đó gợi lại cho người đọc một Hà Nội cổ xưa, đẹp như tranh vẽ... Tôi cho rằng đây là một tác phẩm tuyệt vời và rất có ích cho cả những người trẻ tuổi hiện nay. Đọc nó, họ sẽ hiểu rõ thế nào là một Hà Nội thanh lịch.

qdDixcJZ.jpgPhóng toÔng Jean Tardieu - Ảnh: Nhân Dân* Jean Tardieu là một họa sĩ, một nhà thơ, ông đã viết văn như thế nào thưa bà?

- Trong lời giới thiệu cuốn sách của Ngài Jean Francois Blarel, Đại sứ Pháp tại VN có viết: "Tác phẩm này là một lời chứng hiếm có về Hà Nội những năm 30 của thế kỷ trước... chúng làm sống lại vẻ đẹp sâu xa của Hà Nội một thời, và hòa lẫn việc miêu tả khí hậu, màu sắc, phong cảnh và dân cư, chúng tạo thành một bức tranh tuyệt vời, độc nhất vô nhị về VN".

Khi nói về sông Hồng, về người lao động, người lái đò, hay những người thợ thủ công thì bút pháp của ông rất trìu mến. Và ông dùng sở trường của mình là một họa sĩ để miêu tả Hà Nội như một bức ký họa rộng lớn về một khung cảnh náo nhiệt nhưng lại rõ nét và sinh động đến từng chi tiết mà phải là người có óc quan sát tinh tế và rất thi vị mới có thể thấy được...

* Lần tái bản này của cuốn sách có gì khác so với lần trước? Bà đã mất bao lâu để dịch nó?

- Cuốn sách này được chia làm hai phần, phần đầu chỉ có thư gửi Roger Martin du Gard, phần này tôi dịch trong một năm và đã xuất bản năm 2000.

Cuốn sách in ra 5.000 bản và đã bán hết ngay, một phần là bởi cuốn bìa sách được anh Đại Phong làm rất đẹp (bìa là bức tranh Thiếu nữ Bắc Bộ, sơn dầu của Victor Tardieu - cha của Jean Tardieu và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường đhọc Mỹ thuật Đông Dương).

Phần thứ 2 là thư gửi Jacques Heurgon trích từ "Bầu trời đã có thời gian thay đổi" - NXB IMEC, do bà Alix Tardieu mang sang cách đây khoảng 4-5 tháng, hồi kỷ niệm 80 năm Trường đại học Mỹ thuật Đông Dương.

Chúng tôi và Nhà xuất bản Phụ nữ đã cố gắng dịch và in rất nhanh để kịp lễ kỷ niệm 100 năm Trường đại học Đông Dương. Thực ra cũng không có gì nhiều vì phần hai này chỉ khoảng 40 trang.

Và như tôi đã nói, ông Jean Tardieu vừa là một họa sĩ, vừa là một nhà thơ và có lối viết rất trong sáng, giản dị, dù hàm ý rộng nhưng cấu trúc không phức tạp nên việc dịch đối với tôi gần như là một niềm vui sướng: Tôi chỉ mất hai tuần để hoàn thành phần thứ 2 này.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Cuối cùng là điều kỳ diệu nhất trong mọi thứ: tiếng guốc gỗ gõ xuống gạch lát đường. Các đôi guốc này được quết một lớp sơn bóng, mầu đỏ, vàng hay xanh lục... khiến cho gót chân khi chạm tới đất vang lên như tiếng đàn phiến gỗ, và cái thành gỗ nhỏ mà nó tựa lên, trở thành mặt tạo âm khi mỗi bước đi bàn chân lại rời mặt tựa, bởi chỉ đầu mũi chân là được giữ bằng một cái quai da.

Tôi nghĩ rằng tiếng nhạc guốc này chắc là một kiểu làm đỏm cố tình của dân chúng. Chỉ cần năm hay sáu khách bộ hành mang guốc cùng đi trên một vỉa hè, là cả phố bắt đầu vang lên như hát.

Trong mỗi đôi guốc, tất nhiên từng chiếc lại có tiếng vang riêng: không có gì thú vị bằng nhìn thấy một thiếu nữ lao động người Việt xinh xắn, đoan trang, đi rất thẳng để giữ cho chiếc nón mênh mông của mình không bị chòng chành; bước đi đều đều và mềm mại, cô lần lượt gõ trên nền đất nốt rê thăng và nốt son giáng của mình...

Trang 99 - Thư Hà Nội

Ba thế hệ gắn bó với Việt Nam
Theo An ninh thủ đô
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên