Tôi nhớ ngày khai trường năm lớp 5, chúng tôi phải qua một con mương rộng hoác, Trung nhảy qua trước, quay lại nở một nụ cười thân thiện và chìa tay về phía chúng tôi. Con Nhơn đòi tôi phải qua trước rồi kéo nó qua chứ nhất quyết không chịu nắm lấy bàn tay nhăn nhúm của Trung. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, và cũng chẳng mấy chốc kết thân với nhau khi cả ba đứa đều học chung lớp 5A.
Khối lớp 5 chỉ có hai lớp 5A và 5B, chúng tôi bị phân công học ở ngoài “đảo” - điều mà chẳng học sinh nào của Trường tiểu học Phụng Long thích thú. “Đảo” là một gò đất cao nằm giữa đồng do dân làng góp tặng để xây thêm được hai phòng học cho trường, chứ trường tôi nghèo lắm, chỉ được khoảng 10 phòng học. Mà phòng nào cũng che chắn bằng những tấm cây cũ, mỗi chiều nắng xiên khoai vào phòng chói cả mắt.
Học ở đảo, ruộng khô còn được chơi trò đuổi bắt hay cá sấu lên bờ xuống ruộng, chứ đến mùa lúa thì thôi, cả đám chỉ có ngồi tùm hum trong lớp buồn thiu. Cô giáo tôi kể chuyện Robinson cho cả lớp nghe rồi bảo: Robinson một mình còn sống được trên hoang đảo, chúng ta có cả một tập thể, chịu thua sao? Biết cô đùa, cả lớp khoái chí cười. Vào mùa gặt, thỉnh thoảng mấy bác nông dân ghé mắt vào phòng xem tụi nhỏ học hành thế nào. Thương lắm!
”Cơ sở 1” có sân trường, có cây bàng tỏa bóng mát rượi, có cả hàng bánh của chị Thu lúc nào cũng đầy ắp những chiếc bánh qui nhân dừa ngon tuyệt cú mèo. Học ở đảo, ra chơi thèm chảy nước miếng cũng không dám vào cơ sở 1, nếu không muốn trở ra là phải bị phạt quỳ vì tội vào lớp trễ.
Bữa nào thèm bánh không chịu nổi, tôi thức dậy thiệt sớm, đi thẳng ra cơ sở 1, “ẵm gọn” một cái bánh qui dẻo thơm có chấm màu đỏ chính giữa trông thật ngon lành rồi mới ra đảo. Cái bánh để dành ra chơi ngồi nhấm nháp. Tụi bạn tôi cũng vậy, đứa nào cũng tranh thủ đi sớm để mua trái ổi, nửa ổ bánh mì hay củ lang luộc gói trong bọc nilông. Chúng tôi ngồi khoe nhau bánh trái và hỏi nhau xem hôm nay đi học được “nhiu tiền”. Cái bánh qui chỉ có 200 đồng, vậy là ngày nào tôi cũng còn 300đ để dành. Học ở đảo coi vậy mà đỡ tốn tiền ăn vặt.
Trong lớp, ngoài Trung và con Phước Nhơn, tôi còn kết thân với tụi thằng Tuấn, thằng Sung, con Ngọc, con Trang, con Lễ. Chúng tôi đi học chung lội mương chung, cùng trèo me nhà con Nhơn, hái khế nhà thằng Tuấn nên thương nhau lắm. Hồi đó, tôi và Trung học giỏi toán nhất lớp nên được cô giáo tin tưởng giao việc sửa bài mỗi lần lớp kiểm tra xong. Nghiễm nhiên, hai chúng tôi trở thành thầy, cô cho cả bọn, và cũng nghiễm nhiên là một “cặp xứng đôi” trên đảo.
Một lần trời mưa, đường ra đảo lầy lội, tôi một tay xách dép, một tay xách bịch nilông đựng sách vở, chân bíu chặt vào con đường đất trơn trượt nhưng đi được mấy bước là ngã cái oạch. Quần áo lấm lem bùn đất, tôi khóc như mưa. Thằng Trung đi phía sau vội đỡ tôi đứng dậy, rồi khoát nước dưới ruộng rửa áo, rửa tay giúp tôi. Xong đưa sách vở và đôi dép gãy mũi cho tôi cầm, rồi ghé lưng cõng tôi đi một mạch ra đảo.
Lũ bạn trêu ầm trời rằng “anh hùng cứu mỹ nhân”, rằng “thầy đưa cô về dinh” làm tôi ngượng chín cả mặt. Sau lần đó, lũ bạn nghịch ngợm mỗi lần thấy hai đứa là cứ kêu ra rả “trung quân ái quốc” giống như đang học bài về danh nhân lịch sử vậy - Quân là tên của tôi. Thằng Sung còn lém lỉnh giải thích: nhờ nước mà iu-nước mưa. Khỉ thật.
Trung vẫn tiếp tục cõng tôi đi học mỗi ngày mưa. Trung nói tôi nhẹ hều nhưng ghét nhất là mấy cọng tóc dài của tôi cứ bị gió thổi tạt vào mắt làm Trung không thấy đường đi. Mấy hôm sau, tôi nhờ mẹ tết thành hai bím, Trung hết than thở nhưng lại bảo “để tóc chi dài thế không biết, cắt gọn như tui, có phải tiện lợi hơn không?
Năm đó, tôi, Trung và hai bạn nữa ở lớp 5B được xét tuyển thẳng lên cấp II. Bốn đứa tôi nhận nhiệm vụ quan trọng là cùng với cô giáo ôn bài, giảng bài cho các bạn trong lớp. Chúng tôi thôi trèo me, hái khế, mỗi chiều cũng thôi chạy rong í ới gọi nhau đi xem phim ở nhà bà Bảy Nhân - hồi đó cả làng chỉ có nhà bà Bảy Nhân có tivi màu, bà tốt bụng lắm, luôn mở cửa cho đám trẻ nghịch chúng tôi vào xem, thỉnh thảng còn hái cho mấy trái xoài chín trong vườn nhà.
Hai lớp 5A, 5B trước đây thi thoảng có hục hặc với nhau chuyện tranh giành mấy trái chùm ruột phía sau trường, nhưng đến mùa thi thì lại thân nhau đến lạ. Hơn 40 đứa ngồi ngoan ngoãn học bài, có lúc mơ màng nghĩ về ngôi trường cấp II của làng bên. Trường xây tường, quét vôi trắng, có lầu, lại có cả khoảng sân rộng với quán chè đậu xanh bột lọc ngon thiệt là ngon mà có lần cả đám nhấm nháp khi rủ nhau đi “coi mắt” ngôi trường mới.
Lúc có kết quả tốt nghiệp, cả bọn băng đồng chạy đi xem. Không đứa nào rớt hết. Cả đám ôm nhau nhảy tưng tưng. Thế là hết “kiếp lưu đày” ngoài đảo rồi nhé. Cuối cùng thì Robinson cũng về với đất liền. Vậy mà không hiểu sao, buổi chiều cả bọn lại ngồi trên triền đê ngắm dòng kênh chảy xuôi về phía cuối làng, nghe tiếng lá dừa xào xạc trên mặt nước mà buồn. “Hết được hái chùm ruột ăn rồi tụi bây ơi!” - thằng Tuấn phá tan bầu không khí yên lặng đang bao trùm cả khoảng chiều quê.
Con Phước Nhơn thì khều khều Trung nói nhỏ “ông hết được cõng tiểu thư Hà Quân đi học rồi nhé!”. Còn nhỏ Trang thì bảo “trường mới chắc không còn được chơi trò cá sấu lên bờ”. Lễ phụ họa: Ừ, trường mới đâu có nằm giữa ruộng. Tụi nó hết đứa này đến đứa khác bùi ngùi tiếc nuối, tôi ngồi thòng chân xuống nước để làn nước mát lành mơn trớn, dỗ dành đôi bàn chân một thời ấu thơ bay nhảy mà nghe lòng trào dâng một nỗi thương nhớ mênh mông.
oOo
Con đường tôi tiếp tục bước đi không có Trung, Tuấn, Sung, Nhơn, Ngọc, Lễ... Ngôi trường cấp II tôi học khang trang, nhiều tầng hơn nhưng không có cây bàng cổ thụ che mát gần cả sân trường, cũng không có món chè bột lọc ngọt lịm nơi đầu lưỡi.
Tôi đi về phía phố.
Ngày đưa tôi đi, con Ngọc ôm tôi khóc như mưa. Nhỏ Nhơn thút thít “chừng nào Quân mới về?”. Trung vò nát chiếc lá bàng trong tay, buồn bã: “Thiếu mất nhỏ khóc nhè, ai làm cô dâu cho trò chơi đám cưới của... tui?”. Tuấn, Sung, Lễ lắc lắc tay tôi, “còn dịp về nữa không hả Mèo Ngao?”. Tôi muốn dang tay ôm tất cả bạn bè yêu thương vào lòng, muốn níu cả khoảng trời thơ trong trẻo. Mà có giữ mãi được đâu.
Tôi đi xa, ngút ngàn nỗi nhớ. Thư nào cũng đề tên Mèo Ngao nơi người gửi, và rơi nước mắt khi nhận lại dòng chữ “tụi tao nhớ mày lắm” nghiêng nghiêng màu mực tím - chữ của nhỏ Nhơn. Đường dài, thời gian buốt mặt người, cộng thêm những lo toan của đời khiến bọn tôi dần bặt tin nhau.
oOo
Gần 10 năm tôi mới có dịp về lại quê xưa. Con đường đất đỏ đã thành đường nhựa. “Đảo” giờ là chỏm đất trơ giữa đồng, mùa mưa người ta mới phủ lên đó mấy luống dưa hành, mấy giồng đậu bắp. Trường Phụng Long của tôi đã xây lầu, đẹp và rộng hơn ngày xưa nhiều lắm. Cô giáo 5A của tôi cũng không còn đứng lớp. Cô theo chồng về tận miền xa. Tôi bất ngờ gặp Tuấn giữa đồng, cái nhìn thảng thốt.
- Mèo ngao... Tuấn bật lên tiếng gọi rồi chợt giật mình. À không, xin lỗi Hà Quân. Về khi nào vậy? Giờ ở đâu? Làm gì? Khỏe không?
- Tuấn hỏi một mạch khiến tôi muốn khóc. Bàn tay chạm vào kỷ niệm sâu như dòng kênh ngày xưa không đứa nào dám tắm. Tuấn gầy rộc và đen thui. Quần ống xăn ống xả, vai gánh mạ non. Tôi đứng nhìn Tuấn trân trân mà không nói được gì. Tuấn nói mà cúi đầu không nhìn tôi:
- Tui nghỉ học lâu rồi, đi làm ruộng. Nhà đâu còn ai ngoài tui đâu, má tui già rồi.
- Bạn bè mình họ sao rồi? Tuấn đi với Quân đến nhà họ, được không? Tôi như bừng tỉnh, hỏi dồn.
Tuấn đặt gánh mạ bên bờ ruộng, nói chậm rãi:
- Con Ngọc đi làm cho hãng giày trên thành phố ít khi về. Con Nhơn đi lấy chồng rồi, chồng nó là cái thằng Cần học 5B đó. Chỉ có con Lễ là học lên cao đẳng rồi đi dạy ở tận miền núi, xa lắm. Còn thằng Sung, nó... Tuấn ngập ngừng - Nó hút ma túy, bị đưa đi cai nghiện. Tuấn im lặng nhìn tôi, rồi quay đi, giọng như gió thoảng: Trung đã mất rồi Quân ơi!
Tôi ngồi bệt xuống đất, không nói nổi điều gì. Tuấn cũng im lặng. Gió thổi qua tai nghe buốt óc. Tôi chênh chao giữa lưng chừng kỷ niệm của thời xa xưa và nỗi xót xa hiện tại. Đường đời có trăm ngàn lối rẽ. Tôi đi, cuộc hành trình về phía mặt trời. Chỉ xót cho người ở lại. Những ước mơ dở chừng, những ước mơ hoen nước mắt, và cả máu. Máu của Trung đã đổ xuống vì số phận nghiệt ngã, vì một tên cướp cùng đường. Và vì cái gì nữa hở Trung?
- Mèo Ngao, tui tết vòng hoa cho Mèo Ngao đội nè, làm cô dâu thì phải đội hoa mới đẹp chứ!
- Mèo Ngao, mai chờ tui cõng ra đảo, không lại chụp ếch nữa cho coi.
- Mèo Ngao, cho cái bánh qui nhân dừa nè, mới mua còn nóng hổi đó.
- Mèo Ngao...
Bên tai tôi cứ văng vẳng những thanh âm kỷ niệm của tuổi thơ. Nỗi nhớ vón cục lại, nghẹn ngào trong tim. Tôi nhớ bàn tay nhăn nhúm của Trung, bàn tay giải những bài toán khó, bàn tay cõng tôi đi học, bàn tay hái phượng hồng, bàn tay chống trả kẻ thù, và bàn tay chưa kịp nắm tay ai...
Tuấn đặt nhẹ tay lên vai tôi, dỗ dành - như ngày xưa:
- Quân ơi, đừng khóc!
Tôi nhìn về phía đảo, chỉ thấy trơ trụi một vòm đất mang màu ký ức. Robinson đi rồi nên bỏ lại đảo hoang. Lòng tôi như những cánh sóng, dập dềnh nỗi nhớ - những cánh sóng không xô về bờ mà cứ quắt quay đổ ngược về phía đảo.
Đảo sẽ mãi là đảo hoang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận