![]() |
Nhân viên giao dịch và môi giới trao đổi với khách hàng - Ảnh: T.T.D. |
Đi “săn” cổ phiếu OTC đã trở thành một hoạt động nhộn nhịp vào buổi chiều của các nhà đầu tư chứng khoán khi thị trường chính thức đóng cửa.
Kỳ 1: Chứng khoán ABC Kỳ 2: Lòng tham và nỗi sợ hãi
OTC (viết tắt chữ tiếng Anh over-the-counter) là từ mà “dân chứng khoán” dùng để chỉ thị trường cổ phiếu chưa niêm yết nhằm tránh từ thị trường “chợ đen” nghe ra... không minh bạch. Với tổng giá trị tài sản thị trường ước khoảng 6 tỉ USD, các công ty cổ phần chưa niêm yết đang là miếng mồi ngon hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang kiên nhẫn chờ đợi giờ chúng lên sàn để… hái quả.
Cổ phiếu “quí tộc”
Nói đến thị trường OTC, đề tài nóng nhất chính là cổ phiếu ngân hàng. Dưới mắt giới đầu tư tài chính chuyên nghiệp, hệ thống ngân hàng thương mại có một vị trí đặc biệt trong nền kinh tế VN. Ở các quốc gia phát triển, nền kinh tế được “bơm máu” bằng nhiều “trái tim” khác nhau như thị trường vốn, ngân hàng, trái phiếu chính phủ…, trong khi ở VN hệ thống ngân hàng về cơ bản vẫn là “trái tim” duy nhất. Vì thế, đầu tư vào ngân hàng được nhiều người xem là cách “ăn chắc mặc bền” nhất.
Đánh giá của giới đầu tư đối với các ngân hàng thường có sự phân chia đẳng cấp rõ rệt. Nhóm A gồm các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu, với các tên tuổi đã được khẳng định qua kết quả hoạt động và hàng loạt giải thưởng uy tín như ACB, Sacombank…
Nhóm B là những ngân hàng có lợi nhuận vừa phải, có tiềm năng phát triển nhưng mạng lưới chưa đủ sức trải rộng, vì thế lượng khách hàng còn khiêm tốn. Nhóm C là những ngân hàng không cải cách sẽ sụp đổ. Giá cả cổ phiếu ngân hàng cũng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào chính thương hiệu đó.
Trên thị trường OTC, Ngân hàng ACB đang là đơn vị dẫn đầu với giá trị thị trường lên đến 937,7 triệu USD, kế đến là Techcombank với 466,5 triệu USD, Eximbank 375,4 triệu USD, Đông Á 350,4 triệu USD… Mức giá mà ANZ, HSBC, Standard Chartered… bỏ ra để sở hữu 10% cổ phiếu trong Sacombank, Techcombank, ACB…được đánh giá là “trên trời”, nhưng vẫn có ý kiến cho rằng số tiền này vẫn còn rẻ nếu so với số vốn đầu tư mà các ngân hàng nước ngoài cần có để mở hệ thống chi nhánh bán lẻ. Giới ngân hàng nước ngoài cũng đang chờ đợi Chính phủ cho phép nâng tỉ lệ sở hữu của một đối tác chiến lược trong một ngân hàng VN từ 10% lên 20%, một bước đi mà họ cho là cần thiết để họ có thể yên tâm “dốc tâm dốc sức” hỗ trợ ngân hàng VN đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm. |
Anh Hùng, nguyên là một chuyên viên phòng đầu tư của một ngân hàng quốc doanh, nay bỏ nghề đi kinh doanh chứng khoán, cho rằng trong lúc giá cổ phiếu của các công ty trong các lĩnh vực khác khá bấp bênh thì cổ phiếu ngân hàng vẫn cứ tăng đều đều.
Anh Hùng nói anh không mấy ngạc nhiên khi cổ phiếu Sacombank, một tên tuổi sáng giá nhất nhì trong làng ngân hàng thương mại cổ phần VN, lại chào sàn ngày 12-7 vừa qua với mức giá gây thất vọng là 78.000 đồng/cổ phiếu rồi liên tục rớt giá, trong khi trước đó được giao dịch trên thị trường OTC ở mức ổn định 88.000 đồng/cổ phiếu.
“Thuốc” nào chống rủi ro?
Theo đánh giá của giới đầu tư, thị trường OTC hấp dẫn ở chỗ không phải chịu biên độ dao động giá (+/-5%) như thị trường chính thức, nghĩa là giá mua giá bán tăng giảm như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào thương lượng giữa hai bên. Để mua được giá OTC thấp nhất, theo anh Chấn - một nhà đầu tư trên sàn Bảo Việt - phải tham gia các cuộc đấu giá của các doanh nghiệp nhà nước lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng, song cũng rất khó mua được vì chẳng biết giá nào… trúng để đặt.
Anh Chấn nói mỗi lần đi đấu giá là mất đứt một buổi chiều, mà dạo này gần như chiều nào cũng có đấu giá. Cuối tháng 6-2006, anh đi đấu giá cổ phiếu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex. Tổng khối lượng bán ra chỉ có 174.000 cổ phần nhưng tổng khối lượng đăng ký mua lên đến 637.800 cổ phần với sự cạnh tranh của 352 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.
Xét theo giá khởi điểm là 125.000 đồng/cổ phần, anh quyết mua 100 cổ phần với giá 200.000 đồng/cổ phần. Không ngờ, giá trúng thấp nhất đã là 222.000 đồng/cổ phần, còn giá cao nhất vọt lên đến 1,35 triệu đồng/cổ phần. Tuy nhiên, ở cuộc đấu giá Công ty Lương thực-thực phẩm Vĩnh Long mới đây, anh lại trả hớ vì ban đầu thấy “choáng” trước số lượng nhà đầu tư đăng ký quá đông và khối lượng đặt mua cũng gấp đôi lượng chào bán.
Theo kinh nghiệm các nhà đầu tư, ngoài việc đi đấu giá trực tiếp để mua bán cổ phiếu OTC thì phải trực tiếp đến sàn giao dịch của các công ty chứng khoán. “Đến sàn, qua trao đổi thông tin với nhau sẽ lần ra “bạn hàng”, chứ không thể trông cậy vào các công ty chứng khoán vì đâu phải cổ phiếu OTC nào họ cũng có” - ông Truyền, một nhà đầu tư của sàn ACBS, chia sẻ.
![]() |
Theo dõi phiên giao dịch tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - Ảnh: T.T.D. |
Ước tính giá trị của thị trường OTC khoảng 4 tỉ USD, thậm chí có tổ chức tài chính cho rằng con số này lên đến 6 tỉ USD, vì thế nhiều quĩ đầu tư có xu hướng ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp OTC hơn là DN niêm yết.
Các công ty chứng khoán thường cảnh báo thị trường OTC không dành cho những “tay mơ” vì rủi ro rất cao. Trong khi thị trường chính thức giao dịch theo kiểu “tiền trao cháo múc” thì thị trường OTC dường như không có luật để điều chỉnh.
Trong giới đầu tư vẫn truyền nhau câu chuyện một nhà đầu tư tại Hà Nội đã phải nhảy lầu tự tử vì sau khi thanh toán số tiền mua chứng khoán lên đến hàng chục tỉ đồng, người bán đã cao bay xa chạy, không đến công ty làm thủ tục chuyển sổ cổ đông như đã giao ước.
“Theo thông lệ, người mua và người bán tự giao dịch với nhau, sau đó cùng đến công ty phát hành để làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, có trường hợp nhận tiền rồi dây dưa không đi làm thủ tục khiến người mua phải ngậm đắng nuốt cay vì trước đó không làm hợp đồng”, phó giám đốc một công ty chứng khoán cho biết.
Theo ông, để bảo vệ cổ đông, một số doanh nghiệp OTC đã thuê công ty chứng khoán quản lý sổ cổ đông để việc chuyển nhượng trở nên dễ dàng và an toàn hơn khi công ty chứng khoán xuất hiện như là trung gian của cuộc giao dịch. Tuy nhiên, số doanh nghiệp OTC thực hiện “nghiệp vụ” này vẫn còn rất ỉt ỏi.
Hàng loạt tổ chức đầu tư quốc tế lớn như Merill Lynch, Morgan Stanley, BankInvest… đang chạm ngõ thị trường chứng khoán VN. Họ tìm gì và các nhà quản lý thị trường cần chuẩn bị ra sao để đón những vị khách mới?
Kỳ tới: “Dọn nhà” đón người mới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận