30/09/2008 04:07 GMT+7

Sơ suất nhỏ, tổn thất lớn

Luật sư ĐẶNG NGỌC CHÂU
Luật sư ĐẶNG NGỌC CHÂU

TT - Trong kinh doanh xuất nhập khẩu tại VN có những giao dịch trị giá đến hàng triệu USD, vậy mà bản hợp đồng mua bán chỉ đơn giản vài trang giấy mỏng teo.

77xw1qzI.jpgPhóng to
Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng container Cát Lái (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.
TT - Trong kinh doanh xuất nhập khẩu tại VN có những giao dịch trị giá đến hàng triệu USD, vậy mà bản hợp đồng mua bán chỉ đơn giản vài trang giấy mỏng teo.

Nhiều giám đốc khi bàn bạc hay ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài chỉ quan tâm đến vài điều khoản họ cho là quan trọng như giá cả, số lượng, chất lượng, thời hạn giao hàng, thanh toán... Họ thường bỏ qua những điều khoản được coi là rườm rà, vô ích như sự kiện bất khả kháng, luật áp dụng, giải quyết tranh chấp... mà không biết rằng chính những điều khoản này đã gây ra những tổn thất đôi khi rất lớn.

Hợp đồng đơn giản

Tháng 2-2008, Công ty TNHH TN (TP.HCM) ký hợp đồng với công ty nước ngoài tên SY mua 5.000 tấn phân urê, giao hàng chậm nhất ngày 30-5-2008. Như thường lệ, hai bên chỉ chú ý thương lượng về giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn giao hàng. Sau khi gửi email, fax qua lại nhiều lần, hợp đồng mua bán được ký kết chỉ vỏn vẹn hai trang giấy đánh máy, chỉ nêu những điều khoản chính!

Tháng 3-2008 Công ty TN đã mở tín dụng thư cho SY, đồng thời ký hợp đồng bán lại toàn bộ lô hàng cho Công ty M (Tiền Giang). Đến ngày 2-6-2008 đã hết hạn giao hàng nhưng vẫn không thấy Công ty SY giao hàng. Tại thời điểm này giá phân urê trên thị trường quốc tế đã lên cao hơn 30-40% so với giá khi ký hợp đồng. Thị trường nội địa cũng đang lên cơn sốt giá phân bón. Khách mua hàng ở Tiền Giang thúc giục Công ty TN giao hàng và ra tối hậu thư nếu trong thời hạn bảy ngày không giao hàng, họ sẽ kiện ra tòa đòi phạt vi phạm hợp đồng đến 8% giá trị lô hàng và bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Diễn biến... bất khả kháng

Giám đốc TN như ngồi trên lò lửa ra lệnh cho nhân viên liên tục gọi điện thoại, gửi email, fax cho SY giục giao hàng, đối tác nước ngoài dường như... làm ngơ! Một tuần sau, Công ty SY gửi văn bản trả lời, nhưng câu trả lời của họ làm giám đốc Công ty TN muốn lên huyết áp! Họ thông báo do cơn bão tràn vào xứ họ làm nhà máy sản xuất urê bị hư hỏng nặng nên không thể giao hàng được. Công ty TN gửi email khiếu nại. SY thông báo hoãn giao hàng sáu tháng, còn nếu TN không đồng ý thì xin hủy hợp đồng. Viện lý do bão tố là “sự kiện bất khả kháng” nên SY cho rằng không có trách nhiệm bồi thường!

Cơn bão có thật nhưng liệu đó có phải là cái cớ vì giá phân urê đang tăng rất cao? Giám đốc Công ty TN ra lệnh cho nhân viên thu thập hồ sơ, chứng cứ để chuẩn bị kiện đối tác nước ngoài đòi bồi thường. Nhưng khi xem lại hợp đồng ký giữa hai bên thì hỡi ôi, trong đó lại không có điều khoản nào quy định về sự kiện bất khả kháng (SKBKK), luật áp dụng và phương thức giải quyết tranh chấp. Vậy bây giờ phải làm sao để bác bỏ cái gọi là SKBKK do đối tác đưa ra, buộc họ phải bồi thường? Phải kiện ở tòa án nước ngoài hay trong nước? Áp dụng luật nào để giải quyết tranh chấp?

Phòng kế hoạch hiến kế kiện đối tác nước ngoài ra tòa án quốc tế, và dùng luật thương mại quốc tế để đòi bồi thường. Đó có vẻ là một ý kiến hay, nhưng nghĩ kỹ lại mới thấy không thể thực hiện được! Trong buôn bán quốc tế không có một bộ luật thương mại nào đương nhiên áp dụng. Chỉ có các tập quán giao dịch thương mại hoặc các công ước quốc tế (công ước Viên 1980, PICC1994, ICC No.421, Incoterms...(*)) nhưng muốn áp dụng khi tranh chấp thì các bên phải lựa chọn và ghi hẳn vào hợp đồng.

Đối mặt nguy cơ thiệt hại

Mấy ngày mất ăn mất ngủ, giám đốc TN có vẻ như đã tìm ra lối thoát là tìm cách thỏa thuận. Ông bèn viết thư đề nghị Công ty SY cùng có văn bản thỏa thuận chọn luật điều chỉnh hợp đồng là pháp luật VN và Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) là cơ quan có thẩm quyền xét xử tranh chấp! Hình như đối tác nước ngoài biết ý nên chờ mãi vẫn không thấy họ trả lời!

“Bệnh thì vái tứ phương”, giám đốc TN vẫn cứ gửi đơn đến VIAC kiện Công ty SY vi phạm hợp đồng và đòi bồi thường toàn bộ tổn thất. Trọng tài nhận hồ sơ nhưng cho biết trước: nếu trọng tài gửi văn bản sang phía đối tác nước ngoài mà đối tác nước ngoài im lặng hoặc không chấp nhận thẩm quyền xét xử của VIAC thì cũng...không thể xét xử được! VIAC chỉ có thẩm quyền xét xử tranh chấp nếu hai bên có điều khoản chọn trọng tài hợp lệ.

Bạn bè thấy thương nên tư vấn: hay là TN nộp đơn kiện tại Tòa án kinh tế TP.HCM? Nhưng giám đốc TN lại phân vân. Giả sử tòa đồng ý thụ lý và xử Công ty TN thắng thì bản án của tòa án VN làm sao có thể cuỡng chế thi hành ở nước ngoài? Mất thêm tiền án phí, tiền luật sư, bỏ ra chi phí lớn mà không đòi được tiền thì chẳng khác gì “lấy tiền sống đi đòi tiền chết”! Sự việc dường như bế tắc và Công ty TN có thể phải gánh chịu tổn thất lớn!

Thật ra, bên gặp SKBKK chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp chứng minh được việc không thực hiện hợp đồng là do ngoài ý muốn, không thể lường trước và không thể tránh hoặc vượt qua được. Ngoài ra, cũng không phải họ đương nhiên được miễn trách nhiệm mà họ phải làm các bước: phải thông báo kịp thời (5-10 ngày) cho bên kia; phải cung cấp chứng cứ về SKBKK và chứng cứ về tổn thất xảy ra, văn bản phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền sở tại (như Phòng thương mại).

Phía gặp SKBKK có thể đề nghị hoãn thời gian giao hàng hợp lý, nhưng không đương nhiên được hủy bỏ hợp đồng, họ phải thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục và giới hạn tổn cho bên kia. Nếu SKBKK kéo dài quá một thời hạn nhất định (quy định trong hợp đồng) mà không thể khắc phục được thì các bên có quyền chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên những điều kiện về SKBKK nêu trên không thể đương nhiên áp dụng nếu hai bên không có quy định trước trong hợp đồng. Phải chi khi ký hợp đồng mua bán với nước ngoài, Công ty TN quan tâm hơn một chút về các điều khoản... hay bị bỏ quên như điều khoản SKBKK này thì nay đâu có chịu tổn thất lớn như vậy.

* PICC: nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế (Principles of international commercial contracts do Unidroit xuất bản, Rome 1994).

* ICC 421: điều khoản miễn trách về trường hợp bất khả kháng do Phòng Thương mại quốc tế xuất bản, ấn phẩm số 421 (The force majeure clause of the International Chamber of Commerce,Publication No.421).

* Incoterms: các điều kiện thương mại quốc tế (International commercial terms).

Luật sư ĐẶNG NGỌC CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên