Suy nghĩ đầu tiên là sự cảm thông với lãnh đạo ngành cảnh sát tỉnh này. Có lẽ họ đã quá bức xúc trước tình trạng một số cảnh sát giao thông bất chấp điều lệnh, cố tình nhận mãi lộ để cả ngành phải mang tiếng xấu. Những nỗ lực như thế cũng nói lên sự bất lực của cấp trên không thể kiểm tra cấp dưới bằng các biện pháp thông thường.
Thế nhưng suy nghĩ tiếp theo là vì sao đến nông nỗi này - vì sao phải thưởng cho một hành vi lẽ ra là chuyện thường tình ở người cảnh sát giao thông, hay nói chung là người đại diện một lĩnh vực nào đó của công quyền? Biện pháp thưởng cho người không nhận hối lộ chẳng khác nào thừa nhận chuyện nhận hối lộ đã trở nên chuyện bình thường, không thể nào ngăn chặn!
Người cảnh sát giao thông nhận hối lộ là đã xấu chuyện; lấy tiền từ ngân sách nhà nước để thưởng gấp đôi cho hành vi từ chối nhận hối lộ cũng không hay ho gì hơn, vì không thể lấy tiền của dân để chi cho một hành vi lẽ ra người dân đương nhiên buộc một cảnh sát viên bình thường phải có. Rồi theo đà này, sẽ phải thưởng cho nhân viên nhà đất xử lý hồ sơ đúng thời hạn, cho cán bộ cấp phép không sách nhiễu người đăng ký kinh doanh, cho tòa án xử đúng pháp luật?
Tình trạng bất lực của cấp trên không thể dùng nội qui hay qui định để buộc cấp dưới thừa hành nhiệm vụ một cách đúng mực thể hiện nhiều ý nghĩa lớn hơn phạm vi mẩu tin nói trên. Đó là tình trạng đồng lương người cảnh sát giao thông, người cán bộ hành chính không đủ sống, buộc họ phải lạm dụng quyền lực để kiếm thêm thu nhập bất chính. Đó là sự không rõ ràng của luật pháp để người vi phạm có thể dễ dàng mua chuộc người có thẩm quyền và tránh bị pháp luật chế tài.
Rộng hơn thế, điều này cũng nói lên tâm lý của một bộ phận người dân muốn lợi dụng khe hở của pháp luật để vượt lên trên người khác một cách bất chính. Vì sao cảnh sát giao thông có thể đòi hối lộ được? Chẳng phải vì cánh lái xe cũng có nhiều tật trong mình – như xe không đủ tiêu chuẩn, chở quá tải trọng, chạy quá tốc độ và như một vòng luẩn quẩn, lái xe hối lộ cảnh sát giao thông để hưởng thêm một khoản lợi, rồi phải vi phạm nhiều hơn như chở nhiều khách hơn để có tiền trang trải các khoản hối lộ ấy và càng phải chấp nhận hối lộ nhiều hơn theo qui mô của sự vi phạm.
Chẳng mấy chốc người không vi phạm cũng phải làm theo số đông, hối lộ một ít để “qua truông”. Tại sao lãnh đạo ngành cảnh sát tỉnh T không thể dựa vào quần chúng để phát hiện cán bộ hư hỏng của mình? Vì đơn giản không ai dám đứng ra tố giác nếu họ cũng có những sai phạm riêng.
Có lẽ chuyện cải cách tiền lương cho cán bộ nhà nước là một đề tài lớn, khó bàn trong một sớm một chiều, nhưng tại sao lãnh đạo ngành cảnh sát tỉnh T không dựa vào những người dân không bao giờ vi phạm luật pháp và sẵn lòng chấm dứt tệ nạn hối lộ? Nếu được khuyến khích bằng các qui trình khiếu kiện cụ thể, hỗ trợ bằng việc xử lý nghiêm minh, chắc chắn sẽ hình thành dần trong suy nghĩ người dân một thói quen mới - không chấp nhận hối lộ để thỏa hiệp với cái xấu và tìm phần dễ cho mình.
Họ sẽ giúp phát hiện các phần tử xấu trong bât kỳ ngành nào hay nói rộng ra trong bộ máy công quyền. Nhân rộng các trường hợp này ra thành số đông người dân tập dần lối sống tuân thủ pháp luật và đòi pháp luật phải bảo vệ được mình, chắc chắn lúc đó không cần thưởng, cũng sẽ không cảnh sát giao thông nào được hối lộ nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận