Chuyện thứ nhất
Năm 2004, được sự chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên về việc quản lý đất công, xã Ngọc Tố đã tiến hành điều tra về nguồn gốc đất ở khu vực chợ thuộc ấp Cổ Cò với kế hoạch qui hoạch lại khu Giếng Làng thành khu chợ trung tâm và điểm sinh hoạt văn hóa xã.
Theo đó, trên 200 hộ dân ở đây được đưa vào danh sách bị thu hồi đất với lý do là tự bao chiếm đất công của xã dù trong số đó có không ít hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ). Tuy nhiên, dự án xây chợ và khu văn hóa chưa được triển khai thì UBND huyện đã ra quyết định cấp đất cho 16 người trên phần đất thu hồi của một số dân nghèo và gia đình liệt sĩ. Ngoài bí thư, phó bí thư, chủ tịch, các phó chủ tịch UBND, HĐND, hội phụ nữ, UBMTTQ thì một số trưởng ấp, giáo viên... cũng được cấp đất.
Một điều nghịch lý là những người được cấp đất đa số đều khá giả, có nhà tường, vuông tôm hẳn hoi. Điển hình trong số này có ông Nguyễn Văn Oanh - trưởng ấp Cổ Cò - là một trong những gia đình giàu. Là nha sĩ, có hẳn một phòng khám răng trong căn nhà tường khá bề thế ở chợ nhưng ông Oanh vẫn được cấp đất. Gần nhà ông Oanh, bà chủ tịch Hội phụ nữ xã Nguyễn Thị Lệ Hoa đã được cấp nhà tình nghĩa vào năm 2002 nhưng cũng không nằm ngoài danh sách 16 người được... “ưu ái”. Ông chủ tịch xã Võ Thành Quân lập luận: “Cấp đất để cán bộ xã cất nhà gần cơ quan, tiện việc đi lại”(?).
Một trong những hộ có đất bị thu hồi để cấp cho cán bộ xã lần này có gia đình ông Sơn Lâm. Theo lời trình bày của ông Lâm, 1.700m2 đất của gia đình đang canh tác hiện nay là do ông khai phá để trồng lúa và được UBND xã Ngọc Tố đồng ý cấp cho từ năm 1989. Tuy nhiên, từ cuối năm 2004 ông liên tục “được” chủ tịch xã mời làm việc nhiều lần với cùng một nội dung là chấp nhận ký tên chia đất cho cán bộ thì UBND xã sẽ tạo điều kiện cho ông làm giấy đỏ với diện tích còn lại chỉ là... 300m2.
Thấy bất công, ông Lâm đã gửi đơn cầu cứu đến các ngành chức năng của huyện nhưng đều rơi vào sự im lặng. Đầu năm 2005 ông Lâm tiến hành khoan giếng bơm tay để lấy nước sử dụng thì bị xã ngăn cản, lúc ấy ông mới hay đất của mình đã bị “xẻ thịt” chia cho người khác. Ông Lâm nói trong nước mắt: “Nhà tôi con đông, sống bằng nghề sửa xe máy, vợ bị bệnh tâm thần, em trai hi sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, nay lại bị mất đất thì sau này lấy gì nuôi vợ con. Mấy ông ở xã còn bảo rằng giấy báo tử của em tôi là giả”.
Lý giải về vấn đề này, ông chủ tịch xã Võ Thành Quân cho biết: “Tôi khẳng định đất của ông Lâm trước đây là đất công, đất sân banh của xã. Khi qui hoạch để xây dựng chợ chúng tôi có xin huyện cho bán hóa giá một phần để gây quĩ phúc lợi xã hội nhưng không được đồng ý. Vì vậy chúng tôi đề nghị cấp cho cán bộ và đã được huyện chấp thuận”.
Còn ý kiến của ông Trần Thanh Hiền - phó bí thư đảng ủy xã - thì ngược lại: “Năm 1991 thấy ông Tư Hồng có xin (xin miệng) nên UBND xã cấp cho ông khoảng 4.000m2 đất. Vì canh tác không hiệu quả nên sau đó ông Tư Hồng cho ông Sơn Lâm gần một nửa”. Như vậy, dù là đất do ông Sơn Lâm tự khai phá hay ông Tư Hồng cho thì cũng quá rõ ràng đây là phần đất có chủ quyền hẳn hoi, không phải là đất công nên quyết định thu hồi đất của dân nghèo để cấp cho cán bộ xã đã làm mất đi tính dân chủ, gây hoang mang cho người dân...
Chuyện thứ hai
Thời gian qua người dân xã Ngọc Tố còn bị “sốc” khi thấy xã xây nhiều căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho những gia đình chưa thật sự bức xúc về nhà ở, thậm chí trong số đó có những hộ thuộc diện khá giả. Trong số sáu người bà con cùng mang họ Phạm với ông bí thư xã Phạm Minh Đoàn được xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa từ năm 2002 đến nay có nhiều chuyện... “ngộ”. Năm 2002 xã Ngọc Tố quyết định cấp cho ông Phạm Văn Hóa (chú ruột của ông Đoàn) một căn nhà tình nghĩa để ông được an dưỡng tuổi già với cô con gái Phạm Thị Mừng. Căn nhà rộng với kinh phí xây dựng trên 15 triệu đồng ở chưa được bao lâu thì năm 2003 bà Mừng bất ngờ ra ở riêng để được xã cấp thêm một căn nhà tình thương nằm cạnh căn nhà tình nghĩa.
Một chuyện “ngộ” khác nữa là ông Phạm Văn Sáu dù không hề bức xúc về nhà ở nhưng vẫn được xã “đập” căn nhà tường của ông để thay vào đó là một căn nhà tình nghĩa, trong khi đó có rất nhiều gia đình liệt sĩ trong ấp có hoàn cảnh nghèo túng phải ở trong những căn nhà lá rách nát, tạm bợ lay lắt qua ngày nhưng lại không được cấp nhà.
Trong những ngày ở Cổ Cò chúng tôi còn được biết căn nhà tường trị giá vài chục triệu đồng của ông Huỳnh Minh Thuận - nguyên chủ tịch Hội nông dân xã - cũng được UBND xã này... “góp vốn” 3,5 triệu đồng từ quĩ xây dựng nhà tình thương. Đề cập vấn đề này, ông Quân giải thích: “Thấy vợ chồng anh Thuận nghèo nên xã cấp vốn xây nhà tình thương (đưa tiền trực tiếp) nhưng không hiểu sao ảnh (ông Thuận) lại nhập vào tiền nhà để mua vật tư xây nhà tường (?)”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Thuận và vợ (bà Trần Ngọc Thu - phó chủ tịch Hội phụ nữ xã) đều có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định với nghề tay trái là nuôi tôm sú.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận