![]() |
NSƯT Kim Thanh đang chuẩn bị cho thế hệ "Nguyệt Cô" (diễn viên trẻ Ngọc Giàu) sau mình biểu diễn - Ảnh: T.T.D. |
Lứa học viên "ra ràng" ấy với vỏn vẹn chín người sau ba năm đào tạo (2001-2003), qua vở tuồng mẫu mực Hồ Nguyệt Cô hóa cáo. Buổi chào đón nghệ sĩ tốt nghiệp, không thể nói là trọng thể và tuy thưa thớt khách mời, nhưng dưới hàng ghế khán giả, niềm vui là có thật.
Kể từ 1996, sau khi Trường Sân khấu không thể tìm ra học viên ghi danh vào khoa hát bội, khoa này coi như… đóng cửa, và từ đó đào kép Đoàn Hát bội TP.HCM, những Kim Thanh, Ngọc Nga, Xuân Quan, Ngọc Dung, Hữu Danh... dần dà đã trở nên... U-50 mà vẫn cứ còn phải làm đào, kép chánh. Đành phải tìm cách tự cứu mình.
Vui mừng, rồi hồi hộp, khi cuộc thử nghiệm “tự túc” đầu tiên với phương pháp truyền nghề trực tiếp tại đoàn kết hợp với các thầy cô bên ngoài, có 28 học viên chịu ghi danh. Sau đó vì “chịu không xiết” với đòi hỏi tập luyện gắt gao, thu nhập bấp bênh, không có khiếu..., số này rơi rụng dần; sau ba năm chỉ còn lại chín người.
NSƯT Kim Thanh, ôm bó hoa và giấy khen tặng “đã nhiệt tình tham gia giảng dạy khóa học” ngồi dưới hàng ghế khán giả, xúc động nói rằng nhìn các em ca diễn trên sân khấu, tuy điệu bộ còn cứng, cách ca chưa chuẩn và còn phải học nhiều lắm nhưng chị thấy vui thật lòng. Cảnh tượng này gần 10 năm nay không hề có ở đoàn, và chị có thể yên tâm là vài năm nữa nếu phải chia tay sân khấu, phía sau chị đã có một lớp đàn em.
Chị cũng ngậm ngùi nhớ lại những giai đoạn khó khăn, lĩnh 60 đồng/tháng, ăn cơm độn mà vẫn phải tập luyện gắt gao, và vai Nguyệt Cô diễn từ 8 - 9 tuổi đến tận bây giờ vẫn chưa thật hài lòng... Đành dạy cho các em bài bản thì vẫn nắm đấy, nhưng cũng phải biết chiều theo thị hiếu, cách ca bớt kéo dài “khó hiểu”, điệu bộ “đời thường” hơn... Biết rằng đoạn đường trước mắt của các em rất dài, rất khó, nhưng cũng chẳng biết cách nào khác hơn là chỉ dạy tận tình, và ủng hộ tinh thần các em hết lòng, chứ bản thân mình còn khó, huống chi…
Có một người mẹ ôm bó hoa và tấm bằng tốt nghiệp khóa diễn viên hát bội của con trai mà vui quá khi có người nhận ra nó sau lớp mặt nạ Võ Tam Tư vằn vện. Chị tên Nguyễn Thị Thủy, là một giáo viên, mấy năm trước từ một tấm vé mời đi xem hát bội tình cờ rồi cùng xem với các con mà đâm “ghiền” lúc nào không hay.
Cho đến khi cậu con trai duy nhất của chị, vốn biết võ thuật, biết nhảy rap vào loại khá, nhận xét rằng: điệu bộ hát bội khó, nhưng con biết võ và biết rap, học chắc không đến nỗi nào, và từ năm lớp 11 đã ghi danh theo học ở nhà hát thì chị... đành chịu. Cùng nghe những điều tiếng của bạn bè rằng con trai chị “thời buổi này mà học hát bội”, cùng lặn lội những buổi diễn xa, động viên con khi nó lĩnh đồng lương vào loại khá, mà cũng chỉ... 300.000 đồng/tháng... để động viên tinh thần nó.
Nhưng khi được hỏi liệu với thu nhập ấy, tương lai có quá... bấp bênh, chị thành thật gật đầu: “Đó cũng là vấn đề. Sự thật là có những đội nhóm mời em nó đi diễn rap. Chỉ là múa minh họa, diễn quảng cáo sản phẩm thôi, mỗi show tập vài buổi sơ sơ là diễn, mỗi suất được trả 50.000, có khi 70.000 đồng, mỗi tuần diễn 2-3 suất. Trong khi hát bội phải tập luyện liên tục rất vất vả mà lương bổng như vậy thì quá bấp bênh.
Ấy là cháu đã thuộc hàng khá và rất được các cô chú trong đoàn ưu ái. Tôi có đi theo đoàn, chứng kiến các anh chị lớn còn khó khăn thấy xót xa quá, huống gì... Tôi rất tán thành, tôn trọng lòng yêu thích của cháu, nhưng lo rằng nếu Nhà nước không quan tâm cụ thể hơn đến hát bội, cho họ một chỗ diễn ổn định thật sự và nâng cao đời sống anh em thì nay mai thôi là nghệ thuật này mai một mất!".
Lo lắng, nhưng người mẹ này vẫn không giấu được niềm vui, chút tự hào khi chứng kiến lễ tốt nghiệp của con trai mình - Lê Hoàng Vị, một trong chín người từ nay chính thức được gọi là “diễn viên hát bội” thuộc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM. Nhìn cách chị giục giã con về sớm để chuẩn bị cùng đoàn đi diễn xa ngay chiều đó sau buổi diễn tốt nghiệp, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ còn thiếu những bằng khen cho những người như chị, không chỉ cống hiến lòng đam mê thưởng thức đủ để hát bội tồn tại mà còn can đảm “cống hiến” cả thế hệ sau mình hi vọng nó phát triển hơn lên…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận