Dù chiếm chưa đến 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành, nhưng sợi đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chính hiện nay của ngành dệt may VN.
Thế nhưng, vì sao ngành sợi có hàm lượng giá trị gia tăng cao nhưng lại có ít doanh nghiệp chịu nhảy vào dù có khá nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư đã được ban hành?
Theo phân tích của một chuyên gia lâu năm trong ngành, nếu nhận hợp đồng gia công may, tối thiểu cũng thu về được 1 USD cho một sản phẩm áo hoặc quần. Doanh nghiệp ngành may chỉ cần khoảng 300.000-500.000 USD là có thể đầu tư đàng hoàng một nhà xưởng hoành tráng, và cứ có đơn hàng là nhận được tiền gia công.
Nhưng với ngành sợi, để bán được 1kg sợi, doanh nghiệp bỏ ra khoảng 1,7-1,9 USD để nhập về 1kg bông, sau đó kéo thành sợi và bán với giá 4-6 USD (hoặc hơn), nhưng lời giỏi lắm được 10 cent - nếu doanh nghiệp đó có hệ thống máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đội ngũ quản lý có kinh nghiệm. Rõ ràng nếu đặt bài toán lợi nhuận lên bàn cân để so sánh, yếu tố lợi nhuận của ngành sợi không thể sánh bằng nếu so với đầu tư vào ngành may.
Đây cũng chính là cái “nghiệt” của ngành sợi. Phải đầu tư rất lớn (suất đầu tư vào một nhà máy sản xuất sợi ít nhất cũng 15-20 triệu USD), mất nhiều thời gian để đào tạo tay nghề công nhân, phải “chịu đựng” thời gian khấu hao lâu, trong đó máy móc thiết bị đóng vai trò cực kỳ quan trọng: công nghệ càng hiện đại, sợi càng có chất lượng. Sợi càng tinh càng bán được nhiều tiền và ngược lại.
Và cái được lớn nhất của ngành sản xuất sợi hiện nay của VN trên thương trường quốc tế là đã được thị trường thế giới bắt đầu biết đến, chấp nhận và đang tạo được sự hấp dẫn riêng. Vấn đề là làm sao phát huy được những tín hiệu tích cực này một cách bài bản, chắc chắn trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận