![]() |
Sinh viên vỗ tay ăn tiền trong games show “Hội Ngộ Bất Ngờ” |
"Một... hai... ba... vỗ tay lên nào"
Trong games show Chung Sức, Chuyện Nhỏ, Bí Mật Gia Đình, quay tại phim trường Maximark Cộng Hòa, người vỗ tay phải có mặt trước một tiếng để người quản trò tập dượt vỗ tay cũng như các hành động kèm theo như cười tươi, sảng khoái nếu người chơi trả lời đúng, còn nếu trả lời sai thì "ồ ồ" kéo dài để tỏ vẻ thật tiếc nuối. Ba game này mỗi đợt quay cần đến hơn 100 khán giả. Còn các game show Hát Với Ngôi Sao, Siêu Thị May Mắn hay Thế Giới Vui Nhộn, khán giả ngồi trên khán đài chỉ có một ít là người nhà, bạn bè của thí sinh dự thi, còn lại phần lớn là những khán giả vỗ tay thuê. Như game show Nốt Nhạc Vui, mỗi lần quay ban tổ chức đều phát vé mời hơn ngàn người đến xem nhưng vẫn cần một đội ngũ khuấy động để "mồi" cho không khí náo nhiệt, tưng bừng theo yêu cầu của đạo diễn.
Các bạn sinh viên được chọn thuê phải qua một đợt sàng lọc, trước hết là gương mặt và ngoại hình phải dễ nhìn (vì lên hình mà), ngoài ra các bạn còn phải sôi nổi, vui vẻ, càng hoạt bát bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhiều bạn sinh viên chạy show vỗ tay không kém gì ca sĩ, có tháng ngồi vỗ tay suốt vì hết game show này lại đến game show khác. Bạn Kim Lam - sinh viên Đại học Giao thông vận tải cho biết: "Để được đi vỗ tay, mình phải nhờ một người bạn đăng ký giùm. Lần đầu còn chút ngại ngùng, chưa quen việc nhưng bây giờ mình đã thành thạo lắm rồi. Mình đảm nhận luôn việc " bao show", nghĩa là đứng ra kêu gọi bạn bè tham gia rồi chia tiền với nhau... Còn bạn Minh An (học sinh lớp 12 THPT Bùi Thị Xuân) đi vỗ tay vì muốn được xem mặt các ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng tham gia chương trình, tranh thủ chụp hình với họ. Chuyện nhận được thù lao cũng cần nhưng đó không phải là yếu tố chính.
Riêng game Hội Ngộ Bất Ngờ, ngoài khán giả vỗ tay phía dưới còn huy động gần 50 bạn ngồi hai bên sân khấu cầm những chùm nilông để giơ cao liên tục và hò hét cùng thí sinh. Bạn Ngọc Loan (sinh viên lớp văn - ĐHKHXH&NV) cho biết: "Công việc này không nặng nhọc lại được lãnh tiền ngay sau mỗi game nên mình rất hứng thú. Lý do nữa là được lên truyền hình, dù chỉ lớt phớt nhưng cũng vui...".
Game Tìm Người Bí Ẩn và Ai Là Ai, ngoài việc vỗ tay các thí sinh còn kiêm luôn việc chấm điểm cho người chơi nên ngẫu nhiên trở thành người quan trọng. Và cũng chính vì thế mà số lượng đăng ký làm người vỗ tay của game này rất đông.
Chính vì yêu cầu cần thiết của các game show như thế nên người đạo diễn khán giả (cheermanager) đóng một vai trò vô cùng cần thiết. Văn Lộc là một trong những người có thâm niên trong lĩnh vực này. Hiện tại, anh làm cho rất nhiều game show của HTV. Vốn là sinh viên của Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM (khoa đạo diễn), ngay từ năm nhất, khi game show nở rộ, anh đã bén duyên với công việc này. Ngoài Văn Lộc, có rất đông người đảm nhận tốt công việc này thuộc các công ty Đông Tây, Kiết Tường, Cát Tiên Sa, Lasta...
Các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp hoặc các cuộc thi như Ngôi Sao Tiếng Hát Truyền Hình, Ngôi Sao Tiếng Hát Học Đường, Việt Nam Idol, MC truyền hình... ngoài chuyện có mặt hàng ngàn khán giả ngồi xem cũng cần một đội ngũ vỗ tay thuê cho các thí sinh. Chính vì vậy mà Mai Hoa (ĐH Kinh tế) cho biết đang định hợp tác với một nhóm bạn thành lập hẳn một công ty chuyên cung cấp người vỗ tay thuê theo yêu cầu của game show hay chương trình. Đây cũng là một sáng kiến hay trong thời đại @ này.
Thu nhập tạm ổn
Tùy theo mỗi game show và tùy nhà sản xuất mà thu nhập của người vỗ tay thuê khác nhau. Như Hội Ngộ Bất Ngờ, mỗi game quay hình trong vòng ba tiếng, có ngày quay đến bốn game, trả người vỗ tay 25.000 đồng/game. Một số game khác lên đến 50.000 đồng, mỗi ngày chỉ cần ngồi vỗ tay hai game là bỏ túi 100.000 đồng, xem ra thu nhập cũng vào loại khá! Còn vỗ tay cho các cuộc thi truyền hình, thường trả tiền theo nhóm, có một người đại diện đứng ra nhận tiền và chia lại, mỗi bạn vỗ tay một chương trình như thế là 100.000 đồng, vừa được xem chương trình, vừa có tiền nên ai nấy đều vui vẻ, hớn hở. Bên cạnh được tiền, người vỗ tay còn nhận được quà từ sản phẩm của nhà tài trợ, đôi khi được mời tham gia chơi các chương trình game show nữa nên nghề này đang thu hút rất nhiều bạn trẻ.
Bạn Mỹ Trâm (Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh) là một trong những người có thâm niên với công việc thời vụ này. Trâm có mặt trên từng cây số trong hầu hết các game, số tiền kiếm được bạn mua xe máy để đi học. Theo Trâm, nếu không có sự đam mê và kiên nhẫn thì khó lòng theo đuổi công việc này lâu dài. Ngày nào cũng bấy nhiêu công việc, có ngày quay 3-4 game giống nhau nên có lúc máy quay không ghi hình thì tranh thủ ngủ gật, khi có tín hiệu vỗ tay thì làm theo quán tính.
Chuyện chờ đợi dài cổ là "chuyện thường ngày" của việc thu hình các game show. Nếu suôn sẻ thì không nói gì, gặp trục trặc có khi phải chờ đợi 5-6 giờ mới được ra... vỗ tay. Bạn Khánh Mai (ĐH Kinh tế) nhớ lại: "Lần đi vỗ tay cho game Chuyện nhỏ, mình đã đợi suốt một ngày vì sự cố từ ban tổ chức. Cuối cùng được cho không 50.000 đồng mà không phải vỗ tay.
Ngoài việc kiếm thêm thu nhập, đa số sinh viên còn hồ hởi vì được xuất hiện trên truyền hình nên trang phục phải chuẩn bị chu đáo, các bạn nữ còn chuẩn bị son phấn trang điểm, có game chỉ trả 25.000 đồng, nếu gặp trục trặc kỹ thuật ngày quay chỉ có một game thì coi như... huề vốn.
Áo Trắng số 24 (ra ngày 15-05-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận