![]() |
Một góc nhà sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi, quận 1 |
Đi tìm và "vẽ lại bản đồ" những phố sách cũng là việc cần thiết nên làm trước khi muốn phát triển du lịch và làm thay đổi diện mạo văn hoá của thành phố theo chiều hướng tiến bộ.
Với du khách tri thức, người ta đến một thành phố, có những điều gây cho họ sự quan tâm đặc biệt về đời sống văn hoá đó là những bảo tàng, những rạp chiếu phim, nhà hát, chợ (hay siêu thị) và những phố sách.
Ghiền mùi sách cũ
Mặc dù nhà sách thì nhiều nhưng cái không khí nhếch nhác cố hữu vẫn còn, có khi sự nhếch nhác lạc hậu lại được đổ thừa cho "thời kinh tế thị trường nó vậy". Nhất là có một điều mà ta vẫn chưa học tập được xứ người là chuyện mở hành lang, băng ghế cho những người yêu sách được ngồi đọc sách khi họ không đủ tiền mua, hoặc tham khảo và đọc so trước khi mua. Trong nhà sách, người ra kẻ vào còn ngổn ngang. Có những cô cậu sinh viên học sinh, những người lớn tuổi vì trót mê sách quá, không có tiền phải lót dép ngồi bệt đọc "cọp" hàng giờ, rồi thế nào cũng bị nhân viên nhà sách đuổi khéo…
Sài Gòn có hẳn những phố sách cũ chuyên bán hàng hiếm như trên đường Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai hay thỉnh thoảng trong những hẻm nhỏ ở gần chợ Thị Nghè, lại lọt thỏm những tủ sách quý của gia đình mà chủ nhân là những ông già mắt kính cận như đít chai, suốt ngày bán sách không bán, trễ nải dán mắt vào cuốn kiếm hiệp cũ, dày cả gang tay.
Với dân mọt sách và trọng sách, đây là những kho tàng vô giá. Có những cuốn sách tuỳ bút triết học của Phạm Công Thiện, thơ Thanh Tâm Tuyền, truyện dịch của Bùi Giáng… của Lá Bối, An Tiêm và nhiều trí thức miền Nam trước 1975. Những tập thơ từ thời thơ Mới chắc lưu lạc hơn chục đời chủ nay lại hẩm hiu ở những tủ sách cũ.
Những cuốn sách thời “tình thương mến thương” người ta đề tặng nhau, ấy vậy mà qua thơi gian, qua nhiều dâu bể, món quà của tấm lòng kia lại trôi dạt giữa thiên hạ. Thế trở nên quý. Mua cuốn sách cũ có khi lên đến vài trăm ngàn, cả triệu đồng. Giấy đen, mực nhoè, những nét chữ và cả những bút tích: "thân tặng, thương tặng", "ngày hết tiền" hay "những ngày tết không về"…
Cái không khí tuyệt vời khi bước chân vào những hiệu sách cũ là ngửi được cái mùi sách. Một mùi xưa hơn cả những ngày xưa. Và những hình dung về thuở người ta còn chong đèn ngồi với cuốn sách này trên từng gác cũ, hay phải chuyền tay nhau đọc để đỡ tốn tiền mua sách, thấy ấm áp cái tình của sách. Những trang giấy nhàu, có khi qua mưa qua nắng mà bong dày lên, nét chữ nhạt nhoà. Nhưng có khi cầm một cuốn sách cũ là cầm trên tay cả một món quà từ thời gian bất ngờ mang lại…
Sách mới mà… "xôn"
Sài Gòn hôm nay cũng khang trang với những hiệu sách mới. Trước 1975, các nhà sách Xuân Thu (trước đó còn có tên Albert Portail) trên đường Đồng Khởi. Nhà sách Khai Trí mà nay Fahasa đổi thành nhà sách Sài Gòn từng là nơi ghé chân của trí thức miền Nam. Nay hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nhiều nét văn hoá đặc biệt sự sang trọng và vai trò cập nhật trong phát hành sách tại Sài Gòn.
Với nhiều người sống trước 1975 tại Sài Gòn, mỗi thứ bảy, chủ nhật vẫn có thói quen dạo hiệu sách Xuân Thu, Nguyễn Huệ... tìm sách và còn giữ một không gian sinh hoạt văn hoá đọc, một thói quen thâm trầm mà lịch lãm của người Sài Gòn.
Về sau, một hệ thống những nhà sách của FAHASA, Nguyễn Văn Cừ, Thăng Long, Nhân Văn, Phương Nam… mở ra làm cho đời sống của sách có vẻ ngày càng sinh động. Từ cái bề ngoài ấy, có thể thấy nhu cầu đọc và mê sách của người Sài Gòn rất lớn. Nhiều người, cứ đến thứ bảy lại có thói quen rủ nhau đi nhà sách có khi chỉ là "window-shopping" (đi xem) thôi, nhưng đứng trước những cuốn sách hay thì khó mà cầm lòng cho đặng. Nhiều người thú nhận không dám đi nhà sách nếu chưa đưa lương về nhà "cống nộp"… cho bà xã!
Những nhà sách hôm nay có máy lạnh, camera theo dõi, có cả gian bán văn hoá phẩm, băng đĩa…, sự tiện nghi và điều kiện không gian có thể nói phần lớn đã đạt chuẩn. Nhưng tính chuyên nghiệp trong phục vụ vẫn còn phải bàn, ít ra là văn hoá của những nhân viên phục vụ.
Một lần, báo chí đưa tin về trường hợp em nhỏ phải đeo bảng: "Đây là kẻ ăn cắp sách" khi em không có tiền, đã lén lút lấy của nhà sách một cuốn sách và bị phát hiện. Một lần khác, tại nhà sách Quỳnh Mai trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều người ngạc nhiên thấy một nhân viên nhà sách khoá tay, đánh tơi bời một anh chàng sinh viên khi phát hiện anh ta giấu sách trong người… Và dân mọt sách có lẽ không ai không vài lần chứng kiến cảnh nhân viên nhà sách đuổi những người đọc sách cọp cũng như thái độ theo dõi "chăm sóc" quá kỹ lưỡng khiến khách đến nhà sách không có cảm giác thoải mái là mấy, mặc dù đã có camera…
Văn hoá nhà sách có thể được đánh giá từ những việc nho nhỏ như thế.
Với hệ thống những nhà sách phong phú như ở Sài Gòn, ngày hôm nay, đã xuất hiện thêm nhiều hiệu sách mới bán sách giảm giá (theo mô hình phố Đinh Lễ- Nguyễn Xí- Hà Nội). Một dãy những nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai như: Quỳnh Mai 1, Quỳnh Mai 2, Nhân Văn, Thời Đại… đã có những chế độ giảm giá bán 30- 40% nhờ tránh được nhiều phí tổn phát hành.
Gần đây, sách còn tràn ra đường phố giảm giá 30-50% khiến cho dân ghiền sách hồ hởi nhưng rồi lại thấy ngậm ngùi vì "sách bây giờ sao giống đồ xôn quá!". Đấy là chưa nói trên đường Đồng Khởi, Phạm Ngũ Lão, nhiều tủ sách ngoại văn "di động" cứ chạy ngược chạy xuôi, chưa có những quy hoạch ki-ốt đàng hoàng, những góc riêng sách dành cho du khách làm cho một hình ảnh lẽ ra sang trọng lịch lãm hoá ra tầm thường.
Sài Gòn, nhà sách vẫn ít hơn quán nhậu, nhưng cần phải nghĩ, phải vui và buồn với nó nhiều hơn bất cứ điều gì khi đặt chân đến thành phố này. Bởi nó góp phần làm nên diện mạo của Sài Gòn phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận