05/10/2005 01:20 GMT+7

Sau lũy tre làng...

TRẦN THỊ KIỀU ANH(P.308, C1 KTX Mễ Trì, Hà Nội)(kieuanhbc48@...)
TRẦN THỊ KIỀU ANH(P.308, C1 KTX Mễ Trì, Hà Nội)(kieuanhbc48@...)

TT - Vào đại học đồng nghĩa với cơ hội vào đời của lực lượng bạn trẻ ở nông thôn vốn chiếm tỉ lệ đa số trong giới trẻ VN hôm nay. Trong đó, việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cùng những phát triển rộng giáo dục những năm gần đây của đất nước đã khiến đường vào đời của họ thật sự không chỉ là mảnh vườn, thửa ruộng quê nhà...

Hai con đường của thanh niên làng

Tại các làng quê, ít nhất ở miền Bắc hiện nay, có một thực tế: khi tốt nghiệp THPT, một số thanh niên quyết tâm thi vào các trường ĐH, CĐ hoặc THCN. Số còn lại làm bạn với cuốc cày hoặc rời quê ra phố kiếm kế mưu sinh. Có thể nói đây là hai cửa ngõ chính để lớp trẻ nông thôn chúng tôi bước ra “đại lộ” cuộc sống.

Ngay khi đang học THPT, học trò nông thôn đã có hai quan niệm và cũng là hai cách nhìn khác nhau về tương lai. Đối với một bộ phận học sinh, 12 năm đến trường là 12 năm cố gắng đèn sách vì mục tiêu: phải đậu vào các trường CĐ, ĐH hay chí ít cũng THCN. Trong số này có những con em nông dân 100%, vì nghèo mà quyết chí “chiến đấu” với kiến thức sách vở với một hi vọng: học để thoát nghèo.

Đậu ĐH, họ là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi lo chồng chất cho một gia đình có nền kinh tế là hạt lúa, củ khoai... Số còn lại tốt nghiệp THPT, nhận lấy tấm bằng, đa số đổ ra thành phố kiếm việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp... Còn những bạn không rời làng có nghĩa là chấp nhận “đánh vật” với ruộng đồng và sớm tính chuyện lập gia đình... Thế là đủ.

Yêu cầu cuộc sống, năng lực, trình độ của từng bạn trẻ nông thôn ấy đã chứng minh rằng ĐH không phải (và cũng không thể) là con đường duy nhất để vào đời. Sống là lao động. Dù là lao động trí óc hay chân tay thì cũng có chung đích đến là sự thành công. Điều quan trọng là chúng tôi đã tự xác định cho mình một hướng đi và biết chắc chắn một điều: sẽ hưởng rất cụ thể về chọn lựa đó.

“Lời thề” ngày rời quê lần 2

18 năm trước, tôi cũng như bạn Văn Dũng, bước vào trường ĐH với khát vọng cháy bỏng: sẽ ra trường với tấm bằng cử nhân và tìm được cơ hội thay đổi cuộc đời của một người trẻ vùng quê. Bốn năm đại học, mỗi năm là bao nhiêu nhọc nhằn của người mẹ già sớm hôm tần tảo. Năm 1991, tôi ra trường, cầm tấm bằng cử nhân văn hóa đi gõ cửa khắp nơi, đến đâu cũng nhận được những cái lắc đầu vô cảm. Hơn một năm ở lại đất Sài Gòn tìm cơ may, tôi đã làm đủ mọi việc từ chạy bàn, đóng đồ gỗ, bán sách...

Cuối cùng tôi về quê trong những lời đàm tiếu đại loại như “mẹ già nuôi ăn học lắm rồi cũng thất nghiệp...”. Không chịu nổi, tôi lại rời quê với lời thề: “Không thành công sẽ không trở về quê”.

Bốn năm ở xứ lạ quê người tôi giấu chặt tấm bằng cử nhân trong đáy vali, vào làm công nhân trong một nhà máy giày da. Không biết bao nhiêu ngày tôi ngồi cầm kềm kéo giày mà nước mắt rơi trên băng chuyền. Rồi một hôm, vì không chịu nổi cách cư xử thiếu tình người của một số nhân viên quản lý với chị em công nhân, tôi đã đứng lên đấu tranh và... thôi việc.

Hai tháng ròng rã tôi kiên trì cầm hồ sơ tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng. Cuối cùng, hồ sơ đã được ông trưởng đài truyền thanh thị xã chú ý. Tôi trở thành phóng viên hợp đồng đài huyện. Tôi làm việc hết sức mình, được lãnh đạo đài khá quí mến. Rồi tôi đọc được thông báo tuyển phóng viên của tờ báo tỉnh. Tôi thử sức mình và không khó khăn lắm để vượt qua 36 ứng viên. Bây giờ tôi đã trở thành một nhà báo và rất yêu nghề - một lựa chọn của mình. Tôi cũng sắp nhận thêm tấm bằng cử nhân báo chí.

Bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời mình, tôi muốn gửi đến các bạn một chia sẻ: giá trị thật sự của tấm bằng ĐH là chính ở năng lực, phẩm chất của chúng ta.

Thêm lối vào đời

Một lần đi thực tế đến Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), tôi tình cờ quen với một nhóm bạn gái trẻ quê ở miền Tây. Một điểm chung, các bạn đều sinh năm 1987 và vừa tốt nghiệp THPT năm nay. Các bạn vào làm công nhân ở khu chế xuất được khoảng hai tháng. Khi được hỏi: “Vừa tốt nghiệp xong sao các bạn không thi ĐH?”, một cô gái trả lời:

“Bọn này cũng muốn thi ĐH lắm, nhưng nghĩ đến cảnh gia đình phải vay mượn tiền để nuôi ăn học thì không đành. Nhà đứa nào cũng nghèo. Tạm thời lên thành phố làm công nhân có tiền để vừa học vừa làm”. Cả nhóm bạn dự định sẽ học một trường trung cấp gần khu chế xuất vào buổi tối sau khi tan ca.

Trong khi rất nhiều bạn trẻ thi rớt ĐH là mất tất cả, thì thực tế rất nhiều bạn trẻ nông thôn hôm nay, như những công nhân sinh năm 1987 tôi gặp, đã căn cứ vào hoàn cảnh và khả năng thật sự của mình, gia đình mình để chọn đi đường vòng trên lối vào đời của mình, tự đi bằng chính đôi chân của mình. Con đường phía trước vẫn còn nhiều cơ hội rộng mở chờ đón họ, không loại trừ cả những tri thức ĐH.

TRẦN THỊ KIỀU ANH(P.308, C1 KTX Mễ Trì, Hà Nội)(kieuanhbc48@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên