28/06/2005 07:03 GMT+7

Sẽ tập trung xử lý các vi phạm cạnh tranh không lành mạnh

NHƯ HẰNG thực hiện
NHƯ HẰNG thực hiện

TT - Từ 1-7-2005, Luật cạnh tranh sẽ chính thức có hiệu lực. Các DN có thể chờ đợi gì? Bà Đinh Thị Mỹ Loan, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), cho biết:

7OhhJGOU.jpgPhóng to
TT - Từ 1-7-2005, Luật cạnh tranh sẽ chính thức có hiệu lực. Các DN có thể chờ đợi gì? Bà Đinh Thị Mỹ Loan, cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), cho biết:

- Có hai nhóm hành vi vi phạm chủ yếu về cạnh tranh mà Cục QLCT sẽ tập trung xử lý. Thứ nhất là nhóm hành vi vi phạm các qui định về chống độc quyền, trong đó bao gồm hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, phân chia thị trường tiêu thụ, ngăn cản không cho DN khác tham gia thị trường, lạm dụng vị trí thống lĩnh... Thứ hai là nhóm hành vi vi phạm các qui định về cạnh tranh không lành mạnh như ép buộc trong kinh doanh, quảng cáo so sánh, bán hàng đa cấp bất chính...

* Nhiều DN đang băn khoăn trước thông tin rằng quảng cáo so sánh có thể bị phạt 25 triệu đồng trong khi đa số các quảng cáo đều dẫn đến so sánh. Vậy các DN phải dựa vào tiêu chí nào để biết rằng nội dung quảng cáo của mình vi phạm pháp luật?

- Trước mắt, Cục QLCT chỉ xử lý các hành vi so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các DN khác. Có thể hiểu so sánh trực tiếp là việc dùng hình ảnh và lời nói trong quảng cáo khiến người tiêu dùng lập tức nhận ra đối tượng mà quảng cáo đang so sánh là sản phẩm gì, của DN nào. Khoản phạt có thể sẽ cao hơn rất nhiều nếu DN vi phạm trong các lĩnh vực nhạy cảm như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe...

Cục Quản lý cạnh tranh được thành lập vào tháng 2-2005 với chức năng tổ chức và thực hiện các qui định của pháp luật cạnh tranh, các qui định về bảo vệ người tiêu dùng, chống bán phá giá, chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa để bảo vệ các ngành công nghiệp sản xuất trong nước, đối phó với những hành vi thương mại không công bằng; phối hợp với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các biện pháp của các đối tác nước ngoài nhằm hạn chế xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ VN sang các nước này (bao gồm các biện pháp chống bán phá giá, tự vệ, trợ cấp...).

Liên hệ Cục Quản lý cạnh tranh tại số 21 Ngô Quyền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 04.9262538, email: qlct@mot.gov.vn.

* Hiện đang có tình trạng một số công ty nước ngoài ký hợp đồng độc quyền bán lẻ với các nhà phân phối. Đây có bị xem là hành vi thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho các DN khác tham gia thị trường không, thưa bà?

- Không phải là cứ có hợp đồng phân phối độc quyền là vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Cơ quan QLCT phải tiến hành điều tra và xem xét từng trường hợp là việc “bắt tay” này có ảnh hưởng gì đến môi trường cạnh tranh hoặc khả năng cạnh tranh của các DN khác hay không.

* Cục QLCT là cơ quan được giao trách nhiệm xử lý các tranh chấp liên quan đến cạnh tranh, nhưng nếu DN muốn kiện thẳng ra tòa có được không?

- DN có quyền chọn lựa giữa tòa án hoặc Cục QLCT. Trong trường hợp họ gửi hồ sơ khiếu nại đến cục, cục sẽ tiến hành điều tra. Nếu có đủ chứng cứ về hành vi vi phạm, cục sẽ ra các quyết định xử lý.

* Các quyết định xử lý của Cục QLCT có đề cập đến việc bồi thường cho các DN?

- Quyết định của chúng tôi chỉ nhằm xử lý thích đáng những đối tượng vi phạm thông qua các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, qua đó đảm bảo môi trường cạnh tranh được công bằng, lành mạnh. Nếu muốn được bồi thường, DN bị thiệt hại có thể sử dụng quyết định của cục khởi kiện ra tòa dân sự yêu cầu phân xử.

* Làm sao để đảm bảo rằng nếu các DN khiếu kiện lên Cục QLCT thì các quyết định xử lý của cục sẽ được thực thi để đảm bảo quyền lợi cho họ?

- Các cơ quan nhà nước có liên quan sẽ hỗ trợ chúng tôi. Chẳng hạn cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ quan khác tước các giấy phép, chứng chỉ hành nghề... do họ đã cấp. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, thành phố cũng sẽ vào cuộc hỗ trợ khi có yêu cầu của cục.

* Xin cảm ơn bà.

NHƯ HẰNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên