![]() |
* Xin ông cho biết kết quả cổ phần hoá đến thời điểm này?
- Tính đến 31-12-2005, chúng ta đã cổ phần hoá được 2.600 doanh nghiệp nhà nước. Nếu tính cả việc cổ phần hoá (CPH) các bộ phận của doanh nghiệp thì số DN NN được CPH là 2.900, cơ bản là đã đạt được mục tiêu đề ra.
* Theo ông đâu là những cái được trong 15 năm qua?
- Trước hết phải nói về nhận thức, để tạo một bước chuyển của tư duy từ kinh tế nhà nước sang kinh tế dân doanh, từ kinh tế đơn thành phần sang kinh tế đa thành phần là cả một quá trình. Khi loại hình kinh tế quốc doanh bộc lộ nhiều bất cập như hiệu quả thấp, lãng phí, kém sức cạnh tranh, tuy nhiên không dễ gì chia tay nó. Tâm lý định kiến với kinh tế ngoài quốc doanh vẫn còn khá nặng, nhưng lộ trình cổ phần hoá đã từng bước làm thay đổi nhận thức.
Thứ hai là cùng với đường lối của Đảng là sự chỉ đạo của Chính phủ. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp, nhà nước. Trên cơ sở đó tạo động lực cho phát triển.
Thứ ba là từ chỗ làm thí điểm một vài doanh nghiệp rồi nhân rộng ra các ngành, các địa phương trong toàn quốc. Từ chỗ chỉ cổ phần hoá những doanh nghiệp quy mô nhỏ, rồi đến những doanh nghiệp quy mô lớn, đến cả những ngành chủ lực như điện, xi măng, ngân hàng.
Thứ tư là từ chỗ cổ phần hoá khép kín, chia cổ phần cho người lao động, đến chỗ tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, chống thất thoát.
Thứ năm là, hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hoá đều làm ăn có hiệu quả, vốn, doanh số, lợi nhuận, thu nhập của người lao động đều tăng. Cổ tức bình quân 17%/năm.
* Đâu là những cái chưa được, thưa ông?
- Trước hết là còn chậm so với yêu cầu phát triển. Sự chây ỳ diễn ra ở hầu hết các Bộ, ngành, địa phương. Do vừa làm vừa dò dẫm nên không tránh khỏi việc phải trả học phí. Chẳng hạn chuyện cổ phần hóa khép kín, thực ra là chia cổ phần chứ không phải bán cổ phần. Trong định giá tài sản thì tài sản hữu hình tính không chính xác đã đành, trong khi tài sản vô hình gần như không tính được.
Thứ hai là chưa có sự kết hợp với tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hoá; chưa tìm được cổ đông chiến lược, chưa kéo được các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mua cổ phần; Cổ phần hoá chủ yếu diễn ra ở doanh nghiệp nhà nước nhỏ, thua lỗ. Tính đến tháng 12-2005, số doanh nghiệp được cổ phần hoá chỉ chiếm 12% số vốn, đây là một con số khiêm tốn.
Thứ ba là cổ phần hoá chưa làm rõ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, người lao động.
* Nếu mục tiêu gia nhập WTO vào năm 2006 trở thành hiện thực, điều này ảnh hưởng thế nào đến lộ trình cổ phần hoá?
- Lộ trình hội nhập đang tạo áp lực mạnh mẽ đối với việc cổ phần hoá nói riêng và chuyển đổi DNNN nói chung. Chúng ta phải chuyển đổi một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đây là yêu cầu bắt buộc theo luật chơi của WTO. Nếu tập trung cao độ thì phải đến năm 2009 mới xong.
Cũng có ý kiến nói rằng chỉ mất ba năm, đến khoảng cuối năm 2008. Nhưng cuối cùng quyết định lựa chọn mốc 2009. Cũng có nhiều ý kiến nghi ngại về tiến độ, nhưng tôi cho rằng tình hình sẽ cải thiện nhiều vì đứng trước nhiều áp lực từ quá trình hội nhập buộc phải quyết tâm làm. Hơn nữa, trước đây doanh nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, nay thì rất tập trung, chủ yếu là các tổng công ty lớn.
Thêm nữa, bây giờ vấn đề tư tưởng cũng đã thông hơn nhiều rồi. Sẽ có khoảng 80 tổng công ty được chuyển sang mô hình mẹ - con, sau đó các doanh nghiệp con sẽ cổ phần hóa trước khi cổ phần hóa công ty mẹ. Ngoài ra, đối với các tập đoàn đang được xây dựng, nhất định sẽ thực hiện đa sở hữu nhưng Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông báo chí trong lộ trình đó?
- Truyền thông báo chí với tư cách là người đi tiên phong trong việc phát hiện nhu cầu của lộ trình hội nhập đã ủng hộ mạnh mẽ quá trình cổ phần hoá. Là cơ quan chuyển tải đường lối của Đảng, chính sách của Chính phủ tới mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là tới các doanh nghiệp nhà nước và người lao động. Thông qua đó, làm chuyển biến nhận thức, đặc biệt là việc phân biệt giữa doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh.
Cùng với việc phản ánh những điển hình tiên tiến, khích lệ những cơ quan, những doanh nghiệp đi tiên phong trong lộ trình này, Báo chí cũng đã tạo áp lực không nhỏ đến những cơ quan, những doanh nghiệp có biểu hiện do dự, trì trệ, phê phán những biểu hiện tiêu cực, sai trái, trên cơ sở đó giúp cho các cơ quan điều hành có thêm thông tin để chỉ đạo kịp thời, sát sao.
Điều đáng mừng là trong 15 năm qua, báo chí luôn đi sát lộ trình cổ phần hoá, ủng hộ một cách toàn diện và mạnh mẽ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận