Sao cứ hoài thương?
AT - Thật là kỳ lạ. Ngẫu nhiên ngày sinh nhật thầy, thầy nhận được lá thư của em - chứ không phải là một món quà đâu nhé. Lúc đó, em sắp thi tốt nghiệp tú tài. Trong bức thư, em tha thiết mong được thầy - một người em chưa hề quen - tặng một món quà, là một quyển sách, thế mới lạ.
Minh họa: Đinh Tiến Luyện |
Lá thư em viết như thế này, em rất mong thầy sẽ tặng em một món quà. Món quà này sẽ rất có ý nghĩa với em. Đó là tập truyện ngắn của thầy. Em đã được cô giáo chủ nhiệm cho em mượn và hầu như em đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần những câu chuyện thầy viết ở trong đó. Nhưng em vẫn ước có được tập truyện ấy. Thầy biết tại sao không, vì ngôi trường mà thầy đã dùng làm bối cảnh của phần lớn các câu chuyện đó là ngôi trường mà em đang sắp chia tay vĩnh viễn đây. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, em còn mong được tặng món quà này vì em đã bỏ ra hết cả một ngày chủ nhật, đạp xe từ huyện Châu Thành lên thị xã, đi lùng sục hết khắp nhà sách lớn nhỏ ở đó nhưng đều không tìm được cuốn truyện ấy. Thầy ơi, thầy tặng cho em cuốn truyện "Ngôi trường của thầy", thầy nhé! Cuối bức thư em ghi rõ họ và tên của em. Em là Nguyễn Thị Hoài Thương, em học lớp 12A, Trường trung học phổ thông Châu Thành.
Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chắc là em không hề biết hôm nay là sinh nhật của thầy. Và chắc em cũng không hề biết là vừa mới đêm qua, thầy đã nằm mơ, mơ về ngôi trường mà mình đã từng gắn bó một thời gian dài cách đây năm năm về trước.
Năm năm chưa đủ dài trong đời người nhưng lại quá dài cho một nỗi nhớ, không ồn ào mà lặng lẽ thấm sâu. Ngôi trường mà em nhắc trong bức thư là ngôi trường đầu tiên ngày thầy về nhận nhiệm sở. Đó là một ngôi trường huyện ngoại thành giống như bao ngôi trường quê mà khi ta đi trên một chuyến xe đò, trước khi đến một thị xã, thị trấn nào đó, khoảng mười mấy cây số, ta sẽ bắt gặp. Nó như một phần không thể thiếu của một thị tứ ven đô, nằm hiền lành như ngủ vào một trưa hè gay gắt nắng. Ngôi trường thân thiện nằm day mặt ra đường. Mái ngói đã ngả màu rêu; một dãy phòng chỉ vừa đủ cho những học trò nghèo như em không có tiền lên thị xã trọ học trường tỉnh; một cột cờ vươn cao từ một đám cỏ xanh rậm rì và cánh cổng thấp thoáng một gốc phượng già có những cành lá như đang vẫy tay chào.
Hồi xa lắc, mỗi lần từ quê ngoại trở về nhà ở thị xã, thầy đều ngồi trên xe đò đi ngang qua ngôi trường đó. Thi thoảng vào lúc tan học, những bóng áo trắng chân quê ngập ngừng ngó trước nhìn sau rồi dắt xe qua tỉnh lộ. Và những khi lim dim ngủ, thầy chưa từng mơ là có một ngày mình ra trường về nhận nhiệm sở nơi đây. Nhưng khi thầy về dạy thì chắc em vẫn còn học ở một trường tiểu học nào đó, em cũng đâu biết thầy. Em chỉ biết thầy yêu ngôi trường đó lắm qua những trang thầy viết. Em biết thầy rất gắn bó với các anh chị học trò trước em, khi thầy còn ở đây. Họ yêu quý thầy biết bao và họ luôn nhắc nhớ về thầy với bao niềm kính trọng. Và em chỉ biết nhờ thầy mà em cũng yêu trường em hơn. Tự nhiên em cũng yêu cái nghề của thầy biết bao nhiêu!
Thầy đâu biết sau khi đánh bạo gửi lá thư đi, theo sự chỉ dẫn của cô chủ nhiệm - đồng nghiệp cũ của thầy trước đây, em đã hồi hộp biết chừng nào và niềm vui vỡ òa khi em nhận được món quà thầy gửi tặng. Cầm món quà, em hình dung ra thầy ngồi tỉ mẩn cẩn thận gói quyển sách lại như thế nào. Em cũng hình dung ra thầy mỉm cười và chân thành đặt bao nhiêu mong muốn thật sự vào lời chúc em sẽ đậu vào đại học. Thầy cũng không biết là bởi vì lời chúc tốt đẹp đó của thầy mà em đã không còn do dự như ban đầu nữa khi đặt bút vào hồ sơ ghi chọn ngành sư phạm - nghề của thầy, ghi chuyên ngành ngữ văn - ngành của thầy và ghi trường Đại học A - trường của thầy đang công tác ở trên tỉnh. Và em gửi hồ sơ đi với quyết tâm phải học bằng mọi giá để một ngày đẹp trời nào đó, thầy trò sẽ gặp nhau...
Trái đất chắc không hẳn là thật tròn nhưng lúc ai đó gặp nhau dù trước đó họ không hề quen nhau, thì chắc là cũng không sai đâu khi em hay nghe người ta nói trái đất tròn mà!
Trái đất tròn thật đó, em đã gặp thầy.
Ừ đúng rồi, trái đất tròn mà, thầy đã gặp em.
Cái hôm thầy vào lớp chủ nhiệm, thầy ngờ ngợ và chợt nhớ ra cái tên Hoài Thương thật là thân quen lắm. Thì ra là em, là cô học trò mà thầy không được dạy ngày nào ở cái "ngôi trường của thầy" ngày xưa khi thầy mới ra trường. Thầy còn nhớ khi đó tự dưng thầy buột miệng hỏi, ủa, Hoài Thương có phải là..., là... Em thì nhớ, khi đó em đứng lên giữa lớp và nghĩ là thầy nhớ ra mình rồi, mình là con nhỏ xin thầy tặng quyển sách đây, rõ là thầy có nhớ nên thầy mới thế. Nhưng lúc đó, em lại hỏi, Hoài Thương là sao ạ? Thì thầy đã rất khôi hài, trả lời rằng, Hoài Thương là... Thương Hoài, có đúng không vậy ta?
Nhiều khi ngẫm nghĩ, em thấy Hoài Thương nghe có vẻ "thương nhiều" hơn Thương Hoài, đúng không thầy? Hoài Thương là tên mẹ em đặt cho em. Mẹ nói dù cha em có bị bà ngoại chửi rủa gì, mẹ em cũng "thương hoài". Khi em đủ lớn để hỏi chuyện cha em, mẹ có bảo lỗi không phải tại cha như bà ngoại vì bênh mẹ mà nói như vậy đâu. Mẹ biểu mẹ đặt tên em là Hoài Thương để em sống đừng biết oán trách ai hết. Đời người ai cũng có số, có khi người ta phải làm những điều người ta không muốn. Mấy lúc cay nghiệt mà ai kia làm cho mình đau đó, nhiều khi do trời xui đất khiến. Mẹ biểu em hãy mở lòng ra mà yêu thương cuộc đời này, yêu thương thì không bao giờ cảm thấy thiệt thòi dù có bị người ta quay lưng không đáp trả. Làm sao cho trái tim mình thật giàu có tình thương thì đâu có ai lấy hết. Mẹ em nói tình thương lạ lắm, cho còn hoài, càng cho đi càng giàu thêm ra.
Như nghề giáo của thầy vậy đó. Em nghĩ ai mà chọn nghề này cũng phải có một tình thương mênh mông để cho đi mà không biết so đo tính toán. Thầy đâu có tên Thương mà sao thầy cũng thương học trò quá trời quá đất. Hồi còn ở trường cũ, mấy anh chị luôn kể về thầy như một câu chuyện đẹp. Kể về nỗi tận tâm của một giáo viên trẻ ở thành thị về quê giảng dạy, kể về những vất vả hi sinh của một người thầy ở một ngôi trường còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Mà đâu chỉ có như vậy, em còn đọc được những tình cảm bao dung, rộng lượng của thầy, những sự nhạy cảm và tinh tế mà thầy đã viết trong những câu chuyện thầy gửi tặng em. Dù truyện hư cấu nhưng em vẫn nhận ra thầy sau mỗi trang viết, qua mỗi câu chuyện cảm động thầy kể lại, qua cái giọng văn nhẹ nhàng mà tràn đầy tình cảm của thầy. Đúng là đọc những trang thầy viết về ngôi trường thầy đã dạy, em cũng thấy thầy thương hoài trường cũ của thầy, dù thầy có đi đâu về đâu chăng nữa.
Một lần viết báo tường nhân ngày 20-11, em viết bằng tình thương thật sự dành cho thầy, tự nhiên thành ca ngợi. Khi đọc báo treo ở lớp, thầy rưng rưng cảm động nhưng cũng cười đùa một câu. Đúng là Hoài Thương, chắc là thương thầy mới viết như vậy chứ thầy làm gì được như cái ông thầy trong bài báo? Em cười, người có tên Hoài Thương mà nói như vậy, đúng là cái chắc. Nếu thầy không đẹp, không tốt, em có thương cũng không viết được như vậy đâu!
Người ta nói "văn là người", nhưng từ em, thầy lại thấy "tên là người". Thật không thể hình dung em có một cái tên nào khác, em sẽ không còn là em nữa.
Cũng vào dịp 20-11, em và lớp trong buổi họp mặt thầy trò thân tình đã thiết kế ra màn "Truyền lửa" thật là ấn tượng. Sau lời khai mạc đầy xúc động của em, các bạn đã châm ngọn đèn trên tay mỗi thầy cô đến dự và rồi ai nấy tỏa ra khắp lớp để xin được thầy cô truyền lửa. Em nhanh chân chạy đến bên thầy và nói nhỏ, em xin được thầy truyền cho ngọn lửa tình yêu thương dành cho học trò của thầy đi, em hứa sẽ giữ mãi ngọn lửa này trong trái tim để mai kia em truyền lại cho học trò của em. Em nhớ thầy rất cảm động nhưng lại hóm hỉnh, học trò của em sẽ kêu thầy bằng sư tổ đó hả? Em cười run run đón nhận ngọn lửa của thầy và thầm thì, thầy yên tâm, học trò của em sẽ tiếp tục truyền lửa cho học trò của nó nữa để nhớ về "đại sư tổ" hoài hoài...
Rồi năm cuối em ra trường.
Bao nhiêu biến động xảy ra. Không như em nghĩ. Có nhiều bạn sinh viên không có nhiệm sở để nhận vì tình trạng giáo viên cấp 3 ở tỉnh nhà đã "bão hòa" phải chạy vạy tìm việc khác; có bạn được đi dạy nhưng môi trường sư phạm ở đó đã bào mòn nhiệt huyết của bạn ngay từ những ngày lên lớp đầu tiên làm thầy cô giáo.
Có lần em nói với thầy em ước gì được trở lại "ngôi trường của thầy" - cũng là "ngôi trường của em" ngày nào. Nhưng bây giờ ra trường thì ở đó không có nhu cầu nhận giáo viên môn văn nữa...
Em lại viết thư cho thầy. Thư viết là thầy ơi, thư này em không xin thầy tặng quà - vì quà của thầy em đã nhận. Em cũng không xin thầy truyền thêm lửa, vì em ngày nào cũng nhóm lửa nấu nước pha cà phê phụ mẹ em. Nhưng thầy yên tâm, học trò của thầy sẽ luôn xứng đáng với tấm lòng và tình cảm của thầy, với mong muốn và kỳ vọng của thầy. Trước mắt, em sẽ ở nhà vừa buôn bán phụ giúp mẹ em dành dụm tiền, vừa tranh thủ học bài ôn thi lên cao học. Lửa của thầy vẫn còn nguyên vẹn đó, em tin rồi cuộc sống sẽ tươi sáng hơn, mình cứ thương hoài cuộc đời này thì cuộc đời làm sao phụ mình được phải không thầy?
Em đâu có biết lúc thầy đọc thư em, thầy đã rơi nước mắt. Hoài Thương cứ làm cho thầy thương hoài mà cảm động. Chỉ tiếc là em không ở bên cạnh để thầy tìm một câu nói khôi hài nào cho em cười. Thầy chỉ biết tự hỏi rằng, Hoài Thương ơi, trái tim em bao lớn mà sao em cứ hoài thương?
TRẦN TÙNG CHINH(Giảng viên ĐH An Giang)
Áo Trắng số 21 (ra ngày 15-11-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận