Phóng to |
Có vẻ như trong khi chúng ta càng lo lắng về tình trạng mai một, mất bản sắc của văn hóa dân tộc thì các di sản văn hóa, các truyền thống văn hóa của chúng ta được “quốc tế hóa” và “kỷ lục hóa” ngày càng nhiều.
Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với hai nhà văn hóa nhiều tâm huyết: nhà văn Nguyên Ngọc và tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ủy viên Hội đồng di sản quốc gia - về hiện trạng này của văn hóa VN.
Phóng to |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Sau cặp bánh chưng kỷ lục mốc, bánh giầy thiu năm kia và bánh chưng bánh giầy cũng kỷ lục - độn bọt xốp năm ngoái dâng vua Hùng, lễ giỗ Tổ năm nay chứng kiến màn “PR” (quan hệ công chúng, hay nôm na là cách đánh bóng hình ảnh - PV) ngoạn mục hơn: chai rượu “khủng” dâng quốc Tổ. Chai rượu mà trước khi dâng lễ đã được công nhận kỷ lục VN.
* Thưa ông, tình trạng sính bằng, sính ngoại, sính kỷ lục trong quản lý và hoạt động văn hóa hiện nay đã có thể coi là một căn bệnh hay chưa và có thể lý giải như thế nào về hiện trạng này?
- Nhà văn NGUYÊN NGỌC: Tình trạng đó thật sự là một tấn “bi hài kịch” . Nó thậm chí còn có thể kéo những người đứng đắn ra xa khỏi các hoạt động văn hóa vốn dĩ rất đáng được coi trọng, chỉ vì nó được nhắc đến quá nhiều bằng các danh hiệu và các kỷ lục đến mức phản cảm. Nó cào bằng các giá trị và đến một lúc sẽ khiến lớp trẻ không còn biết tin vào thang giá trị nào.
Từ đầu thế kỷ 20, Phan Chu Trinh đã nhiều lần chỉ ra và phê phán căn bệnh này. Thật đáng tiếc là căn bệnh này lại không được chữa trị kiên trì bằng giáo dục mà ngày càng nặng hơn và có nhiều biến tướng trầm trọng hơn, do nền giáo dục quá chú trọng thành tích trong suốt nhiều thập kỷ qua.
- Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HUY: Do công việc, tôi phải đi khá nhiều nước trên thế giới và chưa thấy ở đâu người ta lại “mê” được UNESCO công nhận như ở VN. Đơn cử như ở Mỹ, có rất nhiều công viên quốc gia của họ là những khu bảo tồn thiên nhiên lớn, cảnh quan đẹp và đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, nhưng họ không hề làm hồ sơ xin công nhận di sản. Đơn giản vì họ vốn đã biết giá trị thật của nó và nhà nước cũng như mỗi người dân ý thức rất rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mình khi bảo vệ di sản ấy.
Còn ở ta, thậm chí đến mức đang hình thành một phong trào: nhà nhà làm lễ hội, mỗi tỉnh một di sản thế giới (!?). Năm ngoái, Hội đồng Di sản quốc gia đã phải bác đề nghị của tỉnh Phú Thọ xin công nhận di sản thế giới cho khu di tích đền Hùng. Không hiểu sao tỉnh cứ nhất định phải đề nghị công nhận di sản cho bằng được, dù chiếu theo các tiêu chí của UNESCO thì tiêu chí nào cũng thiếu hụt vài điểm. Cuối cùng vẫn phải “nhân nhượng” bằng cách khác: đưa hát xoan ghẹo vào danh sách đề nghị xét di sản văn hóa phi vật thể (!?). Tôi không dám nói đền Hùng hay hát xoan ghẹo kém giá trị so với các di sản khác, nhưng tâm lý “di sản thế giới của nhà ta” này mang tính bản vị dân tộc không thể chịu nổi.
Nguyên nhân của tình trạng cười ra nước mắt này có thể kể ra rất nhiều, nhưng theo tôi, nhà lãnh đạo đã không đủ quan tâm hay kiến thức cần thiết để có nhận thức chính xác: đâu là những giá trị thật cần được bảo vệ, đâu là những hoạt động mang tính hình thức, đâu là những giá trị mà chúng ta có thể sánh vai với thế giới.
Tương tự, giới truyền thông cũng đóng vai trò là tác nhân rất lớn gây nên những dư luận, sức ép khiến các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp đua nhau xếp hàng vào danh sách công nhận danh hiệu hay danh sách kỷ lục. Người ta làm gì cũng nhìn động thái của cơ quan truyền thông, lần này họ làm bánh giầy to mà anh hồ hởi đưa tin đăng ảnh thì lần sau họ sẽ làm bánh giầy to hơn nữa...
* Giải pháp mang tính xã hội cho tình trạng này nằm ở đâu? Sẽ là từ trên xuống hay để xã hội tự điều chỉnh?
"Có thể gọi thẳng đó là những biến tướng khác nhau của một căn bệnh: bệnh chuộng hư danh. Hãy nhìn từ lịch sử, một biểu hiện khác của căn bệnh đó còn tồn tại đến nay là kiến trúc nhiều nhà cửa ở nông thôn VN: nhà có thể rất tuềnh toàng (vì nghèo nên có gì đâu mà chả tuềnh toàng) nhưng nhà nào cũng cố làm cái cổng thật to, đập vào mắt người đi đường. Đó cũng là hư danh. Hư danh thể hiện ở giáo dục: học để đi thi, đỗ đạt, không cốt lấy kiến thức..."
Nhà văn Nguyên Ngọc
- Nhà văn NGUYÊN NGỌC: Tôi vẫn kiên trì với quan điểm cho rằng mọi giải pháp bắt nguồn từ giáo dục. Một nền giáo dục bắt đầu từ những giá trị thật và hướng tới những giá trị thật thì một thế hệ học sinh được đào tạo với triết lý giáo dục ấy sẽ miễn nhiễm với bệnh hư danh.- Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HUY: Nguyên nhân cơ bản ở đâu thì bắt đầu giải quyết từ đó trước. Giáo dục, nghe thì có vẻ rất xa xôi, lâu dài, nhiều thế hệ mới có kết quả. Nhưng thật ra không lâu đến thế. Nếu đã xác định vấn đề chính nằm ở người lãnh đạo và cơ quan truyền thông thì lực lượng nòng cốt để giải quyết vấn nạn xã hội này cũng sẽ chính là họ.
Sẽ không bao giờ có thêm một chai rượu kỷ lục dâng lễ vua Hùng nữa nếu lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, ban tổ chức lễ giỗ Tổ và tất cả báo chí chỉ đồng loạt coi chai rượu đó ngang bằng một nén hương, một bó hoa nhỏ của bất kỳ người dân nào dâng lên quốc Tổ. Không có lễ rước, không có báo chí đưa tin đăng ảnh rầm rộ, không có lợi ích quảng cáo như mong muốn, không cần cấm họ cũng vẫn không làm nữa.
Tôi đã có những bài học cá nhân rất thú vị về việc gìn giữ và tạo ra những giá trị cuộc sống từ đời thường, giản dị nhưng bền vững, thiết thực. Một trong những triển lãm mà chúng tôi tổ chức và có đông người xem nhất từ xưa đến nay ở VN là triển lãm “Cuộc sống thời bao cấp”. Không có anh hùng, không có vĩ nhân, không có kỷ lục, không có những báu vật, cổ vật, cũng không có kỳ hoa dị thảo...
Tất cả chỉ là những đồ vật tầm thường nhưng hữu dụng, quen thuộc của một thời chưa xa. Nhưng nó chính là cuộc sống, là những giá trị thật của những cuộc đời thật, ai cũng có thể tìm thấy bản thân hay ông bà, cha mẹ, họ hàng ở đó. Chính vì thế nó hấp dẫn và có nhiều giá trị nhân sinh.
* Nhưng thưa ông, làm thế nào để những sự vật tầm thường, không kỷ lục, không báu vật, không kỳ hoa dị thảo... hấp dẫn được số đông vẫn là một bài toán nan giải của văn hóa, không chỉ ở VN mà cả thế giới?
- Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HUY: Đúng là rất khó. Khó thì mới cần phải nghĩ và nghĩ rồi thì dám làm. Tôi đã xem những triển lãm về “Thợ làm tóc Mỹ thế kỷ 20” hay “Lịch sử phụ nữ Mỹ”. Ở đó, những người dân thường, vô danh, được lưu giữ từ quần áo, cặp tóc, bít tất đến các kiểu đầu tóc, đôi giày... Chính những chi tiết nhỏ nhặt của những công dân bình thường đã tạo nên bề dày của lịch sử, văn hóa một quốc gia, dân tộc.
Khi nào các vị lãnh đạo văn hóa và cả xã hội không còn bị hấp dẫn bởi những cái “nhất”, cái “vĩ đại”, “kỳ vĩ”... mà nhìn xuống những gì nhỏ nhất đang vận động xung quanh mình, khi đó văn hóa và những giá trị cũ cũng như mới của nó mới được thừa nhận và hấp dẫn như chúng ta mong muốn.
* Xin cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc và TS Nguyễn Văn Huy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận