08/04/2005 00:51 GMT+7

"Sao Khuê" trên xe lăn

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Buổi trao giải thưởng Sao Khuê 2005 (của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN) vừa qua tại Hà Nội có một nhân vật khi bước lên những tràng pháo tay đã kéo dài không ngớt...

CzrGcBEm.jpgPhóng to
Phạm Chí Nghĩa (hàng đầu) cùng bốn thành viên xây dựng chương trình phần mềm Softech Eden đoạt giải Sao Khuê - Ảnh: Đăng Nam

Đó là Phạm Chí Nghĩa, được đại diện nhóm mình lên nhận giải thưởng triển vọng mang tên Softech Eden, lọt thỏm trong chiếc xe lăn.

Đến trường trên chiếc xe lăn

Cũng như bao đứa trẻ khác, ngày chào đời Phạm Chí Nghĩa đã là niềm hãnh diện của cả gia đình, nhất là khi thấy con trai có đôi mắt rất sáng và vầng trán cao. Nhưng số phận đã không mỉm cười với Nghĩa: năm lên 3 tuổi trong một lần bệnh nặng, Nghĩa đã không may bị sốc thuốc, chạy chữa khắp nơi nhưng cuối cùng bố mẹ Nghĩa đành phải nuốt nước mắt nhìn đứa con trai đầu lòng của mình đến trường trên chiếc xe lăn.

Con đường đến trường những năm học phổ thông với Nghĩa “sao mà dài và xa thăm thẳm”. May mà khi đến trường, cứ đến chân cầu thang là Nghĩa được bạn bế lên. Ngày qua ngày, con đường đến với kiến thức của Nghĩa cứ lóc cóc ... bập bênh y như ngồi trên xe lăn. Cho đến một hôm “làm quen với chiếc máy tính đã mê rồi”, Nghĩa nhớ lại.

Tốt nghiệp cấp III, Nghĩa “mạnh tay” nộp hồ sơ vào khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Năm năm dùi mài sách vở, con đường nối từ giảng đường đến thư viện, phòng máy rồi phòng trọ tưởng chừng mòn nhẵn vết xe lăn của Nghĩa. Với đồ án tốt nghiệp, cuối năm 2001 anh đã xuất sắc đoạt thủ khoa.

Ra trường, không lựa chọn Sài Gòn, Hà Nội, Nghĩa đầu quân về Trung tâm công nghệ phần mềm Softech Đà Nẵng. Bốn năm gắn bó với công việc, Nghĩa đã cùng các đồng nghiệp xây dựng thành công rất nhiều chương trình phần mềm có giá trị ứng dụng cao. Một trong số đó là đồ án xây dựng website điều hành tác nghiệp nhằm nối tất cả các sở, ban, ngành và các quận huyện trên địa bàn TP.

“Đây là một phần trong chương trình phát triển của dự án chính phủ điện tử (gọi tắt là đề án 112) của TP Đà Nẵng. Phạm Chí Nghĩa là một trong những thành viên đầu tiên xây dựng nên công trình ấy” - giám đốc Trung tâm Softech Đà Nẵng Phạm Kim Sơn khẳng định.

Trở lại trường bằng Softech Eden

Softech Eden là một hệ thống mở gồm bốn phân hệ: ứng dụng quản lý trường học, website hệ thống giáo dục, kênh thông tin cập nhật về công tác chuyên môn thông qua mạng LAN/Intranet/Internet nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý và cuối cùng là ứng dụng trợ giúp cho quá trình chuyển tải, trao đổi và đồng bộ thông tin dữ liệu giữa sở, phòng giáo dục với các trường học.

Đồng thời thầy cô và học sinh có thể trao đổi trên các diễn đàn.

Tháng 7-2003, Nghĩa cùng bốn đồng nghiệp Trần Quang Minh (sinh 1976), Trần Quang Thịnh (1979), Trịnh Thị Ngọc Linh (1979) và Phạm Văn Cường (1980) bắt tay vào xây dựng phần mềm mang tên Softech Eden - phần mềm phục vụ công tác quản lý giáo dục cũng như khai thác tư liệu phục vụ việc học tập.

Vừa xây dựng vừa cho chương trình chạy thử trên tinh thần lỗi đâu sửa đó. Môi trường chạy thử nghiệm được chọn là các trường cấp II, III ở Đà Nẵng. Cứ sáu tháng một lần, cả nhóm thay nhau đi cơ sở để xem sản phẩm của mình kẹt ở chỗ nào, rồi hội ý để đi đến thống nhất xây dựng một tiểu phần mềm dự án làm sao cho phù hợp với công tác quản lý hiện tại của ngành giáo dục Đà Nẵng.

Bằng năm ngôn ngữ lập trình gồm C#Net, ASP.Net, Java Script, HTML, XML, sau hơn 17 tháng “dán mắt vào máy tính”, cuối cùng nhóm lập trình đã cơ bản hoàn thiện phần mềm Softech Eden - một phần mềm được đánh giá là môi trường thông tin điện tử toàn diện kết nối các thành tố tham gia hệ thống giáo dục.

Ông Nguyễn Anh Quân - ủy viên thường trực Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đơn vị trực tiếp sử dụng phần mềm Softech Eden - nhận xét: “Đây là một hệ thống các ứng dụng phần mềm phục vụ tác nghiệp, điều hành và quản lý thông tin giáo dục các cấp, từ trường học đến sở. Các phần mềm được đóng gói để có thể cài đặt, sử dụng riêng lẻ tại từng đơn vị hoặc có thể liên kết với nhau trong một hệ thống nhất, hình thành môi trường thông tin điện tử linh hoạt”.

Vì sao bạn lại nghĩ đến chuyện xây dựng phần mềm quản lý này? Nghĩa cười hiền lành: “Việc đi lại đối với mình khó khăn, vì thế ngay thời đi học mình đã ao ước rằng nếu ngồi ở nhà mà vẫn biết được điểm thi, thời khóa biểu hay lời nhận xét của thầy cô thì hay biết bao nhiêu”.

Sau gần một năm chạy thử nghiệm tại năm trường thành viên và văn phòng Sở GD-ĐT Đà Nẵng, được biết vào hè này 100% các trường, phòng giáo dục quận, huyện ở Đà Nẵng sẽ triển khai phần mềm Softech Eden vào ứng dụng.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên