22/05/2014 08:40 GMT+7

Soi vào thị dân

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - LTS: Chọn một vấn đề đang được nhiều người quan tâm - đời sống thị dân, trang Thế giới sách kỳ này giới thiệu đến bạn đọc ba cuốn sách cùng xoay quanh đề tài này.

Thị dân là thị dân nào

Thị dân 3.0

yQHIauIL.jpg
Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: Lam Điền

Có vẻ như tác giả Benjamin Ngô đã khai thác lợi thế của một người làm báo, sống trong “biển” truyền thông để lật xới hàng loạt vấn đề của thị dân Việt Nam đương đại. Ngay cả cách gọi tên theo kiểu phiên bản (3.0) cho thị dân cũng hàm nghĩa đây là câu chuyện của Việt Nam, với lịch sử đô thị dường như cũng đã có đến ba “phiên bản” nếu tính buổi đầu đô thị hình thành từ sự va chạm với văn minh phương Tây.

Nhặt ra từng câu chuyện trong thực tế đời sống thị dân để “nói lại” một lần nữa bằng cách nghĩ tích cực và cả những ý hướng nhằm cải thiện tình hình, tác giả đã làm nhiều hơn công việc phản ánh đơn thuần của một nhà báo. Hơn thế nữa, mỗi câu chuyện chính là những diễn biến cận kề, quen thuộc, gần nhất trong cuộc sống mỗi người dân hôm nay: nút like trên Facebook và câu chuyện tự do ngôn luận, lừa tình trên mạng xã hội, con không “add” bố mẹ, rao bán sự riêng tư, còi xe ai nhấn mà đau… mà nếu không có những chia sẻ như Benjamin Ngô có lẽ riết rồi mọi người cũng thấy bình thường. Nhưng không, cuộc sống hiện đại hóa đang bất thường hóa con người mà gánh nhận trước hết thuộc về thị dân. Câu chuyện con trẻ mở ngay bao lì xì và bình phẩm ít nhiều trước mặt khách của bố mẹ là bất thường chứ, rồi các kiểu giới trẻ gây sốc tạo xìcăngđan để nổi tiếng, một thế hệ trẻ được nuông chiều và quên cả danh dự… là những điều đáng báo động.

Và tác giả Thị dân 3.0 đã báo động bằng cả tấm lòng, nhiệt tình nhưng thuyết phục mà không sa vào chỉ trích. Ngay cả cách anh nói về thói đố kỵ của người Việt trong hàng loạt câu chuyện cũng bằng những sẻ chia thấm thía, rằng đố kỵ tức là “chúng ta đang tự bất công với bản thân, đồng thời không cho chính mình cơ hội nhân hậu với cuộc đời”. Ồ, quả thật cuộc sống thị dân đang cuốn hút nhiều người và có ai kịp nhớ ra có lúc mình cũng quên nhân hậu với cuộc đời không?

Nếp sống thị dân

mcfQwePR.jpg
Sách do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: Lam Điền

Nếp sống thị dân ở thành phố Hồ Chí Minh là công trình nghiên cứu về thị dân tại TP.HCM do Nguyễn Sỹ Nồng và Đinh Phương Duy đồng chủ biên.

Thị dân tại TP.HCM hiện chiếm 25% cư dân sống tại các đô thị Việt Nam, giới chuyên môn dự tính đến năm 2050 thị dân TP.HCM sẽ chiếm tỉ lệ 35% thị dân cả nước. Trước mắt có rất nhiều vấn đề mà thị dân đang đối diện và chính thị dân đang gây ra cho cộng đồng cả nước: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, quá tải dân số, thiếu năng lượng, thiếu nhà ở… Nhóm tác giả bắt đầu từ lịch sử hình thành và phát triển nếp sống thị dân ở TP.HCM và những yếu tố tác động đến nếp sống này, để định vị được một số đặc điểm được xem là “của người Sài Gòn” như: khả năng thích nghi xã hội, nhận thức về giá trị bản thân và cảm giác “thuộc về Sài Gòn” của mỗi người.

Đặc biệt, nhóm tác giả công trình đã thực hiện khảo sát về các hành vi của người dân được cho là chưa phù hợp với nếp sống đô thị. Theo TS Đinh Phương Duy, thị dân tại TP.HCM còn một số hành vi chưa phù hợp với nếp sống đô thị như: sai giờ, trễ hẹn là hành vi còn khá phổ biến, điều này phản ánh tác phong công nghiệp chưa được thể hiện đúng mức; xả rác bừa bãi, bỏ rác không đúng nơi quy định được cho là hành vi xảy ra ở nhiều nơi, kể cả trong trường học và đặc biệt là ở nơi công cộng; lãng phí, không chú ý đến việc tiết kiệm điện, nước và tài sản công nói chung; ăn nhậu tràn lan (con đường nào cũng có quán ăn, rất nhiều người nhậu nhẹt không giới hạn…); chấp hành luật giao thông chưa tốt (vẫn còn lấn tuyến, đậu xe, dừng xe không đúng quy định..)...

Các hành vi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng đáng lo ngại nhất là các chuẩn giá trị đang có nhiều thay đổi, ảnh hưởng của lối sống vị kỷ, đề cao chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích của cá nhân lên hàng đầu, ít quan tâm đến lợi ích của cộng đồng…

Phơi những nỗi buồn

sp7n5QDd.jpg
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: Nhã Linh

“Đàn ruồi mới đến dĩ nhiên không biết nơi đây là thành phố. Chúng lạ lẫm hỏi dò các đồng loại cũ mặt. Vài ruồi cũ bảo cho chúng biết những luật lệ lạ hoắc ở nơi này. Không có sự nhường nhịn nào còn tồn tại ở chỗ muôn triệu ruồi chen vai thích cánh. Tất cả phải vào một trật tự mới có tên là sức mạnh...”.

Chua chát, tỉnh táo, giày vò và mai mỉa là ngôn ngữ trong Ruồi là ruồi - tác phẩm văn học thứ 14 của họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn, đồng thời cũng là hành trình của những con ruồi trong thế giới thực của nó - thế giới của những - con - ruồi - người.

Từ những vị trí được xem là cùng quẫn, cặn bã, những con - ruồi - người như Liên - cô gái điếm xuất thân từ nông thôn, Hùng - chánh án hàng huyện tha hóa... đã chạy khỏi vùng quê, nơi họ không còn cách sống. Họ bước vào thành phố với nhiều quyết tâm, thủ đoạn, liều lĩnh và tìm được một chỗ đứng mới, những quan hệ mới và cả cuộc sống mới mà biết bao người - ruồi khác hằng mơ ước: giàu sang và thành đạt. Thế nhưng, giữa thế giới mới ấy, họ vẫn phải trả giá về quá khứ của mình: tâm tư không bao giờ thanh thản.

Mượn ruồi để nói về người. Mượn cuộc di cư của ruồi từ bãi rác này đến bãi rác nọ để so sánh với cuộc di dân từ chốn mưu sinh này đến chốn mưu sinh khác là một so sánh nhiều cay đắng và mất mát của Đỗ Phấn. Ngay cả nhan đề cuốn sách Ruồi là ruồi cũng là một xác lập hiển nhiên, không trốn chạy. Thật dễ để thấy thành phố muôn đời là miếng ăn ngon và những kẻ kiếm tìm món ngon không phải ai cũng tinh tế và “sạch sẽ”. Những thị dân đúng nghĩa luôn cảm thấy buồn bực, phiền lòng vì những khách không mời, ngày một ngày hai đã xóa dần nét tinh hoa, sang cả của “phố cũ”, trộn lẫn vào đó những mảnh vụn vô ý và cố ý từ gốc gác rách nát của mình.

Trong cuộc đấu tranh sống còn, trong kế hoạch mưu sinh với hằng hà sa số thủ đoạn lọc lừa, những người - ruồi có thể trở nên “một thứ thị dân phiền toái xoay xở giao tiếp theo phong cách của người thành phố này”. Tuy nhiên, chính những “thị dân nửa mùa” này lại kết luận rằng “thứ thanh lịch ứng xử mà có vẻ như người thành phố này lấy làm tự hào thực ra cũng nhiều giả dối và cạm bẫy...”. Và họ giữ lại một mảnh kỷ niệm, một mảnh ký ức về gốc gác quê hương bản quán, một mảnh để nhắc lại cuộc sống tha hương không thể xóa bỏ của mình - như để khẳng định với chính họ: quê nhà mãi mãi là quê nhà. Đi vì mưu sinh, vì không thể không đi chứ làm người thành phố giả dối lắm!

Giống như những tác phẩm trước của Đỗ Phấn (Con mắt rỗng, Gần như là sống, Dằng dặc triền sông mưa...), Ruồi là ruồi được viết với giọng văn kìm nén mọi u uẩn nhưng lại phơi ra mọi ngóc ngách nỗi buồn. Buồn vì nỗi phải đứng nhìn, phải đi bên cạnh, phải vào bên trong, phải chen chúc đắm chìm trong những rối rắm cuộc sống, trong những ham muốn xác thịt bình thường và tầm thường, trong bài toán cơm áo gạo tiền, danh vọng, sự nghiệp... Và thấy mình trong đó, phiền muộn và bất lực. Vì không thể thay đổi. Vì chính mình là một nhân tố trong dòng chảy mỗi ngày một quặn réo, mỗi ngày một cuốn xô...

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên