13/11/2004 15:12 GMT+7

Sao Khuê mọc muộn

THU HÀ
THU HÀ

TTCN - Với nước da trắng trẻo và cặp kính cận ngơ ngác, Đức Khuê trông giống anh công chức hơn là một diễn viên đã hành nghề một cách nghiêm túc suốt 10 năm, được đạo diễn và bạn diễn tôn trọng nhưng ít khán giả nào hâm mộ một người chuyên đóng vai phụ.

a6z1Cep7.jpgPhóng to

Chỉ đến khi anh trở thành anh chàng lắm điều trên sân khấu “Gặp nhau cuối tuần” với câu cửa miệng lảm nhảm: “Trời không mưa sao lại mặc áo mưa?”, và bây giờ, chính thức được gắn mác “sao” với danh hiệu “nam diễn viên chính xuất sắc nhất Liên hoan phim VN thứ 14”.

“Ở đời phải biết mình là ai”

Suốt mùa đông năm ngoái, dân Hà Nội khoái chí với tiểu phẩm Bệnh nói nhiều đến độ đi đâu gặp nhau cũng “Ở đời phải biết mình là ai chứ”. Không ai có thể ngờ một Đức Khuê điềm đạm chuyên đóng những vai phụ già nua, trí thức trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ lại có thể bắn từ ngữ liên thanh với tốc độ nhanh, chuẩn xác và hài hước đến thế.

Ngay ngoài đời, hình như có lúc anh chàng đeo kính cận số 8 này cũng băn khoăn không biết mình có biết mình là ai không. Anh chàng đã cặm cụi học đến “đầu to mắt cận” qua bốn năm Đại học Thương mại, lấy bằng hẳn hoi rồi mới để cho “ma đưa lối quỉ dẫn đường” vào lớp diễn viên khóa 2 của Nhà hát Tuổi Trẻ cùng với những Xuân Tùng, Điền Viên, Nguyệt Hằng…

Năm 1992, tốt nghiệp đại học, năm 1996 mới tốt nghiệp trung cấp (lớp diễn viên tự đào tạo của Nhà hát Tuổi Trẻ, chỉ được cấp bằng trung cấp) và… đóng vai phụ. Dù vậy, Đức Khuê vẫn miệt mài với từng vai diễn có khi chỉ xuất hiện một phút rưỡi trên sân khấu.

Các đạo diễn đều ghi nhận anh là một diễn viên rất chịu khó đọc sách, nghiên cứu kịch bản và đặt nhiều tình huống khác nhau cho mỗi vai, mỗi vở. Và “công chức” hơn nhiều bạn diễn khác, Khuê đã mau mắn đẹp duyên với một cô gái làm công việc hành chính của nhà hát. “Mình cũng có bệnh yêu cái đẹp, nhưng chỉ nhìn thôi. Còn sở hữu thì chỉ đủ sức sở hữu một vẻ đẹp, đấy là mẹ của hai con mình”.

Cho đến khi cả nước ôm bụng cười vì bị anh chàng “Ở đời phải biết mình là ai”, thế là Đức Khuê bắt đầu đắt sô “cười”, xêri tiểu phẩm hài ăn khách của Nhà hát Tuổi Trẻ không thể thiếu những “phong bì”, những “chơi trò diễn ba diễn má” mà Khuê vào vai ngọt xớt, cười nhưng không nhạo khuyết tật hình thể người khác, cười nhưng không dung tục, cười nhưng sau đó là một giọt nước mắt lặng lẽ chảy vào trong, đó là phong cách hài của Đức Khuê.

Từ thành công của Bệnh nói nhiều, Đức Khuê bắt duyên với một show truyền hình rất thời sự đồng thời được tiếng đầu tư nhiều chất xám: Chuyện đời thường trên kênh cáp VCTV. Từ phác thảo kịch bản của nhà báo Nguyên Hạnh về tất cả các vấn đề mà báo chí đặt ra trong tuần: thi cử, học thêm, du học, vệ sinh thực phẩm, mộng thành ngôi sao, Đức Khuê cùng với những Tùng Dương, Tú Oanh… đã gia công thêm nhiều chất liệu sân khấu, nhiều cá tính đặc sắc của từng cá nhân để có 20 chương trình truyền hình đầy tiếng cười trách nhiệm với cuộc sống hiện đại. Tiếc là VCTV chỉ phát ở thành phố nên ít người biết đến một Đức Khuê hài hước trí tuệ như vậy.

Một “minh tinh thứ thiệt”

Đạo diễn Vương Đức là người đã có công mang Khuê đến với màn bạc. Nhân vật nhà toán học Dương Thắng trong phim Của rơi dường như sinh ra là để cho Đức Khuê. Khuê đã thể hiện gần như hoàn hảo một thứ “của rơi” của xã hội - một trí thức trẻ trí tuệ đấy mà khờ khạo đấy, ngớ ngẩn đấy mà lại thấu suốt, biết tuốt đấy. Bất cần đời thế mà cũng yêu như thiêu thân, khinh tiền nhưng lúc nào hứng lên thì cũng rõ ra là người sành đời, biết hưởng thụ miếng ngon, cái đẹp.

Và cái chính là biết cười, cười sự tham của người đời, cười sự trớ trêu của số phận, cười sự bất lực và ngớ ngẩn của bản thân. Phim khó xem, kén khán giả, sự tìm tòi của đạo diễn cùng hơi nửa vời khiến nhân vật chưa được đẩy đến tận cùng của sự bùng nổ tính cách nhưng ai đã kiên nhẫn xem hết phim đều phải công nhận khả năng diễn xuất tuyệt vời của Khuê.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà, tác giả kịch bản, thừa nhận: “Không ngờ một diễn viên lại chịu khó đọc, chịu khó học hỏi đến vậy. Cũng vì sự nhiệt tình và cầu thị của Khuê mà đâm ra mình có nhu cầu… nói. Mình nói tràng giang đại hải thế mà cậu vẫn kiên nhẫn nghe. Vì thế mà cậu diễn “ra” chất trí thức Hà Nội”.

Khuê thì hồn nhiên hơn: “Mình không phải diễn mấy đâu, chỉ đọc kịch bản đã thấy nhân vật… giống mình”. Tiếc là Của rơi cùng với những tìm kiếm của Vương Đức mất hút ngoài thị trường, nếu không ắt hẳn nhiều khán giả đã phải đồng tình với ban giám khảo.

Khuê còn mang đến một bất ngờ thú vị khác: nhân vật thương gia trẻ tên Hà trong bộ phim Hàng xóm. Những non kém trong kịch bản và những lỗi dàn dựng của bộ phim không che lấp được khả năng hóa thân vào vai diễn của anh. Gã trí thức kiêm thương lái của Đức Khuê có đủ cả sự thông minh, xảo trá, lọc lõi lẫn những giây phút tử tế, thậm chí khờ khạo.

Vai diễn này quay ngoắt 180 độ so với nhà toán học Dương Thắng trong Của rơi mà người xem vẫn có cảm giác Đức Khuê không phải gồng mình cố gắng một chút nào . Nhà quay phim Lý Thái Dũng nói: “Khuôn mặt Khuê rất xinê, quay góc nào cũng đẹp, cũng gợi hứng thú. Cứ tưởng bị giới hạn bởi cặp kính, cách diễn của cậu ấy sẽ đơn điệu nhưng ngược lại Khuê xử lý những tình huống đa tính cách rất giỏi”.

Sự bình lặng đầu đời đã là quãng thời gian cần thiết để chuẩn bị cho sự bừng sáng của sao Khuê mọc muộn. Sự thành công tưởng là bất ngờ nhưng lại là tất yếu. Dù chưa tìm được khán giả, điện ảnh VN đã tìm được một ngôi sao mới.

Với chiều cao 1,75m, không bị rượu bia, thuốc lá và những buổi bài bạc tá lả thâu đêm suốt sáng tấn công như phần đông các “sao”, cùng với vốn tri thức tự thu nhận, sự tận tụy với nghề và cái duyên đang chín, hình như Đức Khuê thật sự là “sao”.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên