![]() |
Tung mình qua xe máy - Ảnh: Hồ Quang Phương |
Nhận dạng
Hầu hết dân trượt ván đều ở độ tuổi 16-20, đang học tại các trường THPT như Việt Đức, Trần Phú, Hà Nội - Amsterdam, mặc quần “tụt” (lưng xệ), áo thụng thể thao dài kiểu hip hop, tóc cắt ngắn vuốt keo, một số còn nhuộm vàng, đỏ... “Hầu hết là choai choai, sinh năm 1980 như tớ đây thuộc loại lão làng” - Việt Anh, một dân trượt ván loại cứng, cho biết.
Vì là môn chơi khá mạo hiểm nên đồ nghề của dân trượt ván phải thuộc loại xịn, vừa giúp thực hiện được những động tác khó, vừa đảm bảo an toàn. Thực chất hai món đồ chính để nhập môn là tấm ván trượt thuôn dài có bốn bánh xe và một đôi giày thể thao đế bằng, còn quần áo là do các thành viên tự trang bị thêm cho “ngầu”.
Ván trượt trông khá đơn giản nhưng lại có những đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe. Bánh xe phải trơn, nhạy, dễ nghiêng chuyển hướng, tấm ván (board) được làm bằng gỗ ép cực kỳ bền chắc, có độ đàn hồi cao, trục bánh cũng được làm bằng một loại hợp kim chịu lực mạnh.
Bởi những đòi hỏi kỹ thuật như vậy nên các dân trượt ván chuyên nghiệp thường chọn ván trượt có xuất xứ từ Mỹ, Canada với giá 2 triệu đồng/chiếc trở lên, hoặc ít ra cũng của Hong Kong giá 700.000đ/chiếc.
“Còn những loại 170.000đ - 180.000đ của Trung Quốc bày bán nhiều ở Trịnh Hoài Đức chất lượng không đảm bảo. Có đứa trong hội bị ngã vỡ đầu cũng chỉ vì đang board slide (nhảy lên rồi cho mặt ván tiếp xúc với lan can hoặc cạnh bậc thềm) thì ván gãy” - Hưng, 19 tuổi, đang làm tại một công ty tại sân bay Nội Bài, cho biết.
Việt Anh mở hẳn cửa hiệu Boo ở 42 Nam Cao chuyên cung cấp đồ cho dân trượt.
Khéo léo và liều lĩnh
![]() |
Cú nhảy hard flip cực khó - Ảnh: Hồ Quang Phương |
Cứ thế, số thành viên đông dần; hiện nay đã là khoảng 30 người Việt và gần chục con em người nước ngoài đang làm việc tại Hà Nội. Vì có nguồn gốc từ công viên Lênin nên hội dân trượt ván tự đặt hiệu là Lênin team.
Đang trong năm học nên thời gian tụ họp của hội được qui ước vào tối thứ tư, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại công viên Lênin hoặc công viên Thống Nhất (nếu bị dẹp thì dạt vào khu nhà ở Vạn Phúc). Vào những lúc này, cửa hàng Boo của Việt Anh sẽ treo biển báo nghỉ bán.
Còn trong dịp hè thì thời gian “thả phanh”, “nhiều lúc đang giữa trưa cả hội cũng đem ván ra trượt cho đỡ thèm”.
Lính mới tò te nhập môn đầu tiên phải tập giữ thăng bằng và đi trên ván (walking), sau đó sẽ tập ollie (nhảy kéo theo ván) là bước nhảy cơ bản. Người tiếp thu nhanh chỉ mất một buổi là đã có thể walking, nhưng để tập được ollie thường phải mất tới 2-3 tháng.
Các thành viên trong đội đã thực hiện được nhiều động tác phức tạp như nose grind (trượt bằng trục trước), tail slide (trượt bằng đuôi), pop shuvit (đập đuôi, xoay 180 độ và bắt ván) đến cực khó như back - side 180 degree kickflip (vừa xoay người vừa xoay vòng và lật ván)...
Động tác hard flip siêu khó thì ngay cả những dân trượt ván kỳ cựu như Hưng cũng phải thường xuyên đo ván. Dân trượt ván thường học qua tài liệu, qua băng hình (thông qua www.skateboarding.com trên Internet), học hỏi lẫn nhau. Không dừng lại ở đó, họ liên tục nghĩ ra những động tác mới rồi cùng nhau tập luyện.
Dân trượt ván luôn miệng nhắc đến Bảo, một “quái kiệt” từ Mỹ trở về, hiện đang học Trường Marie Curie. Mặc dù chỉ sinh năm 1987 nhưng đẳng cấp trượt ván của Bảo thuộc loại thượng thừa. Nhảy ollie, kỷ lục thế giới là 1,1m thì Bảo đã vượt qua được mức 90cm! Những chướng ngại vật kiểu như xe đạp, xe máy Bảo vượt qua dễ như bỡn.
Nhưng đối với dân trượt ván thì vượt qua độ cao vẫn chưa phải là tất cả. Chỉ đứng trên mặt đất, với đôi chân khéo léo họ có thể thực hiện những động tác như làm xiếc (bắt chước tay trượt ván lừng danh thế giới Rodney Mullen) trông vô cùng thích mắt.
Tai nạn khó tránh, cần một sân chơi
Chơi vài buổi với dân trượt, tôi mới thấy được độ nguy hiểm của môn này. Luôn phi mình từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp, làm xiếc trên các bậc thềm đá hoa nên chuyện trặc cổ chân, sưng đầu gối, bươu đầu đối với dân trượt ván như cơm bữa.
Mới đây, trong một lần bám đuôi xe máy trượt trên đường phố, Hoàng Anh đã bị xe tông, phải khâu 14 mũi. Trước đó không lâu, một dân trượt tên Linh cũng phải bó bột, nằm viện gần một tháng sau một pha tung mình bay qua hai chiếc xe máy.
Cuối tháng mười vừa rồi, các dân trượt ván thuê taxi hành quân lên tận SVĐ Mỹ Đình gây náo loạn cả một vùng. “Bọn mình cũng chẳng muốn thế. Nhiều khi mọi người nhìn bọn mình với con mắt hơi khắt khe. Thật ra đây là một môn thể thao lành mạnh rất phát triển ở Mỹ và châu Âu. Sân trượt patin không cho bọn mình vào, mà trượt ở đó cũng không đã. Bọn mình sẵn sàng đến những sân chơi dành riêng cho môn trượt ván”.
Thậm chí dân trượt còn lên kế hoạch góp tiền thuê một khu chơi riêng. Nhưng đó là tương lai xa. Trong lúc chờ thì họ vẫn luôn tận dụng không gian nơi công cộng như vườn hoa, công viên, thậm chí cả đường phố gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh.
(SV năm 3 Phân viện báo chí và tuyên truyền Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận