25/12/2007 19:14 GMT+7

Seoul - thành phố gần gũi

Theo KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG - Lang Thang Phố Thị    
Theo KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG - Lang Thang Phố Thị    

Seoul là trung tâm của vùng sông Han (Hangang hoặc Hàn, theo cách gọi của người Việt), một trung tâm chính trị, giáo dục và văn hóa lớn nhất của cả Hàn Quốc trên bán đảo triều tiên.

Sáng sớm mọi vật còn mờ ảo. Không khí lạnh buốt phủ một màu trắng đục. Những cây cầu bắt qua sông Han ẩn hiện bên những hàng cây in bóng, âm thanh như trầm lắng, rì rào xa xa. Khi ban mai trở lại, từng tế bào của cuộc sống lại rạo rực, ấm áp, náo nức, êm dịu, nhẹ nhàng. Trong cái đống cao ốc bê tông cốt thép, hình hộp màu xám trắng mọc lộn xộn, ngút ngàn trải dài hai bên bờ sông Han, tôi vẫn thấy thấp thoáng dòng sông phẳng lặng màu trắng bạc như một dải băng làm dịu bớt nỗi lo toan, chen chúc mưu sinh! Nó như một nút lặng trong thành phố đông đúc, ồn ào này.

AN479YHF.jpgPhóng to
Giao thông ở cửa Namdaemun
UXtPMQZy.jpgPhóng to
nBzgNKHc.jpg

Seoul, đúng là một thành phố loại lớn, đông dân trên thế giới nổi lên như một trào lưu đô thị hóa sau chiến tranh, một hình ảnh tiêu biểu cho một đất nước phát triển từng cùng với Nhật Bản là hai nước châu Á đầu tiên đăng cai World Cup đầu tiên, một thành công về kinh tế.

Tôi đến Hàn Quốc ba lần. Lần đầu tiên như một túc cầu giáo để có mặt trong ngày hội bóng đá của hành tinh và suốt 5 ngày quay cuồng với quả bóng. Lần thứ 2 thì những tranh luận về hợp đồng kinh tế đã chiếm hết thời gian. Lần này, ngoài việc đến thăm trụ sở của một số tờ báo phục vụ cho việc thiết kế trụ sở báo Tuổi Trẻ TP.HCM, tôi quyết định ở lại lâu hơn dành nhiều thời gian thăm thú cảnh vật, con người và quy hoạch của thành phố.

Có lẽ ít có thành phố nào nhiều đồi núi, sông nước và đường ngầm trong lòng núi như Seoul. Cũng ít có thành phố Châu Á nào được thiên nhiên ưu đãi bốn mùa khí hậu rõ rệt và tuyệt vời như với Seoul! Seoul là trung tâm của vùng sông Han, một trung tâm chính trị, giáo dục và văn hóa lớn nhất của cả Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên.

1bS3XbdN.jpgPhóng to Uq1MFszS.jpg
Những hình hộp màu xám trắng mọc lộn xộn ngút ngàn... nơi ở chính của người dân Seoul Seoul nhìn từ sông Han

Trên bản đồ thế giới, bán đảo Triều Tiên tiếp giáp ở phía Bắc là hai cường quốc Nga và Trung Quốc, ba phía còn lại giáp biển là vịnh Cao Ly và biển Hoàng Hải ở phía Tây, biển Nhật Bản ở phía Đông, eo Cao Ly ở phía Nam. Với hơn 3.000 hòn đảo rải rác dọc theo bờ biển phía Tây, vùng đất này là một vùng đồi núi rộng lớn, núi non, thung lũng, bình nguyên nằm bên nhau với những ngọn núi chia cắt với Trung Quốc, những dãy núi chạy từ Bắc xuống Nam như dãy Trường Sơn của Việt Nam, dãy núi Taebaek nổi tiếng tuyệt đẹp với hai ngọn núi Sorak (Tuyết phủ) và Kungang (Kim cương).

Seoul nằm giữa bán đảo Triều Tiên và là kinh đô của triều đại Yi cách đây hơn 500 năm trước. ChoSon (Triều Tiên) đã có lịch sử hơn 3.000 năm trước Công nguyên. Những bộ lạc di cư lang thang trên hoang mạc khi đến bán đảo này đã gặp những người châu Á tiền sử, kết hợp với nền văn hóa Trung Hoa tạo nên Đại Hàn Cổ Đại tức ChoSon.

ADhgUMwM.jpgPhóng to
Mùa đông Seoul

Vào khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên đã có ba nước Đại Hàn ra đời là Vương quốc Silla (năm 57 trước Công nguyên), Vương quốc Koguryo (năm 37 trước Công nguyên), Vương quốc Packche. Packche chiếm cứ miền Nam (gần Seoul ngày nay), còn Silla dựng đô ở Kyongju. Sau 700 năm tồn tại, đến năm 618 sau Công nguyên, nhà Đường của Trung Hoa giúp Silla thâu tóm các vương triều khác với ý định đô hộ như Việt Nam, nhưng Silla không khuất phục.

Họ đã khởi nghĩa và buộc Trung Hoa cuối cùng phải công nhận Silla là một nứơc độc lập. Nhà nước Đại Hàn ra đời và thống nhất cai trị bán đảo ChoSon từ đấy. Thời kỳ này được xem là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật và văn hóa Đại Hàn. Những đền đài, kiến trúc đặc sắc mọc lên, hội họa, đồ sứ, âm nhạc, sơn mài, kim hoàn nở rộ… kinh tế phát triển vào bậc nhất châu Á thời đó với nhiều chính sách về đất đai và giáo dục.

Năm 918 Wang Kon tự tuyên bố là quốc vương của một nước mới đóng đô ở Songdo (ngày nay là Kaesong) đặt tên nước là Korea với Khổng giáo và Phật giáo cùng hưng thịnh. Đến năm 1392, tướng Yi Songgye giành quyền hành bằng cuộc đảo chính êm thấm, mở màn cho triều đại Yi hoành tráng với Khổng giáo làm quốc giáo. Dưới thời đại này, công nghệ, khoa học, triết học, âm nhạc, kỹ thuật phát triển.

Đặc biệt, chữ Hangul ra đời với một bảng ký tự phân âm để viết chữ, giúp phổ cập kiến thức một cách dễ dàng nhờ bảng chữ đơn giản, dễ dọc, dễ viết. Tướng Yi dời đô về Hangyang (Seoul) mở đầu cho câu chuyện chiến tranh giữa Trung - Hàn, Nhật - Hàn và rồi một nước Đại Hàn bị chia cắt trong lịch sử cận đại. Seoul được hình thành từ thế kỷ 18 trước Công nguyên với tên gọi Ủy Lệ Thành, đến thế kỷ 11 trước Công nguyên lại được đổi thành Nam Kinh (Hán Dương Phủ) Thành Giao Thúc, về sau trở thành thủ đô của vương quốc Cao Ly.

Nội thành được xây dựng như một lòng chảo từ Đông sang Tây dài 4km, từ Nam đến Bắc rộng 5km, diện tích 163km², hiện nay là trung tâm thành phố với vùng núi phía Bắc có xây tường thành bảo vệ. Năm 1910, Seoul bị Nhật chiếm đóng, năm 1913 đổi tên là Kinh Thành, đến mùa hè năm 1945 gọi là Seoul với dân số tăng ồ ạt và hiện là một thành phố đông dân nhất nước.

9EQLo5ru.jpgPhóng to
Quảng trường Tòa thị chính

Với đà phát triển hiện nay, Seoul đang trở thành lực hút nam châm gây ra sự phân liệt nhanh chóng đối với các vùng khác của đất nước. Seoul bao gồm khu vực có bán kính 15km tính từ trung tâm, chia ra làm 2 khu vực, khu phố cổ và khu phố mới. Khu phố cũ mang âm hưởng Trung Quốc với đường phố hình bàn cờ, tập trung nhiều cơ quan hành chính, phía đông Tòa thị chính là khu kinh tế, phía Nam là khu chợ búa, phía Tây với phía Nam là vùng nông nghiệp với rau xanh và cây ăn trái, khu công nghiệp, khu cây xanh tập trung ở khu mới với công nghiệp quốc phòng và điện tử, gia công hàng xuất khẩu với lượng lao động đông đảo.

Seoul là một thành phố được đầu tư đúng mực về giao thông công cộng với đường xe điện ngầm và đường cao tốc trên cao, hệ thống sân bay, cảng biển và đường bộ nhiều tầng chằng chịt. Từ năm 1970, thành phố đã chủ trương hạn chế gia tăng dân số và phình rộng diện tích, nó đã được quy hoạch lại với nhiều thành phố vệ tinh bao chung quanh, những thành phố vệ tinh đúng nghĩa được đầu tư bài bản và đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội.

Sáng hôm sau trên chiếc xe thùng 8 chỗ, chúng tôi được Han Cho Min - người bạn Hàn Quốc chở đi thăm những kiến trúc tiêu biểu. Anh giải thích: cũng giống như nhiều thành phố ở Việt Nam trước đây, ở Seoul người dân cũng xây dựng và sống trong những ngôi nhà bằng gỗ 1 tầng được cất trên một lãnh thổ mà hơn 70% là đồi núi. Tuy nhiên đến thời kỳ mở cửa vào năm 1880, kiến trúc gỗ truyền thống này được thay thế bằng các khối đá được đẽo gọt, hiện vẫn còn tồn tại qua các công trình mang phong cách Châu Âu như thánh đường Myeongdong, nhà thờ Jeongdong, sảnh phòng bằng đá tại cung điện Deoksugung.

Rnw7hcgI.jpgPhóng to wzLu6NiB.jpg
Dinh Kyongbokkung Trường Đại học dành cho nữ Ewha

Phòng hòa nhạc của trường đại học dành cho nữ Ewha ở Trường đại học Hàn Quốc là một kiến trúc đẹp và hiện đại. Đây là một trong những công trình do kiến trúc sư Hàn Quốc thiết kế từ năm 1920. Với sự ra đời của Hiệp hội kiến trúc Hàn Quốc và Hội kiến trúc sư, cùng với sự phát triển kinh tế, một loạt các công trình tiêu biểu như Tòa nhà Đại sứ quán Pháp (do Kts. Kim Jung-Eop thiết kế), Bệnh viện St. Mary ở Myeongdong (do Kts. Kim Jong-Su thiết kế) cùng một số công trình khác như Nhà hát Quốc gia (do Kts. Yi Hi-Tea thiết kế), Tòa nhà quốc hội (do Kts. Kim Jong-Su thiết kế), Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Sejong (do Kts. Eom Deok Mun thiết kế)… đã là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc, bởi đó là những công trình được thực hiện bởi chính những kiến trúc sư bản địa.

4tec4jVY.jpgPhóng to
Giao thông trên đường cao tốc ở Seoul

Một mặc cảm buồn len lén trong tim tôi khi hình dung lại anh em kiến trúc sư nước nhà đang phải đứng ngoài nhìn những công trình tầm cỡ mang bộ mặt của đất nước bị vây bủa, xâm lấn bởi các kiến trúc sư nước ngoài nhiều quyền, lắm bạc như Tòa nhà Quốc hội, Cung hội nghị quốc gia, sân vận động Mỹ Đình, khu Đô thị mới Thủ Thiêm, khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng cùng bao công trình cao ốc, chung cư ở thành phố, thủ đô đều do nước ngoài thiết kế và chiếm lĩnh.

Thành phố này phát triển quá mức với chung cư và chung cư, cao tầng và cao tầng. Những khu phố thấp tầng có rất ít buôn bán, rất trật tự nhưng vẫn có những cái gì đó không đẹp. Hình như nó quá lạm dụng đất đai, sốt nóng về mật độ, to lớn đến mức ngộp thở. Tôi nêu lên cảm nhận này và Min cũng sốt sắng đồng tình như anh nói "Thành phố này đang bị một áp lực rất lớn của dân nhập cư, thành phố đã xây nhiều đô thị vệ tinh, nhưng vẫn không đáp ứng được, bởi kinh tế, bởi chiến tranh và bởi sự không đồng đều về thu nhập của các vùng lãnh thổ". Anh nói thêm: "Chúng tôi đang có một cuộc tranh luận dữ dội về việc dời thủ đô. Nếu mọi việc ngã ngũ thì Seoul sẽ dừng lại và thoáng đãng hơn".

Một đề tài quá hấp dẫn! Tôi đề nghị được vào tham quan Tòa thị chính để tìm hiểu về vấn đề dời thủ đô …

Sáng hôm sau, ngay ở đại sảnh của Tòa thị chính, người bạn Hàn Quốc của Min đã đưa cho chúng tôi một tập tài liệu về thủ đô mới này, các màn hình giới thiệu Seoul và thủ đô mới. Hiện nay 46% dân số Hàn Quốc sống tập trung tại Seoul (so với Nhật Bản là 32% ở Tokyo, vương quốc Anh là 12% ở London, Pháp là 19% ở Paris).

Sự tập trung quá lớn này bắt nguồn từ bốn thập niên qua khi nền công nghiệp của Seoul, Inchcon, Gyeonggi phát triển tăng tốc. Sự gia tăng dân số một phần do kinh tế, nhưng một phần cũng do chiến tranh chưa chấm dứt tạo ra một lực cản rất lớn cho sự cân bằng phát triển của các vùng, sự hòa giải quốc gia, làm tăng thêm hố sâu ngăn cách giữa thủ đô và các vùng khác. Hơn nữa Seoul cũng đang phải đối mặt với căn bệnh đô thị béo phì là ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và đất đai, nhà cửa tăng giá. Hạ tầng cơ sở xã hội đang bị quá tải.

Năm 1982, chính phủ Hàn Quốc ban hành đạo luật điều chỉnh quy hoạch vùng thủ đô và các vùng khác để cân bằng phát triển, nhưng các quy hoạch này lại bị phá sản và không tác dụng gì. Khi lên nắm quyền, tổng thống Pak Chung Hee cho lập "Ủy ban nghiên cứu di chuyển thủ đô". Nhiệm vụ quan trọng của ủy ban này là lựa chọn địa điểm để đặt thủ đô mới, và Pack Che (một thủ đô cổ) đã được chọn làm ưu tiên số một, nhưng ý tưởng này cũng nhanh chóng bị phá sản khi ông đột ngột qua đời.

RaxEiQVK.jpgPhóng to
Seoul in lên nền trời về đêm

Vào giữa thập niên 90, khu tổ hợp hành chính thứ 3 được xây dựng ở Dunsan thuộc thành phố Deajeon để thay thế cho 10 cơ quan hành chính ở Seoul với nỗ lực phi tập trung hóa quyền lực chính phủ trung ương, nhưng việc làm tạm bợ này cũng không giúp cho Seoul thoát khỏi bế tắc. Năm 2002, trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ứng viên Roh Moo Hyun đã đề xướng ý tưởng xây dựng thủ đô hành chính mới tại khu vực Chungcheng vào năm 2007 với qui mô 500.000 dân, và đề xuất này đã giúp ông thắng cử.

Đến năm 2004, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ xây dựng thủ đô mới tại miền Trung nước này với tâm điểm là Yeongi Kongji, một vị trí thuận lợi cho giao thông thủy bộ, có các dãy núi bao bọc, bảo vệ, nơi hội tụ của hai dòng sông lớn là Meihu và Yiongi, có công viên quốc gia Jea Long Shan nổi tiếng cùng nhiều công trình cổ, danh thắng kỳ vỹ. Diện tích của thủ đô mới này hiện là 2.160km² với 330.000 dân, và trong tương lai nó sẽ tăng lên 7.590km² và với dân số khống chế là 500.000 người.

Năm 2003, đạo luật đặc biệt về xây dựng thủ đô mới được ban hành và có hiệu lực từ tháng 4 năm 2004 theo đó Quốc hội trao quyền cho Hội đồng tổng thống thực hiện dự án thủ đô mới đã được thông qua, lập các kế hoạch tài chính, tiến hành các biện pháp phòng ngừa đầu cơ địa ốc, sự phát triển tràn lan và những thủ tục liên quan đến thủ đô hành chính mới. Hội đồng tổng thống phụ trách vấn đề dời thủ đô gồm 30 thành viên với 13 thành viên được bổ nhiệm đặc biệt trong đó có Thủ tướng và bộ trưởng liên quan, tổng thư ký quốc hội, tòa án. 17 thành viên còn lại là các cá nhân xuất sắc được tổng thống bổ nhiệm.

odjU6D3T.jpgPhóng to
Chợ Namdaemun

Nhiều công trình nghiên cứu xã hội về ý tưởng thiết kế và phát triển cơ bản được tiến hành. Toàn bộ các thông tin dữ liệu nghiên cứu bao gồm địa hình, sinh thái và môi trường đều được quản lý đầy đủ. Một đội ngũ những chuyên gia đặc biệt từ các lĩnh vực liên quan sẽ vạch ra kế hoạch di dời các cơ quan chính phủ then chốt. Nôi dung của kế hoạch này bao gồm việc quyết định phạm vi, phương thức, thời gian, giá cả, kế hoạch xây dựng cơ bản liên quan đến các vấn đề như hình ảnh thủ đô, tỷ lệ, cuộc thi thiết kế quy hoạch từng hạng mục được tổ chức vào cuối năm 2004 nhằm tìm kiếm một ý tưởng tốt cho thủ đo mới vào thế kỷ 21. Những quy hoạch cứng về sử dụng đất, môi trường, quy hoạch giao thông và các tiêu chuẩn khác đã đi trước một bước.

vRfZp0L5.jpgPhóng to
Mua sắm ở chợ Namdaemun

Còn một khi đã có được bản quy hoạch thiết kế đô thị thì đó sẽ là kim chỉ nam để thành phố đầu tư xây dựng. Theo kế hoạch từ năm 2007, giai đoạn xây dựng hạ tầng, công viên và các tòa nhà chính phủ được hoàn tất vào năm 2030, thời gian đủ để di dời chính phủ và bộ phận dân cư vào năm 2012. Với quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, một kế hoạch táo bạo và tốn kém dự kiến 47 tỉ USD được vạch ra tỉ mỉ đến từng chi tiết và thời gian hoàn thành từng công đoạn. Thành phố Seoul được lệnh không phát triển và đầu tư thêm các công trình ngân sách kể từ bây giờ.

Chúng tôi rời Tòa thị chính vào buổi trưa hòa trong dòng xe cộ đặc kín quanh quảng trường Tòa thị chính, nơi đậm đặc nhà cao tầng. Một quyết định dời đô sao nghe dễ dàng và rõ ràng quá. Tôi liên tưởng đến Washington của Mỹ, Cyberjaya của Malaysia và một số thủ đô khác nữa. Khái niệm một thủ đô hành chính được hình thành dựa trên sự tiến bộ của công nghệ thông tin, của khoa học và tri thức. Thủ đô một nước hiện đại không cần nằm gần khu kinh tế, cảng biển, không cần đầu mối giao thương và nhất là ở giữa đất nước để có thể điều hành dễ dàng và cân bằng được sự phát triển và quan trọng nhất là tạo nên một bước đột phá cho phát triển.

Với một lãnh thổ hình chữ S dài hơn 2000 cây số, đã không còn chiến tranh lại đang khao khát bước đi bằng "đôi hia bảy dặm", liệu chúng ta có thể học hỏi gì từ việc dời thủ đô này để các vùng miền được bình đẳng trong phát triển? Trằn trọc với câu hỏi này, đêm ở Seoul, với tôi, lại thêm một đêm quá dài. Có một cái gì đó của Hàn Quốc đang thôi thúc tôi tìm hiểu bởi đất nước này dường như có chung một số phận, một lịch sử, một phong cách sống, một tình cảm cùng cảnh ngộ với Việt Nam? Năm 1994, Apec họp tại Bogor (Indonesia), Hàn Quốc đạt con số thu nhập bình quân đầu người là 10.000USD/người, ngấp nghé trở thành quốc gia phát triển.

Qua cú sốc tài chính năm 1997, họ đã vùng dậy và kinh nghiệm hơn trong đầu tư. Làn sóng đầu tư ra nước ngoài được chính phủ hỗ trợ. Đem tiền ra nước ngoài làm ăn giờ đây không còn bị xem là một hành động phản quốc. Trong khi Trung quốc đang bận rộn với sản xuất hàng tiêu dùng, đồ chơi thì Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao (cho tiêu dùng giải trí). Những công ty đẳng cấp thế giới như SamSung Electronics, LG Electronics, Kia Motors, Huyndai Motor, công ty thép Posco, công ty đóng tàu Huyndai Heavy Industries đã có mặt ở câu lạc bộ doanh thu tỉ phú với những sản phẩm cao cấp về trí tuệ. Truyền hình tinh thể lỏng là một ví dụ.

qK229Vo3.jpgPhóng to
Nghi lễ đổi người bảo vệ ở dinh Deoksegung

Họ đang thay đổi cấu trúc chuyển từ công ty gia đình sang công ty đa quốc gia với nguồn nhân lực mới trong nước với một nền giáo dục đảm cho hơn 97% thanh thiếu niên được đi học và tốt nghiệp. "Khi được học cao, kiến thức rộng và chuyên môn giỏi tất nhiên người ta có ý tưởng hay hơn và có tính sáng tạo hơn". Một nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã nói như vậy. Tôi nhớ đến tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một "từ điển sống" về kinh tế thời hiện đại của Việt Nam. Không ít lần, ông đã lên tiếng báo động về con đường phát triển đất nước mà chúng ta phải lựa chọn. Ông đưa ra một so sánh: "so với Hàn Quốc thì năm 1950 ta bằng 85,5%, tức là Hàn Quốc và Việt Nam lúc bấy giờ cùng đói như nhau, còn bây giờ ta chỉ bằng 10 - 11% Hàn Quốc? …". Thế mạnh của một dân tộc phụ thuộc vào trí tuệ, thế mạnh của một đất nước phụ thuộc vào khoa học, công nghệ .... Việt Nam là một nước đứng trước biển thì Việt Nam phải vươn ra, và cái đại dương lớn nhất là đại dương trí tuệ.

Người Việt Nam vốn có tư chất, thông minh nhưng lại thiếu cơ sở vật chất, và đặc biệt thiếu một không gian sáng tạo. Người giỏi không thể ở trong cái ao tù, và thiếu thông tin (trích Báo Nông Nghiệp - Lê Hùng). Ông cho rằng Việt Nam rất cần những nhà khoa học, những trí thức được đào tạo ngang tầm quốc tế để lôi kéo hàng triệu thanh niên tham gia học tập, tìm hiểu thông tin của thế giới để có nhận thức đúng đắn là Việt Nam ta đang ở ngưỡng nào của thế giới? Sáng hôm sau, chúng tôi đến thăm Viện quy hoạch thành phố, ở đó mô hình thành phố mới đang trở thành sự kiện nổi bật của ngành quy hoạch đô thị: thành phố kỹ thuật số New Songdo với vốn đầu tư khoảng 183 tỉ USD ở biển phía tây Hàn Quốc, cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc.

Có thể tìm mọi thông tin về dự án này trên Internet. Một dự án đầy tham vọng nhưng hiện thực. Đó là một dự án liên doanh giữa chính phủ Hàn Quốc và Gale Company của Mỹ để xây dựng một thành phố cho nửa triệu dân, 4,6 triệu m² văn phòng giữa biển, hơn hẳn các dự án tương tự như Cyberjaya của Malaisia hay Cyberport của Hồng Kông.

Mục tiêu của dự án là hình thành khu văn phòng cao cấp, Hội nghị quốc tế, các dịch vụ đi kèm cuộc sống như sân gofl, công viên, trường học, bệnh viện, nhà hát, giao thông công cộng, ngân hàng và nhất là làm việc qua mạng… Rút kinh nghiệm của các thành phố kỹ thuật cao khác trên thế giới, New Songdo chú tâm đến cuộc sống con người hơn. "Hãy xem, bạn không thể lấp đầy một diện tích, xây dựng đường sá và mời các tập đoàn đến đặt văn phòng mà không có chất lượng cuộc sống con người kèm theo", "Người dân của anh sống ở đâu? Họ đi mua sắm ở đâu? Con cái họ học ở đâu?" Đó là những câu hỏi thực tế được đặt ra từ những thành phố mới, những dự án địa ốc quy mô lớn khi ở đó người ta muốn tạo dựng nên một cuộc sống phố xá để thay thế cho môi trường làm việc buồn bã, không vui thú.

Họ sẽ đào 6km kênh đào như Venise của Ý, cảnh quan đường phố giống Paris, một khu bờ sông giống Chicago (Mỹ), các trường học giống New England (Mỹ) … Họ muốn tạo ra một sức sống mới thu hút khi tái tạo trong không gian sống mới này những đặc sắc của thế giới những mong một ngày nào đó cạnh tranh với Thâm Quyến, Singapore, Tokyo … Lại một ý tưởng mới, mô hình mới cho một thành phố mới đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa, hội nhập. "Chiếc Lexus và cây ô liu" của Thomax L.Friedman đang được New Songdo vận dụng một cách hài hòa và đầy tham vọng.

Thành phố này sẽ tạo ra một bản sắc riêng, cái hồn đô thị riêng và đó là cái hồn đô thị của thế giới thu nhỏ. Người bạn Hàn Quốc nói với tôi vài năm nữa Hàn Quốc sẽ có tàu cao tốc với tốc độ 300km/giờ, nó sẽ nói lên ước nguyện của một đất nước đang muốn phát triển ngang tầm thế giới. Seoul không có ăn mày, những cái bang lang thang đeo bám du khách, nhưng cũng có người bán rong, những quán rượu dã chiến được phủ kín tấm bạt nilon để tránh bốc khói vào ban đêm và được dọn sạch vào ban ngày.

Chúng tôi bước vào một quán rượu như vậy vào một buổi tối rét buốt. Quán được dựng ven đường, gần bờ sông. Ánh đèn vàng hòa lẫn khói bếp, khói thuốc len lỏi qua khe bạt, mờ ảo và có sức hấp dẫn mê hồn. Những kẻ phiêu bạt như tôi xem ra đi dâu rồi cũng muốn dừng chân ngồi bên ly rượu. Rượu Tây, rượu ta, rượu Hàn, cũng là cồn, là men nhưng thấm đậm hương vị vùng đất mà mình đến thăm. Phong thái uống rượu của người Hàn khác ta bởi cái kiểu cách quá ư lễ phép. Uống rượu, người dưới phải rót cho người trên, một tay cầm chai, một tay nâng cánh tay kia, nghiêng mình rót vào ly người đối diện.

Khi ăn, người Hàn cũng không dùng hai tay như mình là một tay cầm muỗng, một tay cầm đũa, họ chỉ huy động một tay cầm cái này đến cái nọ với phong thái khá ung dung, tự tại. Rượu Sojun giống rượu đế ở ta nhưng nồng độ thấp, dễ uống. Ở một góc lều, hai cô gái trẻ đang thi nhau nốc rượu và đốt thuốc liên tục. bạn chẳng ngạc nhiên sao? Anh bạn người Hàn Quốc giải thích đó là phong cách hội nhập và toàn cầu hóa của thế hệ trẻ Hàn Quốc bởi họ được phép làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm! Buổi chiều cuối cùng ở đất nước này, tôi cùng một người bạn trong đoàn lang thang dọc sông Hàn.

Sông Hàn chảy ngang Seoul, từ đông sang tây rộng từ 1 -2km, nước trong xanh. Nạn ô nhiễm được kiểm tra nghiêm ngặt ở thành phố đông dân nhất nước (11 - 13 triệu dân) này với hàng hàng lớp lớp chung cư cao tầng trải dài ngút mắt hai bờ sông. Vô số cầu bắt ngang nối hai bờ sông hiện đại và cổ kính này. Kè sông được xây thẳng tắp 2, 3 tầng để tránh nước nguồn từ các dãy núi bao quanh tràn xuống khi đến mùa mưa bão.

Có lẽ chưa có công viên nào đẹp và dài như công viên đôi bờ sông Hàn với lộ giới phải đến 500m. Đó là cả một vùng rộng lớn với ghế đá, cây xanh, đường chạy bộ, khu triển lãm và cắm trại, khu thư giãn và trò chuyện của hàng triệu đôi trai gái ở các chung cư hai bên dòng sông nhất là trong những ngày lễ hội như tết Tan-O, tết thiếu nhi, lễ hội Hoa Anh Đào, lễ Phật Đản, lễ Giáng Sinh, hội Chusok (lễ hội mặt trăng, mùa gặt). Vào những ngày này, sông Hàn thật sự là tâm điểm của cộng đồng … Dọc bờ sông, những cặp tình nhân đang ngồi âu yếm nhau trên những kè đá, những cô gái tóc xõa ngồi một mình như đang chờ đợi ai.

Gió sông thoang thoảng với từng hàng cây rung động như mơn man giữa bầu trời màu xám. Tôi lấy chiếc lọ nhỏ mang theo bước đến tận chân kè lấy một ít nước sông Hàn mang về cho bộ sưu tập các dòng sông của mình. Cảm giác mãn nguyện tràn ngập, bởi nước thật trong và … nụ cười của một cô gái ngồi gần đó. Cô hỏi tôi lấy để làm gì, tôi trả lời "lấy một chút gì để nhớ để thương Seoul". Cô cười lớn và đề nghị tôi gửi cho cô một ít nước sông của quê hương mình.

Tôi nhớ đến sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Thu Bồn, sông Hương, sông Sài Gòn, sông Hậu, sông Tiền… Tôi sẽ tặng cô nước sông nào đây? Thoáng chút bối rối, tôi hứa sẽ tặng cô nước sông Hương và sông Hàn, nơi thấm đậm rừng Trường sơn và núi non trùng điệp của miền Trung, nơi chứng kiến bao cuộc chiến dữ dội giành độc lập của dân tộc. Cô gái ngạc nhiên và tròn xoe đôi mắt một mí xinh đẹp, "Vậy là đất nước anh và quê hương tôi có cùng tâm trạng. Gia đình tôi cũng có người thân ở bên kia chiến tuyến, đã lâu lắm rồi chưa được xum họp.

Anh thật may mắn được sống trong môi trường hòa bình, tôi cầu chúc cho quê hương anh mau phát triển, mau giàu có!" Một lời chúc sao lòng xao xuyến lạ! Phụ nữ Hàn Quốc hình như thấm đậm sự lịch thiệp, không ồn ào, không đao to búa lớn, họ đứng bên người đàn ông trong những nhiệm vụ khó khăn, âm thầm và bền bỉ, chăm lo cho gia đình với lòng bao dung và tình yêu phục vụ. Hôm trước, tôi được một người bạn Hàn Quốc mời dùng cơm tối tại nhà. Bà chủ nhà thật tốt bụng đã chiêu đãi chúng tôi món sườn nướng độc đáo của họ. Mọi người ngồi quanh cái bàn thấp không ghế, bếp lò được đặt ở giữa.

Bà chủ nhà ngồi ở đầu bàn, hết đứng lên lại ngồi xuống, đôi tay tất bật, hết nướng thịt lại lăng xăng đem đến các đồ gia vị, dễ chừng tới chục món đủ loại: kim chi, ớt, rau củ … Không khí ấm cúng, thân tình nhưng không kém phần lễ giáo. Chia tay gia đình người bạn Hàn, tôi nói món Hàn sao rất giống món Huế quê tôi, cũng nhiều gia vị, rau xanh, cũng cay xè nước mắt. Tôi tặng họ hộp ớt xanh Huế mà tôi mang theo và cũng được tặng lại một hộp sâm .

Người Hàn ứng xử với dòng sông này thật trân trọng như chính tính cách của họ: không một ô nhiễm nào, không một công trình nào được phép lấn dòng hay hút cát vô tội vạ, không một ngôi nhà nào được phép quay mặt với sông. Con sông như là một "hồn đô thị" sống động giữa lòng thành phố, là chứng nhân cho bao nỗi thăng trầm của lịch sử …

Cứ mải thơ thẩn dọc sông Hàn mà không biết hoàng hôn đã bắt đầu phủ lên một cảnh bàng bạc, tuyệt đẹp. Mưa phùn lất phất như khói sương. Bạn tôi ghé một quầy hàng chọn cho mình một món quà lưu niệm. Còn với tôi, một lọ nước sông Hàn nhỏ, ấm áp trong túi áo, đã là quá đủ rồi!

Theo KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG - Lang Thang Phố Thị    
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên