24/10/2010 03:57 GMT+7

Sợ tiếng mưa rơi...

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - 1. Hẳn nhiều người, và cả tôi nữa, đã từng thích tiếng mưa rơi, thích được dầm mình một thoáng dưới cơn mưa cho cuộc sống thêm chút thi vị. Vậy mà bây giờ hễ nghe tiếng mưa rơi rào rạt trên mái tôn là tôi hoảng, sợ đến thắt lòng.

Những ngày mưa lũ liên miên, chúng tôi lặn lội dọc ngang dưới mưa ở các vùng lũ. Dù ướt át, mệt nhọc đến đâu đi nữa thì sau đó khi đã hoàn thành công việc, có thể là đã quá nửa đêm, chúng tôi cũng chui được vào chăn ấm.

Nhưng ở vùng lũ đồng bào phải bám mình trên cây, ngồi chơ vơ trên mái nhà, dưới người là nước bạc, trên người là mưa rơi, giữa không gian mịt mù là gió lạnh. Đói, khát giằng xé tận cùng với sự đợi chờ vô vọng, hi vọng... trong tiếng mưa rơi. Tôi sợ tiếng mưa rơi làm bợt da những thân hình vốn đã mỏi mòn, còm cõi vì cuộc mưu sinh trong cả những ngày nắng ráo.

Tôi sợ tiếng mưa rơi làm át đi tiếng tôi gào thét trong điện thoại lúc nửa đêm. Khi hai người già ở vùng Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) trong trận lũ thứ hai đã nhờ chúng tôi gọi thuyền cứu hộ. Mưa trút xuống mái tôn nhà tôi ràn rạt, át hẳn tiếng nói khó nhọc, run rẩy trong điện thoại của người già.

Khi đã cố nghe được, tai tôi chỉ nghe lùng bùng mấy tiếng: “Mưa... lắm..., không (nghe) được chi cả...” rồi tắt lịm. Tôi nhìn trân trối vào chiếc máy điện thoại chờ tiếng chuông đổ, như bấu vào đó sự hi vọng tốt đẹp sẽ đến cho thân phận hai người già trong lũ. Tôi gào lên trong tiếng mưa nhưng chỉ nhận lại được tiếng chuông đổ...

Tiếng mưa rơi nữa, sợ thêm một trận lũ lụt, có thêm bao mảnh đời sẽ bầm dập hơn, có thêm cái đói quay quắt trước mặt người trong mùa đông lạnh giá đang rập rình ào tới.

2. Tôi sợ tiếng mưa rơi. Vì trong tiếng mưa rơi làm nên lũ ấy đã có người làm tủi thêm tấm thân nghèo của dân vùng lũ. Đó là đã có những gói hàng đến với người dân vùng lũ Quảng Bình nhưng sau đó phát hiện đã hết hạn sử dụng. Bởi cái đói trong lũ ám ảnh, bởi cái thiếu thốn sau lũ còn dài nên nhiều người dân vẫn tặc lưỡi mà dùng: “Ăn cả đời mới chết, chớ vài lần thì mô có chết!”.

Buồn vì trong lũ, khi chỉ với một hộp mì tôm hay thậm chí chỉ vài gói mì cứu trợ được phát từ một ai đó, mà người dân phải đứng ngâm mình trong nước lũ để đợi... ghi hình. Thương hiệu nào được quảng bá... nhờ lũ và nhờ sự khổ cực, bầm dập đến ngao ngán của người dân vùng lũ quê tôi như thế? Đau lòng người quá đi.

Tôi sợ tiếng mưa rơi. Vì trong mưa, trong lũ chúng tôi nhận ra còn có đồng nghiệp của chúng tôi đã không đến với người vùng lũ bằng tấm lòng chân chất của mình. Họ đến với vùng lũ, nhưng thay vì hết lòng sẻ chia sự đau thương mất mát với người vùng lũ thì họ lại đòi hỏi địa phương bố trí nơi ăn chốn ở đàng hoàng để... tác nghiệp.

Trong khi nhiều nơi bị cô lập, người dân không có cả gói mì để nhai sống chống lại những đợt mưa lạnh tím da bợt thịt... Đồng nghiệp ơi, sao nỡ đành giật chút thời gian quý báu của địa phương khi họ đang phải căng mình, đôn đáo lo cứu dân? Sao nỡ với người dân vùng lũ vậy?

3. Rồi tôi sẽ mong có được những cơn mưa thật to, mưa thật rào rạt trên những mái tôn vào mùa hè tới, để người dân vùng lũ miền Trung vượt qua cơn đại hạn. Để người dân vùng lũ làm mùa lúa mới, khi thóc lúa dự trữ đã bị lũ cuốn trôi hết rồi.

Gợn buồn đôi chút thôi. Vui sẽ nhiều hơn, vì từ TP Cần Thơ xa xôi trong trời Nam, có người lại vừa gọi tha thiết cho tôi, báo tin: “Mai đoàn cứu trợ của anh sẽ ra tới vùng lũ. 200 triệu nghe em, cho anh biết nơi nhận...”.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên