15/05/2005 15:18 GMT+7

Sẽ có "vàng" thật?

HOÀ BÌNH thực hiện
HOÀ BÌNH thực hiện

TTCN - Chương trình “Giờ vàng cho phim Việt” sẽ phát sóng định kỳ từ thứ năm đến chủ nhật hằng tuần, vào giờ quảng cáo đắt giá nhất của HTV: từ 21g-22g. Khởi đầu là bộ phim Vòng xoáy tình yêu, dài 30 tập, được HTV hợp tác với Công ty Lasta thực hiện theo công nghệ mới với thời gian siêu nhanh so với mặt bằng làm phim hiện nay: ba ngày/tập phim.

A2gEXsbB.jpgPhóng to

Liệu “Giờ vàng cho phim Việt” có tạo được chất lượng vàng cho phim truyền hình VN như mong đợi?

Theo ông Huỳnh Văn Nam, giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM (HTV), trước hết có lẽ cần phải nhìn nhận lại hiện trạng phim truyền hình VN hiện nay ở góc độ thu hút khán giả và giá trị thương mại. Nhìn chung, chẳng có mấy bộ phim truyền hình VN gây sốc thật sự; chỉ có vài phim đạt số thu khả quan từ quảng cáo, nên theo các đài chiếu phim truyền hình VN luôn bị lỗ. Đó cũng là cái cớ để cứ bật tivi lên vào bất cứ giờ nào trong ngày, khán giả sẽ có ngay một bộ phim nước ngoài trên hầu hết các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương.

Trong vòng hơn một năm nay, trung bình mỗi phim VN phải “đấu” với 4-5 phim nước ngoài trên màn ảnh nhỏ; chưa kể phim Việt được chiếu vào những “giờ chì” chẳng mấy người rảnh để xem. Mặt khác, số đầu phim Việt mới làm quá hiếm hoi so với những phim cũ chiếu đan xen.

Dù đã liên tục tăng tốc sản xuất, Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) - đơn vị sản xuất phim truyền hình mạnh nhất nước - cũng chỉ cho ra được khoảng 150 tập phim/năm. Trong khi đó nếu chỉ khuôn phim truyền hình trong nước trên HTV vào “Giờ vàng cho phim Việt” thôi, mỗi năm cũng cần tới ít nhất 208 tập phim mới.

“Không bao cấp giờ vàng”

* Thưa ông, nếu “Giờ vàng cho phim Việt” không đạt được kết quả bước đầu như ý muốn, liệu HTV có tiếp tục chương trình này?

- Ông Huỳnh Văn Nam: HTV không bao cấp “giờ vàng”, nếu Lasta không đảm bảo được lượng khán giả để đủ số thu quảng cáo thì sẽ phải ra đi. HTV không chỉ hợp tác với Lasta sản xuất phim cho chương trình này, mà còn sẵn sàng cộng tác với bất kỳ hãng phim, công ty nhà nước, tư nhân nào có khả năng tài trợ sản xuất được phim truyền hình hoặc thực hiện dưới hình thức hợp tác sản xuất hay mua đứt phim, kịch bản, ý tưởng... Thế nên đây sẽ là một cuộc phiêu lưu đầy thách thức với Lasta.

* Với hợp đồng đã ký giữa HTV và Lasta để Lasta cung cấp phim cho chương trình này cả năm liền, đó có phải là một hình thức mua sóng không, thưa ông?

- Không thể là mua sóng được, vì chúng tôi duyệt kịch bản. Nếu Lasta không qua được khâu duyệt kịch bản, công ty cũng sẽ không có phim để chiếu. Lúc đó HTV sẽ có nguồn phim, kịch bản khác sẵn sàng tung ra thay. Thực tế Lasta phải có đủ nguồn kịch bản đáp ứng làm phim trong một năm.

* Ngoài duyệt kịch bản, mọi khâu còn lại đều sẽ do Lasta quyết định? HTV đã hỗ trợ Lasta cụ thể ra sao trong mối quan hệ hợp tác?

- Chúng tôi duyệt cả yếu tố con người. Những diễn viên, đạo diễn... có những vi phạm về pháp luật hay có lối sống, hành vi đạo đức, nghề nghiệp... bị xã hội phê phán sẽ không được cho phép xuất hiện trên sóng của chúng tôi. HTV hỗ trợ Lasta bằng cách không đòi hỏi “Giờ vàng cho phim Việt” phải đạt doanh số quảng cáo ngang với giờ vàng khi phát phim truyện ăn khách của nước ngoài. Nhưng dĩ nhiên cũng phải đạt mức yêu cầu vì chúng tôi khẳng định yếu tố kinh doanh có lãi và vốn tái đầu tư sản xuất trong sản xuất - phát hành phim truyền hình.

* Ông có nhấn mạnh yếu tố lâu nay phim Việt đang bị bao vây, tấn công quyết liệt ngay trên sân nhà bởi phim ngoại, nên cấp thiết cần phải có “Giờ vàng cho phim Việt” và HTV đi tiên phong. Vậy tại sao HTV biết mà vẫn để tình trạng này xảy ra ngay trên sóng của mình?

- Trong sự cạnh tranh quảng cáo gay gắt hiện nay giữa các đài truyền hình trong nước, nếu chỉ ưu tiên cho phim Việt chẳng khác nào HTV tự sát. Bởi mình không chiếu phim Hàn, phim Trung Quốc... rất hấp dẫn khán giả, trong khi đài nào cũng chiếu thì HTV không sống được.

Chúng tôi hiện đang đi tiên phong trong việc giành lấy vị trí cho phim Việt trong lòng công chúng, nhưng cũng rất mong muốn Bộ Văn hóa – thông tin sớm có qui định: tất cả các đài truyền hình trong cả nước đều phải dành giờ vàng cho phim VN. Tại tất cả các nước láng giềng có công nghiệp phim truyền hình phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc... qui định này đã có từ lâu.

“Không cần những cô gái chân dài...”

* Thưa ông, đến nay sau khi đã làm gần xong bộ phim thứ hai là Khát vọng đô thành và cận ngày chiếu bộ phim đầu Vòng xoáy tình yêu (19-5), Lasta mới có một cuộc họp báo duy nhất - vì sao một công ty quảng cáo chuyên nghiệp Lasta lại im hơi lặng tiếng với một chương trình lớn, rất cần sự quảng bá như “Giờ vàng cho phim Việt”?

- Ông Trần Minh Tiến (Công ty quảng cáo Lasta): Chúng tôi không muốn nói mà không làm được. Nếu lăngxê ngay từ đầu mà làm không tốt thì cũng dừng lại ở chừng đó.

* Nhìn vào dàn diễn viên của Vòng xoáy tình yêu có thể thấy ngay những gương mặt quen thuộc của kịch nói; Lasta có tin rằng phim mình sẽ cạnh tranh được với những phim khác đang có nhiều yếu tố ăn khách hiện nay như diễn viên là người mẫu, ca sĩ...?

- Chúng tôi làm định kỳ cả một chương trình phim, để tồn tại lâu dài thì phim nào cũng phải hay cả. Chúng tôi không cần những siêu sao, những cô gái chân dài mà cần những diễn viên tải được nội dung phim; có khả năng diễn xuất và đài từ tốt để phù hợp cách làm phim truyền hình mới thu hình ba máy, thu tiếng tại chỗ. Yếu tố hấp dẫn của phim nằm ở một câu chuyện hay với nhiều tình huống kịch tính lôi cuốn, diễn viên đẹp nhưng diễn xuất đạt, như thế tự thân câu chuyện sẽ hấp dẫn.

Chúng tôi nhắm đến số đông công chúng là những người dân lao động cần những câu chuyện rất đời, rất gần gũi trong cách thể hiện để giải trí, diễn viên cũng phải diễn thật gần gũi. Tất nhiên chúng tôi còn chú ý đến các yếu tố ăn khách khác, chẳng hạn diễn viên ăn mặc đẹp và bài hát, âm nhạc trong phim đi sâu vào lòng người...

* Nguồn kịch bản lên đến con số 150 của Lasta có phải mua từ Hàn Quốc, Thái Lan như dư luận?

- Chúng tôi chuẩn bị nguồn kịch bản đã từ ba năm nay rồi; chủ yếu từ trong nước với một đội ngũ biên tập có kinh nghiệm viết kịch bản từ ý tưởng ban đầu theo công nghệ từng khâu. Chúng tôi chỉ mua vài kịch bản từ Hàn Quốc, Thái Lan để học cách viết, phân tuyến nhân vật, cài tình huống kịch...

Ngoài ra, tập đoàn truyên thông Kantana của Thái Lan cố vấn cho chúng tôi từ cách viết kịch bản, giúp máy móc, thiết bị đến cử chuyên gia sang tham gia thực hiện những kỹ thuật phim trường mới để Lasta có thể sản xuất phim với tốc độ siêu nhanh. Lúc cao điểm nhất có 5-10 chuyên gia của Kantana ở phim trường.

“Bây giờ mới là làm phim truyền hình”

* Anh có bị áp lực bởi phim buộc phải thu hút khán giả?

- Đạo diễn Quang Đại: Theo tôi, tự thân câu chuyện của phim Vòng xoáy tình yêu đã hấp dẫn, tôi chẳng bị áp lực gì về giờ vàng, chỉ biết làm hết sức mình. Tôi thấy làm cách này đạo diễn còn khỏe ra vì trước nay làm phim cả điện ảnh lẫn truyền hình đều trăm dâu đổ đầu đạo diễn. Hồi nào tới giờ phim mình làm chưa phải là phim truyền hình...

* Đạo diễn có được quyền chọn diễn viên và anh có hài lòng với Vòng xoáy tình yêu?

- Chúng tôi chọn diễn viên theo quyết định chung của cả êkip, trong đó có ý kiến của đạo diễn. Hài lòng thì tạm thời là 80%.

Tin bài liên quan:

* Tìm “vàng” cho phim Việt* Có đủ phim để chiếu trong "giờ vàng"?

HOÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên