Những ước mơ rồi sẽ thành sự thực Dù trời cao quá sức, và đất rộng dường nào(*)
Phóng to |
Gia đình hạnh phúc của Shane Wall |
Từ khi Chính phủ Úc có quyết định bảo tồn đời sống văn hóa của thổ dân, họ được đưa vào những vùng tập trung và được nhận trợ cấp hàng tháng. Không còn đất đai canh tác, không có truyền thống học hành vươn lên, lại sống nhờ trợ cấp, những thổ dân, nhất là những người trẻ rơi vào tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”, rượu chè, bài bạc, số tiền trợ cấp không đủ cho họ tiêu xài nên vay nợ và các tệ nạn khác nảy sinh. Đời sống của họ dường như mất hết ý nghĩa. Shane thường thấy buồn bã khi nhớ lại và khi biết tin tức về cuộc đời buồn thảm sau này của những người bạn thuở nhỏ. Anh cho rằng đây là sai lầm của Chính phủ Úc trong chính sách đối với thổ dân.
Năm 19 tuổi, Shane gia nhập lực lượng hải quân Úc và được tài trợ học bổng để trở thành chuyên viên phiên dịch tiếng Việt cho quân đội. Anh đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1990 trong khuôn khổ chương trình đào tạo tiếng Việt cho các chuyên viên phiên dịch của Chính phủ Úc. Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay Nội Bài, anh đã làm thủ tục nhập cảnh và trò chuyện với nhân viên hải quan, nhân viên sân bay… bằng tiếng Việt rành rọt nhờ một thời gian dài khổ luyện tiếng Việt.
Shane Wall cho biết đối với người nước ngoài, học tiếng Việt khó nhất là học các khái niệm và tập phát âm các dấu. Trong suốt sáu tuần đầu tiên, cô giáo đã chỉ luyện phát âm và phân biệt dấu cho anh. Anh kết luận muốn học tiếng Việt có kết quả tốt thì cần phải đặt ra từng mục tiêu nhỏ và kiên nhẫn thực hiện từng bước. Shane cũng cho biết anh rất thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Từ lịch sử, anh lại muốn tìm tòi, hiểu biết thêm về văn hóa, tập quán các vùng miền của Việt Nam. Tình yêu và quyết tâm học tiếng Việt ngày càng lớn theo những hiểu biết của anh về đất nước này.
Khi thời gian phục vụ trong quân ngũ kết thúc, Shane được đặt trước hai lựa chọn: trở về Úc hay nhận một công việc tại Việt Nam. Anh đã chọn ở lại Việt Nam vì theo suy xét của anh, cơ hội làm việc ở đây tốt hơn ở Úc. Khí hậu dễ chịu và lối sống gần gũi, đầy tình cảm của người Việt cũng góp phần vào lựa chọn ấy. Tháng 2/2000, anh bắt đầu làm việc cho một công ty chuyên cung cấp phần mềm dịch thuật của Thụy Sĩ. Chẳng may, tám tháng sau, công ty này phá sản.
Anh tự thành lập công ty dịch thuật Trans Lingual Express với mong muốn thông qua tên gọi này có được một phương tiện diễn đạt dễ dàng, chính xác hơn, qua đó xóa đi những hàng rào ngôn ngữ. Dịch vụ anh cung cấp là những công cụ dịch thuật thông minh từ tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Indonesia, tiếng Campuchia, tiếng Lào, tiếng Mã Lai, tiếng Thái Lan sang tiếng Anh và ngược lại. Thật ra, ý muốn mở một công ty dịch thuật đã có trong Shane ngay từ thời anh còn là phiên dịch trong quân đội. Ý tưởng đó bắt nguồn khi anh nhìn thấy sự đánh giá thấp tầm quan trọng nhóm ngôn ngữ các nước vùng Đông Nam châu Á.
Mới khởi nghiệp, Shane cũng gặp nhiều khó khăn, mà cam go nhất là thử thách về tiền bạc. Khi đó, anh dồn hết tiền dành dụm đầu tư cho công ty mới mở. Công ty chưa được biết đến nhiều và dịch vụ vẫn còn rất mới mẻ nên nhanh chóng bị cạn vốn. Shane cũng đi dạy thêm tiếng Anh, nhưng thu nhập bấp bênh do lịch dạy không ổn định. Có tuần không có học trò đăng ký nên lớp anh dạy bị hoãn lại. Shane đã phải đưa chủ nhà xem lịch dạy của mình, cho biết mình kiếm được bao nhiêu tiền trong một giờ để chủ nhà tin là anh có thể kiếm đủ tiền trả vào tháng tới và cho phép anh khất nợ.
Nhớ lại quãng thời gian nhọc nhằn nhất, Shane ứa nước mắt. Người bản xứ không có tiền sống đã rất khó khăn, người nước ngoài không có tiền thì rất khó nói, không ai chia sẻ được sự đắng cay ấy. Để có tiền sinh sống và đầu tư cho công việc kinh doanh, anh phải tạm ngừng hoạt động của công ty và dạy học ròng rã chín tiếng một ngày, bảy ngày một tuần. Shane nói nghề dạy học không hề nhẹ nhàng, mà đúng như cách ví của các nhà giáo Việt Nam là “bán cháo phổi”. Nhưng động lực để anh làm việc này là gia đình, là đã theo được kế hoạch kinh doanh, và còn bởi sự tiến bộ của học viên từ những buổi học.
Khó khăn rồi cũng qua, công việc kinh doanh dần có nhiều biến chuyển tốt và Shane đang lạc quan về kế hoạch của mình. Anh nói nhiều người không coi việc chọn lựa từ ngữ chính xác là sai lầm. Trong bất kỳ ngôn ngữ nào trên thế giới, việc sử dụng từ ngữ chính xác, diễn đạt tự nhiên thuần thục như người bản xứ luôn là một lợi thế tạo thiện cảm, tạo lòng tin cậy và khiến người đối thoại phải nể phục.
Anh cũng cho biết rằng công ty đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên chuyên ngành kinh tế hoặc ngoại ngữ vào thực tập. Shane nói: “Ở Việt Nam, hình như mọi người quá câu nệ chuyện bằng cấp. Khi khởi nghiệp, không có bằng cấp về kinh doanh, tất cả những gì tôi có là ý tưởng, một đường dây Internet, một tài khoản ngân hàng và sự quyết tâm. Tôi sẵn sàng đón nhận những bạn trẻ có khát vọng, đầu óc kinh doanh về với công ty của tôi, cùng chúng tôi xây dựng công ty lớn mạnh. Tôi tin tưởng rằng không có việc gì là không làm được nếu đã có nỗ lực, quyết tâm thực hiện”.
Hiện nay Shane đã có cuộc sống hạnh phúc, bình yên với người vợ đảm đang và cậu con trai kháu khỉnh. Sau bao năm vật lộn với cuộc sống ở đất khách quê người, những gì anh có được là kết quả của niềm tin và sự cố gắng hết mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời tha thứ cho nhau”. Ở một hoàn cảnh khác, không nói thành lời như người nhạc sĩ tài hoa, dù có bị mất hết tất cả, Shane vẫn giữ được cho mình niềm tin và tình yêu cuộc sống. Và từ đó, mọi thứ đều có thể làm lại từ đầu...
(*) thơ Cù Mai Công
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận