04/09/2008 08:00 GMT+7

San Marino, nước cộng hòa tí hon

TRẦN VĨNH AN
TRẦN VĨNH AN

TTO - Châu Ân có một quốc gia bé nhỏ, nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ nên có mức sống khá cao, điển hình là đại công quốc Luxembourg, các công quốc Monaco, Liechtenstein, Andorre, San Marino.

yTYwacEE.jpgPhóng to

Quốc gia chỉ có 27 ngàn dân

Sáng sớm, chúng tôi rời thủ đô Roma nằm ở miền tây nước Ý, băng qua phía đông đến bờ biển Adriatique, đi dọc theo bờ biển lên phía bắc, đến chiều thì nghỉ ở thành phố Rimini. Đây là một thành phố du lịch với những bãi biển đẹp, nhiều khách sạn sang trọng. Nếu phần lớn các thành phố ở châu Âu khá im lìm, vắng vẻ, thì Rimini về đêm lại sáng rực, náo nhiệt với những quán ăn, nhà hàng, hiệu buôn... Du khách đi lại rất tấp nập...

Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành đi San Marino cách Rimini 22km về phía tây. Đường đi vào vùng đồi núi vẫn rộng rãi, hiện đại, nhưng cứ lên cao dần, những ngọn đồi cứ nhấp nhô xuất hiện và những ngôi nhà trên sườn dốc trông thật thơ mộng.

Sau khi chạy ngoằn ngoèo theo một con đường dốc khá cao, xe đưa chúng tôi lên đến đỉnh núi cao nhất (ngọn núi Titan cao 750 mét) và cũng là khu vực trung tâm của San Marino. Xe dừng lại ở một quảng trường để chúng tôi tản bộ dọc các phố. Hàng quán chỉ có vài tiệm cà phê, vài cửa hàng bán sách báo và quà lưu niệm im lìm, vắng vẻ. Chẳng thấy bóng dáng người đi đường, cũng chẳng có xe cộ chạy trên đường! Rồi chúng tôi cũng hiểu ra: mang danh một thành phố, nhưng nơi đây đúng hơn là một thị trấn nhỏ nằm trên sườn núi cao nên dân số rất ít. Cả quốc gia San Marino chỉ có 27 ngàn người sống rải rác trên các triền núi và các thung lũng dưới chân núi với tổng diện tích có 61km2 mà thôi!

Chỗ chúng tôi xuống xe là quảng trường nhỏ mang tên Garibaldi - người anh hùng dân tộc của nước Ý (1807-1882). Trong quá trình đấu tranh, khi bị quân xâm lược Áo truy đuổi, Garibaldi và hai ngàn chiến binh của ông đã đến tị nạn tại San Marino. Người dân ở đây đã ân cần đón tiếp và chăm sóc họ để sau đó họ lại lên đường tranh đấu. Từ quảng trường Garibaldi, chúng tôi trèo lên pháo đài cao nhất trên đỉnh núi Titan có tên Guaita.

Như tổ chim đại bàng

San Marino có ba pháo đài nổi tiếng đều được xây dựng trên đỉnh núi Titan mà cao nhất là Guaita, được xây dựng vào thế kỷ thứ X. Pháo đài thứ hai tên là Ceste được xây dựng từ thế kỷ XIII, pháo đài cuối cùng tên là Montale. Các pháo đài đều đứng cheo leo bên bờ vực, tượng trưng cho ý chí bảo vệ nền độc lập và tự do của cư dân địa phương và được dùng làm nền cho quốc huy, quốc kỳ của San Marino. Từ bãi biển ở Rimini cách xa hơn 20km người ta có thể nhìn thấy các công trình kiến trúc cổ xưa này.

Lên đến pháo đài Guaita, chúng tôi đi dọc bức tường thành bảo vệ để ngắm quang cảnh bên dưới. Cả một không gian rộng lớn đến tận chân trời xa tít lọt vào trong tầm mắt! Một cảm giác thích thú giống như đang được khống chế đất trời. Pháo đài Guaita gợi nhớ hình ảnh một tổ chim đại bàng bất khả xâm phạm trên đỉnh núi cao. Có cảm giác người dân San Marino cũng giống như những con chim đại bàng đã hàng ngàn năm kiên cường bảo vệ pháo đài tự do trên đỉnh núi cao của mình.

Bất giác, tôi so sánh San Marino với Monaco - một quốc gia còn bé nhỏ hơn San Marino, với diện tích chỉ có 2km2. Monaco là một quốc gia rất hiện đại, nhiều kiểu kiến trúc cao tầng nằm san sát nhau, du khách lúc nào cũng đông nghẹt, cuộc sống thật náo nhiệt với rất nhiều thú vui, trò giải trí mà nổi tiếng nhất là sòng bạc Monte Carlo. Trái lại, San Marino là một quốc gia chỉ gồm toàn kiến trúc cổ xưa, không có nhà cao tầng và hình như không có trò giải trí gì hết, du khách vào đây có cảm giác như mình đang lạc vào thế giới của những thế kỷ trước.

Một chút lịch sử

Người San Marino tự hào rằng họ là dân nước cộng hòa lâu đời nhất trên thế giới.

Khu cư dân đầu tiên trên núi Titan xuất hiện vào thế kỷ thứ IV, khi họ theo một người thợ đá tên Marinus đến đây lập nghiệp. Một cộng đồng tự quản dần dần được hình thành. Vào thế kỷ thứ IX, cư dân ở đây được hưởng quy chế tự trị và đến thế kỷ XIII thì chế độ cộng hòa ra đời. Trong quá trình lịch sử, San Marino nhiều lần bị xâm lược nhưng người dân ở đây đã kiên cường đấu tranh để bảo vệ nền tự do chống lại các lãnh chúa quý tộc Ý và có lúc chống lại cả giáo hoàng.

Đặc biệt, người San Marino rất ngưỡng mộ hoàng đế Napoléon Bonaparte của nước Pháp. Vào những năm 1896-1897, khi còn là một viên tướng chỉ huy cuộc hành quân sang nước Ý để đánh đuổi quân Áo, Bonaparte từng tuyên bố: “Cần phải bảo vệ San Marino như một biểu tượng về tự do!”. Napoléon Bonaparte còn gửi một đặc sứ là nhà toán học Monge đến tận núi Titan để bày tỏ tinh thần hữu nghị với nước cộng hòa San Marino. Trong lịch sử của San Marino, chưa bao giờ nền độc lập và tự do của nước cộng hòa này được công nhận một cách dứt khoát và long trọng như lần đó. Hiện nay, con đường dài nhất ở thành phố San Marino mang tên Napoléon Bonaparte.

Thể chế chính trị của San Marino không giống bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nước cộng hòa này có chính phủ nhưng không có tổng thống và thủ tướng. Bản hiến pháp hiện hành ra đời từ ngày 8.10.1600. Cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội đồng (Grand Conseil), tức là quốc hội, gồm 60 đại biểu được dân chúng bầu trực tiếp theo nhiệm kỳ năm năm. Đại hội đồng bầu chính phủ có 10 thành viên với tên gọi là Đại hội nhà nước (Congrès d’Etat), mỗi thành viên là một bộ trưởng. Đại hội Nhà nước bầu ra hai đại úy nhiếp chính (Capitaine-Régent), tức là hai đồng thủ tướng, nhiệm kỳ chỉ có sáu tháng. Bất kỳ quyết định nào của chính phủ đều phải có sự đồng thuận của hai vị đại úy nhiếp chính.

Từ năm 1922, San Marino được chấp nhận là một thành viên của Liên hiệp quốc và thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đội bóng đá của San Marino năm nào cũng tham gia các cúp bóng đá châu Âu, nhưng luôn bị loại ngay từ vòng đầu.

Với dân số 27 ngàn người, mỗi năm San Marino đón hơn 3,5 triệu du khách. Do đó, nguồn thu từ du lịch chiếm hơn một nửa GDP của nước này.

Viện bảo tàng độc đáo

San Marino có một số nhà Hèo, lâu đài cổ có giá trị lịch sử, nhưng quy mô đều nhỏ, không to lớn như các công trình kiến trúc ở các nước châu Âu. Có lẽ thú vị hơn là việc ngắm các vệ binh đứng gác ở các pháo đài, trụ sở cơ quan, với những bộ trang phục rất đẹp, nhiều màu sắc chứ không phải là tòa nhà.

Viện bảo tàng ở San Marino không nhiều, nhưng có một bảo tàng rất độc đáo mà du khách hay đến tham quan: Viện bảo tàng Các dụng cụ tra tấn! Có lẽ trên thế giới chỉ có duy nhất viện bảo tàng như vậy. Du khách thường có cảm giác rờn rợn khi bước vào đây. Toàn bộ lịch sử khủng khiếp về các cách tra tấn, hành hạ thể xác và tinh thần, giết người một cách dã man được dựng lại với hơn 100 loại dụng cụ được trưng bày. Một cái mũ tròn bằng sắt đủ siết vào đầu người, hai chiếc lưỡi cào sắt siết vào nhau để bẻ gãy đầu gối, những chiếc kìm để rứt thịt ra từng mảnh, chiếc lồng sắt để nhốt người dựng đứng... Có những dụng cụ là nguyên bản có từ thế kỷ XVII, XVIII còn được lưu giữ. Có những dụng cụ là phiên bản được dựng theo sự mô tả trong các tài liệu cổ xưa.

San Marino còn có Viện bảo tàng Tội ác thời Trung cổ. Ở đó người ta dựng lại những cảnh tra tấn man rợ từ thời xa xưa. Tất cả những hiện vật và cảnh trưng bày trong hai viện bảo tàng là những bản cáo trạng hùng hồn để người ta lấy đó làm bài học ngăn chặn tội ác. Có lẽ vì thế mà người dân San Marino luôn giữ được những nét thanh bình, ấm êm trong cuộc sống của họ.

TRẦN VĨNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên