Phóng to |
Bác Hồ và các nhân sĩ - trí thức được Bác mời tham gia chính phủ lâm thời đầu tiên sau cuộc họp ngày 3-9-1945 - Ảnh tư liệu |
Thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu và sinh viên nhiều ngành học khác nhau, nghiên cứu này cũng mang tính gợi mở cho những nghiên cứu công phu và hệ thống hơn về tầng lớp trí thức VN, cũng như những cuộc hội thảo tiếp theo về cùng chủ đề này mà Quỹ Phan Châu Trinh và NXB Tri Thức sẽ thực hiện.
Sự hình thành trí thức trong xã hội dân sự
Với cách tiếp cận hệ thống, TS Chu Hảo điểm qua theo tiến trình lịch sử sự hình thành của trí thức VN từ đầu Công nguyên, xuyên suốt lịch sử phong kiến VN đến khi có sự xuất hiện người Pháp. Văn minh phương Tây, kinh tế thị trường mang tính chất thuộc địa, chữ quốc ngữ và báo chí đã trở thành bối cảnh tích cực và thuận lợi cho sự ra đời tầng lớp trí thức đầu tiên. Hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội cho phép người có học sống bằng nghề tự do, có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có uy tín trong xã hội.
Trên nền xã hội đó, đã có đủ thời gian và điều kiện để xuất hiện những tên tuổi và sự nghiệp của các trí thức điển hình: trí thức Hán - Pháp (Trương Vĩnh Ký, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn...), trí thức Tây học (Phạm Khắc Hòe, Vũ Đình Hòe, Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di...).
Một thế hệ trí thức tinh hoa được Cụ Hồ mời tham gia chính quyền cách mạng đều là những người có nhân cách văn hóa cao và chuyên môn giỏi. Họ thật sự phát huy rất đắc lực vai trò trí thức của mình trong chính thể cộng hòa non trẻ, họ còn mang cả tính lãng mạn đặc trưng của mình làm tăng “chất thơ” cho cuộc cách mạng và kháng chiến thời kỳ đầu.
Phóng to |
Tiến sĩ Chu Hảo |
"Ở VN, khá đông những người được gọi hoặc tự nhận là “trí thức” không muốn thực hiện hai thiên chức sau: đề xuất, phản biện một cách độc lập các chính sách giải quyết các vấn đề xã hội; dự báo và định hướng dư luận xã hội Tiến sĩ Chu Hảo" |
Những năm 1965-1975 cả nước dồn tài lực cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trí thức chưa có điều kiện phát huy vai trò và giá trị của mình.
Thời hiện đại, tầng lớp “có học” rất đông (2,6 triệu người có trình độ CĐ-ĐH, 16.000 tiến sĩ, 20.000 thạc sĩ, 1.200 giáo sư, 7.000 phó giáo sư). Trong số này ngày càng nhiều người có phẩm tính trí thức nhưng chưa có điều kiện chính trị - xã hội để hình thành tầng lớp xã hội.
Nghiên cứu của TS Chu Hảo nêu rõ đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại những vấn đề của trí thức VN: thiên chức trí thức, phẩm tính trí thức và những giải pháp để phát triển tầng lớp trí thức ở nước ta hiện tại.
Nếu trên cả thế giới, thiên chức của trí thức được xác định là: “Tiếp thu và truyền bá tri thức khoa học - công nghệ hoặc văn học - nghệ thuật; sáng tạo các giá trị mới của khoa học - công nghệ hoặc văn học - nghệ thuật; đề xuất, phản biện một cách độc lập các chính sách giải quyết các vấn đề xã hội; dự báo và định hướng dư luận xã hội” thì rõ ràng ở VN, khá đông những người được gọi hoặc tự nhận là “trí thức” không muốn thực hiện hai thiên chức sau (phản biện, dự báo - định hướng).
Phẩm tính trí thức được nhân loại đúc kết chung lại là: “Tôn thờ lý tưởng chân, thiện, mỹ; độc lập tư duy; hoài nghi lành mạnh; tự do sáng tạo” nhưng từng dân tộc, từng quốc gia, trí thức có những phẩm tính riêng biệt: trí thức Mỹ thực tế, trí thức Đức chính xác, trí thức Nhật khiêm tốn, trí thức Trung Quốc thâm thúy. Vậy còn trí thức VN? Nhà nho VN trong lịch sử vẫn hành xử với phương châm: “cấp lưu dũng thoái” - gặp dòng nước xiết phải biết dũng cảm rút lui, đó có thể gọi là phương châm tùy thời?
Với khái niệm “trí thức XHCN”, sự đánh giá khách quan cũng là một yêu cầu: “Điểm mạnh của “trí thức XHCN” là yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, trung với Đảng, hiếu với dân, cần cù, thông minh, sáng tạo, dũng cảm, không sợ khó khăn gian khổ và điểm yếu là: hời hợt trong tư duy, thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu; có tính cơ hội...”.
Có thể những đánh giá này chưa bao quát hết được những phẩm tính của trí thức VN nói chung và cũng còn một số vấn đề cần phải tranh luận về tư liệu cũng như mức độ, nhưng đây là những nghiên cứu bước đầu và có tính gợi mở, hi vọng có nhiều nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này và đưa ra những kiến giải mới. Nghiên cứu về tầng lớp trí thức VN không thể chỉ là công việc của một công trình, một cá nhân...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận